Chưa thể bãi nhiệm tư cách đại biểu QH của bà Nga
Theo ông Hà Huy Sơn, Phó ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ khi nào bản án của tòa án tuyên bà Nga có tội thì khi đó Quốc hội mới có căn cứ để làm thủ tục bãi nhiệm tư cách đại biểu QH của bà Nga.
Ngày 8/1, Trung tâm Báo chí, Văn phòng Quốc hội phát đi thông cáo cho biết, ngày 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết về việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu QH đối với bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu QH khóa XIII thuộc Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội.
Cơ sở để UBTVQH ban hành Nghị quyết trên là căn cứ vào Luật Tổ chức QH và đề nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao tại Công văn số 4866/VKSNDTC-V1 ngày 31/12/2014. Sau khi xem xét, UBTVQH đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Châu Thị Thu Nga vì có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trao đổi với PV, ông Hà Huy Sơn cho rằng, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật, vì thế UBTVQH chưa thể làm thủ tục bãi nhiệm tư cách đại biểu QH của bà Nga. “Luật Tổ chức QH cũng đã quy định rõ: Đại biểu Quốc hội bị Tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, sau khi bản án của Tòa có hiệu lực pháp luật thì lúc đó QH có thể bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Châu Thị Thu Nga. Còn chưa có bản án thì chưa thể bãi nhiệm được”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo một lãnh đạo Văn phòng QH, UBTVQH mới tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu còn việc xem xét tư cách đại biểu của bà Nga phải chờ đến kỳ họp QH tới (tháng 5/2015). Khi đó, nếu có đủ những căn cứ theo quy định, các ĐBQH sẽ bỏ phiếu bãi miễn tư cách đại biểu của bà Nga. Tại nhiệm kỳ QH khóa XIII, đã có một ĐBQH bị bãi miễn đó là bà Đặng Hoàng Yến, ĐBQH tỉnh Long An.
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi của PV rằng, Điều 56 Luật Tổ chức QH quy định: “Đại biểu QH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm”. Vậy trong trường hợp cử tri, Mặt trận Tổ quốc hoặc cơ quan nào đó yêu cầu QH bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Nga ngay trong kỳ họp tới có được không?
Ông Hà Huy Sơn cho rằng, các cơ quan hoàn toàn có quyền làm đơn kiến nghị để UBTVQH xem xét. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, các cơ quan, tổ chức phải có căn cứ cụ thể bà Nga sai phạm gì, lý do gì mà bị mất tín nhiệm; bao nhiêu cử tri không còn tín nhiệm…
ĐBQH Cao Sỹ Kiêm: Từ đầu khoá XIII đến nay đã có một số đại biểu là doanh nhân làm những điều không hay, ảnh hưởng đến uy tín của QH. Theo tôi nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên trước hết là do khâu kiểm tra, giám sát, đề cử các ứng cử viên chưa chặt chẽ. Tiếp đến, khi có các đơn khiếu nại, tố cáo đối với các ứng cử viên, hoặc ngay từ đầu khoá chúng ta cũng chưa xem xét giải quyết thấu đáo “đến nơi, đến chốn”.
Theo NTD
Hành trình từ đại biểu Quốc hội đến "trùm" lừa đảo
Sự kiện cơ quan công an bắt giam để điều tra hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với ĐBQH Châu Thị Thu Nga chiều 7.1 không bất ngờ với nhiều người. Trước đó, hàng năm trời, hàng tá đơn thư tố cáo bà Nga đã được gửi đến khắp nơi. Chưa hết, gần đây còn xuất hiện hàng đoàn xe ba gác, căng biểu ngữ tố cáo bà Nga "diễu" ngay trước cửa tòa nhà Quốc hội.
Dự án khu chung cư B5 Cầu Diễn (Hà Nội) đến nay vẫn chỉ là một chiếc cổng và khu đất trống. Ảnh: CAO NGUYÊN
Từ "tấm giấy thông hành"
Trước khi trúng cử ĐBQH khóa XIII, cái tên Châu Thị Thu Nga và Cty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) với chức năng tư vấn nhà đất; kinh doanh bất động sản (BĐS); kinh doanh xăng dầu; sản xuất và buôn bán vật liệu xây dựng; đầu tư xây dựng, phát triển nhà... do bà Nga làm chủ không được nhiều người biết đến. Cú "gây thương hiệu" đầu tiên của bà Nga là vụ bị tố cáo giả mạo hồ sơ tiến sĩ khi ứng cử ĐBQH.
Sau khi trúng cử ĐBQH, cái tên Châu Thị Thu Nga "nổi lên như cồn" khi người ta thấy bà tham gia vào hàng loạt các chức danh như: Phó Trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch BĐS VN khu vực miền Bắc - Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng; Chủ tịch CLB Vườn ươm doanh nhân - Hội LHTN TP.Hà Nội; Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất; Ủy viên Ban Thường trực nhóm nữ ĐBQH Việt Nam; thành viên Tổ chuyên gia liên ngành - Ban Chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà và thị trường BĐS; Ủy viên thường vụ BCH Hiệp hội BĐS Việt Nam; Ủy viên tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa LB Đức; Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP.Hà Nội; Ủy viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.... Bà Châu Thị Thu Nga còn là đại biểu HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Bằng ấy chức danh, có thể nói bà Châu Thị Thu Nga đã tạo được lòng tin lớn đối với người dân. Nó giống như một "tấm giấy thông hành" cho lòng tin của người dân bỏ tiền ra cho các phi vụ làm ăn của bà.
Đến những dự án trên giấy
Một trong những dự án dẫn đến việc ĐBQH Châu Thị Thu Nga bị bắt, đó là dự án chung cư B5 Cầu Diễn. Nguồn gốc khu đất 27.084m2 tại B5 Cầu Diễn này do Cty XNK nông-lâm nghiệp, nay là Cty TNHH MTV XNK & ĐTXD phát triển Hà Nội (HAIC) quản lý. Năm 1999, HAIC đã ký hợp đồng thuê đất với Sở Địa chính Nhà đất Hà Nội với thời hạn 10 năm. Khi hợp đồng này hết hạn, chưa được ký lại, ông Nguyễn Văn Tuẫn - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ HAIC - đã giao 8.650m2 cho cán bộ, công nhân, viên chức làm nhà ở không được sự đồng ý của các cơ quan chức năng. Số đất còn lại, ông Tuẫn đem liên doanh với Housing Group của bà Châu Thị Thu Nga để xin chuyển mục đích sử dụng khu đất B5 Cầu Diễn và cùng đầu tư thực hiện xây dựng dự án nhà biệt thự, nhà chung cư để bán lấy tiền.
Năm 2009, cả ông Tuẫn và bà Nga đã vẽ ra dự án trên giấy với quy mô 6 tòa chung cư thương mại cao 28-32 tầng và 36 nhà vườn rồi rao bán. Cho đến thời điểm năm 2013, HAIC của ông Nguyễn Văn Tuẫn đã thu tiền của những người mua nhà tại dự án này hơn 100 tỉ đồng. Housing Group của bà Nga thu số tiền gần 400 tỉ đồng của những người mua nhà. Dù đã thu rất nhiều tiền của người dân, nhưng dự án B5 Cầu Diễn của liên danh này không thể thực hiện được, bởi nằm trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội (CT5) được sử dụng vào quỹ nhà ở tái định cư của thành phố. Chính vì hành vi trái pháp luật như vậy, nên tháng 10.2013, CQĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt giam đối với ông Nguyễn Văn Tuẫn, để điều tra về hành vi cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng với tổng số tiền hơn 100 tỉ đồng.
Tại dự án nhà ở tái định cư và kinh doanh trên địa bàn phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội), Housing Group cũng đã "vẽ" ra tòa chung cư 12 tầng với tổng diện tích sàn lên tới 9.232m2 và 7 lô nhà liền kề để rao bán và thu về hàng trăm tỉ đồng của hàng trăm người dân, nhưng đến nay dự án vẫn nằm trên giấy.
Liên quan đến vụ án, chiều 8.1, Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục CSPCTP - khẳng định, cơ quan này sẽ tiếp tục mở rộng điều tra tất cả các dự án và đối tượng liên quan đến Housing Group do bà Châu Thị Thu Nga làm Chủ tịch HĐQT.
Khách hàng mong cơ quan chức năng có phương án đảm bảo quyền lợi Anh N.T.Nh (Hà Tĩnh) và chị N.T.T (Sơn La) đều đã nộp 700 triệu đồng từ năm 2011 để mua căn hộ tại dự án B5 Cầu Diễn. Riêng chị T, để được quyền mua căn hộ tại đây gia đình chị phải chi "lót tay" thêm gần 200 triệu đồng... Sau nhiều tháng, không thấy chủ đầu tư xây dựng dự án, nhiều người đến trụ sở đăng ký của Housing Group tại 152 Nguyễn Ngọc Nại (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhưng Cty này đã chuyển đi nơi khác, và họ không biết tìm Cty này ở đâu. Nhiều khách hàng mong rằng, cơ quan chức năng có phương án đảm bảo quyền lợi cho khách hàng góp vốn. Bộ Công an: "Từ năm 2008 đến nay, dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn (Hà Nội) chưa được UBND TP.Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp Giấy phép xây dựng nhưng bà Châu Thị Thu Nga - Chủ tịch HĐQT Housing Group và đồng bọn tự lập mô hình, ký hiệu, vị trí, diện tích các căn hộ rồi sử dụng để ký 752 hợp đồng góp vốn và thu 377.287.934.482 đồng của nhà đầu tư, đến nay không còn khả năng chi trả. Hành vi của bà Châu Thị Thu Nga đã phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 139 Bộ luật Hình sự. " NHÓM PV
Tạm đình chỉ quyền ĐBQH với bà Châu Thị Thu Nga Ngày 7.1, Uỷ ban Thường vụ QH khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 866/NQ-UBTVQH13 về việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga - ĐBQH khóa XIII thuộc Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội - để các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành thủ tục tố tụng hình sự theo đúng quy định của pháp luật. Trước đó, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ QH về việc cho ý kiến việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Châu Thị Thu Nga vì có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS. Trước bà Nga, từng có những trường hợp đại biểu QH bị khởi tố, bắt giam như: Ông Mạc Kim Tôn (đại biểu Quốc hội khóa XI), Lê Minh Hoàng (đại biểu Quốc hội khóa XI). Ông Lê Văn Hoạt - Phó Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội - khẳng định, sẽ có văn bản tạm đình chỉ hoạt động chức năng đại biểu HĐND của bà Châu Thị Thu Nga. Đại tá Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Bà Nga đã tham gia cơ quan lập pháp, được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH rồi mà còn có hành vi lừa đảo là không thể chấp nhận được, làm mất uy tín của Quốc hội, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - ĐBQH Quảng Trị: Đây không phải là lần đầu tiên ĐBQH bị bắt. Chúng ta cần phải rút ra bài học rất nghiêm túc trong việc chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ QH khóa XIV.
Theo Ngô Chí Tùng
Lao Động
Chiêu bài lừa tiền của nguyên đại biểu QH Thu Nga - Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành làm rõ những mánh lới lừa tiền khách hàng của đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga - người vừa bị bắt tạm giam chiều tối ngày 7/1. Vì sao đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga bị bắt? Có quá nhiều đơn thư tố cáo của người dân gửi đến...