Chữa bệnh thường gặp trong mùa hè
Mùa hè đến, một số bệnh có thể phát sinh như: ngứa lở ngoài da, cảm nắng, zona, tiêu chảy, kiết lỵ, ho hen, sốt phát ban…
Mùa hè đến, thời tiết nắng nóng oi bức, khả năng điều tiết cũng như sức đề kháng của cơ thể có khi chưa đáp ứng kịp thời. Do đó một số bệnh có thể phát sinh như: ngứa lở ngoài da, cảm nắng, zona, tiêu chảy, kiết lỵ, ho hen, sốt phát ban… Để khắc phục và chữa trị kịp thời những chứng bệnh kể trên, chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc điều trị bằng y học cổ truyền để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần thiết.
Cảm nắng
Còn gọi là cảm thử: mồ hôi ra nhiều, hoa mắt, chóng mặt, người chao đảo, buồn nôn và nôn, toàn thân mệt lả, mạch nhanh, huyết áp hơi thấp, trường hợp nặng có thể bị ngất.
Thuốc trị như sau:
Bài 1: Biển đậu ( sao vàng) 16g, hương nhu 16g, cát căn 20g, mẫu lệ (chế) 16g, hoàng kỳ 16g, bán hạ 10g, hậu phác 12g, xương truật 16g, quế 10g, sơn thù 12g, mạch môn 16g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Phòng sâm 16g, đương quy 16g, cẩu tích 12g, biển đậu 16g, hương nhu 16g, sa nhân (sao đen) 16g, hoàng kỳ 16g, bạch truật 16g, trần bì 12g, sơn thù 12g, hoài sơn 16g, quế 8g, mẫu lệ 16g, lá dâu làm thang 16g. Sắc uống ngày 1 thang. Sắc 3 lần uống 3 lần.
Bài 3: Mẫu lệ (chế) 16g, cát căn 16g, đậu đen (sao thơm) 30g, lá mít 16g; khoai lang thái lát, phơi khô sao vàng 30g; hoài sơn 16g, liên nhục 12g, mạch môn 16g, đương quy 16g, bạch truật (sao hoàng thổ) 16g, cam thảo 12g, quế 10g, sinh khương 4g, tang diệp 20g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng: cầm mồ hôi, giải thử, chống nôn, trợ dương.
Ngứa lở ngoài da:
Video đang HOT
Ngứa nhiều, gãi nhiều, mặt da bị tổn thương từng mảng, gây tiết dịch, viêm nhiễm, tiểu đỏ, sờ vào da thịt thấy nóng. Do nóng gan, chức năng gan bị suy giảm. Mặt khác còn co yếu tố cơ địa. Nguyên tắc điều trị: thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chống dị ứng.
Bài 1: Ngân hoa 12g, kinh giới 12g, đương quy 12g, đơn lá đỏ 20g, cỏ mần trầu 20g, lá đinh lăng 20g, liên kiều 12g, huyền sâm 12g, thương nhĩ (sao) 16g, rau má 20g, sài hồ 10g, hạ liên châu 16g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng: chống ngứa chống viêm, giải nhiệt tiêu độc, nhuận gan.
Bài 2: Đan bì 10g, phòng phong 16g, đinh lăng 20g, thổ phục linh 16g, hoàng bá 12g, bồ công anh 12g, chi tử 12g, kinh giới 12g, hạ khô thảo 16g, kim ngân 20g, mạch môn 16g, sài đất 20g, hoa hòe (sao) 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Trong bài: đan bì, chi tử để nhuận gan mát huyết. Kim ngân, sài đất, hạ khô thảo để chống ngứa, chống viêm, tiêu độc. Xương bồ, kinh giới để trừ phong. Hoa hòe, chi tử: chỉ huyết, lương huyết, trợ gan, tiêu độc. Hợp các vị lại có tác dụng trừ phong ngứa, thanh nhiệt nhuận gan, lương huyết, tiêu độc, chống viêm.
Tiêu chảy do ngộ độc thức ăn:
Đau bụng từng cơn, bụng trướng. Mức độ đau dần dần tăng lên, có thể có nôn, tiếp đến là đi ngoài nhiều lần, phân lổn nhổn, phân lỏng. Sau những lần đi ngoài thì bớt đau được chút ít.
Bài 1: Bạch biển đậu 16g, bạch truật 16g, lá ổi 20g, cỏ sữa to lá 20g, hoàng liên 10g, hậu phác 12g, trần bì 10g, lá khổ sâm 20g, sinh khương 4g, cao lương khương 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Lá nhót (sao vàng hạ thổ) 20g, hoàng đằng 12g, lá khổ sâm 20g, lá ổi 20g, lá đinh lăng (sao vàng) 20g, biển đậu 16g, kim ngân 20g, trần bì 10g, sinh khương 4g, hoài sơn 16g, tất bát 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Tiêu chảy do tỳ vị hư hàn: Bụng đau ậm ạch, tiêu hóa chậm, phân lỏng, cơ thể suy nhược dần.
Bài 1: Phòng sâm 16g, bạch linh 12g, bạch truật 16g, bán hạ 10g, hậu phác 12g, cao lương khương 12g, thần khúc 10g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, đại táo 3 quả, củ đinh lăng 16g, ngũ gia bì 16g, biển đậu (sao) 16g, cam thảo 12g, sinh khương 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Phòng sâm 16g, đương quy 16g, bán hạ 10g, thăng ma 12g, trần bì 10g, thần khúc 10g, thảo quả 6g, ngũ gia bì 12g, hoàng kỳ 16g, bạch truật 16g, hậu phác 10g, sài hồ 10g, chích thảo 12g, hà thủ ô (chế) 16g, nhục quế 10g, sơn thù 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Bệnh thường gặp trong mùa đông - xuân
Tiết trời lạnh, khí hậu lúc khô hanh, lúc lại ẩm ướt, kèm theo các cơn mưa phùn rả rích khiến rất nhiều bệnh tật phát tác mạnh.
Bệnh hô hấp
Mùa đông - xuân là mùa mà các bệnh phổi - phế quản phát triển mạnh với sự hậu thuẫn của độ ẩm cao, khí áp thấp, nhiệt độ thấp, sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, các vi sinh vật phát triển thuận lợi... Các bệnh phổi - phế quản dễ phát triển trong mùa này là:
Đông - xuân là mùa các bệnh phổi phát triển mạnh. Ảnh minh họa
Hen phế quản: phế quản của người bị hen rất nhạy cảm với mọi kích thích gây bệnh. Kích thích đó có thể là các dị nguyên từ bên ngoài như: phấn hoa, hóa chất, bụi sinh vật, nấm, mốc, vi khuẩn, bụi vô cơ... hay có nguồn gốc nội tại trong cơ thể người bệnh: các nội tiết tố, những thay đổi của môi trường bên trong cơ thể... Phòng tránh bệnh chủ yếu là phải loại trừ được các yếu tố gây bệnh như: tránh lạnh, tránh bụi bặm, ký sinh vật, nấm mốc, phấn hoa... Điều trị bệnh phải nhanh, có hiệu quả, cắt được cơn hen trong thời gian ngắn nhất, không để cơn hen phát triển thành ác tính.
Viêm khí - phế quản cấp: các tác nhân gây viêm khí - phế quản cấp mùa đông - xuân thường là virus cúm, virus influenza A và B, các virus parainfluenza, virus hợp bào hô hấp, virus đường mũi và các loại khác. Phòng bệnh bằng cách giữ ấm, không để bị lạnh, có thể dùng kháng sinh chống bội nhiễm.
Viêm phổi: yếu tố gây bệnh là S.pneumoniae, mycoplasma pneumoniae, các virus hô hấp, chlamydia pneumoniae, H. influenza, trực khuẩn Gram (-) ái khí, tụ cầu vàng và các loại khác. Bệnh viêm phổi rất nguy hiểm đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ vì sức đề kháng cũng như khả năng chịu lạnh kém. Việc phòng viêm phổi vì thế rất quan trọng. Ngoài giữ ấm, tránh lạnh, tránh ẩm, tránh gió lùa... nếu thấy có các triệu chứng như: ho nhiều, sốt cao kéo dài, khó thở... bệnh nhân cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Đợt cấp của tâm phế mạn: tâm phế mạn là bệnh tim do bệnh phổi mạn tính gây ra. Bệnh thường đột ngột trở nặng trong mùa lạnh. Tuy là bệnh tim nhưng do nguyên nhân phổi nên muốn khỏi bệnh cần điều trị chủ yếu về phổi, điều trị nhiễm khuẩn phổi. Bệnh tâm phế mạn sau vài đợt cấp sẽ đi đến tử vong, do vậy, việc phòng chống không để xảy ra đợt cấp của tâm phế mạn mùa lạnh là vấn đề sống còn đối với người bệnh.
Ho ra máu: ho ra máu chịu ảnh hưởng rất nhiều của yếu tố thời tiết. Trong 3 yếu tố: độ ẩm, khí áp, nhiệt độ thì sự thay đổi về nhiệt độ và khí áp ảnh hưởng đến ho ra máu rõ rệt nhất. Phòng chống bệnh này chỉ có cách duy nhất là giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng mũi, họng.
Các bệnh về khớp
Bệnh viêm khớp: do thời tiết lạnh, ẩm nên các bệnh xương khớp có dịp hoành hành. Viêm khớp dạng thấp, thấp tim và gút là 3 bệnh dễ lên những đợt cấp tính nhất trong mùa đông. Viêm khớp dạng thấp là bệnh khớp mãn tính kéo dài trong nhiều năm và có thể gây những di chứng nặng nề như: dính, biến dạng khớp. Triệu chứng của bệnh là viêm nhiều khớp (viêm cổ tay, bàn tay, đốt tay, khớp chân...) và diễn biến kéo dài. Người bệnh cũng có thể bị cứng khớp vào buổi sáng, gây khó cử động các khớp và kéo dài hàng giờ. Nếu thấy có các triệu chứng kể trên, bạn cần đi khám và điều trị ngay. Nếu để kéo dài sẽ xuất hiện tổn thương ở sụn khớp và đầu xương, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất khả năng vận động của khớp.
Bệnh gút: gút là bệnh chủ yếu ở nam giới trên 30 tuổi, sống tại thành thị. Tuy bệnh gút là do ăn uống thừa chất, nhưng tiết trời lạnh, ẩm sẽ làm các khớp đau nhức hơn.
Đối với các bệnh viêm khớp, khi trời lạnh, điều cần làm đầu tiên chính là giữ ấm cơ thể, đặc biệt là chân tay. Hạn chế ra ngoài khi trời quá lạnh, mưa phùn. Những người bị bệnh gút cần phải kiêng hoàn toàn rượu, bia và hạn chế các món ăn giàu đạm, giàu chất béo.
Bệnh da
Trời lạnh cũng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh ngoài da, đặc biệt là các bệnh như: mề đay, chàm, nứt gót chân... phát triển. Mề đay thường phát triển nhiều hơn khi từ môi trường có gió lạnh vào trong phòng ấm áp hơn. Một số người còn kèm theo triệu chứng nhức đầu, hạ huyết áp, tím tái, phù thanh quản... Để tránh tình trạng trên, những người có cơ địa dị ứng và hay nổi mề đay nên tránh ra ngoài lúc trời lạnh và nên mặc quần áo ấm. Nên uống các thuốc kháng histamin khi mới chớm có dấu hiệu mề đay để giảm và cắt cơn ngứa, vì khi mề đay đã nổi thì các thuốc kháng histamin không có tác dụng.
Chàm khô, hay còn gọi là bệnh ngứa do lạnh, là hậu quả của trời lạnh và độ ẩm ở trong phòng gia tăng khiến da bị giảm tiết mồ hôi và chất bã. Chất sừng của da bị mất nước khiến da trở nên khô hơn, đóng ít vảy. Da bị nứt kèm theo triệu chứng ngứa từ lâm râm đến dữ dội, làm cho da bị trầy xước, thậm chí còn gây ra những chấm xuất huyết dưới da. Những người bị chàm khô nên uống nhiều nước, tránh tắm nước nóng, dùng loại sữa tắm có chất làm ẩm da và không có chất làm thơm. Bôi kem làm ẩm da ngay sau khi tắm và nếu nặng thì uống thuốc chống dị ứng hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ.
Theo BS. NGUYỄN NGHIÊM
SK&ĐS