Chưa đủ tự tin, ngân hàng nhỏ lỡ hẹn lên sàn
Dù có sự chuẩn bị, nhưng nhiều ngân hàng nhỏ vẫn gặp khó trong việc đưa cổ phiếu lên sàn. Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận, ngân hàng muốn lên sàn theo kế hoạch, nhưng có những yếu tố khách quan mà họ không chủ động để kiểm soát được.
Nhiều ngân hàng nhỏ đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng”với việc niêm yết trên sàn chứng khoán. Nguồn: Internet
Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các ngân hàng, không phân biệt là công ty đại chúng hay không, đều phải lên sàn UpCoM, chứ không bắt buộc lên sàn chứng khoán chính thức, nhằm nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch mua bán cổ phiếu, báo cáo tài chính.
Nhà băng “im hơi lặng tiếng”
Từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh của nhiều ngân hàng nhỏ đã khởi sắc hơn, tạo nền tảng để ngân hàng tăng vốn, cải thiện sức cạnh tranh và đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán theo lộ trình.
Theo báo cáo tài chính quý III/2018 của VietBank, lợi nhuận trước thuế trong quý đạt hơn 100 tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 58 tỷ đồng đến từ hoàn nhập dự phòng trong kỳ, lợi nhuận thuần từ kinh doanh trong quý III mặc dù tăng 184% so với cùng kỳ, đạt 42,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 54 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, ABBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 658 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2017. Viet Capital Bank ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế trong quý III/2018 lên tới 84,8 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Theo kế hoạch, trong năm nay có 6 ngân hàng đăng ký niêm yết trên sàn, bao gồm: ABBank, OCB, VIB dự kiến lên sàn HoSE; NamABank, VietABank, VietBank dự kiến lên sàn UPCoM.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trên thực tế, kế hoạch tăng vốn, đưa cổ phiếu lên sàn của các ngân hàng nhỏ đang gặp nhiều khó khăn, chắc chắn không thể hoàn thành trong năm nay. Điều đáng chú ý, một số ngân hàng có kế hoạch niêm yết và được Đại hội cổ đông chấp thuận cách đây vài năm nhưng đến nay vẫn đang bỏ ngỏ hoặc trì hoãn.
Điển hình như DongABank đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE từ năm 2008. Tuy nhiên, ngân hàng này đã phải hoãn kế hoạch niêm yết vô thời hạn sau những biến cố lớn về các vi phạm của dàn lãnh đạo khiến cổ phiếu sụt giảm.
Chỉ còn 1,5 tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2018, song nhìn vào bức tranh niêm yết của các nhà băng cho thấy hệ thống ngân hàng vẫn chưa hoàn thành mục tiêu đặt ra từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, nhiều ngân hàng nhỏ đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng” với việc niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo các nhà phân tích tài chính, từ cuối năm 2017 đến nay, ngành ngân hàng luôn chiếm thế thượng phong về tốc độ tăng giá cổ phiếu, hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư, việc lựa chọn rót vốn vào ngân hàng, doanh nghiệp luôn có sự tính toán và cân nhắc kỹ.
Cổ phiếu có phân hóa
Thực tế cho thấy, với 16 mã cổ phiếu ngân hàng đã giao dịch trên sàn, không phải tất cả đều tăng giá mạnh trong thời gian qua. Chỉ những mã cổ phiếu của ngân hàng có thế mạnh và đã xử lý được nợ xấu như VCB, ACB, VPB, HDB, CTG, MBB… mới có biên độ tăng giá trên dưới 40% so với đầu năm 2017.
Trong đó, một số cổ phiếu ngân hàng nhỏ có “sức bật” chưa cao như cổ phiếu ngân của Sacombank, NCB…
Các chuyên gia chứng khoán đánh giá, mặc dù lợi nhuận của các ngân hàng thời gian qua tăng trưởng mạnh, song năng lực tài chính và sức cạnh tranh của ngân hàng vẫn còn yếu thì vẫn khó thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngành ngân hàng, cho rằng việc niêm yết trên sàn chứng khoán đòi hỏi các ngân hàng phải minh bạch về thông tin, công khai báo cáo tài chính, nhưng nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong quản trị, điều hành nên chưa đáp ứng được yêu cầu này. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các ngân hàng chưa thể đưa cổ phiếu lên sàn.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, lãnh đạo một ngân hàng quy mô nhỏ cho biết ngân hàng này không ngại việc đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mà theo phong trào sẽ không đánh giá hết được tiềm năng của ngân hàng, ảnh hưởng tới thị giá cổ phiếu, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động khó lường như hiện nay.
“Việc niêm yết cần có thời điểm thích hợp mới có thể nâng cao thanh khoản cổ phiếu”, vị này khẳng định.
Điều đó đã được chứng minh qua thực tế khi NCB, Sacombank sớm đưa cổ phiếu lên sàn, tuy nhiên nhiều năm qua, cổ phiếu của hai nhà băng này vẫn ì ạch trên sàn chứng khoán. Hiện, giá cổ phiếu Sacombank đứng ở mức 12.100 đồng/cp, còn giá cổ phiếu NCB là 10.200 đồng/cp.
Đánh giá về những cổ phiếu sẽ chào sàn trong thời gian tới, theo phân tích của các công ty chứng khoán, không phải mã nào cũng có tiềm năng tăng trưởng, mà chắc chắn có sự phân hóa mạnh giữa các nhà băng, phụ thuộc vào chất lượng hoạt động của mỗi ngân hàng.
Nguồn: Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn
Ngân hàng 100% vốn ngoại phải có vốn pháp định 3.000 tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Nghị định quy định về mức vốn pháp định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thay thế Nghị định số 141/2006/NĐ-CP về ban hành Danh mục mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng.
Theo đó, tại dự thảo Nghị định về ban hành Danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Danh mục mức vốn pháp định đối với các tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động tại Việt Nam như sau:
Theo danh mục này, các ngân hàng thương mại nhà nước và thương mại cổ phần phải có vốn pháp định tối thiểu 3.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng 100% vốn nước ngoài có vốn pháp định 3.000 tỷ đồng. Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có vốn pháp định 15 triệu USD, tương đương khoảng 345 tỷ đồng.
Các công ty cho thuê tài chính cần đảm bảo vốn pháp định 150 tỷ đồng, còn công ty tài chính có vốn pháp định 500 tỷ đồng...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết Nghị định số 141/2006/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, góp phần tạo cơ sở pháp lý về mức vốn pháp định đối với các tổ chức tín dụng cũng như là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước xem xét, cấp giấy phép thành lập và hoạt động.
Sau gần 12 năm áp dụng kể từ ngày có hiệu lực thi hành (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 10/2011/NĐ-CP ngày 26/01/2011), Nghị định số 141 bộc lộc một số vấn đề chưa phù hợp thực tiễn. Nghị định này được ban hành trên cơ sở Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997, do đó các loại hình tổ chức tín dụng quy định tại Nghị định số 141 không còn phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Cụ thể, tổ chức tài chính quy mô nhỏ, quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng đầu tư không còn được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
Nghị định số 10 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 141 tuy đã được xây dựng trên cơ sở Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 nhưng chưa bổ sung nội dung vốn pháp định đối với tổ chức tài chính vi mô (loại hình được xem là tổ chức tín dụng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010). Mặt khác, lộ trình quy định vốn pháp định (2005, 2010 và 2011) tại Nghị định số 141 và Nghị định số 10 đã qua từ lâu.
Do đó cần sửa đổi, bổ sung và ban hành một Nghị định mới quy định về mức vốn pháp định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thay thế Nghị định số 141.
Đăng Nguyễn
Theo thuonggiaonline.vn
Nhà băng xanh, đòi hỏi bức thiết Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, thì mục tiêu tăng trưởng trong 2 thập niên tới không chỉ tăng trưởng nhanh, mà phải tăng trưởng xanh và bền vững, hướng tới phát triển kinh tế xanh. Và hệ thống...