Chữ ký “cô đơn” của ông Trump gây sốt cộng đồng mạng
Chữ ký của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã gây sốt trên các mạng xã hội sau khi nó xuất hiện một cách độc đáo trên bản tuyên ngôn về sự kiện lịch sử D-Day mà các nhà lãnh đạo thế giới đặt bút ký.
Chữ ký “cô đơn” của ông Trump ở bên trên bản tuyên ngôn về D-Day (Ảnh: AFP)
Ông Trump đã tham gia lễ kỷ niệm lần thứ 75 sự kiện D-Day – ngày mà Mỹ chính thức tham chiến Thế chiến II, đổ bộ vào bờ biển Normandy của Pháp – tại Portsmouth, Anh cùng các nhà lãnh đạo khác trong hôm thứ Năm tuần này và tham gia ký vào bản tuyên ngôn về D-Day để “đảm bảo rằng những sự hy sinh trong quá khứ không bao giờ là vô ích hay bị lãng quên”.
Các lực lượng của quân đồng minh đã đổ bộ bờ biển Normandy của Pháp và ngày 6/6/1944. Gần 2.500 binh sỹ Mỹ đã hy sinh trong cuộc đổ bộ được xem là đồ sộ nhất trong lịch sử nhân loại. Khoảng 2.700 binh sỹ Anh và 946 binh sỹ Canada cũng hy sinh trong sự kiện này.
“Chúng ta đứng đây ngày hôm nay để tôn vinh những người đã hy sinh thân mình trong sự kiện D-Day, và hàng triệu người đàn ông và phụ nữ đã thiệt mạng trong Thế chiến II, cuộc xung đột lớn nhất trong lịch sử nhân loại” – bản tuyen ngôn có đoạn – “Chúng tôi cam kết sẽ hợp tác với tư cách đồng minh và những người bạn để ra điểm chung trong số những khác biệt về quan điểm và hợp tác để giải quyết căng thẳng quốc tế một cách hòa bình”.
15 nhà lãnh đạo thế giới – trong đó có cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel – đã đặt bút ký vào văn bản này bằng bút mực xanh phía dưới văn bản.
Tuy nhiên, chỉ riêng chữ ký của Tổng thống Trump lại nằm chót vót phía trên văn bản, khiến nhiều người bình luận trên mạng xã hội rằng: “Hãy đoán xem nhà lãnh đạo thế giới nào ký tên ông ta trên cùng, trong khi những người khác đều ký ở phần cuối” – Stig Abell, biên tập viên chuyên trang The Times Literary Supplement, viết trên Twitter.
“Hãy nhìn vào mặt tốt” – một cư dân mạng khác viết trên Twitter – “Cảm ơn Chúa vì ông ta không phải là người lập quốc, nếu không ông ấy có thể đã ký vào bên trên của Tuyên ngôn Độc lập”. Nhiều người khác thì cho rằng chỗ để ký trên văn bản khá hạn chế: “Ở dưới đó nhìn hơi đông đúc, nên tôi cũng sẽ làm như vậy (giống ông Trump)” – một người khác viết.
Kiểu chữ ký đậm, có phần cứng nhắc của ông Trump thường bị đem ra làm bêu riếu (Ảnh: Getty)
Chữ ký của ông Trump bị mô tả là “cứng nhắc” và thường bị đem ra bêu riếu trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Kiểu chữ ký có phần thô bạo này thường được ký bởi một chiếc bút đen có nét mực đậm.
Video đang HOT
“Kể từ khi ông ta trở thành Tổng thống, chữ ký của ông đậm hơn, có nghĩa rằng ông ấy trở nên căng thẳng hơn” – chuyên gia về chữ viết tay Michelle Dresbold nói với tờ Pittsburgh Post-Gazette.
Ông Trump trước đây từng nói rằng ông không thích những chiếc bút mà Chính phủ cung cấp, thay vào đó sử dụng loại bút Sharrpie. Ông nói rằng hãng Sharpie đã tặng cho ông một loại bút đặc biệt có nhãn bằng vàng.
“Tôi từng phải ký các văn bản bằng một loại bút rất đắt tiền và nó viết không hề tốt” – ông Trump từng nói trong cuộc phỏng vấn trên kênh HBO – “Đó là chiếc bút tệ hại, trong khi giá lại rất đắt. Sau đó tôi bắt đầu sử dụng một chiếc Sharpie, và tôi tự nhủ, chờ một chút nào, chiếc bút này tốt hơn hẳn và giá của nó gần như cho không”.
Theo viettimes
TT Trump phản bác cố vấn 'diều hâu', khiến thế giới khó hiểu
Mâu thuẫn giữa ông Trump và cố vấn John Bolton, những người quyết định chính sách của Mỹ tại các điểm nóng như Triều Tiên, Iran và Venezuela, được thể hiện công khai ở Tokyo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng phàn nàn về cố vấn an ninh quốc gia John Bolton tại câu lạc bộ của mình ở Florida cách đây không lâu. Các vị khách nghe tổng thống chê bai các đề xuất của ông Bolton. Ông cũng nghi ngờ ông Bolton đang dẫn mình đi theo hướng mà ông không mong muốn.
Đối với một tổng thống thường xuyên khen rồi chê các cố vấn một cách thất thường, việc chê bai như vậy có lẽ là bình thường nếu chỉ là các câu chuyện riêng tư.
Song trong những ngày qua, mâu thuẫn giữa ông Trump và cố vấn an ninh quốc gia Bolton đã được thể hiện công khai, khiến cả thế giới khó hiểu về lập trường của Mỹ, nhất là trong các điểm nóng hiện tại có nguy cơ dẫn đến chiến tranh, theo New York Times.
Ông Trump công khai phản bác quan điểm của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton trong cuộc họp báo ở Tokyo, bên cạnh Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: AP.
Ông Trump công khai sự mâu thuẫn
Sự chia rẽ lên đỉnh điểm trong chuyến thăm bốn ngày của tổng thống Mỹ đến Nhật, vừa kết thúc hôm 28/5. Trong cuộc họp báo ở Tokyo, ông Trump phản bác lại chính cố vấn của mình về các vấn đề gai góc như Iran và Triều Tiên. Ông tuyên bố không theo đuổi việc thay đổi chính thể ở Iran và nói Triều Tiên không vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc khi thử tên lửa tầm ngắn.
Ông Trump và ông Bolton vốn khác xa nhau về cách tiếp cận căn bản trong các vấn đề đối ngoại. Ông Trump lên nắm quyền với lời hứa sẽ rút quân Mỹ khỏi các xung đột trên thế giới, và sau này đã theo đuổi đối thoại với Triều Tiên. Ông Bolton lại sẵn sàng dùng giải pháp quân sự và phản đối việc đối thoại với Triều Tiên.
Trong những tuần gần đây, sự chia rẽ ngày càng sâu sắc. Ông Trump chống lại việc điều thêm quân Mỹ đến Trung Đông để kiềm chế đe dọa từ Iran, đồng thời gạt đi các ý kiến nói thời kỳ hòa hoãn với Triều Tiên đang sắp hết và hai nước này đang chuyển sang giai đoạn thù địch.
Ông cũng không hài lòng với toan tính của ông Bolton nhằm lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela. Ông Bolton đã vận động thế giới lên án ông Maduro, nhưng phe đối lập tại đất nước Nam Mỹ đã không thể khiến quân đội quay lưng lại với tổng thống.
Ngay sau khi ông Bolton lên tiếng khẳng định vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết Liên Hợp Quốc, ông Trump lên Twitter và nói ông không lo ngại.
Ông Bolton không hề có quan hệ cá nhân tốt với Tổng thống Trump, một điều được cho là rất quan trọng trong chính quyền của ông Trump. Ảnh: Getty Images.
Phát ngôn mâu thuẫn có là lợi thế?
Những người ủng hộ ông Trump nói những khác biệt trên không phải là chuyện lớn. Họ giải thích rằng tổng thống Mỹ chọn lựa những cố vấn không nhất thiết cùng quan điểm và khuyến khích tranh luận. Sự mâu thuẫn trong phát ngôn có thể khiến Iran, Triều Tiên và Venezuela không biết chắc Mỹ sẽ dám làm gì, và điều này có lợi cho ông Trump.
"Bolton hữu ích đối với ông Trump", Mark Dubowitz, giám đốc Quỹ Bảo vệ Dân chủ, nhóm vận động đường lối cứng rắn với Iran, nói với New York Times.
"Ông Bolton cứng rắn, thuộc loại siêu diều hâu. Triều Tiên ghét ông ta. Iran ghét ông ta. Cả hai nước đều công kích ông ta. Tôi nghĩ Bolton thích điều đó. Tổng thống cũng thích vậy, vì ông có thể chuyển qua chuyển lại giữa lập trường vô cùng cứng rắn và mở cửa đối thoại".
Song hoài nghi về mối quan hệ giữa ông Trump và cố vấn hàng đầu về đối ngoại sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới, giữa lúc tổng thống Mỹ phải đối phó với những căng thẳng ở châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ, sao cho không làm mếch lòng các đồng minh.
Ông Bolton là nhân vật diều hâu có tiếng ở Washington từ lâu, với lập trường cứng rắn đã trở thành thương hiệu, cũng như cặp ria mép và lời lẽ sắc bén. Ông ủng hộ cuộc chiến Iraq, đặt lợi ích nước Mỹ lên trên hết, và không ngừng chỉ trích các tổ chức quốc tế cũng như các hiệp ước kiểm soát vũ khí mà ông cho là bất lợi cho Mỹ. Thậm chí, sau khi rời chính quyền cựu tổng thống George W. Bush, ông còn kịch liệt chỉ trích sếp của mình vì đã mềm mỏng với Triều Tiên.
Ông Trump chọn ông Bolton một phần để tránh bị chỉ trích rằng ông chỉ dùng tướng lĩnh làm cố vấn. Khác với người tiền nhiệm là tướng H.R. McMaster, ông Bolton báo cáo công việc với tổng thống một cách hiệu quả hơn, nhưng ông không hề có mối quan hệ cá nhân tốt với tổng thống, một điều được cho là rất quan trọng trong chính quyền của ông Trump. Ông Trump không giấu giếm việc không thích ông Bolton.
Chê bai nhau sau lưng
Khi nói chuyện riêng, ông Trump thường châm chọc ông Bolton là thích chiến tranh, và nói chính ông là người chặn ông Bolton. "Nếu để John quyết định, bây giờ chúng ta đang ở trong bốn cuộc chiến rồi", một quan chức cao cấp nhắc lại lời tổng thống.
Một lần, ông Trump nói chuyện riêng với Sheldon G. Adelson, một ông trùm sòng bạc, và hỏi Adelson ông nghĩ sao về ông Bolton. Adelson là người quyên góp lớn cho ông Trump và cũng là người ủng hộ ông Bolton.
Khi ông Trump bắt đầu không thích một cố vấn, ông sẽ thăm dò ký kiến những người xung quanh về người đó, để suy tính xem có nên thay thế không. Ông hỏi ý Adelson có lẽ vì lo ngại sẽ làm phật ý ông trùm sòng bạc vốn đang quyên góp nhiều tiền cho mình.
Ông Trump được cho là đã hỏi ý kiến người khác trong khi bất đồng ngày càng tăng giữa ông và cố vấn Bolton. Ảnh: AP.
Một quan chức thân cận với ông Trump nhớ lại cựu ngoại trưởng Rex W. Tillerson. Ông Trump cũng hỏi mọi người về ông Tillerson, nhưng phải mất sáu tháng, ông Trump mới có thể thay thế ông Tillerson.
Ông Bolton không giải thích gì thêm khi bị Tổng thống Trump phản bác. Ông không dự quốc yến trong chuyến thăm Nhật Bản. Thay vì bay về nước cùng tổng thống, giống như một cố vấn đang sợ mất việc có thể sẽ làm, ông Bolton bay thẳng đến Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để họp, thể hiện sự tự tin của mình về quan hệ với tổng thống.
Chỉ có Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng về những phát ngôn mâu thuẫn của ông Trump. Cơ quan này tuyên bố "toàn bộ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên đi ngược lại nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", tức bao gồm các vụ thử tên lửa tầm ngắn của nước này.
Về phần mình, ông Bolton cũng bức xúc với tổng thống Mỹ. Ông nói riêng với các quan chức khác rằng ông Trump không quyết tâm theo đuổi các thay đổi mang tính đột phá ở Trung Đông. Đồng thời, ông cũng cho rằng mình bị hiểu lầm. Chẳng hạn, ông bị cho là theo đuổi giải pháp quân sự ở Venezuela, trong khi trên thực tế ông không hề muốn vậy.
Theo Zing/New York Times
Ông Trump thăm chiến hạm lớn nhất của Nhật, người Trung Quốc 'sốt vó' Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba đã đến thăm tàu khu trục mang trực thăng Kaga của hải quân Nhật Bản tại căn cứ ở Yokosuka, phía nam Tokyo, để thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa hai đồng minh. Ông Trump và ông Abe tới thăm căn cứ hải quân Tàu Kaga...