Chuẩn bị tốt để đón đầu
Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, sự hỗ trợ nguồn vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất… của các ngân hàng là nguồn tiếp sức rất lớn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Nhìn thấu những bất lợi các doanh nghiệp phải đối mặt, ngày 4-3-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Thực hiện chỉ thị này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/ 2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, nhiều ngân hàng thương mại sẵn sàng chia sẻ để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh việc cơ cấu lại các khoản nợ với số tiền lên đến cả chục nghìn tỷ đồng, các ngân hàng còn đăng ký cung ứng tổng số vốn 285.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung 0,5%-1% dành cho doanh nghiệp. Và thực tế, các ngân hàng đã cho 47.000 khách hàng vay gần 80.000 tỷ đồng (30% gói tín dụng).
Tuy nhiên, sự hỗ trợ của ngân hàng còn chưa đến được với không ít doanh nghiệp. Một bộ phận doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ do thiếu nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn… Hay nói cách khác, có vay được tiền, cũng khó mở rộng được sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, một bộ phận doanh nghiệp có ý định vay vốn lại vấp phải những ràng buộc, điều kiện từ phía ngân hàng như phương án kinh doanh hiệu quả, tài sản thế chấp…
Thực tế cho thấy có sự bất cập khi ngân hàng không thiếu tiền cho vay, nhưng thiếu kênh vay; còn doanh nghiệp đang rất cần sự trợ giúp, nhưng sức hấp thụ kém nên chưa dám mạo hiểm vay dù lãi suất rất hấp dẫn. Với tình cảnh đó, việc hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh rất có ý nghĩa lúc này.
Theo đó, các cấp, các ngành tiếp tục bám sát diễn biến của dịch, dự báo sát thực tiễn để khuyến cáo doanh nghiệp ứng phó kịp thời. Đồng thời có giải pháp tiếp tục cụ thể hóa những yêu cầu, nhiệm vụ đề ra tại Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng trong việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Video đang HOT
Ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp có mối quan hệ khăng khít, “đôi bên cùng có lợi”. Xét về khía cạnh nào đó, việc ngân hàng “cứu” doanh nghiệp trong lúc này cũng là chính là tự cứu mình. Thông điệp hỗ trợ doanh nghiệp của ngành Ngân hàng trong thời gian qua đã nhanh chóng biến thành những hành động rất thiết thực, từ việc cơ cấu lại các khoản nợ đến hỗ trợ tín dụng. Song, những thiệt hại do ảnh hưởng của Covid-19 với doanh nghiệp sẽ còn lâu dài. Do đó, những chính sách hỗ trợ này rất cần được thay đổi linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch.
Ngành Ngân hàng cần sớm gặp gỡ, đối thoại với đại diện cộng đồng doanh nghiệp để tìm ra giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay. Các ngân hàng thương mại xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ đúng chủ thể, không cào bằng và có chọn lọc. Đặc biệt, cần quan tâm đến doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi là đối tượng chiếm số lượng lớn, “ sức khỏe” lại yếu khó có khả năng chống chọi với khủng hoảng lớn.
Đến thời điểm này, ngành Ngân hàng vẫn khẳng định hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh sau khi dịch Covid-19 lắng xuống. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động đánh giá tình hình, tìm hướng đi phù hợp, tận dụng hiệu quả sự hỗ trợ này…
Sau dịch bệnh, nền kinh tế sẽ phát triển bật lên như chiếc lò xo bị nén lâu ngày. Vậy nên, ngành Ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp cần tích cực hỗ trợ nhau chuẩn bị tốt để đón đầu thời điểm đó, sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Minh Thúy
Hỗ trợ tín dụng khắc phục khó khăn do Covid-19: Quan trọng là trúng và đúng
Vừa tạo điều kiện tối đa về thẩm quyền, vừa làm rõ trách nhiệm của các bên để bảo đảm hỗ trợ đúng, khách quan và không bị lợi dụng là quan điểm xây dựng văn bản pháp lý làm cơ sở cho các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp. Có ý kiến cho rằng, thực thi điều này là không dễ dàng và việc "lách" chính sách có thể xảy ra, đặc biệt khi nguồn lực thanh kiểm tra chưa hẳn đã đáp ứng được.
Ngân hàng Nhà nước đang kêu gọi các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dự kiến có khoảng 950 nghìn tỷ đồng dư nợ tín dụng có khả năng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, chiếm khoảng 13% dư nợ của các tổ chức tín dụng. Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, NHNN đang kêu gọi các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ với số tiền ước tính ở mức 285 nghìn tỷ đồng.
Để các tổ chức tín dụng có cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định việc thực hiện nội dung trên. Quan điểm của NHNN là tạo điều kiện tối đa về thẩm quyền trách nhiệm để các tổ chức tín dụng phối hợp cùng với khách hàng vay vốn xem xét quyết định mức độ thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu các khoản vay, các khó khăn do tác động của dịch bệnh. Đồng thời, thông tư cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và khách hàng vay vốn khi thực hiện chính sách hỗ trợ này, bảo đảm đúng đối tượng, khách quan và không bị lợi dụng.
Bình luận về việc ban hành thông tư này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, cần hết sức cân nhắc các quy định bởi hoạt động cho vay là nghiệp vụ của ngân hàng với các tiêu chuẩn định lượng cụ thể, do đó, việc kêu gọi ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp là cần thiết nhưng trở thành quy định mang tính pháp lý là việc cần thận trọng.
"Doanh nghiệp là nguồn sống của ngân hàng. Vì thế, nếu doanh nghiệp có tiềm năng trả nợ, các ngân hàng sẽ cho vay, đặc biệt trong giai đoạn nhiều doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh như hiện nay. Còn trong trường hợp triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp kém, thì việc cho vay gượng ép sẽ có thể để lại gánh nặng lớn hơn cho cả ngân hàng", ông Đức nói.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc lợi dụng chính sách này hoàn toàn có thể xảy ra từ cả ngân hàng và doanh nghiệp. Chẳng hạn, một doanh nghiệp có khoản vay đã đến hạn trả nợ nhưng vin vào lý do dịch bệnh và xin gia hạn trả nợ dù họ không bị ảnh hưởng. Từ phía ngân hàng, ngân hàng cũng có thể dựa vào việc cho phép gia hạn, giữ nhóm nợ để cơ cấu lại nợ qua đó giữ nguyên hoặc giảm nợ xấu và giảm mức trích lập dự phòng rủi ro.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, có thể ngăn chặn việc lợi dụng chính sách bằng cách yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo NHNN cụ thể về số lượng, hạn mức, lý do thực hiện gia hạn, chuyển nhóm với từng khoản vay cụ thể, sau đó NHNN thực hiện thanh kiểm tra.
Mặt khác, theo vị chuyện gia này, việc hỗ trợ tín dụng được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh trước mắt, sau một thời gian mọi chuyện sẽ trở lại bình thường và các doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ đủ khả năng trả nợ. Song thực tế, không ai dám nói trước được diễn biến dịch bệnh và mức độ tác động, bao nhiêu doanh nghiệp có thể hồi phục được, bao nhiêu doanh nghiệp đã được hỗ trợ vẫn không thể gượng dậy. Khi đó, nợ xấu sẽ càng "xấu" và trở thành gánh nặng với tổ chức tín dụng.
"Phần lớn khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là thị trường hàng hóa, dịch vụ. Nếu gỡ được chuyện thị trường thì tự khắc doanh nghiệp sẽ ổn. Nên đừng trông mong nhiều vào giải pháp hỗ trợ tín dụng, mà nên kỳ vọng vào các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, cùng với các chính sách về thuế và cải cách thủ tục hành chính", ông Hiếu nhấn mạnh.
Xuân Yến
Theo Baodauthau.vn
Gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp: Vẫn khó tiếp cận Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, sản xuất chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Song thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của các DN còn gặp rất nhiều khó khăn. Hoạt động nghiệp vụ tại Eximbank. Ảnh: Việt Dũng Doanh nghiệp...