Chủ tịch Quốc hội: Phát ngượng vì bị đại biểu bắt bẻ từng câu chữ
Nói về việc các ủy ban nghiên cứu, chuẩn bị các dự án luật khi đưa ra Quốc hội xem xét chưa thật chu đáo, để các đại biểu nhiều khi phải bắt bẻ về câu chữ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, nhiều khi ông “phát ngượng” khi nghe đại biểu bắt bẻ.
Sáng 14/7, trong khuôn khổ phiên họp thứ 39, UB Thường vụ Quốc hội đánh giá về kết quả kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, vừa bế mạc cuối tháng 6 vừa qua.
Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp của UB Thường vụ Quốc hội nêu nhận định, các phiên thảo luận tại tổ và hội trường sôi nổi, có chất lượng, hiệu quả, tính phản biện cao, tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội thể hiện chính kiến của mình. Chất lượng các phiên thảo luận tổ đã được cải thiện do các vị đại biểu tham gia tích cực, ý kiến phong phú, thẳng thắn, không né tránh những vấn đề thời sự mà cử tri bức xúc, quan tâm như chống tham nhũng, lãng phí, giá xăng dầu…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu chất vấn đến cùng về trách nhiệm để chốt lại khóa XIII tại kỳ họp Quốc hội cuối năm nay.
Tuy nhiên, cho ý kiến về vấn đề này, một số vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vẫn cần cải tiến các phiên thảo luận theo hướng tăng tranh luận, bớt các bài chuẩn bị sẵn.
Dẫn chứng nhiều phiên thảo luận có trao đổi, tranh luận. Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận xét, không khí thảo luận như vậy rất lôi cuốn cả đại biểu và cử tri, báo chí cũng đặc biệt quan tâm, nhất là các phiên được truyền hình trực tiếp.
“Tiếc là chưa phải phiên nào cũng được như vậy. Có phiên thảo luận các bài phát biểu trùng nhau hết, nhiều khi nghe rất mệt. Cá nhân tôi thích đại biểu chuẩn bị nội dung phát biểu trong đầu và căn cứ phiên họp diễn ra thế nào để tham gia cho phù hợp” – Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội phát biểu.
Theo đó, bà Mai kiến nghị ở tất cả các phiên thảo luận, dù là nội dung giám sát hay xây dựng luật thì cũng nên bố trí thời lượng xen kẽ cho đại diện cơ quan soạn thảo nêu ý kiến tranh luận, bảo vệ quan điểm của mình hoặc là tiếp thu góp ý của các đại biểu khi thảo luận. Có như vậy mới tạo được không khí tranh luận trong các phiên họp. Còn nếu chỉ sắp xếp để đại diện cơ quan soạn thảo trình bày báo cáo chuẩn bị trước từ đầu phiên thảo luận thì nhiều khi các nội dung được phân tích, trình bày cũng lạc lõng so với hướng quan tâm, bàn bạc của đại biểu.
Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý thì các phát biểu tại kỳ họp 9 được chuẩn bị tốt hơn.
Video đang HOT
“Chuẩn bị sẵn hay không đều có cái hay của nó, có những bài chuẩn bị bằng văn bản chỉ nói về một vấn đề nhưng rất sâu như của đại biểu Lê Thị Nga, còn nếu không chuẩn bị bằng văn bản thì đôi khi phát biểu lại lỏng lẻo”, ông Lý nói.
Chủ nhiệm UB Pháp luật thẳng thắn nhận xét, ông chưa hài lòng với kết quả chất vấn khi nhiều vấn đề được nêu đi nêu lại nhiều lần, người hỏi rất tâm huyết mà người trả lời cũng tỏ ra sâu sát, thành khẩn nhưng kết lại, thực trạng không rõ, hiệu quả không rõ và trách nhiệm lại càng không rõ.
Chất vấn cuối khóa: Quyết không “đánh trống bỏ dùi”
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 vào cuối năm nay, Văn phòng Quốc hội dự kiến Quốc hội làm việc 28 ngày, họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ ba, ngày 20/10 và bế mạc vào thứ bảy, ngày 25/11/2015.
Riêng với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị kỳ họp này sẽ đổi mới, sẽ chất vấn về việc thực hiện nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tức là chất vấn tổng thể chứ không chất vấn riêng ai.
Theo đó, Chính phủ, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao sẽ có báo cáo về kết quả thực hiện chất vấn của đại biểu từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2015). Sau đó các vị đại biểu sẽ căn cứ vào nội dung các báo cáo này để chất vấn.
Nhẩm tính sau 9 kỳ họp đã có khoảng 150 vấn đề lớn được Quốc hội đặt ra tại các Nghị quyết sau mỗi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần chọn khoảng 40 – 50 vấn đề trong số đó để tập trung chất vấn xem từ khi chất vấn đến nay đã làm những gì, những gì còn tồn tại, hướng giải quyết thế nào và trách nhiệm đến đâu.
“Cụ thể như hồ đập thủy điện đến nay thế nào, tái cơ cấu kinh tế đến giờ này ra sao… đại biểu hỏi ai thì người đó trả lời. Đây là đổi mới, đi đến cùng, không đánh trống bỏ dùi”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Ngoài ra, nhiệm kỳ công tác của nguyên thủ quốc gia (Chủ tịch nước) cũng sẽ được xem xét, đánh giá tại kỳ họp Quốc hội sau cùng của khóa XIII.
Ông cũng lưu ý các ủy ban chuẩn bị các dự án luật cho kỳ họp tới thật chu đáo, đừng để đại biểu ra nghị trường thay vì nói về những vấn đề lớn lại phải bắt bẻ về câu từ, về tính thống nhất của dự án luật.
“Đại biểu có khi ngồi bắt bẻ về câu chữ trong dự thảo luật. Nghe đại biểu bắt bẻ câu chữ, tôi ngượng lắm, ngượng cho chúng ta vì những việc như thế còn để đại biểu nói” – Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
P.Thảo
Theo Dantri
"Tôi nói những điều tâm huyết vì hết khoá này sẽ nghỉ"
Đây là chia sẻ của ông Trần Du Lịch khi nêu quan điểm "can gián" trong phiên thảo luận về Dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật trong khuôn khổ chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (từ 15 -17/4).
Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy một số góp ý của các vị đại biểu tại kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2014) đã được tiếp thu.
Cụ thể, dự thảo luật đã bổ sung quy định tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu Quốc hội trong quá trình lập hồ sơ kiến nghị về luật, pháp lệnh. Theo đó, đại biểu Quốc hội tự mình hoặc đề nghị Văn phòng Quốc hội, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.
Các vị có sáng kiến lập pháp cũng có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc lập hồ sơ kiến nghị về luật, pháp lệnh. Cơ quan, tổ chức được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội.
Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện cần thiết để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, dự thảo luật nêu rõ.
Theo quy định của dự thảo luật thì kiến nghị về luật, pháp lệnh phải được thể hiện bằng văn bản. Trong đó, nêu rõ sự cần thiết ban hành văn bản, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản, mục đích, yêu cầu của văn bản. Kiến nghị về luật, pháp lệnh được gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội để xem xét, quyết định.
Chưa đi vào nội dung cụ thể của dự luật, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) đặt vấn đề, tại sao một luật như một công cụ để làm các luật khác mà 5 kỳ họp Quốc hội từ khoá IX đến giờ (khoá XIII) đã 4 lần phải sửa. Đây là vấn đề ông Lịch khẳng định cá nhân ông đã nêu ra 5-7 năm trước, đến nay các tồn tại, vướng mắc vẫn hiển hiện.
Đại biểu Trần Du Lịch nêu nhiều băn khoăn về Dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật.
Theo ông Lịch, hướng tiếp cận khi xây dựng luật này đã không chuẩn, điều đó dẫn đến "lỗi hệ thống" trong việc làm luật, quy phạm pháp luật nói chung.
Đại biểu chỉ rõ, nguyên tắc xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản lập pháp với văn bản lập quy. Cụ thể, thẩm quyền lập quy thuộc cơ quan nào dưới Quốc hội phải được quy định chi tiết trong chính luật Ban hành văn phản quy phạm pháp luật.
Dự thảo luật sửa đổi lần này, theo nhận xét của đại biểu Lịch, vẫn chưa giải quyết được những mâu thuẫn, bất cập đặt ra về thẩm quyền và quá trình lập quy của các cơ quan dưới Quốc hội mà mới chỉ đi vào những phần thủ tục "râu ria" chi tiết. Nguyên tắc cơ bản cần xác định thì lại vẫn... mù mờ.
"Không cần vội gì với luật này, chưa chuẩn bị kỹ thì cứ dùng luật hiện hành, nếu không việc ban hành văn bản pháp luật vẫn còn rối loạn. Tôi nói điều này với đầy tâm huyết vì hết nhiệm kỳ này tôi nghỉ rồi" - ông Lịch day dứt.
Đáp lại tâm tư này của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định UB Thường vụ bàn vấn đề này một cách chân thành và mong các đại biểu thảo luận thật thẳng thắn.
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến nay, cũng có một số vị đại biểu có kiến nghị về luật với hướng phân tích, ngoài nguyên nhân chưa đủ sức thuyết phục về sự cần thiết còn có cả khó khăn về điều kiện thực hiện.
Về một số vấn đề cụ thể trong luật, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, không nên giao cho Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao ban hành thông tư. Nhưng việc giao thẩm quyền cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành thông tư lại là cần thiết.
UB Thường vụ cũng đề nghị không quy định về thông tư liên tịch của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Còn hình thức nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục duy trì.
P.Thảo
Theo Dantri
Quốc hội nghỉ sớm 2 tiếng vì đại biểu không phát biểu Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 song không có đại biểu nào cho ý kiến. Vì vậy hơn 9h, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tuyên bố kết thúc buổi họp sớm hơn 2 tiếng. Thảo luận về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016...