Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu: Chính phủ nên cân đối cho cả doanh nghiệp vay gói 2.000 tỷ đồng
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 và quý I/2020, Chính phủ đã đồng ý và giao Bộ KH&ĐT cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH) theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 NH thương mại, gồm: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank do NH Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội (NƠXH).
Sau khi Nghị quyết được ban hành, nhiều ý kiến bàn luận về việc sử dụng gói hỗ trợ này như thế nào, chỉ nên dành riêng cho người vay mua NƠXH hay nên cân đối thêm đối tượng vay là các DN phát triển dự án NƠXH… Xung quanh vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu.
Thưa ông, trong lúc NƠXH đang gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến cho khó khăn chồng thêm khó khăn. Đúng thời điểm này, Chính phủ đã quyết định bổ sung gói tài chính 3.000 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho vay NƠXH. Ông có đánh giá thế nào về quyết định này?
- Có thể nói đây là một quyết định hết sức tuyệt vời, một tin không thể vui hơn trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường. Nói về vấn đề thực thi chính sách NƠXH theo Luật nhà ở năm 2014, thì từ khi Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 là chúng ta gần như không thực hiện được, mà nguyên nhân của nó là thiếu nguồn tái cấp vốn từ ngân sách.
Nghị quyết 1023/2015 của Ủy ban thường vụ quốc hội (UBTV QH) đã quyết định 21 chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng vốn trung hạn trong giai đoạn 2015 – 2020, thì không có cho chương trình NƠXH, vì thế không có ngân sách để chi.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu.
Nhưng thực tế trong giai đoạn 2015 – 2020, Chính phủ vẫn bố trí nguồn ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách NƠXH. Vì sao lại nói là không có ngân sách để chi?
- Sau khi Quyết định 1023 được ban hành, HoREA cùng Bộ Xây dựng liên tục đề xuất với UBTV QH và Chính phủ về vấn đề này. Đến tháng 4/2017 thì UBTV QH, đã ký một văn bản rà soát lại nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2015 – 2020, trong đó sử dụng nguồn ngân sách 2.000 tỷ đồng bố trí cho NH CSXH, giao nhiệm vụ cho NH này hỗ trợ cho hai nhóm: Một là cho những người có công với cách mạng (khoảng 800 tỷ đồng); phần còn lại (trên 1.200 tỷ đồng) để thực hiện chính sách NƠXH cho người vay mua nhà.
Nhưng mà NH CSXH lần đầu thực hiện chính sách này nên họ rất lúng túng, đưa ra rất nhiều văn bản không hợp lý và thực tiễn ngân sách giót vốn cho họ cũng rất nhỏ giọt. Mãi đến cuối năm 2019 mới có 500 tỷ đồng trong số 1.262 tỷ đồng được cấp và họ chỉ phân bổ cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi nơi là 10 tỷ đồng. Nếu NƠXH theo giá cũ khoảng 1 tỷ đồng/căn, người mua được vay mua khoảng 70% thì chỉ giải quyết cho hơn chục người vay là hết.
Việc Chính phủ quyết định bổ sung gói tài chính 3.000 tỷ đồng, trong đó 2/3 là phân bổ cho NH thương mại để thực hiện chính sách NƠXH sẽ mang đến những điều tích cực như thế nào?
- Theo tổng kết của Bộ Xây dựng gói tài chính 30.000 tỷ đồng dùng làm ngân sách cho NƠXH giai đoạn 2014 – 2016, thì các NH thương mại thực hiện với hiệu quả rất cao, cứ 1 đồng vốn của Nhà nước thì huy động được thêm 33 đồng vốn của xã hội. Trong khi đó, NH CSXH họ chỉ cam kết 1 đồng vốn ngân sách chỉ huy động thêm 1 đồng vốn xã hội, các quyết định về cấp bù vốn cho NH CSXH gần như không đi vào cuộc sống.
Với gói ngân sách 2.000 tỷ đồng lần này phân bổ cho NH thương mại, theo như con số mà Bộ Xây dựng thống kê thì dự kiến họ sẽ huy động được thêm từ 60 – 66 nghìn tỷ đồng nữa để thực hiện chính sách NƠXH, một lượng tiền vô cùng lớn để có thể giải quyết được những khó khăn vốn đã tồn tại từ rất lâu rồi.
Chính phủ nên cân đối nguồn ngân sách hỗ trợ cho các DN phát triển dự án nhà ở xã hội được vay. (Ảnh: Doãn Thành).
Video đang HOT
Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về chính sách NƠXH giai đoạn 2015 – 2020 thì không cho chủ đầu tư dự án NƠXH vay, mà chỉ người mua nhà mới được vay. Vậy vấn đề đặt ra là sẽ sử dụng nguồn vốn huy động lớn như vậy thế nào cho hợp lý, thưa ông?
- Đây chính là hạn chế lớn nhất của Nghị định 100/2015, vì nếu không cho DN vay thì lấy đâu ra nguồn hàng mà cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ mới đưa ra khung là 2.000 tỷ đồng này để dùng cho người vay mua NƠXH, chưa nói rõ ràng có cho chủ đầu tư dự án vay hay không. Nếu nói theo luật thì NH thương mại được quyền cho chủ đầu tư dự án NƠXH vay, nếu không có quy định khác thì bốn NH thương mại được cho vay với cả hai đối tượng này.
Như vậy sẽ xảy ra câu chuyện phân chia tỷ lệ như thế nào đối với DN và người mua nhà. Chẳng hạn như gói 30.000 tỷ đồng phân bổ theo tỉ lệ 70% cho người vay mua nhà và 30% cho DN phát triển dự án. Chúng tôi cũng đề xuất nên lấy tỷ lệ này để đảm bảo gói hỗ trợ phần lớn sẽ đến được tay người tiêu dùng, còn phần kia là để hỗ trợ cho DN.
Nhưng trong giai đoạn này (tính đến hết năm 2020), Chính phủ có thể sử dụng toàn bộ gói 2.000 tỷ trong NH thương mại để cho người vay mua NƠXH. Nhưng về lâu dài, Chính phủ cũng nên xác định tỷ lệ từ nguồn tái cấp vốn này sẽ có sự phân bổ một phần dành cho DN, một phần dành cho người mua nhà tương tự như quy định của gói 30.000 tỷ đồng trước đây, như vậy sẽ hợp lý hơn.
Thực tế thì Nghị định 100/2015 cũng chỉ quy định trong giai đoạn 2015 – 2020 thôi, từ năm 2021 trở đi thì Chính phủ nên xem xét sửa đổi quy định này cho cả DN được vay, như vậy sẽ phù hợp với thực tế.
Xin cảm ơn ông!
Doãn Thành
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM Lê Hoàng Châu: Bất động sản đang lâm vào thế "khó chồng khó", thách thức cực kỳ to lớn từ đại dịch Covid-19
Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, bất động sản cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều bị tác động rõ rệt.
Các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị, bán hàng đều bị hủy bỏ. Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị nhiều khách thuê trả lại...
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) về vấn đề này:
Thời gian qua dịch bệnh đã làm chao đảo nền kinh tế khiến không ít ngành nghề gặp khó khăn. Vậy còn các doanh nghiệp bất động sản thì sao, thưa ông?
Ông Lê Hoàng Châu: Có thể nói, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội và tác động rất nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Trước hết là các thị trường chứng khoán, hàng không, du lịch bị chao đảo, sụt giảm mạnh, tổng cầu giảm, giá dầu giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn làm cho nền kinh tế thế giới trước nguy cơ khủng hoảng, tác động tiêu cực đến nền kinh tế của nước ta, trong đó có thị trường bất động sản.
Hiện giờ thị trường BĐS đang phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 02 năm qua, nay lại rơi vào tình thế "khó chồng khó", thể hiện ở một số điểm sau:
Một là, dịch bệnh đã làm đảo lộn các mặt hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng là khâu rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hai là, các doanh nghiệp địa ốc đều giảm nghiêm trọng doanh thu và lợi nhuận, thậm chí có thể có doanh nghiệp mất thanh khoản.
Ba là, làm tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu; Làm tăng chi phí quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động.
Bốn là, thời gian khó khăn này rất có thể làm cho doanh nghiệp gia tăng nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội và nợ lương người lao động.
Những điều này dễ dẫn đến làm cho các doanh nghiệp địa ốc gia tăng nguy cơ bị rơi vào thua lỗ, phá sản.
Vậy ông có đề xuất gì với Chính phủ, các ban bộ ngành để tháo gỡ những khó khăn, thách thức này cho các doanh nghiệp?
Ông Lê Hoàng Châu: Mới đây, chúng tôi đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp, trong đó có 4 nhóm giải pháp chính tôi cho rằng là "phao cứu sinh" cho các doanh nghiệp địa ốc hiện nay, trước mắt để sống sót vượt qua các khó khăn này:
Thứ nhất, tôi kiến nghị bổ sung doanh nghiệp BĐS là đối tượng xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế GTGT của tháng 03-06/2020 vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thứ hai, tôi cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội của tháng 03-06/2020 đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Tôi cho rằng trong bối cảnh khó khăn này, được gia hạn với những khoản thuế có ý nghĩa rất quan trọng với các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn có số lượng nhân sự hàng nghìn nhân sự, nhằm giúp họ bớt áp lực về dòng tiền ít nhất trong vài tháng dịch bệnh diễn ra.
Điều quan trọng đối với doanh nghiệp BĐS lúc này là phải cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để cầm cự để sống sót trước đã. Rồi sau đó cần phải thay đổi tư duy, chiến lược để thích ứng với cục diện mới sau đại dịch.
Thứ ba, Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Giãn nợ, khoanh nợ cho các doanh nghiệp nói chung và BĐS nói riêng có ý nghĩa sống còn với nhiều đơn vị. Điều này vừa giúp các doanh nghiệp không chịu nhiều áp lực nợ đến hạn trong lúc thị trường BĐS "đóng băng", khó khăn trong giao dịch như hiện nay mà còn tránh được nguy cơ làm gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Thứ tư, các doanh nghiệp địa ốc hiện nay cũng đang lâm vào tình trạng rất khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp)...Vì thế, tôi đã kiến nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ các vướng mắc, xử lý phần đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại... để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi.
Đối với bản thân các doanh nghiệp thì ông có lời khuyên nào cho họ trong tình cảnh khó khăn này?
Ông Lê Hoàng Châu: Đúng là chưa khi nào thị trường BĐS lại rơi vào tình cảnh khó khăn và thách thức như hiện nay. Năm ngoái thị trường đã phải đương đầu với tình trạng thủ tục pháp lý dự án, cú sốc về condotel,...thì nay bất ngờ phải đối diện với dịch bệnh. Nên các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.
Triệt để tuân thủ các quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ dẫn của ngành y tế về các biện pháp phòng, chống dịch CoViD-19 trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Tận dụng công nghệ vào vận hành doanh nghiệp, chăm lo cho nhân viên, khuyến khích làm việc online,...để phòng chống dịch hiệu quả.
Các doanh nghiệp cần chung tay hỗ trợ đối tác thuê nhà, thuê mặt bằng, như giảm giá cho thuê, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian; Xem xét giảm giá bán nhà, tăng chiết khấu...Điển hình như Vincom hỗ trợ 300 tỷ đồng hay Hưng Thịnh giảm giá thuê mặt bằng 25% cho khách hàng,...đều là những hành động đẹp.
Thị trường BĐS những năm qua đã phát triển mạnh góp phần tăng trưởng kinh tế, nhưng đâu đó vẫn còn yếu tố "ảo". Theo tôi vừa rồi thị trường đã có những dấu hiệu lệch pha cung - cầu, thừa căn hộ cao cấp mà thiếu loại căn hộ bình dân.
Vì thế, khoảng lặng này cũng là cơ hội để các tập đoàn, doanh nghiệp BĐS có quỹ thời gian để rà soát và thực hiện chiến lược "tái cấu trúc doanh nghiệp" theo hướng tinh gọn, hiệu quả; Tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo bộ phận người dân. Có như thế thị trường BĐS mới có thể phát triển theo hướng bền vững.
Dù đang cực kỳ khó khăn, nhưng tôi tin tưởng người dân và doanh nghiệp có niềm tin là đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát, khống chế hiệu quả (tương tự như dịch SARS năm 2002 - 2003) và nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại ngay sau khi chấm dứt đại dịch.
Bất động sản vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, nhất là phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực, vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phát triển bền vững, như thực tiễn đã chứng minh qua các cuộc khủng hoảng đóng băng của thị trường bất động sản các năm 2008, 2011, để củng cố niềm tin và tìm kiếm các giải pháp ứng phó hiệu quả trước những tác động rất nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Xin cám ơn ông!
Nhật Minh
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu: Sàn chứng khoán là nơi huy động vốn lý tưởng Mặc dù nguồn trái phiếu từ các sàn chứng khoán chưa thực sự hiệu quả như mong đợi nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, đây là nơi huy động vốn lý tưởng dành cho các DN BĐS. Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với...