Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn lũng đoạn thầu tại VNCERT như thế nào?
Với thủ đoạn móc ngoặc với những lãnh đạo và nhân viên của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam cùng các công ty thẩm định giá, thiết lập nên “quân xanh”, “quân đỏ” tham gia đấu thầu nên Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch AIC đã dễ dàng độc chiếm gói thầu số 08 gây thiệt hại cho Nhà nước nhiều tỷ đồng.
Ngày 19/10, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành Kết luận điều tra vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị có liên quan.
Theo kết luận của Cơ quan CSĐT, ngay từ giai đoạn lập dự án, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã cử Nguyễn Văn Thế, Trưởng ban KT 7 phối hợp với VNCERT xây dựng danh mục trang thiết bị, phần mềm dự kiến sẽ mua sắm và ấn định giá đầu ra. Trong đó do phương án ban đầu của Công ty AIC giới thiệu là hệ thống sử dụng công nghệ của Isarel có giá cao, không tương thích với thiết bị sẵn có của VNCERT, nên Nguyễn Trọng Đường nguyên Giám đốc VNCERT (hiện là Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính) phân công Ngô Quang Huy, Phó Giám đốc chủ trì chỉ đạo các phòng ban của VNCERT cùng với Mai Phương Nam, Phó Giám đốc Công ty Khang Phát khảo sát hiện trạng, tập hợp nhu cầu mua sắm thiết bị để rà soát danh mục cần đầu tư (với quy mô dưới 100 tỷ đồng) báo cáo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn hiện đang bỏ trốn bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an truy nã.
Trong quá trình này, Nguyễn Văn Thế, Trưởng ban KT 7 Công ty AIC có đưa nhiều hãng thiết bị đến giới thiệu để VNCERT đưa vào danh mục mua sắm, trong đó VNCERT đã đưa thiết bị của hãng Dell và Cisco vào danh mục theo đề nghị của Công ty AIC, gồm 18 danh mục trong số 82 danh mục thiết bị. Đồng thời, Nguyễn Văn Thế được Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo liên hệ với các hãng bán hàng để hỏi giá đầu vào tất cả các thiết bị theo nhu cầu mua sắm của VNCERT sau đó cộng thêm từ 40 đến 60% để ra giá dự toán đầu ra thống nhất với VNCERT đưa vào báo cáo nghiên cứu khả thi.
VNCERT đã sử dụng danh mục, dự toán này hợp thức các gói thầu tư vấn đề Vụ Kế hoạch tài chính thẩm định trình lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt báo cáo và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 1; hợp thức tư vấn thẩm định giá để VNCERT phê duyệt dự toán, triển khai đấu thầu, thiết lập “Quân xanh”, “Quân đỏ” giúp Công ty AIC trúng thầu theo danh mục và giá đã thống nhất từ trước, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Cụ thể, trong giai đoạn tư vấn lập dự án, do Nguyễn Vũ Cường, Giám đốc Công ty Khang Phát có mối quan hệ từ trước với Ngô Quang Huy và đã thực hiện một số gói thầu tư vấn tại VNCERT nên Nguyễn Trọng Đường đề nghị Nguyễn Vũ Cường cử Mai Phương Nam, Phó Giám đốc Công ty Khang Phát trực tiếp cùng VNCERT thực hiện các nội dung tư vấn khảo sát lập dự án từ tháng 11/2016. Đến tháng 5/2017 (thời điểm Nguyễn Thị Ánh Hồng về làm việc tại VNCERT), Nguyễn Trọng Đường chỉ đạo hợp thức lại các thủ tục chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn khảo sát lập dự án và tư vấn lập báo cáo có liên quan.
Sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Mai Phương Nam cùng với Nguyễn Trọng Đường, Ngô Quang Huy lập dự thảo thiết kế thi công và tổng dự toán với danh mục thiết bị đúng với danh mục đã thống nhất với Công ty AIC.
Để hợp thức dự toán, Nguyễn Trọng Đường chỉ định Công ty BTCVALUE làm đơn vị tư vấn thẩm định giá. Nguyễn Thị Ánh Hồng gửi danh mục thiết bị, giá đầu ra và giá đề nghị trong chứng thư cho Đào Thị Nguyên, nhân viên phụ trách khách hàng Công ty BTCVALUE (qua ứng dụng Zalo). Đào Thị Nguyên chuyển cho Ngô Mai Lam, nhân viên BTCVALUE soạn thảo Chứng thư thẩm định giá trình Đặng Xuân Minh, Tổng Giám đốc và Nguyễn Quốc Việt, Thẩm định viên ký Chứng thư thẩm định giá số 8517229DTN/CT-BTC Value ngày 15/9/2017 (không có báo cáo thẩm định giá, không có báo giá, không tham khảo giá thị trường).
Video đang HOT
Do việc chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo được thực hiện đến tháng 10/2017 nên việc phê duyệt thiết kế thi công và tổng dự toán được thực hiện cùng thời điểm trên. Tuy nhiên, để hợp thức tiến độ dự án, Nguyễn Trọng Đường ký lùi ngày thành lập Hội đồng thẩm định thiết kế thi công, tổng dự toán vào ngày 22/9/2017 và Quyết định số 87/QĐ- VNCERT phê duyệt thiết kế thi công và tổng dự toán vào ngày 28/9/2017.
Trong giai đoạn tổ chức đấu thầu, để triển khai đấu thầu các gói thầu thuộc Dự án, ngày 16/10/2017, Nguyễn Trọng Đường và các đồng phạm đã dùng nhiều thủ đoạn để chỉ định Công ty Khang Phát là đơn vị thực hiện gói thầu tư vấn đánh giá hồ sơ mời thầu và hồ sơ sự thầu.
Quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật của 3 nhà thầu tham dự, Mai Phương Nam và Đỗ Thị Tuyết Mai thông báo cho Nguyễn Trọng Đường, Trần Nguyên Chung và Nguyễn Thị Ánh Hồng về việc cả 3 nhà thầu dự thầu đều không đáp ứng hồ sơ năng lực và cần bổ sung thêm các tài liệu.
Theo quy định, phải làm văn bản đề nghị các nhà thầu bổ sung tài liệu nhưng Ban Quản lý dự án đã thống nhất với Tổ tư vấn đầu thầu của Công ty Khang Phát cho phép các nhà thầu bổ sung trực tiếp. Do biết Công ty Mopha là “Quân xanh” của Công ty AIC, nên Hồng đã tham mưu cho Chung trình Đường ký văn bản gửi Công ty Mopha để hợp thức, tránh khiếu kiện. Sau khi được bổ sung trực tiếp, hoàn thiện phần năng lực kinh nghiệm, Công ty AIC được đánh giá đạt năng lực và hồ sơ kỹ thuật nên được tham gia mở hồ sơ đề xuất tài chính.
Ngày 13/11/2017, Nguyễn Thị Ánh Hồng và Đỗ Thị Tuyết Mai ký biên bản giao nhận Báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật nhưng Chung, Hồng, Nam, Mai và Nguyễn Vũ Cường vẫn tiếp tục chỉnh sửa đến ngày 16/11/2017 và thống nhất ký lùi ngày phát hành báo cáo đánh giá, quyết định và thông báo liên quan hồ sơ đề xuất kỹ thuật. Kết quả đánh giá VNCERT lựa chọn Công ty AIC là nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu số 08 và được tham gia mở hồ sơ đề xuất tài chính.
Ngày 22/11/2017, Trần Nguyên Chung ký Phiếu trình số 22/Ptr-BQLDA đề nghị Nguyễn Trọng Đường ký quyết định phê duyệt Công ty AIC là nhà thầu thực hiện gói thầu số 08. Sau khi đấu thầu, Nguyễn Trọng Đường đã nhận của Công ty AIC số tiền 1 tỷ đồng và giao cho Dương Thị Minh, Kế toán trưởng VNCERT chia cho các thành viên tham gia Dự án (gồm: Ngô Quang Huy, Trần Nguyên Chung, Đinh Thị Như Hoa, Nguyễn Thị Ánh Hồng, Nguyễn Đức Tuân, Nguyễn Thanh Minh …) trong dịp Tết Nguyên Đán năm 2019.
Trong đó, Đường nhận 200 triệu đồng, Ngô Quang Huy nhận 50 triệu đồng, Nguyễn Đức Tuân nhận 20 triệu đồng, Nguyễn Thị Ánh Hồng nhận 30 triệu đồng, Đinh Thị Như Hoa và Nguyễn Thanh Minh nhận 20 triệu đồng/người. Số tiền còn lại sử dụng phục vụ các hoạt động chung của VNCERT
Phan Quốc Việt liên quan vụ Chủ tịch AIC vi phạm đấu thầu ở TP.HCM như thế nào?
Không đủ năng lực tham gia dự thầu, Công ty Gene Việt thống nhất dùng pháp nhân Công ty Việt Á (Công ty Việt Á có 10% vốn góp trong Gene Việt) đại diện đứng tên liên danh và thực hiện các hoạt động đấu thầu giai đoạn 1 của dự án với Công ty AIC.
Theo cáo buộc, khoảng tháng 4/2014, Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm quen với ông Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) TP.HCM. Khi đó, bà Nhàn đặt vấn đề và được ông Xô đồng ý để Công ty AIC tham gia thực hiện dự án mua sắm thiết bị 12 phòng thí nghiệm tại trung tâm.
Sau khi dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, năm 2015, bà Nhàn chỉ đạo ông Trần Mạnh Hà (Phó TGĐ AIC) và Trần Đăng Tấn (Trưởng văn phòng AIC tại TP.HCM) đến gặp, bàn bạc, thống nhất với ông Dương Hoa Xô cho Công ty AIC được xây dựng lại danh mục thiết bị để đảm bảo AIC được lợi nhuận tương đương khoảng 40% giá trị mỗi gói thầu.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Xuân Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ cao Gene Việt - Công ty Gene Việt) thông qua mối quan hệ cá nhân đã đến gặp, trao đổi với bà Nhàn xin được làm nhà thầu phụ tại một số gói thầu của dự án.
Gật đầu đồng ý, Chủ tịch AIC đưa ra điều kiện rằng: Công ty AIC thực hiện việc ngoại giao và chi phí; Công ty Gene Việt chịu trách nhiệm phần chuyên môn (mua hàng, bàn giao, lắp đặt, hướng dẫn vận hành, bảo hành bảo trì) và phải đảm bảo mức lợi nhuận cho AIC tương đương 40% giá trị mỗi gói thầu.
Bị cáo Phan Quốc Việt. Ảnh: CTV
Bên cạnh đó, Gene Việt giới thiệu đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu (HSMT), đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) để Liên danh Công ty AIC - Gene Việt đàm phán với các nhà cung cấp giảm giá so với giá bán đã thỏa thuận với Công ty AIC, lúc đó Công ty Gene Việt được hưởng phần giá giảm.
Do mới thành lập, chưa đủ năng lực để tham gia dự thầu nên các thành viên Công ty Gene Việt thống nhất sử dụng pháp nhân Công ty Việt Á (Công ty Việt Á có 10% vốn góp trong Công ty Gene Việt) đại diện đứng tên liên danh và thực hiện các hoạt động đấu thầu giai đoạn 1 của dự án với Công ty AIC.
Gây thiệt hại hơn 61 tỷ đồng
Sau khi Công ty Gene Việt được tham gia liên danh thực hiện 3 gói thầu số 2,3,4 giai đoạn 1 dự án, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới phối hợp với ông Dương Hoa Xô, Giám đốc và Nguyễn Đăng Quân, PGĐ Trung tâm CNSH; Phạm Hoàng Minh Ly, TGĐ Công ty Gene Việt; Phan Quốc Việt, TGĐ cùng Đồng Sỹ Huy, Võ Anh Triết, Phó TGĐ Công ty Việt Á lập, thống nhất cấu hình danh mục, thông số kỹ thuật để chủ đầu tư phê duyệt dự toán nâng giá thiết bị.
Việc này nhằm đảm bảo lợi nhuận cho Công ty AIC như thỏa thuận.
Trước khi phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), để đảm bảo cho Công ty AIC trúng thầu, ông Trần Mạnh Hà yêu cầu Công ty Gene Việt phải tìm công ty đứng tên thay 1 trong 3 gói thầu để tránh bị các công ty khác kiện tụng.
Khi đó Phan Quốc Việt đã chỉ đạo cấp dưới là Đồng Sỹ Huy liên hệ với ông Lê Hữu Lễ, Trưởng phòng kinh doanh và ông Bạch Quốc Chính, TGĐ Công ty Cổ phần y dược phẩm Vimedimex đứng tên thay gói thầu số 4, giai đoạn 2.
Cùng với đó, bị can Trần Mạnh Hà yêu cầu Công ty Gene Việt tìm đơn vị tư vấn lập HSMT, đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), đảm bảo cho Liên danh Công ty AIC - Việt Á và Công ty Vimedimex trúng thầu, tránh bị hủy thầu.
Theo phân công của Công ty Gene Việt, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo Đồng Sỹ Huy liên hệ với ông Trần Vinh Vũ, TGĐ Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng Hồng Hà (Công ty Hồng Hà) để Trung tâm CNSH chỉ định làm đơn vị tư vấn lập HSMT, đánh giá HSDT.
Quá trình đấu thầu, Trần Mạnh Hà, Phan Quốc Việt, Đồng Sỹ Huy, Võ Anh Triết đã chỉ đạo nhân viên Công ty Việt Á, Công ty AIC thiết lập các công ty "quân xanh" thuộc nhóm Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á, Công ty AIC mua HSMT và nộp HSDT để đảm bảo cho Liên danh AIC - Việt Á và Công ty Vimedimex trúng thầu 3 gói thầu 2,3,4 giai đoạn 1 của dự án.
Cáo buộc chỉ ra rằng, ông Võ Anh Triết, Phó TGĐ Công ty Việt Á đã liên hệ, đề nghị Công ty Hồng Hà do ông Trần Vinh Vũ là TGĐ làm đơn vị tư vấn lập HSMT và đánh giá HSDT các gói thầu giai đoạn 1 của dự án.
Khi đó, ông Vũ đã đồng ý để Trung tâm CNSH chỉ định thầu làm đơn vị tư vấn lập HSMT và đánh giá HSDT. Quá trình xây dựng HSMT, đánh giá HSDT, ông Vũ thành lập tổ tư vấn nhưng không ai tham gia lập HSMT các gói thầu 2,3,4 giai đoạn 1 của dự án.
Theo đề nghị của Võ Anh Triết và được sự đồng ý của Trung tâm CNSH, ông Vũ đưa vào HSMT các tiêu chí để tạo lợi thế cho Liên danh AIC - Việt Á và Công ty Vimedimex gồm: Các yêu cầu về giá trị hợp đồng tương tự; số lượng nhân sự cao hơn mức tối thiểu quy định; đồng thời mở rộng diện hợp đồng tương tự từ CNSH/Y dược thành Khoa công nghệ/Y dược.
Qua đó Liên danh AIC - Việt Á và Công ty Vimedimex đủ điều kiện dự thầu và trúng thầu.
Hành vi của ông Vũ bị xác định là không đảm bảo công bằng, minh bạch trong đấu thầu, tạo điều kiện cho Liên danh AIC - Việt Á và Công ty Vimedimex trúng 3 gói thầu 2,3,4 giai đoạn 1, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 61 tỷ đồng.
Vụ án AIC: Cơ chế đưa hối lộ do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo như thế nào? Theo Kết luận điều tra, để việc đưa hối lộ diễn ra thuận lợi, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã tạo ra 'cơ chế', chính sách 'ngoại giao' để Ban Thư ký tài chính Công ty AIC và cấp dưới thực hiện. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra Kết luận điều tra vụ án...