Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM Lê Hoàng Châu: Bất động sản đang lâm vào thế “khó chồng khó”, thách thức cực kỳ to lớn từ đại dịch Covid-19
Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, bất động sản cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều bị tác động rõ rệt.
Các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị, bán hàng đều bị hủy bỏ. Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị nhiều khách thuê trả lại…
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) về vấn đề này:
Thời gian qua dịch bệnh đã làm chao đảo nền kinh tế khiến không ít ngành nghề gặp khó khăn. Vậy còn các doanh nghiệp bất động sản thì sao, thưa ông?
Ông Lê Hoàng Châu: Có thể nói, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội và tác động rất nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Trước hết là các thị trường chứng khoán, hàng không, du lịch bị chao đảo, sụt giảm mạnh, tổng cầu giảm, giá dầu giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn làm cho nền kinh tế thế giới trước nguy cơ khủng hoảng, tác động tiêu cực đến nền kinh tế của nước ta, trong đó có thị trường bất động sản.
Hiện giờ thị trường BĐS đang phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 02 năm qua, nay lại rơi vào tình thế “khó chồng khó”, thể hiện ở một số điểm sau:
Một là, dịch bệnh đã làm đảo lộn các mặt hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng là khâu rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hai là, các doanh nghiệp địa ốc đều giảm nghiêm trọng doanh thu và lợi nhuận, thậm chí có thể có doanh nghiệp mất thanh khoản.
Ba là, làm tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu; Làm tăng chi phí quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động.
Bốn là, thời gian khó khăn này rất có thể làm cho doanh nghiệp gia tăng nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội và nợ lương người lao động.
Những điều này dễ dẫn đến làm cho các doanh nghiệp địa ốc gia tăng nguy cơ bị rơi vào thua lỗ, phá sản.
Vậy ông có đề xuất gì với Chính phủ, các ban bộ ngành để tháo gỡ những khó khăn, thách thức này cho các doanh nghiệp?
Ông Lê Hoàng Châu: Mới đây, chúng tôi đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp, trong đó có 4 nhóm giải pháp chính tôi cho rằng là “phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp địa ốc hiện nay, trước mắt để sống sót vượt qua các khó khăn này:
Video đang HOT
Thứ nhất, tôi kiến nghị bổ sung doanh nghiệp BĐS là đối tượng xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế GTGT của tháng 03-06/2020 vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thứ hai, tôi cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội của tháng 03-06/2020 đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Tôi cho rằng trong bối cảnh khó khăn này, được gia hạn với những khoản thuế có ý nghĩa rất quan trọng với các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn có số lượng nhân sự hàng nghìn nhân sự, nhằm giúp họ bớt áp lực về dòng tiền ít nhất trong vài tháng dịch bệnh diễn ra.
Điều quan trọng đối với doanh nghiệp BĐS lúc này là phải cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để cầm cự để sống sót trước đã. Rồi sau đó cần phải thay đổi tư duy, chiến lược để thích ứng với cục diện mới sau đại dịch.
Thứ ba, Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Giãn nợ, khoanh nợ cho các doanh nghiệp nói chung và BĐS nói riêng có ý nghĩa sống còn với nhiều đơn vị. Điều này vừa giúp các doanh nghiệp không chịu nhiều áp lực nợ đến hạn trong lúc thị trường BĐS “đóng băng”, khó khăn trong giao dịch như hiện nay mà còn tránh được nguy cơ làm gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Thứ tư, các doanh nghiệp địa ốc hiện nay cũng đang lâm vào tình trạng rất khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp)…Vì thế, tôi đã kiến nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ các vướng mắc, xử lý phần đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại… để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi.
Đối với bản thân các doanh nghiệp thì ông có lời khuyên nào cho họ trong tình cảnh khó khăn này?
Ông Lê Hoàng Châu: Đúng là chưa khi nào thị trường BĐS lại rơi vào tình cảnh khó khăn và thách thức như hiện nay. Năm ngoái thị trường đã phải đương đầu với tình trạng thủ tục pháp lý dự án, cú sốc về condotel,…thì nay bất ngờ phải đối diện với dịch bệnh. Nên các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.
Triệt để tuân thủ các quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ dẫn của ngành y tế về các biện pháp phòng, chống dịch CoViD-19 trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Tận dụng công nghệ vào vận hành doanh nghiệp, chăm lo cho nhân viên, khuyến khích làm việc online,…để phòng chống dịch hiệu quả.
Các doanh nghiệp cần chung tay hỗ trợ đối tác thuê nhà, thuê mặt bằng, như giảm giá cho thuê, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian; Xem xét giảm giá bán nhà, tăng chiết khấu…Điển hình như Vincom hỗ trợ 300 tỷ đồng hay Hưng Thịnh giảm giá thuê mặt bằng 25% cho khách hàng,…đều là những hành động đẹp.
Thị trường BĐS những năm qua đã phát triển mạnh góp phần tăng trưởng kinh tế, nhưng đâu đó vẫn còn yếu tố “ảo”. Theo tôi vừa rồi thị trường đã có những dấu hiệu lệch pha cung – cầu, thừa căn hộ cao cấp mà thiếu loại căn hộ bình dân.
Vì thế, khoảng lặng này cũng là cơ hội để các tập đoàn, doanh nghiệp BĐS có quỹ thời gian để rà soát và thực hiện chiến lược “tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả; Tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo bộ phận người dân. Có như thế thị trường BĐS mới có thể phát triển theo hướng bền vững.
Dù đang cực kỳ khó khăn, nhưng tôi tin tưởng người dân và doanh nghiệp có niềm tin là đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát, khống chế hiệu quả (tương tự như dịch SARS năm 2002 – 2003) và nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại ngay sau khi chấm dứt đại dịch.
Bất động sản vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, nhất là phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực, vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phát triển bền vững, như thực tiễn đã chứng minh qua các cuộc khủng hoảng đóng băng của thị trường bất động sản các năm 2008, 2011, để củng cố niềm tin và tìm kiếm các giải pháp ứng phó hiệu quả trước những tác động rất nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Xin cám ơn ông!
Nhật Minh
Tín hiệu tích cực từ việc cấp "sổ đỏ" cho condotel
Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn cấp "sổ đỏ" cho condotel được các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản đánh giá là động thái tích cực, giúp giải tỏa thị trường.
Biện pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông thanh khoản
(Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Netland)
Vấn đề chứng nhận quyền sở hữu căn hộ khách sạn hay là căn hộ condotel vẫn là vấn đề nóng trong suốt thời gian qua. Việc cấp giấy chứng nhận sở hữu cho căn hộ khách sạn là bước tiến đột phá làm cho tính pháp lý của sản phẩm condotel được hoàn thiện hơn.
Đây là pháp lý cao nhất để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng khi mua sản phẩm. Khách hàng có thể sử dụng để thế chấp ngân hàng hay các tổ chức tín dụng để thực hiện vay. Đối với doanh nghiệp thì đây là văn bản cực kì quan trọng, giúp tháo gỡ khó khăn khi đưa sản phẩm này tới khách hàng.
Hiện tại khách hàng đang lo ngại vấn đề được cấp sổ hay không cấp sổ đối với các sản phẩm condotel sau hàng loạt các vấn đề nổi cộm trong thời gian qua đối với sản phẩm này trên thị trường. Do vậy, khi văn bản được ban hành, chắc chắn khách hàng an tâm hơn và tin tưởng hơn. Đây là biện pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông thanh khoản đối với dòng sản phẩm condotel này.
Tín hiệu vui cho thị trường
(Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam)
Văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành là vấn đề đáng hoan nghênh và là sự nỗ lực của Bộ khi hoàn thành cái "nút" cuối cùng Thủ tướng giao cho 3 Bộ: Tài nguyên Môi trường, Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch hoàn thiện pháp lý cho các loại hình bất động sản mới, trong đó có condotel.
Mặt khác, việc ra văn bản này đúng lúc thị trường đang có bức tranh xám màu và trong năm 2019 có rất nhiều vấn đề về pháp lý làm cho thị trường sụt giảm do việc rà soát lại các quy định của pháp luật, trong đó có việc phát triển nhà ở và bất động sản du lịch thì có tính khích lệ và là tín hiệu vui, lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư và phát triển dự án.
Tuy văn bản này vẫn chưa phải là luật nhưng nó đã chỉ ra những quy định cụ thể trong luật để giúp cho các địa phương, các cơ quan quản lý có chỉ dẫn đến quy định của pháp luật để thực hiện.
Tuy nhiên, để thực hiện cụ thể quy định này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những văn bản rõ hơn, sâu hơn và chi tiết hơn nữa thì sẽ tốt hơn. Lúc đó nó sẽ là cẩm nang không những cho nhà quản lý mà cho cả doanh nghiệp nhìn vào đó thực hiện dự án đầu tư.
Tháo gỡ về pháp lý sẽ là khởi điểm giúp củng cố thị trường tiềm năng
(Bà Nguyễn Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land)
Condotel là một loại hình sản phẩm bất động sản (BĐS) được phát triển mạnh trong những năm gần đây đi cùng với việc tăng trưởng mạnh về dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam từ Bắc đến Nam, nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Loại hình bất động sản này là tài sản có giá trị cao và là nguồn tài nguyên của đất nước nhưng chưa được quản lý đầy đủ. Các văn bản pháp lý chưa theo kịp và đáp ứng quyền sở hữu hợp pháp và đảm bảo các quyền lợi đi kèm đối với nhà đầu tư.
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng và phát triển không đồng bộ, chủ yếu tập trung ở một số tỉnh thành lớn có tỷ trọng thu hút du lịch cao như Quảng Ninh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Phú Quốc.... thị trường cũng bọc lộ nhiều điểm yếu làm nhà đầu tư thận trọng hơn trong quyết định.
Pháp lý về quyền sở hữu condotel là một trong những vướng mắc hàng đầu ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư trong lâu dài. Do đó, việc tháo gỡ "nút thắt" về pháp lý sẽ là bước đi khởi điểm giúp củng cố một thị trường tiềm năng.
Theo Vân Phong/BizLive
Đại gia bất động sản đang làm gì trong mùa dịch Covid-19? Tìm "cơ trong nguy", nhiều doanh nghiệp BĐS đã tranh thủ tình trạng giảm sút giao dịch kinh doanh trong mùa dịch Covid-19 thành cơ hội để rút về hoàn thiện bộ máy làm việc, tăng cường kết nối nội bộ và đẩy mạnh thương hiệu. Con người là chìa khóa để doanh nghiệp phát triển Theo ghi nhận, hoạt động kinh doanh...