Chủ đề Biển Đông “nóng” trong buổi hội thảo ở Pháp
Tại hội thảo, các chuyên gia đề cập nhiều đến cái cớ phi lý mà Trung Quốc đưa ra về “đường lưỡi bò” để đòi chủ quyền đa số diện tích Biển Đông.
Ngày 19/5, tại Paris, Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) và Quỹ Gabriel Péri đã đồng tổ chức cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “Những căng thẳng mới ở Biển Đông”. Các chuyên gia quốc tế đã có những thảo luận sôi nổi tại hội thảo, đặc biệt phản đối tính bất hợp pháp của các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông hiện nay.
Các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến quan ngại về động thái hiện nay của Trung Quốc tại Biển Đông
Cuộc hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu của Pháp và nhiều nước như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ… Cuộc hội thảo được chia thành 3 buổi nhỏ tập trung cho các vấn đề: “Những diễn biến ở Biển Đông từ năm 2012″; “Chính sách của các cường quốc khu vực, vai trò của Liên hợp quốc và Luật quốc tế”; “Thái độ nào của châu Âu với khu vực?”.
Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc IRIS, Didier Billion, nêu lý do tổ chức cuộc hội thảo. Ông nói: “Lý do thứ nhất tổ chức cuộc hội thảo chắc chắn là ở tầm quan trong của vấn đề được đề cập. Chúng ta thấy những căng thẳng ở Biển Đông có thể là một trong những vấn đề quốc tế phức tạp nhất, nóng bỏng nhất, đồng thời cũng là một “điểm đen” trong mối quan hệ quốc tế. Dư luận (ngay cả ở Pháp) còn mơ hồ về vấn đề này do thiếu thông tin….”
Ông Didier Billion cho biết thêm: “Trên thực tế, mỗi người đều đồng ý rằng ngoài chuyện tương lai của vài quần đảo, của vài hòn đảo nhỏ, bãi đá với bề mặt thường không đáng kể so với những toan tính, còn nhiều vấn đề ẩn chứa. Thứ nhất có lẽ là vấn đề quyền quốc tế và hiệu năng của những phương tiện được sử dụng để quyền này được thực hiện và tôn trọng. Vấn đề thứ hai là sự thay đổi của mối tương quan sức mạnh ở một khu vực ngày càng trở thành trung tâm của diễn đàn thế giới trong những năm tới”.
Chủ tịch Hiệp hội Gabriel Péri, ông Alain Obadia, nhấn mạnh: “Việc tìm kiếm những giải pháp để giải quyết vấn đề đã trở nên cấp bách. Chỉ có các bên liên quan mới có khả năng quyết định. Mục đích của chúng ta không phải là khen chê hay can dự. Trách nhiệm của phần còn lại của thế giới, của nước Pháp và châu Âu là đóng góp một phần cho việc giải quyết cuộc xung đột này trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế đồng thời tôn trong những công ước đã xác lập”.
Trong 2 phiên hội thảo đầu, các chuyên gia đều nêu lên tính chất phức tạp, mơ hồ về chủ quyền của vùng biển này trong lịch sử, nguồn tài nguyên phong phú, những vùng chồng lấn… nguyên nhân của những tranh chấp hiện nay.
Các chuyên gia đề cập nhiều đến cái cớ phi lý mà Trung Quốc đưa ra về “vùng nước lịch sử” để đưa ra cái gọi là “đường lưỡi bò”, “đường 9 đoạn” đòi chủ quyền đa số diện tích Biển Đông.
Các chuyên gia cũng điểm lại những diễn biến lịch sử tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, những xung đột và căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc với hai nước có liên quan nhiều nhất là Philippines và Việt Nam. Các chuyên gia lưu ý đến việc Trung Quốc từng dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa, một sỗ bãi đá tại Trường Sa của Việt Nam và Philippines.
Một chuyên gia nhấn mạnh: “Trung Quốc từ chối tham gia phiên tòa (Philippines kiện). Bởi họ hiểu rằng nếu chấp nhận yêu cầu của Philippines đưa vụ việc ra phân xử trước tòa sẽ có nguy cơ tạo một tiền lệ để các nước khác như Việt Nam, Indonesia, Malaysia làm theo”.
Đặc biệt, ông Jean- Vincent Brisset, Giám đốc nghiên cứu tại Viện IRIS đề cập đến chiến lược biển của Trung Quốc bằng tăng cường hải quân, xây các quân cảng, sân bay…Và các băng hình cụ thể cho thấy hoạt động xây đắp các đảo nhân tạo, thay đổi nguyên trạng, vi phạm luật biển quốc tế, khiến cho không chỉ các nước ven bờ mà các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật…cũng phản ứng vì liên quan đến tự do hàng hải trên một tuyến giao thông trọng yếu của thế giới. Bên cạnh đó là khả năng Trung Quốc thành lập một Vùng nhận dạng phòng không (AIDZ) mới ở Biển Đông. Theo ông Brisset, khu vực đang đứng trước nguy cơ một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ.
Video đang HOT
Ông Brisset nói: “Có ít nhất 6 hòn đảo đang được xây dựng. Điều đó đã gây nên phản ứng của các nước…Công đồng quốc tế cũng phản ứng trước khả năng Trung Quốc thành lập vùng nhận dạng phòng không tương tự như đã làm ở Biển Hoa Đông”.
Bày tỏ sự lo ngại trước tình hình, các chuyên gia tuy chưa đưa ra một giải pháp cụ thể nhưng đều hướng đến việc giải quyết vấn đề bằng con đường kiềm chế, đàm phán, dựa vào luật quốc tế. Trước mắt là đi tới một Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV về vấn đề này, ông Jean-Vincent Brisset nói: “Rõ ràng giải pháp quốc tế cho vấn đề này là việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử, điều đã được đề xuất thời gian qua. Trước hết là việc ASEAN thống nhất về bộ quy tắc này, điều này tương đối dễ vì không mấy gò ép. Nhưng ngược lại, chắc chắn hiện tại Trung Quốc sẽ bằng mọi cách cản trở bộ quy tắc ứng xử này. Vậy là đã 13 năm họ cản trở Bộ quy tắc ứng xử thay cho Tuyên bố ứng xử. Như vậy là phải xem xem Trung Quốc có thực hiện hay không”./.
Thái Dương
Theo_VOV
Thấy gì qua việc Quốc hội mới của Anh tuyên thệ nhậm chức?
Với các thành viên đảng Bảo thủ chiếm đa số sẽ có thách thức nhưng thuận lợi đối với chính phủ mới của Anh cũng là không nhỏ.
Ngày 18/5, các thành viên mới của Quốc hội Anh đã tuyên thệ nhậm chức trước Nữ hoàng Elizabeth II - đánh dấu một nhiệm kỳ mới với các thành viên đảng Bảo thủ chiếm đa số. Thành phần Quốc hội mới như vậy sẽ tác động như thế nào tới việc thực thi các chính sách mới của Thủ tướng David Cameron?
Lợi thế của chính phủ 100% đảng Bảo thủ
Về đối nội, trước hết, đây là một chính phủ hoàn toàn thuộc về đảng Bảo thủ, không còn thành viên nào của Liên minh dân chủ tự do như trước kia nên ông David Cameron có thể thoải mái hơn trong việc theo đuổi những chính sách trước đây vốn e ngại sự cản trở từ các thành viên của LibsDem.
Tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng, với việc giành được 333 ghế trong Nghị viện Anh qua cuộc bầu cử vừa rồi, đảng Bảo thủ tuy giành đa số nhưng là một đa số mong manh, chưa đủ sức mạnh áp đảo tại Nghị viện để có thể dễ dàng áp đặt mọi chính sách.
Chưa kể là ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ thì cũng có nhiều phe phái khác nhau, như có phe ủng hộ việc rời khỏi Liên minh châu Âu nhưng có phe lại giữ thái độ trung dung...
Đảng Bảo thủ tuy giành đa số nhưng là một đa số mong manh. (Ảnh minh họa: KT) Tác động với chính sách đối ngoại của nước Anh
Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả với một chính phủ toàn các thành viên đảng Bảo thủ là nó sẽ tác động ra sao đến chính sách đối ngoại của nước Anh.
Trước hết về mặt quốc phòng, khả năng là sẽ có nhiều thành viên trong nội các mới phản đối xu hướng cắt giảm ngân sách quốc phòng liên tục trong nhiều năm qua.
Nước Anh đang cần lấy lại sức mạnh quốc phòng, đặc biệt là Hải quân nhằm đối phó với những thách thức mới về an ninh, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa phương Tây và Nga căng thẳng trong thời gian qua và quân đội Anh luôn phải đặt trong tình huống báo động trước các hoạt động của máy bay và tàu ngầm Nga hoạt động gần biên giới.
Nước Anh sẽ ở lại hay ra khỏi EU?
Với một chính phủ mới toàn người của đảng Bảo thủ, Thủ tướng David Cameron sẽ không còn chịu sức ép lớn từ đảng UKIP nhưng sẽ lại phải tìm cách dung hòa các mâu thuẫn về chủ đề này trong nội bộ đảng.
Chỉ có điều chắc chắn, đây sẽ là một trong những ưu tiên lớn nhất của nội các mới của ông David Cameron trong vài năm tới.
Tiếp tục cam kết cải cách lập pháp
Trong Quốc hội mới của Anh, có hai vị trí đáng chú ý là Nữ nam tước Stowell của vùng Beeston tiếp tục đứng đầu Thượng viện, trong khi ông Chris Grayling thay thế cựu Ngoại trưởng William Hague làm lãnh đạo mới của Hạ viện.
Ông Chris Grayling được Thủ tướng Cameron chọn làm lãnh đạo Hạ viện. Ông này sẽ thực thi một trong những nhiệm vụ được xem là quan trọng nhất trong nhiệm kỳ 5 năm tới của chính phủ đảng Bảo thủ, đó là thực thi các cải cách lớn về Hiến pháp, như sự kiểm soát thuế với Scotland hay tăng thêm quyền lực cho các thành viên của Nghị viện.
Với nhân vật Tina Stowell, việc bà tiếp tục đứng đầu Thượng viện, đồng thời còn là một thành viên đầy đủ của nội các cho thấy chính phủ Anh vẫn giữ các cam kết về theo đuổi các cải cách lập pháp liên quan đến các chủ đề gây tranh cãi, chẳng hạn như hôn nhân đồng tính. Cần nhắc lại là bà Stowell chính là người phụ trách việc thông qua Luật về hôn nhân đồng giới tại Anh.
Những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt
Có 3 nhiệm vụ chính trước mắt mà chính phủ của ông David Cameron cần tập trung giải quyết.
Thứ nhất, đó là vấn đề Scotland hay mở rộng ra là việc cải cách Hiến pháp của Vương quốc Anh. Ngay sau khi thắng cử thì ông Cameron đã đến Scotland nhằm bàn thảo với lãnh đạo đảng Dân tộc Scotland - SNP về chủ đề này.
Xin nhắc lại là trong cuộc bầu cử vừa qua, đảng SNP đã thắng gần như tuyệt đối tại Scotland, giành tới 56/59 ghế Nghị viện, trong khi 2 chính đảng lớn nhất Anh quốc là đảng Bảo thủ và Công đảng chỉ giành được mỗi đảng 1 ghế tại Scotland.
Vì thế, trên lý thuyết thì tuy lập được một chính phủ riêng tại London nhưng đảng Bảo thủ của ông Cameron coi như không hiện diện quyền lực ở Scotland.
Chính điều này, cộng thêm những lời hứa khi tranh cử, buộc ông Cameron phải tính đến việc có những nhượng bộ cho Scotland, cụ thể là việc trao cho vùng đất này sự tự chủ gần như hoàn toàn về thuế.
Tiếp đến, chính phủ của ông Cameron sẽ phải nghiên cứu cải cách Hiến pháp Vương quốc Anh, hiện đang bất cập trong việc thực thi quyền lực giữa Nghị viện Westminster và các Nghị viện tại các quốc gia thuộc Vương quốc Anh như Scotland, Xứ Wales hay Bắc Ireland. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và rất khó khăn đối với chính phủ đảng Bảo thủ.
Tiếp đến, chủ đề quan trọng thứ hai là việc tiến hành trưng cầu ý dân về việc Anh quốc có ở lại trong Liên minh châu Âu hay không? Đây cũng là chủ đề gây chia rẽ ở trong nội bộ dân chúng Anh và giữa Anh với Scotland.
Thái độ hiện nay cho thấy ông Cameron muốn Anh vẫn ở lại EU nhưng muốn EU phải bàn thảo lại nhiều hiệp định nhằm tạo ngoại lệ cho nước Anh.
Tiếp theo, các chủ đề quan trọng khác là việc cải cách giáo dục, cắt giảm an sinh xã hội hay cả một chủ đề rất cụ thể là việc có mở rộng sân bay Heathrow ở London hay không.
Phát triển kinh tế - Nhiệm vụ không dễ dàng
Điều hành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới như Anh quốc luôn luôn là điều không dễ dàng.
Dù đã lập được chính phủ chỉ toàn người của đảng Bảo thủ nhưng trước mặt ông David Cameron và các cộng sự của mình là những chủ đề rất hóc búa như cải cách Hiến pháp, vấn đề Scotland hay trưng cầu ý dân về EU...
Có thể có rủi ro về mặt chính trị
Chưa kể, sau khi chiến thắng thì chính phủ của ông Cameron sẽ phải ngay lập tức chú ý đến tình hình kinh tế đang có dấu hiệu chững lại của Vương quốc Anh, như tăng trưởng quý I năm 2015 chỉ bằng một nửa quý IV/2014.
Thách thức giữ được tăng trưởng ở mức đến 2,6%/năm như năm 2014 là cực kỳ lớn. Tuy nhiên, xét tổng thể, chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua và việc có một chính phủ 100% của đảng Bảo thủ là một chỗ dựa rất lớn đối với nội các mới của ông David Cameron. Tuy sẽ có thách thức nhưng thuận lợi đối với chính phủ mới của Anh cũng là không nhỏ chút nào./.
Thùy Vân
Theo_VOV
Mỹ căng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông Những thông tin phát đi từ Bắc Kinh cho thấy, vấn đề Biển Đông đang trở thành chủ đề nhạy cảm trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry đến Trung Quốc lần này. Ông J. Kery trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Không phải đợi đến khi ông J.Kerry đặt chân đến Bắc Kinh (sáng 16-5),...