Chủ động ứng phó rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, từ ngày 30-12, ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời chuyển rét đậm, rét hại (trọng tâm rét hại tập trung ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai) với nhiệt độ thấp nhất từ 8 đến 11 độ C, vùng núi từ 4 đến 7 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C và có khả năng cao xảy ra băng giá và sương muối; có mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Khu vực bắc và giữa Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, có nơi cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh.
Cục Thú y phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc). Ảnh: NGUYỄN CHIẾN (TTXVN)
Để chủ động ứng phó rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển, ngày 27-12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) – Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã có Công điện số 42/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, đề nghị: Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường thông tin để chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao biết, chủ động phòng, chống; tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, nhất là với người già, trẻ nhỏ, học sinh và triển khai các biện pháp để giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất, chăn nuôi; thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, vật nuôi, cây trồng; chủ động bố trí ngân sách địa phương, quỹ PCTT và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống; triển khai lực lượng xung kích tại cơ sở, hỗ trợ vật tư, kinh phí để giúp nhân dân; căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học; các tỉnh, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của gió mạnh, sóng lớn trên biển, thông báo cho các phương tiện tàu, thuyền biết để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản và cây trồng; xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện và diễn biến thời tiết…
* Theo Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, hôm nay (28-12), tại các tỉnh Bắc Bộ sương mù và mưa phùn sẽ giảm, trưa chiều trời nắng. Nền nhiệt cao nhất lên tới 26 đến 270C. Hình thái thời tiết này sẽ duy trì hết ngày 29-12. Trên biển, ngày 28-12, vùng biển phía đông khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6, cấp 7. Ngoài ra, ở vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động; sóng biển cao từ 2 đến 3 m.
* Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) vừa phối hợp với Sở NN và PTNT tỉnh Hà Giang tổ chức tiêm thí điểm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại hai xã Niêm Sơn và Khâu Vai, thuộc huyện Mèo Vạc. Tính đến ngày 25-12, tại huyện Mèo Vạc đã có 32 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Ngay sau khi được Cục Thú y hỗ trợ vắc-xin, ngành chuyên môn của tỉnh đã phối hợp huyện Mèo Vạc thành lập các tổ tiêm phòng, giám sát, lấy mẫu theo quy trình.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương vừa tập huấn phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò cho cán bộ thú y cơ sở trên địa bàn TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, huyện Nam Sách và thị xã Kinh Môn. Theo đó, các cán bộ thú y cơ sở được hướng dẫn một số biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh và cách nhận biết khi gia súc nhiễm bệnh để hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng.
Cuối tháng 12, giá ớt ở tỉnh Đồng Tháp tăng kỷ lục. Thương lái mua tại ruộng với giá từ 70 đến 100 nghìn đồng/kg, bình quân 1.000 m2 trồng ớt lãi hơn 30 triệu đồng. Giá ớt tăng cao là do vụ này, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ngừng sản xuất do vào mùa nước nổi, trong khi các tỉnh miền trung bị lũ lụt nên diện tích trồng ớt thu hẹp, nguồn cung thiếu.
Theo thống kê của Sở NN và PTNT tỉnh Kon Tum, hiện tổng diện tích rau hoa xứ lạnh của tỉnh đạt khoảng hơn 200 ha. Toàn bộ diện tích này được trồng trên địa bàn huyện Kon Plông, theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Huyện cũng đã thu hút được 67 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với tổng diện tích đất dự kiến gần 5.000 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng.
Toàn xã Chiềng Khay (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) hiện có hơn 4.000 con gia súc. Với diễn biến bất thường của thời tiết, chính quyền địa phương và người dân đang tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn: che chắn chuồng trại, bảo đảm giữ khô nền, ấm chuồng, tăng khẩu phần ăn… Đồng thời tăng cường theo dõi, phát hiện gia súc ốm để xử lý kịp thời.
Trong điều kiện thời tiết chuyển rét đậm, xã Nậm Manh (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc. Hiện, xã Nậm Manh có tổng đàn đại gia súc hơn 1.160 con (trong đó: đàn trâu 846 con, đàn bò hơn 320 con) với tổng số 360 hộ chăn nuôi. Xã đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn người dân thu gom, dự trữ rơm ngay khi bắt đầu thu hoạch lúa mùa, trồng cỏ; khuyến khích chủ động dự trữ thức ăn như: ngô, cám gạo, sắn… để bổ sung cho vật nuôi khi cần thiết.
Video đang HOT
Hà Giang: Rét, dịch bệnh đe dọa đàn gia súc
Thời tiết rét đậm, rét hại đang đe dọa sức khỏe của đàn trâu, bò tại các địa phương ở tỉnh Hà Giang. Nhiều vùng núi cao, nhiệt độ chỉ khoảng 3 độ C.
Người dân Hà Giang đang chủ động các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn trâu, bò trong những ngày thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Đào Thanh.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Giang, trong những ngày qua thời tiết tại Hà Giang dao động từ 8 đến 11 độ, tại các vùng núi cao thời tiết từ 1 đến 4 độ C. Đây là điều kiện lý tưởng để các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tụ huyết trùng, lở mồm long móng tấn công đàn gia súc.
Đến nay, toàn tỉnh Hà Giang có hơn 111.100 hộ chăn nuôi trâu bò với tổng đàn trên 286.500. Qua rà soát của ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang, trong số các hộ chăn nuôi trâu bò kể trên thì chỉ có hơn 90.200 hộ có chuồng trại kiên có, chiếm 81,26%. Còn lại là hơn 20.800 hộ còn là chuồng tạm. Đặc biệt có 13 hộ tại huyện Hoàng Su Phì vẫn còn chăn nuôi theo hình thức thả rông, chưa có chuồng trại.
Thôn Si Khà Lá, xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần có 69 hộ dân, trung bình mỗi nuôi từ 2 con trâu, bò trở lên. Do kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi nên công tác phòng, chống đói, rét được người dân khá chú trọng.
Ông Lù Văn Lìn, Trưởng thôn Si Khà Lá cho biết, thôn ở trên núi cao những ngày qua nhiệt độ xuống chỉ còn 3 độ C. Để đàn vật nuôi khỏe mạnh, ngoài việc thực hiện biện pháp che chắn chuồng trại, tất cả các hộ dân trong thôn đã tận dụng nguồn rơm khô sau khi thu hoạch lúa để làm thức ăn dự trữ cho gia súc.
Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cho biết, để phòng chống đói rét cho trâu bò, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho người nông dân, các ngành chức năng của tỉnh đã chủ động tuyên truyền người dân thực hiện làm chuồng trại kiên cố, che chắn cẩn thận đảm bảo cho đàn gia súc đủ ấm để hạn chế dịch bệnh; tăng cường áp dụng biện pháp ủ chua để tăng lượng dự trữ, hạn chế cỏ bị chết do ro sương muối và băng giá. Diện tích đồng cỏ của cả tỉnh hiện có 28.200 ha, sản lượng cỏ và nguồn phụ phẩm nông nghiệp về cơ bản đảm bảo cung cấp đủ lượng thức ăn thô xanh cho đàn gia súc.
Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận rằng trên thực tế, công tác phòng chống đói rét cho đàn gia súc ở Hà Giang cũng có những tồn tại nhất định. Như một bộ phận người dân còn chưa chủ động trong việc làm chuồng, che chắn chuồng trại cho đàn gia súc. Vẫn còn trông trờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước; công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện các biện pháp dự trữ thức ăn, phòng chống đói rét cho đàn gia súc còn chưa thực sự quyết liệt; ý thức bảo vệ, phòng trị bệnh cho đàn gia súc của người dân còn thấp; việc rà soát thống kê chuồng trại hộ có chuồng, chưa có chuồng còn chưa nghiêm túc.
Tỉnh Hà Giang đã có 31 con trâu, bò bị bệnh Viêm da nổi cục tấn công. Ảnh: Trịnh Bình.
Một khó khăn kép mà ngành chăn nuôi của tỉnh Hà Giang đang gặp phải đó là bệnh Viêm da nổi cục cũng đã tấn công đàn gia súc của địa phương này. Cụ thể, toàn tỉnh đã có 2 con trâu, 29 con bò của 13 hộ dân tại 2 huyện Mèo Vạc, Xín Mần bị nhiễm bệnh. Các cơ quan chức năng của tỉnh này cũng nhận định, không loại trừ có khả năng dịch bệnh cũng có thể đã xuất hiện ở những địa phương khác nhưng chưa được phát hiện. Nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.
Trước tình hình trên, ngành NN-PTNT Hà Giang đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành lập đoàn công tác đến kiểm tra thực tế tại cơ sở và hướng dẫn xã Khâu Vai, Xín Mần tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Cử 2 cán bộ kỹ thuật hỗ trợ huyện Mèo Vạc và Xín Mần để chống dịch. Các địa phương đã sở dụng 70 lít hóa chất, 50 kg vôi bột để tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tại các hộ chăn nuôi có gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh.
Tập trung ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò Trong hai ngày 25 - 26/12, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang tổ chức tiêm thí điểm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại hai xã Niêm Sơn và Khâu Vai, thuộc huyện Mèo Vạc. Cục Thú y phối hợp...