Chữa buồn nôn khi say rượu
Không ít người sau khi uống rượu thường bị nôn ói, tuy nhiên nôn ói sau khi uống đồ uống có cồn có thể là dấu hiệu của một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.
Hình minh họa.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, uống rượu là một trong những yếu tố có thể dẫn đến kích hoạt trung tâm kiểm soát buồn nôn, phản ứng buồn nôn sau khi say rượu có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe như:
Ngộ độc rượu: Ngộ độc rượu mức độ nhẹ có các biểu hiện như chậm đáp ứng, không điều khiển được các vận động đòi hỏi độ chính xác, giọng nói bất thường. Nặng hơn có thể gây mất định hướng hoặc bạo lực, thậm chí dẫn đến hô hấp bị ức chế (thở yếu, thở chậm…), giảm thân nhiệt, tụt huyết áp, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ, hôn mê…
Dạ dày chậm tiêu hóa: Liệt dạ dày là một chứng bệnh ảnh hưởng đến sự di chuyển của thức ăn từ dạ dày đến ruột non. Uống rượu sẽ làm giảm tốc độ của hoạt động tiêu hóa trong dạ dày. Quá trình tiêu hóa chậm, các protein lưu lại trong dạ dày sẽ lưu lại lâu trong cơ thể, gây ra các chất độc hại cho sức khỏe và có thể gây ra phản ứng nôn ói.
Xử trí buồn nôn khi uống rượu
Để tự chăm sóc hoặc chăm sóc người uống rượu, cần lưu ý những điều sau:
Video đang HOT
- Uống trà gừng để giúp giảm buồn nôn.
- Vì rượu làm cạn kiệt các dự trữ khoáng chất thiết yếu của cơ thể, đặc biệt là kali và canxi nên người uống rượu cần bổ sung sự thiếu hụt các chất đó bằng cách ăn các thực phẩm giàu kali, canxi (chuối, khoai tây, rau xanh…)
- Uống nước ấm trước và sau khi nôn để làm dịu dạ dày, góp phần giải độc rượu trong cơ thể và đồng thời cũng giúp rượu được đào thải nhanh hơn qua đường tiểu…
- Nếu người uống rượu giữ chất lỏng trong dạ dày vài giờ mà không nôn ra và có cảm giác thèm ăn, hãy ăn một lượng nhỏ và ăn từ từ các thức ăn đơn giản, đồ ăn mềm như chuối, cháo hoặc bánh mì… Tránh xa các thực phẩm khó tiêu hóa như thức ăn có dầu mỡ và đồ ăn cay trong ít nhất một vài ngày sau đó.
- Khi các dấu hiệu buồn nôn không giảm và có xu hướng tăng nặng, người bệnh cần đi khám và điều trị sớm để tránh những nguy hiểm từ việc uống rượu như ngộ độc rượu, mất kiểm soát và hôn mê…
Tránh buồn nôn khi say rượu bằng cách nào?
Tránh uống rượu hoàn toàn là biện pháp phòng ngừa nôn khi say rượu tốt nhất và đồng thời cũng là biện pháp tốt nhất cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong cuộc sống thường ngày vẫn có những lúc phải uống rượu bia, khi này để tránh buồn nôn khi say bạn có thể lưu ý một số điều sau:
Ăn nhẹ trước khi uống rượu: Tiêu thụ một số thực phẩm và đồ uống không cồn trước khi uống rượu sẽ giúp ích rất nhiều vì nó giúp làm giảm tác dụng của rượu bằng cách pha loãng nó.
Trong khi uống rượu: Nên uống ít nhất có thể và không nên pha trộn các loại đồ uống có cồn khác nhau hay uống đồ uống có cồn kèm với đồ uống có gas vì uống như vậy sẽ làm cho rượu dễ thẩm thấu vào máu và dễ dẫn đến nôn mửa.
Khi uống rượu, bia nên uống xen kẽ với việc uống nước lọc và ăn kèm những thức ăn khác để làm giảm tác hại của rượu bia khi đi vào cơ thể.
Sau khi uống: Dù có say tới mức nào, nên nhớ nằm nghỉ ngơi ở những nơi kín gió để tránh bị nhiễm lạnh và đừng quên uống nước để hạn chế tác hại của rượu.
Những dấu hiệu nguy hiểm sau khi uống rượu cần đặc biệt lưu ý
Bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo say rượu là một dạng ngộ độc rượu, ngộ độc rượu thông thường cũng nặng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ts.Bs Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội cho biết), những trường hợp vào viện cấp cứu vì ngộ độc rượu thông thường (rượu ethanol), do uống quá nhiều rượu không phải là hiếm. Hầu như ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận 2-3 ca nặng. Bệnh nhân đa phần là nam giới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, có cả người trẻ, người có tuổi, thậm chí là trẻ vị thành niên mới 14 tuổi. Có người không uống rượu bao giờ, có người thì nghiện.
"Bệnh nhân đã được đưa vào đây thì đều là ca nặng, hôn mê sâu, phải đặt nội khí quản thở máy, không cấp cứu là chết. Những trường hợp này do uống quá nhiều, uống đến mức say như chết, nồng độ cồn trong máu rất cao, lên đến hàng trăm mg/dL. Trong số đó có những trường hợp không thể qua khỏi", bác sĩ Nguyên cảnh báo.
Theo bác sĩ Nguyên, ethanol trong rượu là tác nhân gây hạ đường huyết.
Theo bác sĩ, những trường hợp tử vong, tổn thương não do rượu thường là do suy hô hấp, hạ đường huyết.
Ethanol trong rượu là tác nhân gây hạ đường huyết trong khi bản thân người uống rượu lại ăn rất ít hoặc không ăn gì vì uống rượu tạo cảm giác no giả hoặc vì mải vui. Đến khi về nhà bệnh nhân lại mệt quá không ăn, ngủ, bỏ bữa. Hậu quả là cơ thể rất dễ bị hạ đường huyết, nếu không được cấp cứu kịp thời não thiếu oxy có thể bị tổn thương không thể phục hồi.
Bên cạnh đó, người uống quá nhiều rượu sẽ khiến thần kinh bị ức chế khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê sâu, trung tâm hô hấp cũng bị ảnh hưởng ức chế, bệnh nhân thở yếu, thở khò khè dẫn tới suy hô hấp, thiếu oxy gây tổn thương não, thậm chí ngừng tim dẫn đến tử vong, bác sĩ Nguyên cho biết.
Ngoài não, thần kinh hô hấp, cơ cũng bị ảnh hưởng gây tiêu cơ vân, suy thận, chèn ép nhiều thậm chí sau này gây yếu liệt, do thần kinh bị chèn ép...
Say rượu là một dạng ngộ độc rượu. Tùy từng người, mức độ uống, loại rượu mà biểu hiện say khác nhau. Biểu hiện ngộ độc rượu từ nhẹ (là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững...) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu).
Theo bác sĩ Nguyên, những dấu hiệu cảnh báo ngộ độc rượu nặng gồm: gọi hỏi, nói rất hạn chế, chỉ vài từ, không thể tự đi lại được, không tỉnh, lơ mơ, chậm chạp, lờ đờ, thở khò khè, ứ đọng đờm dãi, lạnh, nôn ọe nhiều, đau đầu, tím, tái nhợt, thậm chí co giật... Những trường hợp này cần được đưa đến viện cấp cứu, điều trị kịp thời, tránh điều đáng tiếc.
Bên cạnh đó những người nghi ngờ bị ngã, chấn thương, đánh nhau, va đập mạnh... cũng cần phải đến viện. Lý do vì biểu hiện chấn thương ở người say rượu không thật, dễ bị bỏ sót. Khi uống rượu say, cảm giác chịu đau của một người tốt hơn, nên kể cả chấn thương nguy hiểm cũng dễ bị bỏ sót.
Để phòng ngộ độc rượu, tốt nhất là không uống rượu nếu uống thì nên uống có chừng mực. Đặc biệt lưu ý, chỉ uống rượu sau khi đã ăn. Người thân cần chú ý theo dõi người say rượu. Nếu người bệnh vẫn tỉnh và nhận biết được thì nên cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lưu ý thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn, uống sữa, nước hoa quả có đường, nước canh, cháo loãng... để có năng lượng, nếu không dễ bị hạ đường huyết.
Đồng thời cần chú ý quan sát những dấu hiệu nặng ở người thân để đưa đi cấp cứu kịp thời.
Top 5 lời khuyên giúp bạn giữ gìn sức khỏe trong ngày Tết Ngày Tết thường ăn uống và sinh hoạt thất thường. Do đó, trang bị một vài mẹo nhỏ sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe của mình trong những ngày Tết. Không bỏ bữa Việc thức khuya, dậy muộn và mải chơi trong ngày Tết là nguyên nhân khiến bạn bỏ những bữa ăn quan trọng trong ngày hoặc ăn dồn bữa, dẫn...