Chủ động chuyển hướng, linh hoạt điều hành, ngành nông nghiệp tăng tốc hậu Covid-19
So với những ngành kinh tế khác, ngành nông nghiệp chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Ngay từ khi dịch mới bùng phát ở Trung Quốc, những chuyến hàng trễ hẹn trên biên giới như báo trước khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, sự chủ động, linh hoạt trong điều hành đã giúp ngành nông nghiệp nhanh chóng tăng tốc hậu Covid-19.
Vượt khó để sản xuất thành công
Một trong những dấu ấn quan trọng của ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020 là đã khắc phục được những tác động nghiêm trọng của hạn, mặn ở ĐBSCL để có một vụ lúa đông xuân thắng lợi.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, bài học rút ra trong công cuộc ứng phó với hạn mặn lần này chính là sự vào cuộc một cách chủ động, phát huy hiệu quả của các giải pháp công trình và phi công trình.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tình hình sạt lở, chống hạn mặn tại Cà Mau. Ảnh: TTXVN.
Ngay từ tháng 10/2019, Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp ứng phó với hạn mặn, tại hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường xác định, phải chủ động đẩy sớm lịch thời vụ lên trước nửa tháng.
Nhờ vậy, dù hạn mặn năm 2019 – 2020 đã vượt qua cả kỷ lục của đợt hạn mặn khốc liệt 2015 – 2016 nhưng thiệt hại để lại không đáng kể.
Dù xâm nhập mặn ảnh hưởng trực tiếp đến 10/13 tỉnh vùng ĐBSCL nhưng diện tích lúa bị ảnh hưởng chỉ chiếm khoảng 2,7% (41.900 /1.541.000ha), trong khi mùa khô 2015 – 2016, diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại lên đến 150.000ha.
Diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chủ yếu ở những nơi xuống giống muộn sau tháng 12/2019, do người dân tự phát thực hiện, không theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Đây cũng là vụ lúa được mùa được giá nhất từ trước đến nay, năng suất ước đạt 68,54 tạ/ha, tăng 1,23 tạ/ha.
“Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ NNPTNT và các tỉnh, thành, cùng ngành chức năng, hợp tác xã, nông dân… vụ lúa đông xuân đã đạt kết quả mỹ mãn; hiện đang hướng tới một vụ hè thu thành công về năng suất lẫn giá cả. Từ kết quả đó, Bộ NNPTNT sẽ quyết tâm cùng các địa phương tổ chức sản xuất tốt nhất 2 vụ lúa còn lại là vụ thu đông và vụ mùa trong năm 2020 này, để đạt 43 triệu tấn lúa trong năm 2020 mà Chính phủ giao, nhằm đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ tốt nhu cầu xuất khẩu” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Khơi thông dòng chảy nông sản
6 tháng đầu năm 2020, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 trên toàn cầu làm đứt gãy các chuỗi cung ứng vật tư, sản phẩm nông nghiệp, trong nước và quốc tế.
Video đang HOT
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Woodsland (Tuyên Quang). Ảnh: K.N
Ngay trong cuộc họp bàn giải pháp tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hồi tháng 3/2020, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị các địa phương, ngành chuyên môn, doanh nghiệp, hiệp hội phải linh hoạt trong việc tìm thị trường, đặc biệt phải mở rộng tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu nông sản trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt gần 15,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Có một điểm nhấn đáng chú ý trong việc khơi thông dòng chảy nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 là các doanh nghiệp đã đẩy mạnh chế biến sâu để không bị tác động bởi việc đứt gãy chuỗi cung ứng.
Đơn cử như Công ty Long Uyên (Tiền Giang), nhờ tập trung xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ xoài, dừa mà hoạt động, doanh thu của doanh nghiệp không chịu tác động của dịch Covid-19. Hay Tập đoàn Nafoods, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phải tăng ca để kịp các đơn hàng .
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến ấn tượng với những sản phẩm chế biến từ cá tra tại Chương trình “Kết nối sản xuất – Tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra” ngày 9/6/2020.
Không chỉ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, một chiến lược bài bản để chinh phục thị trường nội địa cũng được ngành nông nghiệp đặt ra. Giữa tháng 6, một chương trình giới thiệu các sản phẩm cá tra và chế biến từ cá tra đã được tổ chức tại Hà Nội, để người tiêu dùng miền Bắc tiếp cận và sử dụng những sản phẩm bổ dưỡng từ loại thủy sản này.
“Không phải chỉ đến khi xuất khẩu khó khăn chúng ta mới nghĩ đến việc quay về thị trường nội địa mà là một chiến lược được đầu tư bài bản. Thị trường trong nước với 100 triệu dân, chủ yếu là dân số trẻ, nếu các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng thì cá tra Việt chắc chắn sẽ được ưa chuộng” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Đối với xuất khẩu gạo, dù có thời điểm lúng túng trong công tác điều hành nhưng tính đến ngày 15/5/2020, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 2,6 triệu tấn, trị giá 1,2 tỷ USD tăng 5,3% về lượng và 18,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2020 đạt gần 2,9 triệu tấn và 1,41 tỷ USD, tăng 5,1% về khối lượng và tăng 18,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Điều đáng nói là, giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2020 đạt 470,2 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 và cao nhất trong 2 năm trở lại đây.
Vải thiều tươi Việt Nam đã có mặt ở thị trường Nhật Bản. Ảnh: CTV
Một điểm nhấn nổi bật trong xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2020 là đưa được quả vải thiều sang Nhật Bản thành công.
Năm 2017, khi Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chính thức đề xuất với phía Nhật Bản cho phép xuất khẩu vải thiều sang thị trường này, nhiều ý kiến cho rằng đây là quyết định táo bạo, bởi vải thiều là loại quả khó tính bậc nhất trong khâu bảo quản.
Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng cho lô vải thiều đầu tiên chinh phục Nhật Bản thì dịch Covid-19 bùng phát và trở thành đại dịch toàn cầu, những lo lắng về việc tiêu thụ vải thiều đã được đặt ra.
Thậm chí, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường còn 2 lần trực tiếp lên Bắc Giang, ngay khi vải vừa ra hoa và kết những chùm trái xanh non để bàn về các kịch bản tiêu thụ vải thiều, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Tháng 12/2019, quả vải thiều Việt Nam chính thức nhận được cái gật đầu của Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) sau 2 năm đàm phán với rất nhiều cuộc thí nghiệm được triển khai chỉ để hoàn thiện hệ thống xử lý, khử trùng vải thiều.
Ngay sau đó, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang và Hải Dương quy hoạch vùng trồng vải phục vụ xuất khẩu Nhật Bản, cấp mã số vùng trồng với những quy định vô cùng khắt khe.
Ngày 20/6, những lô vải thiều đầu tiên đã sang Nhật Bản thành công theo đường máy bay. Sau khi làm các thủ tục thông quan, kiểm dịch, vải thiều Việt Nam đã được đưa lên kệ siêu thị.
Theo thông tin phản hồi từ phía khách hàng tại Nhật Bản, ngay sau khi quả vải thiều tươi của Việt Nam được bày bán tại các siêu thị tại Nhật Bản đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng tại đây. Bình quân, giá bán lẻ vải thiều tươi tại các siêu thị khoảng 530.000 – 550.000 đồng/kg.
Chủ động điều hành, linh hoạt chuyển hướng, ngành nông nghiệp đã lấy lại được đã tăng trưởng, đang chờ cơ hội để tiếp tục bứt phá khi các hiệp định thương mại tự do được thực thi và các nước mở cửa trở lại sau dịch Covid-19.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch năm 2020 theo kịch bản tăng trưởng ngành, toàn ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực; đàm phán, xúc tiến quảng bá mở cửa thị trường xuất khẩu tiềm năng, giữ ổn định các thị trường truyền thống. Tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, vướng mắc sản phẩm thuỷ sản (thẻ vàng của EC, tôm vào thị trường Úc và Ả Rập Xê Út, cá tra vào Mỹ). Thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước.
Năm 2020, ngành nông nghiệp chủ động gỡ rào cản, lập kỷ lục mới
Để triển khai tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, Bộ NNPTNT xác định sẽ tập trung tháo gỡ các rào cản, khơi thông thị trường, chủ động các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nỗ lực vượt khó
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, năm 2019, toàn ngành đã nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường.
Mỹ đã công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mặt hàng cá da trơn Việt Nam, tạo cơ hội cho cá tra xuất khẩu sang thị trường này. Ảnh: I.T
Nhờ vậy, ngành đã hoàn thành và vượt 3/4 chỉ tiêu: Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 41,3 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 41,85%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, ngay sau khi Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ được ban hành, Bộ NNPTNT đã phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết; trong đó đã phân công các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện 90 nhiệm vụ được giao, nhất là tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt hoàn thành 11/11 nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ chủ trì thực hiện, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.
Đơn cử như việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính... Theo đó, lĩnh vực nông nghiệp hiện có 272 điều kiện; đã bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa 251 điều kiện, trong đó bãi bỏ 115 điều kiện, 136 điều kiện đã được đơn giản hóa, với tỷ lệ cắt giảm đạt 72,7% (vượt mức Chính phủ giao là 50%); hoàn thành việc công bố danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành đã cắt giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp.
Công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản được chú trọng, kịp thời giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường tuyền thống và mở rộng thêm đối với các thị trường có tiềm năng...
"Bộ đã tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc...; đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật Bản; xuất khẩu lợn sữa vào Malaysia, Hongkong; xuất khẩu mật ong đi EU, Mỹ.
Đã xuất lô sữa đầu tiên đi Trung Quốc trong tháng 10/2019, hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hongkong (Trung Quốc) để xuất khẩu thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến.
Về thủy sản xuất khẩu, Mỹ đã công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mặt hàng các da trơn Việt Nam; riêng Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến được từ Việt Nam.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, việc triển khai thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 8,0%, vượt kế hoạch đề ra" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm.
Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, mục tiêu của ngành trong năm 2020 là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.
Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ NNPTNT sẽ tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020.
Theo đó, ngành sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm;... Tập trung thực hiện các giải pháp gỡ thẻ vàng của EC đối với ngành thủy sản. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn;... Tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết có hiệu quả vấn đề kiểm dịch động, thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Danviet
Lô vải thiều tươi đầu tiên sang Nhật Bản giá bán sỉ 8 - 12 USD/kg Theo thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, toàn bộ lô vải thiều tươi đầu tiên đã được các siêu thị đặt mua. Giá bán sỉ vải thiều tươi bình quân 8 - 12 USD/kg và phản ứng của khách hàng rất tốt. Cụ thể, ngày 20/6, lô vải thiều tươi hơn 2 tấn đầu tiên đã...