Chủ quyền không thể mặc cả, nhân nhượng được
Là người theo dõi, am hiểu về Trung Quốc, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy (nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc) đã từng nhiều lần cảnh báo Việt Nam cần chuẩn bị cho những bước đi ngang ngược của Trung Quốc nhằm mục đích độc chiếm biển Đông. Hành động mới đây của Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam là minh chứng rõ rệt cho nhận định này của ông. Trước những diễn biến của sự kiện này, nhà nghiên cứu đã có những phân tích
Chúng ta không thể lùi được nữa
- Thưa ông, đến thời điểm này Trung Quốc đã huy động tới hơn 130 tàu các loại và cả máy bay đến khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 để bảo vệ giàn khoan và ngăn cản lực lượng chấp pháp của ta thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ông bình luận như thế nào về việc Trung Quốc liên tục bổ sung tàu quân sự và cả máy bay tới khu vực Biển Đông?
- Cá nhân tôi không ngờ Trung Quốc huy động số lượng tàu và máy bay hộ tống lớn đến vậy. Điều này thể hiện rằng họ đã toan tính và chuẩn bị khá công phu cho sự kiện hạ đặt giàn khoan lần này và đó cũng là một hành động nhằm phô diễn sức mạnh của họ. Rõ ràng so sánh lực lượng trên biển thì cảm giác Trung Quốc lớn mạnh hơn ta rất nhiều. Nhưng ta cũng không lép vế hơn họ. Ta là nước nhỏ thì có chiến thuật của nước nhỏ. Lịch sử nước ta, Yết Kiêu, Dã Tượng cũng đã có những cách đánh chiến thắng kẻ thù lớn mạnh hơn. Thực tế là giàn khoan của Trung Quốc đến nay đã hơn 20 ngày nhưng họ cũng chưa công bố làm được gì, rõ ràng Trung Quốc cũng bị sức ép lớn từ phía Việt Nam, họ cũng mất rất nhiều công sức để lo đối phó với lực lượng bảo vệ biển của ta. Không những thế họ còn phải chịu sức ép của dư luận thế giới.
- Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để ứng xử với hành động phi lý của Trung Quốc?
- Việt Nam không còn đường lùi. Chúng ta nhất quyết không để họ khoan thăm dò tại vùng biển của Việt Nam. Nếu họ khoan 1 mũi, thì chắc chắn sẽ khoan 2, 3 mũi… và biển Đông sẽ dần rơi hết vào tay họ. Bởi vậy ta phải kiên quyết, cứng rắn, có chiến thuật phù hợp và phải tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Hiện nay dư luận quốc tế về cơ bản là ủng hộ chúng ta, Mỹ cũng bắt đầu có những quan tâm, đánh giá và thái độ rất tích cực trong vấn đề biển Đông vì họ có những lợi ích rất quan trọng ở đây, đặc biệt là về hàng hải. Thế giới ngày nay đã khác xưa, cộng đồng quốc tế đã có tiếng nói chung, gắn bó lợi ích của các nước khác nhau, vì vậy không phải anh có sức mạnh hơn tôi, anh muốn làm gì thì làm.
- Nhưng nếu họ kiên quyết muốn lấn chiếm, bất chấp dư luận?
Video đang HOT
- Trong trường hợp Trung Quốc kiên quyết muốn lấn chiếm, dứt khoát sẽ có những va chạm. Nếu như vì chuyện này mà phải “va chạm” với Trung Quốc thì Việt Nam cũng phải sẵn sàng, vì chúng ta không thể lùi được nữa rồi. Chủ quyền không phải là vấn đề nhân nhượng, mặc cả được.
Chơi với Trung Quốc chúng ta phải chịu sức ép về nhiều mặt
- Qua quá trình công tác ở Trung Quốc, ông có thể cho biết người dân Trung Quốc, họ nhìn nhận về vấn đề tranh chấp trên biển Đông như thế nào?
- Nói về vấn đề này, tôi có thể khẳng định rằng suốt mấy chục năm qua, người dân Trung Quốc đã được truyền thông của họ nhuộm đen cái nhìn về Việt Nam với những luận điệu như: Việt Nam chiếm đất, chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của họ, chiếm nguồn dầu khí của họ… Thời báo Hoàn Cầu là con đẻ của Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa xã có Sina.com, mạng quân sự có mạng phụ là Trung Quân võng… Những trang mạng phụ này ra sức tuyên truyền những luận điệu sai trái về Việt Nam, thậm chí cả kế hoạch đánh chiếm Việt Nam. Rõ ràng họ đã được bật đèn xanh để người dân Trung Quốc coi chúng ta là kẻ thù.
- Nhưng các nhà cầm quyền Trung Quốc lại luôn khẳng định bằng lời nói về tình đoàn kết, hữu nghị và mong muốn duy trì an ninh, hòa bình trên biển Đông?
- Tôi làm ở Trung Quốc lâu lắm rồi. Những lúc khó khăn, nhường cơm sẻ áo chúng tôi cũng đã trải qua rồi. Những lúc coi nhau như kẻ thù cũng trải qua rồi. Kinh nghiệm đúc rút là đừng bao giờ đặt niềm tin tuyệt đối vào Trung Quốc.
- Ông đánh giá như thế nào về hành động mới đây của Trung Quốc cố tình đón công dân của họ ở Việt Nam về nước, trong khi tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã trở lại ổn định và chính các doanh nghiệp này cũng đã bày tỏ tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam đã tạo cho họ môi trường đầu tư đảm bảo ANTT?
- Một mặt họ muốn gây sức ép với ta, chơi với Trung Quốc, chúng ta phải chịu rất nhiều sức ép, cả về kinh tế, quân sự và chính trị… đồng thời chúng ta phải chuẩn bị tâm thế đối mặt với những sức ép đó. Nhưng mặt khác họ làm vậy để cố tình lu loa với thế giới rằng Việt Nam đang rất bất ổn với mong muốn tác động vào các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng thực tế cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã rất tỉnh táo, cùng với sự nỗ lực khắc phục của Chính phủ Việt Nam thì tâm lý các nhà đầu tư sau một thời gian ngần ngại đến nay cơ bản đã ổn định và đầu tư, sản xuất bình thường. Điều đó cho thấy, không phải Trung Quốc muốn dẫn dắt dư luận thế nào cũng được.
- Ông có điều gì muốn nói với những người dân yêu nước đang sôi sục vấn đề chủ quyền biển đảo?
- Hơn lúc nào hết cần sự tỉnh táo và tin tưởng tuyệt đối vào các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tuân thủ pháp luật. Tôi tin các đồng chí lãnh đạo sẽ có những ứng phó phù hợp, lịch sử chúng ta chưa từng bị khuất phục. Sự thiếu tỉnh táo, quá khích sẽ dễ dàng bị lợi dụng, lòng yêu nước bị đặt nhầm chỗ. Cũng qua hành động này của Trung Quốc buộc chúng ta phải có sự đánh giá lại về bạn và thù.
Theo ANTD
Nhân nhượng cũng có giới hạn
Ngày 23-5, bên lề Quốc hội, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh phát biểu mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tình hình Biển Đông.
- Trả lời câu hỏi của báo chí quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ "không chấp nhận đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông, lệ thuộc", ông có bình luận gì về phát biểu này?
- Những ý kiến của Thủ tướng hoàn toàn ăn nhịp với thực tiễn ở Biển Đông. Trong thời gian dài, chúng ta rất trọng tình hòa hiếu bởi giữ được sự hòa hiếu cũng là giữ được môi trường ổn định để phát triển. Song, như một nguyên lý chung mà dân tộc ta đã từng trải qua trong lịch sử, khi Bác Hồ viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, câu mở đầu đã nói: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì đối phương càng lấn tới". Vì thế, mức độ phát biểu của Thủ tướng cũng phản ánh nhịp độ thay đổi diễn biến rất phức tạp ngoài Biển Đông.
Thông điệp của Thủ tướng một lần nữa nói rõ, chúng ta luôn mong muốn hòa bình nhưng đương nhiên phải bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chủ quyền của chúng ta đặt trên nền tảng là những bằng chứng lịch sử, pháp lý, những cam kết, quy định của luật pháp quốc tế về Biển Đông. Tất nhiên, nền hòa bình phải được xây dựng một cách vững chắc trên trách nhiệm của tất cả các quốc gia có liên quan.
Thủ tướng cũng đã nói rõ, đây không phải là việc riêng giữa Việt Nam - Trung Quốc vì không gian Biển Đông rất quan trọng đối với khu vực và cả thế giới, mà trước hết là an toàn hàng hải. Nếu chúng ta lùi một bước thì họ sẽ tiến thêm nhiều bước và chắc thế giới cũng phải lùi theo.
Do đó, chúng ta muốn nói để cho thế giới biết rằng, chúng ta rất muốn hòa bình, chúng ta rất muốn nhân nhượng nhưng nhân nhượng phải có giới hạn của nó. Vấn đề Biển Đông đòi hỏi không chỉ Việt Nam hay khu vực Đông Nam Á mà cả thế giới phải quan tâm đến, để không những tạo ra hình thái ổn định ở khu vực mà còn nhằm bảo vệ những nguyên lý, những cơ sở luật pháp đang điều chỉnh toàn bộ hoạt động trong thế giới ngày nay.
- Thủ tướng cũng đề cập tới khả năng sẽ cân nhắc phương án đấu tranh pháp lý như Philippines đã thực hiện, quan điểm của ông?
- Tôi hết sức tán thành nhưng đi vào vấn đề cụ thể nên để các nhà chuyên môn. Bởi việc đưa ra cơ quan pháp lý đòi hỏi rất nhiều yếu tố về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm, kiến thức luật pháp. Phải nói là đôi khi chân lý chưa chắc đã thuộc về người đúng. Do vậy, sự thận trọng là cần thiết. Nhưng tôi rất tán thành việc đưa sự kiện này ra quốc tế trước hết là để công khai, minh bạch. Còn kết quả phán xét của tòa án hay của một cơ quan trọng tài nào đó thì tùy thuộc vào tình hình thực tế song đầu tiên chúng ta phải thể hiện tính minh bạch. Chúng ta không e ngại sự minh bạch vì chúng ta có lẽ phải.
- Thủ tướng có nói Việt Nam không bao giờ khơi mào cho bất cứ một cuộc đối đầu quân sự nào nhưng chúng ta cũng phải sẵn sàng cho những hành động tự vệ khi cần?
- Thủ tướng nói những vấn đề mà lịch sử đã chứng minh. Đến nay, chúng ta đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh và nếu phân tích kỹ, hầu như tất cả những cuộc chiến tranh ấy đều không phải do chúng ta khơi mào. Chúng ta chỉ giữ một nguyên lý là độc lập và thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền của mình và tôn trọng các quốc gia khác. Thực tế, nhiều quốc gia sau cuộc chiến tranh, chúng ta lại hòa giải được như Pháp, Mỹ...
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Việt Nam có quyền tự vệ
"Quan hệ giữa Việt Nam và các nước là bình đẳng, hai bên đều có lợi. Chúng ta rất tôn trọng lẽ phải, tôn trọng quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm lãnh thổ của Tổ quốc cũng như các nước trong khu vực. Chính phủ Việt Nam đã cam kết không sử dụng vũ lực trên Biển Đông. Song Việt Nam cũng phải có quyền tự vệ của mình để bảo vệ chủ quyền. Khi chúng ta bị xâm lược thì chúng ta phải chống xâm lược, khi chúng ta bị đánh thì chúng ta phải tự vệ đó là truyền thống của dân tộc ta từ trước đến nay. 90 triệu dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài sẽ ủng hộ quan điểm này".
Theo ANTD
Báo Nhật: Việt Nam không để xảy ra biểu tình trái pháp luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị nhân dân góp phần giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội. NHK ngày 18/5 đưa tin, trong bối cảnh Việt Nam đang phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan sâu vào vùng đặc quyền kinh tế trong thềm lục địa của Việt Nam, chính phủ Việt Nam ngày 17/5 đã đưa...