Chục ký hành không đổi nổi tô phở, ai là người có lỗi?
“Trả lời báo chí tại kỳ họp này, Bộ trưởng nói rằng, đừng đổ lỗi cho nông dân. Vậy ai là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm trước tình hình dưa hấu, hành tím ế ẩm thời gian qua?”, đại biểu chất vấn Bộ trưởng Công Thương.
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về đầu ra cho nông sản, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) nêu lại thực tế: Cách đây đúng 3 năm, hành tím Sóc Trăng rơi vào cảnh được mùa rớt giá, chục ký hành không đổi nổi bát phở.
Lúc đó Bộ trưởng đã trả lời chất vấn và hứa phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các cơ quan tạo điều kiện hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tìm ra kênh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân trồng sản phẩm này…
Ai là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm trước tình hình dưa hấu, hành tím ế ẩm thời gian qua?
“Trả lời báo chí tại kỳ họp này, Bộ trưởng nói rằng đừng đổ lỗi cho nông dân. Vậy ai là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm trước tình hình dưa hấu, hành tím ế ẩm thời gian qua?”, đại biểu hỏi.
Thừa nhận trách một phần trách nhiệm của mình trong công tác dự báo thị trường, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sản lượng hành tím bình quân của Việt Nam khoảng trên 100.000 tấn/năm, trong đó tiêu thụ trong nước 20%, xuất khẩu 80%, chủ yếu là sang Indonesia. Năm 2014, Indonesia đột ngột đưa ra chính sách hạn chế nhập của Việt Nam (theo họ, lý do là vì đã tự trồng được hành tím trong nước).
Cũng theo Bộ trưởng, năm nay, sản lượng hành tím không tăng đột biến nhưng bị dư thừa nhiều.
“Họ khuyến khích nông dân tự trồng hành trong nước nên hạn chế nhập khẩu, tuy không công khai điều này nhưng nội bộ đã triển khai phương án, ảnh hưởng đến nước ta. Điều này có phần trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc chưa kịp thời dự báo. Tuy vậy, các địa phương cũng cần xem lại quy hoạch hành tím vì thời gian tới việc xuất khẩu mặt hàng này là rất khó khăn”, Bộ trưởng Hoàng dự báo.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sản phẩm nông nghiệp, nhất là rau quả có thời vụ ngắn, trồng phân tán ở nhiều địa phương, nên việc đưa đi tiêu thụ khắp đất nước và xuất hàng sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển. Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển hệ thống phân phối, lưu trữ, bảo quản các sản phẩm này, trong đó có hệ thống chợ.
Video đang HOT
Hiện Việt Nam đã có 8.500 chợ được cải tạo, xây dựng mới, chủ yếu là ở nông thôn, góp phần tiêu thụ khoảng 40% tổng khối lượng hàng hóa bán lẻ. Hệ thống khoảng 900 trung tâm thương mại và siêu thị tiêu thụ 30% sản phẩm hàng hóa trong nước.
Tính chung trên địa cả nước, giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm trung bình khoảng 40%, góp phần vào việc tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Hiện tại, thị phần chợ ở địa bàn nông thôn chiếm từ 50 – 70%.
Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống kho bãi để phân loại, lưu trữ hàng hóa trong nước và nước ngoài, dịch vụ hậu cần với 1.200 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến vận tải đa phương thức. Tuy nhiên, quy mô của các Trung tâm logistics nhìn chung còn nhỏ (dưới 10 ha), chủ yếu phục vụ một số doanh nghiệp trong khu vực khu công nghiệp hoặc một tỉnh, thành, chưa phát triển được đến quy mô phục vụ một ngành hoặc một vùng kinh tế.
Trước việc đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) lo ngại về việc suy giảm hoạt động xuất khẩu, nhất là những mặt hàng nông nghiệp trong những tháng đầu năm, khiến cho sản xuất, đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn, bức xúc, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản gặp một số khó khăn về thị trường, giá cả, khiến kim ngạch xuất khẩu chung của cả nhóm giảm 9,5% so với cùng kỳ (đạt 8,14 tỷ USD).
Theo lý giải của Bộ trưởng, lượng xuất khẩu giảm là nguyên nhân chính làm giảm kim ngạch cả nhóm (trừ thủy sản, rau quả do không thống kê lượng). Tính chung 5 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu giảm làm giảm kim ngạch xuất khẩu cả nhóm 516 triệu USD.
Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu của Việt Nam như EU, Nhật Bản do tỷ giá đồng đô la thấp nên xuất khẩu sang các thị trường này đạt thấp hơn so với cùng kỳ.
Dự báo xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản sẽ gặp khó khăn trong năm 2015 nên ngay từ đầu năm Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản, góp phần hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.
Vậy nên, Bộ trưởng tin tưởng, việc suy giảm hoạt động xuất khẩu trong 5 tháng qua mang tính nhất thời. Bởi cùng với việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã đàm phán, ký kết, việc nâng cao chất lượng, năng suất các mặt hàng nông sản, chắc chắn trong thời gian tới, tình hình này sẽ được cải thiện.
Nguyễn Hiền
Theo Dantri
Ưu tiên dự báo thị trường nông sản
ĐBQH đề nghị Chính phủ cần ưu tiên hiện đại hóa nông nghiệp, trước mắt ưu tiên dự báo thị trường để người nông dân yên tâm sản xuất đảm bảo sản phẩm hàng hóa làm ra có nơi tiêu thụ.
Tránh tình trạng đầu tư tràn lan
Đặt vấn đề về vai trò định hướng của các bộ, ngành, chính quyền địa phương với việc sản xuất nông sản, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt câu hỏi: Trách nhiệm, vai trò của chính quyền, của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu mà để lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, dưa hấu bị ế ẩm? "Bây giờ người ta đang nói nhiều về cây mắc ca, nhiều nơi đang trồng ồ ạt. Liệu có lặp lại tình trạng làm nhiều nhưng không có đầu ra? Liệu mắc ca có rơi vào tình trạng như khoai lang, hành tím nữa không?" - ĐB Đương đặt câu hỏi.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt câu hỏi về vai trò của cơ quan nhà nước trong việc để xảy ra tình trạng nông sản ế ẩm. Ảnh: Như Ý
Cùng chung đánh giá, ĐB Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) thẳng thắn, đầu ra cho nông sản không phải là vấn đề mới. Giải pháp cũng đã có nhưng vẫn không thoát được điệp khúc được mùa mất giá. "Cần có dự báo và cập nhật nhu cầu thị trường cả nội thương và xuất khẩu để làm căn cứ, định hướng quy hoạch, hướng dẫn sản xuất. Bên cạnh đó, việc kiểm tra thực hiện quy hoạch phải có hiệu quả, việc quản lý điều hành sản xuất phải được thực hiện tốt hơn, tránh đầu tư tràn lan nhưng không gắn với thị trường" - ĐB Bình kiến nghị.
Cùng chủ đề này, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: Năm nào chúng ta cũng được nghe điệp khúc "được mùa rớt giá". Điều này gây bức xúc cho người nông dân. Từ đó, ông Vinh đưa ra nhận định: Mặc dù đã có đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nhưng việc thực hiện vẫn còn lúng túng trong tổ chức sản xuất, việc hình thành các mô hình, chuỗi liên kết còn hạn chế. "Chính phủ cần ưu tiên hiện đại hóa nông nghiệp, trước mắt ưu tiên dự báo thị trường để người nông dân yên tâm sản xuất đảm bảo sản phẩm hàng hóa làm ra có nơi tiêu thụ"- ĐB Vinh đề nghị.
Sự khôn ngoan của người nông dân đã đủ?
Nhiều ĐB đã tỏ ra nóng ruột với tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, sau khi chỉ ra những bất cập, hạn chế của đề án này. ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, việc thực hiện đề án này vẫn còn trong tình trạng loay hoay, chưa xoay xở được gì nên người nông dân vẫn phải chịu cảnh trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải lo đến giá cả và nơi tiêu thụ. "Các nhà chuyên môn có khuyến cáo là người nông dân phải khôn ngoan hơn trong quyết định chọn lựa vật nuôi, cây trồng, đáp ứng được thị trường tiêu thụ. Nhưng họ không được tham gia quyết định giá cả của sản phẩm mà họ làm ra, như vậy, sự khôn ngoan của người nông dân đã đủ lực để giải quyết vấn đề này hay chưa?" - ĐB Bé bày tỏ.
ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá Chính phủ đã triển khai rất nhiều chương trình, dự án hỗ trợ tín dụng nhằm hỗ trợ nhân dân mua máy móc, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. "Tuy nhiên, quá trình thực thi còn những hạn chế. Nguyên nhân chính do một số quy định về vay vốn không phù hợp. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi còn gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp sản xuất áp dụng công nghệ cao"- ĐB Công phân tích.
Góp ý vào giải pháp để tạo ra đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) khẳng định cần hoàn thiện văn bản về ứng dụng nâng cao phát triển công nghệ cao để nâng giá trị ngành nông nghiệp. Theo ĐB Vở, đến nay đã qua 4 kỳ họp, tức 2 năm trôi qua nhưng vẫn chưa ban hành được cơ chế chính sách để thúc đẩy vấn đề này. "Theo tôi, để giải quyết tiêu thụ nông sản, chúng ta phải giải quyết việc xây dựng khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời Bộ NNPTNT cần phối hợp các bộ, ngành khác hình thành các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, như thế mới đạt hiệu quả"- ông Vở nhấn mạnh.
Trước một số vấn đề còn tồn tại, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giải đáp: Đối với vấn đề hỗ trợ ngư dân, Chính phủ đã triển khai các chính sách theo Nghị định 67. Chính sách hướng đến 2 mục tiêu chính: Đó là khuyến khích ngư dân bám biển và tổ chức sản xuất nghề cá trên biển. Theo Phó Thủ tướng, khi thiết kế chính sách 67, Chính phủ đã định hình nhiều nội dung khá đồng bộ, toàn diện như: Đầu tư hạ tầng với định hướng đồng bộ, kể cả các cảng cá, khu tránh trú neo đậu tàu thuyền; khuyến khích tổ chức sản xuất, hậu cần nghề cá; miễn giảm thuế, lệ phí trước bạ, hỗ trợ duy tu bảo dưỡng, hỗ trợ chi phí cho vay lãi suất, vận hành tàu dịch vụ nghề cá, hỗ trợ tàu nâng cấp, đóng mới... "Có thể nói các chính sách này đã đi đúng hướng"- ông Ninh khẳng định
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân- Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam: 4 yếu điểm của ngành nông nghiệp
Phát biểu tại nghị trường, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (Bắc Giang) cho rằng: Hơn 20 năm qua, năng suất cây, con đã tăng lên, sản lượng gạo, tiêu, điều, cao su tăng lên. Tuy nhiên, hiện có tới 4 bất cập tồn tại trong ngành nông nghiệp, đó là: Được mùa rớt giá; thiếu vốn; thu nhập nông dân thấp vì 47% lao động mà chỉ đóng góp 19% giá trị GDP, tức bằng 1/3 lao động trong công nghiệp; xuất khẩu không ổn định.
Theo ông Nhân, hiện có sự không tương thích giữa quan hệ sản xuất và lao động trong nông nghiệp, bởi đa số doanh nghiệp trong nông nghiệp có quy mô nhỏ. Cụ thể, nước ta có hơn 10 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có tới 80% số hộ có diện tích canh tác dưới 1ha. Cả nước có 4 triệu hộ nuôi lợn thì có 70% số hộ nuôi dưới 5 con, 7 triệu hộ nuôi gà thì có 60% nuôi dưới 49 con. Lực lượng chủ đạo của 10 triệu hộ với 2 lao động/hộ, hầu hết không qua đào tạo nghề. "Để liên kết các hộ, chúng ta đã hình thành các hợp tác xã, nhưng do chưa nhận thức đầy đủ nên hợp tác kinh tế chưa đầy đủ, cả nước có 10.000 HTX, nhưng chỉ có 10% hoạt động có hiệu quả. Chính vì thế, phần lớn các hộ xã viên bán sản phẩm không biết bán cho ai, bán để làm gì"- ông Nhân đánh giá. Ông Nhân cho rằng, các hộ đơn lẻ, cá thể không thể nghiên cứu, dự báo thị trường, chúng ta đòi hỏi nông dân phải sản xuất theo thị trường nhưng nông dân không thể biết đó là bao nhiêu, mà chỉ có HTX và doanh nghiệp mới thực hiện được; cho nên chỉ có liên kết thành HTX mới giải quyết được. Với 10 triệu hộ nông dân, chúng ta cần hình thành 30.000-33.000 HTX.
ĐBQH Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ KHĐT : Đừng phê phán FDI
"Chúng ta không nên phê phán quá nhiều đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thực tế rất nhiều nước cũng muốn thu hút FDI. Chúng ta thử hình dung, nếu không cho FDI vào, kinh tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như Samsung, chỉ một dự án họ đã giải ngân 11,3 tỷ USD và thu hút tới 400.000 lao động. Họ xuất khẩu sản phẩm chiếm tới 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu nước ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đầu tư phát triển doanh nghiệp trong nước,. Bản thân tôi làm việc với các doanh nghiệp FDI, họ cũng rất muốn các doanh nghiệp trong nước có thể cung cấp các thiết bị phụ trợ, bởi như Samsung nếu họ thấy đầu tư vào Việt Nam mà không có các doanh nghiệp như vậy, họ cũng thấy không có hiệu quả. Vì đầu tư vào Việt Nam nhưng vẫn phải nhập các sản phẩm phụ trợ từ Hàn Quốc, thì họ đầu tư làm gì".
Ngọc Lê (ghi)
Theo_Dân việt
Ngựa kéo thuê kiếm tiền triệu cho gia chủ Hàng ngày, những chú ngựa được gắn xe kéo đơn sơ vẫn đều đặn chở rau củ, hoa quả,... thậm chí chở cả rác kiếm hơn chục triệu mỗi tháng để nuôi gia chủ. Những chiếc xe ngựa đơn sơ như giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo và giúp cải tạo môi trường sống - Ảnh: K' Liệp Đến với huyện Đơn...