Chủ tịch Hà Nội: ‘Nếu để thành ổ dịch phát tán khắp nơi sẽ thành Vũ Hán thứ 2′
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, nếu thành phố để thành ổ dịch lớn phát tán khắp nơi sẽ thành Vũ Hán thứ 2.
Chiều 27/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP chủ trì phiên họp trực tuyến lần thứ 26 với các quận huyện, phường xã để tiếp tục triển khai các biện pháp không để dịch bệnh lây lan.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “ Đề nghị nhân dân Thủ đô bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Mỗi người dân là một chiến sĩ. Sự ủng hộ của người dân sẽ giúp làm giảm sự lây nhiễm”.
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhắc lại tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới với đặc điểm phức tạp. Cho đến giờ phút này vẫn chưa có vaccine, thuốc đặc trị cho dịch bệnh. Đã nhận dạng được virus nhưng chưa xác định được điểm kết thúc của dịch bệnh vì vậy “ rất có khả năng Ban Chỉ đạo sẽ phải làm việc trong thời gian dài”.
Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đã mời các chuyên gia, mô phỏng 3 kịch bản: Không làm gì; làm yếu ớt, làm mạnh mẽ các biện pháp ngăn nguồn lây nhiễm, không để phát tán ở nơi đông người.
Với kịch bản làm mạnh mẽ như ở TP hiện nay sẽ có các “đốm cháy” là ổ dịch nhỏ trên địa bàn TP như ở Bạch Mai, Trúc Bạch, Núi Trúc… Người dân chấp hành tốt, sẽ ngăn chặn được.
“ Nếu để thành ổ dịch lớn phát tán khắp nơi sẽ thành Vũ Hán thứ 2″, ông Chung nói.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp.
Ông Chung nêu rõ bài học xử lý ổ dịch ở 125 Trúc Bạch, Bệnh viện Hồng Ngọc… và yêu cầu các địa phương cần nghiên cứu để áp dụng như kinh nghiệm cách ly một tầng ở tòa nhà, khử khuẩn thang máy, môi trường, đo thân nhiệt thường xuyên; không nhất thiết phải cách ly cả tòa nhà…
“ Đảm bảo nguyên tắc không chờ quyết định công bố dương tính của Bộ Y tế. TP chủ động nâng cao hơn 1 mức, có xét nghiệm dương tính ban đầu thì phải ngay lập tức xác định rõ F1, F2, tổ chức cách ly ngay. Nếu không phản ứng nhanh, chờ 1, 2 ngày thì con số sẽ nhân lên khó lường”, ông Chung nói.
Với ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị làm rõ vấn đề: người ở ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai đi ra có coi là vùng dịch không; có cấm đi lại hay không? Ở bệnh viện, các bệnh nhân đều sử dụng chung khoa xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bãi trông giữ xe…có phải là các điểm kết nối lây lan dịch bệnh không để TP có biện pháp phòng ngừa.
Theo ông Chung, 1.592 bệnh nhân điều trị ngoại trú của bệnh viện Bạch Mai từ 10/3 và các trường hợp chăm sóc các bệnh nhân này cũng phải cách ly tại nhà. Cảnh báo đến cả người trông xe, lái xe taxi, cung ứng thực phẩm, vận chuyển thuốc…Phải làm triệt để, lơi là sẽ dễ xảy ra lây nhiễm.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 Hà Nội họp chiều 27/3.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu các chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng về các biện pháp phòng chống dịnh và yêu cầu Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, phường Quảng An rút kinh nghiệm sâu sắc với sự việc để người dân vẫn đổ xô đi lễ tại phủ Tây Hồ vào ngày 24/3 vừa qua.
Về việc người dân phản ánh quán ăn sáng, siêu thị điện máy, quán trà tranh, cafe… vẫn mở cửa, Chủ tịch UBND TP giao Công an thành phố, Sở GTVT, các quận huyện phải chịu trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, cả đêm lẫn ngày, yêu cầu các loại hình kinh doanh không thiết yếu phải dừng hoạt động một cách nghiêm túc.
Ông Chung cũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh việc lấy mẫu xét nghiệm; nghiên cứu đề xuất chế độ bồi dưỡng riêng cho các y, bác sỹ tham gia chống dịch; lãnh đạo các quận huyện, phường xã không được rời khỏi thành phố, bật điện thoại 24/24, sẵn sàng đi làm khi có yêu cầu; tất cả các trường học nghỉ học đến 15/4…
Video: Học sinh, sinh viên Cần Thơ tự may khẩu trang tặng người khó khăn
XUÂN TRƯỜNG
Vì sao hơn 90% ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam là người trẻ
Trong khi 80% ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc và hơn 90% ca nhiễm ở Italy đều thuộc nhóm người trên 60 tuổi thì ở Việt Nam, số ca nhiễm thuộc nhóm người trẻ tuổi lại chiếm hơn 90%.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 94 ca nhiễm Covid-19 (17 ca đã được chữa khỏi). Trong đó, riêng giai đoạn 2 của dịch - từ 6/3 đến nay, có 78 ca nhiễm.
Hà Nội hiện là địa phương có số người nhiễm Covid-19 nhiều nhất cả nước với 29 trường hợp.
"Nếu lừng chừng là trở tay không kịp"
Dành nhiều thời gian nghiên cứu, tập hợp và cùng các chuyên gia đưa ra nhận định về các ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam nói chung, của Hà Nội nói riêng, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định diễn biến dịch ở Việt Nam đang có xu hướng ngược với một số tâm dịch như Vũ Hán (Trung Quốc) và Italy.
Cụ thể, trong số các ca nhiễm của cả nước, ông Chung cho biết chỉ có 8 trường hợp trên 60 tuổi. Còn lại hơn 80 trường hợp dưới 60 tuổi, trong đó có 2 người dưới 10 tuổi...
Đa số ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội xuất phát từ người trở về ở những nước có dịch. Ảnh: Việt Linh.
"Tại Italy, 92% người nhiễm Covid-19 và tử vong đều trên 60 tuổi. Tại Trung Quốc, 80% người nhiễm và chết cũng trên 60 tuổi. Trong khi đó, ở Việt Nam, dù chưa có có tử vong, đến hơn 90% ca nhiễm là người ở độ tuổi trẻ với mức trung bình 34 tuổi", ông Chung phân tích và cho rằng dữ liệu này cho thấy diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam đang ngược so với Trung Quốc và Italy.
Nói thêm về thực tế này, người đứng đầu chính quyền Hà Nội dự đoán do những người ở độ trẻ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn do nhóm này thường xuyên đi lại nhiều hơn, ít phòng ngừa hơn. Bởi vậy, với diễn biến khó lường của dịch bệnh, Chủ tịch Hà Nội khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, hạn chế ra đường và sử dụng phương tiện công cộng, nếu ra ngoài phải đeo khẩu trang.
Với tổng số ca nhiễm trên địa bàn Hà Nội, ông Chung cho biết có đến 20 trường hợp xuất phát từ nước có dịch về, đã kịp thời cách ly và ngăn chặn từ sân bay, còn lại là một số ca lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Người đứng đầu Chính quyền Hà Nội phân tích thêm những ngày qua, thành phố tiếp nhận khoảng 2.500 người từ vùng dịch về và có 20 ca nhiễm xuất phát từ đây. Dự kiến tới đây, số người về từ vùng dịch tăng lên khoảng 10 lần, nên nếu giữ tỷ lệ như vừa qua, số ca nhiễm cũng có thể tăng lên 10 lần. Điều này đã được thành phố tính toán.
Song việc đáng lo ngại hơn, ông Chung cho rằng giai đoạn trước, dịch ở nước ngoài mới "chớm" nên các ca nhiễm khi vào Việt Nam cũng ở thể nhẹ. Nhưng giai đoạn tới, dịch các nước bên ngoài bùng phát, các ca nhiễm về có thể sẽ ở tình trạng nặng hơn. Đó là điều đáng lo.
Vì thế, ông Chung cho rằng trong phòng, chống dịch cần có những quyết sách mạnh mẽ, bởi "nếu lừng chừng là trở tay không kịp".
Đảm bảo an toàn tuyệt đối ở khu cách ly tập trung
Nhận định cách ly là giải pháp quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Hà Nội cho biết hiện có 2 hình thức cách ly.
Thứ nhất là cách ly để chữa bệnh, điều trị cho trường hợp dương tính với Covid-19 và cách ly đối với trường hợp F1 nhưng có bệnh lý nền.
Các bệnh nhân dương tính được cách ly, điều trị ở khu riêng, đảm bảo an toàn và hạn chế lây nhiễm. Ảnh: Phạm Ngôn.
Hai là cách ly để phòng ngừa, bao gồm cách ly tại nhà, cách ly tại trụ sở, cách ly tại khu tập trung. Trong quá trình cách ly, người cách ly được cung cấp dịch vụ ăn uống, miễn phí với mức 1.400.000đ/người trong vòng 14 ngày.
Về khách nước ngoài, nhân viên ngoại giao có nhu cầu cách ly tại khách sạn, thành phố cũng cố gắng bố trí một số khách sạn trên địa bàn có đủ điều kiện giám sát y tế, hệ thống bảo vệ với khoảng 2.000 chỗ. Đại diện Sở Du lịch cũng cho hay đã có khoảng 15 khách sạn đăng ký làm khu cách ly, phục vụ công tác phòng chống dịch.
Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, hiện thành phố vẫn đang triển khai tích cực các nhiệm vụ để đảm bảo không lây nhiễm chéo trong cộng đồng, đảm bảo tuyệt đối an toàn đối với những người trong khu cách ly tập trung.
Dù đến nay chưa thể tổng kế mức độ thiệt hại do dịch Covid-19 đưa ra, Chủ tịch Hà Nội nhận định đại dịch này sẽ gây ra một chuỗi khủng hoảng, trước hết là khủng hoảng về y tế rồi đến con người và kinh tế.
Vì thế, phải sớm kích hoạt phương án chống khủng khoảng để tránh tổn thương đầu tiên cho ngành y tế, vì nếu y tế đứt khúc sẽ không thể phục vụ được người dân.
Đã xác minh được 65 người là F1 với nữ tiếp viên mắc Covid-19 ở HN Có 65 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân thứ 6 nhiễm Covid-19 của Hà Nội (bệnh nhân 45), trong đó có 4 lái xe Grab. Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội, sáng 13/3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sáng cùng ngày Hà Nội tiếp tục ghi nhận một...