Chủ tịch nước: ‘Xử lý nghiêm bất kể ai liên quan đến sự cố Formosa’
Đánh giá Formosa đã gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định bất cứ ai, tổ chức nào liên quan đều bị xử lý nghiêm.
Nói với cử tri quận 1 (TP HCM) tại buổi tiếp xúc sáng 1/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định sự cố môi trường làm cá chết hàng loạt ở biển miền Trung “là thảm họa hết sức nghiêm trọng, để lại hậu quả lâu dài”. Sau khi xác định được nguyên nhân, Formosa đã thừa nhận trách nhiệm, cam kết đền bù thiệt hại và khắc phục, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân.
“Chúng ta yêu cầu Formosa phải thực hiện nghiêm túc những điều đã cam kết nhưng không phải vì thế mà không xem xét trách nhiệm, nếu như họ tiếp tục để xảy ra những sai phạm khác. Vừa rồi, lại phát hiện họ chôn chất thải ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), rồi Đồng Nai nữa. Những hành vi này cũng sẽ được thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm”, Chủ tịch nước khẳng định.
Người đứng đầu nhà nước cũng cho biết, đối với các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam có liên quan đến việc gây ra sự cố Formosa sẽ bị đưa ra xử lý nghiêm theo quy định và việc này đang được tiến hành.
“Cụ thể là ai thì chúng ta phải chờ kết luận của cơ quan chức năng. Tất nhiên là đã có chỉ đạo kiểm điểm rồi, kể cả địa phương lẫn bộ ngành đều phải xem xét trên tinh thần bất kể ai, bất kể tổ chức, cá nhân nào có liên quan đều bị xử lý”, Chủ tịch nước khẳng định.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ cử tri sáng nay. Ảnh: ĐL
Trước đó, nhiều cử tri đã bày tỏ quan tâm đối với sự cố ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung do công ty Formosa gây ra. “Dư luận cực kỳ bức xúc, thiệt hại của dân cực kỳ nhiều, nhưng bồi thường chỉ có nửa tỷ USD tôi cho là quá thấp. Tất cả những dự án thế này do ai duyệt, ai thông qua, cần phải làm rõ trách nhiệm”, ông Nguyễn Đăng Cường ở phường Tân Định nêu vấn đề.
Video đang HOT
Còn ông Nguyễn Minh Hoan băn khoăn về việc nguyên Bí thư Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã khẳng định “cấp phép cho Formosa 70 năm là đúng”. “Theo tôi, nếu ông Cự nói đúng thì phải sửa Luật đầu tư, chỉ cho phép dự án nước ngoài tối đa 50 năm thôi. Còn nếu ông Cự làm sai luật thì sẽ xử lý như thế nào?”, ông Hoan nói.
Trong khi đó, để tránh những sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra, cử tri Đặng Thanh Bình đề nghị sắp tới không cho phép xây dựng các khu công nghiệp ven sông do rất khó kiểm soát nếu doanh nghiệp lén xả thải. “Nhà máy Vedan giết chết sông Thị Vải trước đây là sự việc rất nghiêm trọng đã từng xảy ra rồi”, ông Bình dẫn chứng.
Ngoài ra, các cử tri cũng bày tỏ lo lắng đối với việc hệ thống thông tin ở sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài vừa bị hacker tấn công. “Quốc hội phải lưu ý Bộ Công an tăng cường bảo vệ hệ thống thông tin để bảo vệ người dân, tránh để xảy ra những trường hợp nghiêm trọng hơn”, bà Nguyễn Thị Lệ nói.
Cử tri Lương Minh Nguyệt cũng đề nghị tăng cường quản lý an ninh mạng, vì tình trạng người dân bị bán thông tin cá nhân đang xảy ra rất phổ biến. “Vừa qua, tin tặc đã tấn công hệ thống thông tin ở sân bay nữa nên việc bảo vệ an toàn thông tin là vô cùng cần thiết”.
Chủ tịch nước khẳng định bất kể ai, tổ chức nào liên quan đến việc gây ra sự cố Formosa đều sẽ bị xử lý nghiêm. Ảnh: Hữu Công
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, sự phát triển của Internet “khiến chúng ta không thể lãnh đạo theo kiểu cũ nữa mà phải hội nhập, tận dụng công nghệ vào phát triển đất nước”. Tuy nhiên, cũng không thể xem nhẹnhững mặt trái của nó. Chiến tranh mạng là hình thái chiến tranh mới, nếu để xảy ra sẽ để lại hậu quả khôn lường.
“Ngồi ở đông bán cầu, chỉ cần di chuột thôi cũng có thể làm cho tây bán cầu rung chuyển. Tin tặc, tội phạm mạng gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp, tổ chức”, ông nói.
“Các chuyên gia mạng khẳng định, Việt Nam là một trong những mục tiêu tấn công hàng đầu của tội phạm mạng nhưng ý thức phòng ngừa của chúng ta chưa đầy đủ. Hiện, việc bảo đảm an ninh không chỉ trong phạm vi vùng trời, vùng biển, vùng đất mà còn là không gian mạng. Vấn đề này đã được Đảng, Nhà nước đặt lên bàn và đang chỉ đạo xây dựng chiến lược an ninh”, Chủ tịch nước cho biết thêm.
Hữu Công
Theo VNE
Quảng Trị: Sự cố Formosa gây thiệt hại hơn siêu bão tràn vào
Quảng Trị cần 2.100 tỷ đồng để khôi phục sự cố môi trường biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi sinh kế cho ngư dân, xây dựng cơ sở hạ tầng...
Ngư dân Quảng Trị ra bãi biển trồng khoai làm thức ăn cho heo sau sự cố môi trường biển. Ảnh: Hoàng Táo
Ngày 29/7, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho hay tỉnh vừa có báo cáo thiệt hại do sự cố môi trường biển và một số giải pháp để khôi phục, phát triển sản xuất cho người dân.
Theo đó sự cố do Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa gây ra làm thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn. Hơn 8.000 hộ với 44.000 nhân khẩu và 2.800 tàu thuyền tại 16 xã, thị trấn bị ảnh hưởng. Hải sản khó tiêu thụ nên phần lớn tàu thuyền nằm bờ trong 4 tháng qua. Các hộ kinh doanh thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá đều không hoạt động. Ngư dân tự tìm việc làm khác để có thu nhập.
Lượng khách du lịch đến Quảng Trị chỉ đạt 1/10 so cùng kỳ 2015, công suất phòng các khu du lịch ven biển chỉ đạt 10-15%.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND Quảng Trị ví hậu quả của sự cố này còn hơn một trận siêu bão.
Quảng Trị có chính sách hỗ trợ đến một tỷ đồng với tàu đóng mới trên CV, hoặc 2 triệu đồng với mỗi CV đối với tàu cải hoán. Ảnh: Hoàng Táo
Theo báo cáo, Quảng Trị cần 2.100 tỷ đồng để khắc phục sự cố từ nay đến năm 2020. Cụ thể, 1.100 tỷ đồng dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và thủy sản, 600 tỷ đồng điều tra nguồn lợi thủy sản và khắc phục ô nhiễm, 200 tỷ đồng chuyển đổi sinh kế cho người dân và 100 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất...
Nguồn vốn được lấy từ khoản bồi thường của Formosa, các chương trình khác của Chính phủ, vốn ngân sách tỉnh và huy động các nguồn khác.
Từ nguồn kinh phí trên, Quảng Trị dự kiến hỗ trợ một lần 50% giá trị tàu đóng mới nhưng không quá một tỷ đồng, hỗ trợ 2 triệu đồng với mỗi CV tăng thêm của tàu cải hoán, hỗ trợ kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng.
Tỉnh cũng hỗ trợ mua giống, hóa chất xử lý môi trường, tiền điện hoặc lãi suất vay ngân hàng, đào tạo nghề, mua thẻ bảo hiểm y tế... cho người dân và các cơ sở kinh doanh hoặc kinh doanh du lịch. Hỗ trợ hoàn toàn các khoản đóng góp cho học sinh, sinh viên các hộ dân bị ảnh hưởng trong năm học 2016-2017. Một số chính sách hỗ trợ có thời hạn đến hết tháng 6/2019.
Hoàng Táo
Theo VNE
Formosa chuyển 250 triệu đô bồi thường ban đầu Bộ Tài nguyên và môi trường đã tiến hành xử lý 53 sai phạm hành chính của Formosa, triển khai kế hoạch toàn diện để khắc phục vi phạm của Công ty này. Chiều 29/7, báo cáo trước Quốc hội về sự cố biển miền Trung, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tính đến ngày 28/7, phía...