Chùm ảnh diễn biến sự kiện đẫm máu Thiên An Môn ở Trung Quốc
Ngày này (4.6) cách đây 25 năm về trước, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã dùng xe tăng và binh sĩ tấn công vào những người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn.
Cuộc biểu tình bùng phát vào tháng 4.1989, với phần lớn người tham gia là sinh viên, theo trang tin tức The Atlantic (Mỹ).
Vào ngày 20.5.1989, tình trạng thiết quân luật đã được thiết lập và quân đội đã được điều động đến Thiên An Môn.
Từ tối 3.6 đến đầu ngày 4.6 (giờ địa phương), PLA đã cho xe tăng vào quảng trường cán một số người biểu tình và binh sĩ cũng đã bắn vào nhiều người khác, The Atlantic cho biết.
Bắc Kinh chưa bao giờ công bố con số thương vong, nhưng theo ước tính của các nhà hoạt động thời đó, đã có từ vài trăm đến vài ngàn người chết.
Được biết, vào hôm 3.6, Trung Quốc đã bắt giữ nhiều nhà bất đồng chính kiến trong nước và tiến hành một chiến dịch an ninh quy mô chưa từng có tại trung tâm Bắc Kinh để ngăn các hoạt động kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn lần thứ 25.
Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh cũng chỉ đạo khóa một số trang web của Google tại Trung Quốc, AFP cho hay.
Sau đây là những hình ảnh ghi nhận lại sự kiện Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 được đăng tải trên AFP và Reuters:
Hòa cùng khoảng 200.000 người biểu tình tiến vào Quảng trường Thiên An Môn, một sinh viên Trung Quốc giơ cao biểu ngữ kêu gọi ủng hộ một Trung Quốc dân chủ vào ngày 22.4.1989
Sinh viên Trường đại học Bắc Kinh tham gia biểu tình tuyệt thực vô thời hạn phản đối chính phủ Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 18.5.1989
Những người biểu tình ủng hộ dân chủ giơ cao nắm đấm và biểu tượng chiến thắng tại Bắc Kinh khi đang ngăn không cho một chiếc xe tải quân sự chở lính tiến vào Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 20.5.1989, ngày cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng ban bố tình trạng thiết quân luật
Một chiếc trực thăng quân đội rải truyền đơn tại Quảng trường Thiên An Môn, yêu cầu các sinh viên biểu tình rời khỏi quảng trường này ngay lập tức vào ngày 22.5.1989
Video đang HOT
Một sinh viên khoa mỹ thuật tạc tượng “Nữ thần Dân chủ”, cao 10 m, tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 30.5.1989. Bức tượng này đã được đặt trước Đại lễ đường Nhân dân và trước Đài Tưởng niệm Các Anh hùng Nhân dân để quảng bá cho cuộc biểu tình chống chính phủ Trung Quốc. Trong thông cáo của mình, các sinh viên tạc bức tượng cho biết: “Hôm nay, tại Quảng trường Nhân dân, Nữ thần của nhân dân đứng sừng sững và thông báo với toàn thế giới rằng: Sự thức tỉnh về dân chủ đã trỗi dậy trong lòng người dân Trung Quốc. Một thời kỳ mới đã bắt đầu”
Một sinh viên biểu tình chống chính phủ Trung Quốc kêu gọi binh lính trở về nhà trong khi càng nhiều người tràn vào trung tâm Bắc Kinh ngày 3.6.1989
Những người lính Trung Quốc chen lấn với đám đông người biểu tình tại trung tâm Bắc Kinh vào ngày 3.6.1989
Binh sĩ PLA nhảy qua một hàng rào để tràn vào Quảng trường Thiên An Môn ngày 4.6.1989 để trấn áp người biểu tình. PLA được cho là đã được lệnh quét sạch biểu tình khỏi quảng trường không chừa một ai trước 6 giờ sáng hôm sau
Một xe thiết giáp bị người biểu tình đốt cháy gần Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4.6.1989
Một cô gái bị thương do xô xát với quân đội đang được cáng ra khỏi Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4.6.1989
Một lính lái xe tăng quân đội Trung Quốc được một số sinh viên giúp đỡ sau khi anh này bị đám đông biểu tình tấn công tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4.6.1989
Một phóng viên nước ngoài bị thương trong các vụ đụng độ giữa quân đội và người biểu tình đang được cáng ra khỏi Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4.6.1989
Binh sĩ Trung Quốc áp giải một người đàn ông bị còng tay tại Bắc Kinh hồi tháng 6.1989 trong giai đoạn quân đội và cảnh sát lùng bắt những người có liên quan đến cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn
Một người dân đứng chắn trước hàng xe tăng quân đội Trung Quốc vào ngày 5.6.1989 để phản đối việc chính phủ đàn áp người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn
Đứng cạnh một chiếc xe tăng đậu gần một tòa nhà ngoại giao chính phủ ở Bắc Kinh, một người lính Trung Quốc cầm súng dọa nạt người đi đường
Một người dân Bắc Kinh ngụ ở khu vực phía tây Quảng trường Thiên An Môn trưng ra đầu viên đạn đã bay xuyên qua cửa sổ căn hộ anh này
Người dân Bắc Kinh đứng nhìn những chiếc xe thiết giáp bị người biểu tình đốt cháy nhằm ngăn không cho quân đội di chuyển vào Quảng trường Thiên An Môn vào hôm 4.6.1989
Du khách và nhân viên an ninh tụ tập tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4.6.2012. Rất nhiều camera an ninh được thấy trên từng cột đèn ở quảng trường
Cảnh sát kiểm tra hình chụp của một người đàn ông tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4.6.2012, ngay dịp lễ kỷ niệm lần thứ 23 sự kiện Thiên An Môn
Tại Công viên Chiến Thắng ở Hồng Kông vào ngày 4.6.2012, hàng chục ngàn người Hồng Kông tham gia vào lễ thắp nến tưởng niệm sự kiện quân đội Trung Quốc trấn áp người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989
Người dân Hồng Kông tham gia vào lễ thắp nến tưởng niệm sự kiện quân đội Trung Quốc trấn áp người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989
Cảnh sát vũ trang Trung Quốc đứng gác tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4.6.2014
Các ngã đường tiến vào Quảng trường Thiên An Môn đều được canh gác nghiêm ngặt từ đầu tháng 6
Theo Thanh Niên
Trung Quốc siết chặt an ninh trước kỷ niệm thảm sát Thiên An Môn
Trung Quốc đã bắt giữ nhiều nhà bất đồng chính kiến trong nước và tiến hành một chiến dịch an ninh quy mô chưa từng có tại trung tâm Bắc Kinh để ngăn các hoạt động kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn lần thứ 25.
Cảnh sát Trung Quốc tuần tra tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
Vào tối ngày 3.6.1989, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã cho xe tăng giải tán người biểu tình ủng hộ tuần hành ở Quảng trường Thiên An Môn, phần đông là sinh viên, theo trang tin Financial Times.
Bắc Kinh chưa bao giờ công bố con số thương vong trong vụ việc nói trên, nhưng một số nhà quan sát độc lập ước tính đã có hơn 1.000 người thiệt mạng, AFP cho hay.
Ngoài ra, bất kỳ bình luận, phát biểu công khai về sự kiện này cũng bị cấm đoán, theo Financial Times.
Hơn 50 người, bao gồm các nhà hoạt động, luật sư, nhà báo và người thân của những sinh viên bị giết hại trong năm 1989 đã bị quản thúc tại địa phương, bị bắt giữ hoặc "biến mất" trong vài tuần qua vì ý định kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn, Financial Times dẫn lời các nhóm nhân quyền Trung Quốc cho biết.
Các nhà tổ chức biểu tình thông tin đã có khoảng 3.000 người xuống đường tuần hành kêu gọi chính quyền Bắc Kinh thả những nhà hoạt động bất đồng chính kiến đang bị giam và chính thức thừa nhận vụ đàn áp đẫm máu.
Vào hôm 1.6, hàng ngàn người biểu tình ủng hộ dân chủ đã tuần hành ở đặc khu Hồng Kông nhân ngày kỷ niệm lần thứ 25 sự kiện Thiên An Môn. Cảnh sát Hồng Kông cho biết số người biểu tình khoảng dưới 1.900.
Theo AFP, Hồng Kông là vùng duy nhất của Trung Quốc tổ chức lễ tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn một cách công khai.
"Trong nhiều năm nay, đã liên tục có những cuộc đấu tranh với hy vọng tìm ra chân lý và cho một Trung Quốc dân chủ. Việc này đã kéo dài từ 25 năm nay", Richard Tsoi Yiu-cheong, một người biểu tình, nói với AFP.
"Người dân Hồng Kông có trách nhiệm thể hiện sự ủng hộ vì chúng tôi vẫn được bảo vệ về nhân quyền", ông Tsoi nói.
Theo TNO
Trung Quốc thắt chặt an ninh trước kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn Một chiến dịch đảm bảo an ninh được triển khai ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, chỉ ít ngày trước dịp kỷ niệm 25 năm sự kiện quân đội giải tán những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn. Cảnh sát Trung Quốc trên quảng trường Thiên An Môn. Ảnh minh họa: The Week. Theo FT, từ...