Chú cháu cùng tố nhau chiếm 4 tờ vé số độc đắc
Sau khi mua 4 tờ vé số, ông O. tin tưởng giao cho ông M. (cháu vợ) dò giúp. Theo lời ông O., sau khi biết cả 4 tờ đều trúng giải độc đắc, người cháu vợ đã nổi lòng tham và lên kế hoạch chiếm đoạt.
Dàn xếp đòi lại 4 tờ vé số bất thành, ông O. đành phải làm đơn gửi công an nhờ can thiệp. Thế nhưng, từ kết luận không đủ chứng cứ của cơ quan điều tra, ông M. đã bức xúc gửi đơn tố ngược ông O. vu khống. Cuộc tranh chấp 4 tờ vé số diễn ra suốt 2 năm vẫn chưa ngã ngũ khiến chú cháu rơi vào bi kịch “vì tiền đứt tình”.
Chú tố cháu “chiếm đoạt” cháu tố chú “vu khống”
Đã hai năm trôi qua, dù biết 4 tờ vé số trúng giải nhưng ông N.V.O (SN 1940, ngụ TP.HCM) vẫn chưa được lĩnh thưởng. Tiếp xúc với phóng viên, ông O. cay đắng thừa nhận chuyện rắc rối bắt nguồn từ chính sự chủ quan của mình. Số là sau khi mua xong 4 tờ vé số, ông đã tin tưởng giao hết cho người cháu vợ là ông N.V.M (SN 1948, ngụ TP.HCM) dò giúp. Sau khi biết 4 tờ vé số trúng giải, ông M. đã tính cách ỉm đi để chiếm đoạt những tờ vé số trên. Đáp lại, ông M. không những kiên quyết phủ nhận mà còn tố ngược người chú đã vu khống mình. Đến tận bây giờ, sau năm lần bảy lượt “đóng cửa bảo nhau” không thành, ông O. vẫn đội đơn, ngược xuôi gõ cửa khắp nơi để kiện tụng.
Sự việc hy hữu về 4 tờ vé số gây nên cuộc tranh chấp bắt đầu vào chiều 4/11/2011. Ông O. kể, hôm đó cùng người cháu bên vợ đang ngồi uống cà phê tại một quán nước tại ngã ba Phước Thiện (P. Long Thạnh Mỹ) thì có một phụ nữ mời đến mua vé số. Dù chẳng có nhu cầu nhưng nghe người bán vé số năn nỉ, ông O. tặc lưỡi rút ví mua giúp 4 tờ, loại vé của Công ty XSKT tỉnh Vĩnh Long phát hành, có 5 số đuôi là 062… Mua xong, vì bận đi đón đứa cháu ngoại ở trường, ông O. đưa cho ông M. 2 tờ nhờ dò giúp và không quên dặn: “Nếu trúng, mai chú cháu mình đi uống nước”. Đến sáng hôm sau (5/11), ông O. quay lại quán cũ thì gặp ông M. và một số người khác đã ngồi sẵn. Tại đây, ông O. đưa tiếp 2 tờ vé còn lại cho ông M. dò giúp. Khi ông O. hỏi kết quả thì ông M. cho biết, toàn bộ 4 tờ vé số đều trật. Tin lời cháu, ông O. lặng lẽ ra về.
Mọi chuyện có lẽ sẽ êm đềm trôi qua nếu không có việc người phụ nữ bán vé số tìm đến tận nhà ông O. thông báo 4 tờ vé số mua tại quán cà phê hôm trước đã trúng thưởng và ngỏ ý “xin lộc”. Ngớ người vì chưa rõ hư thực, ông O. định bụng đến chiều cùng ngày sẽ quay lại hỏi ông M. Thế nhưng, ý định chưa kịp hỏi thì ông đã thấy người cháu vợ đến tìm, dúi vào tay 1,5 triệu đồng. Khi ông O. hỏi lý do biếu tiền thì ông M. tươi cười đáp: “Vừa trúng mánh lớn (ông M. làm nghề cò đất). Nghi vấn đây là khoản “lót tay” lấy từ tiền chiếm đoạt những tờ vé số trúng giải, ông O. hỏi vặn thì ông M. chối bay chối biến rồi bỏ về”.
Ông O. cũng cho biết, không lâu sau khi dời đi, ông M. đột ngột quay lại rồi biếu chú thêm 8,5 triệu đồng nữa. Đón nhận sự “thơm thảo” hiếm có của người cháu, ông O. càng tin những tấm vé của mình đã bị biển thủ. Sau nhiều lần nhẹ nhàng thương thảo không thành, ông O. đã làm đơn tố cáo lên cơ quan công an nhờ can thiệp. Sau khi tiếp nhận vụ việc, công an đã gọi hai bên lên làm việc. Thế nhưng ngay sau đó, ông M. dã phản ứng, làm đơn kiện ngược chú vợ vì “vu khống” mình. Theo tường trình cảu ông M. tại cơ quan điều tra thì sự việc liên quan đến 4 tờ vé số độc đắc lại diễn ra hoàn toàn khác.
Ông O. búc xúc bị cháu rể mình tố ngược.
Theo đó, chiều 4/11, ông có mua 2 tờ vé của người phụ nữ bán vé số (tình tiết như ông O. kể như đã nói trên) trước sự chứng kiến của ông O. và những người quen. Sau đó không lâu, người phụ nữ khác bán vé số cũng đến quán cà phê tiếp tục mời mua. Nhưng do không còn tiền, ông M. đã lắc đầu từ chối. Lúc ấy, ông O. ngồi bên liền rút ra trả cho người bán vé (2 tờ vé của Công ty XSKT Vĩnh Long có 5 số tận cùng là 062…). Trả xong, ông O. đổi 2 tờ vé này với 2 tờ vé của ông M. đã mua trước đó (theo ông M. thì ông O. trả giúp tiền chứ không phải ông O. mua) thì được ông M. đồng ý. Trước khi chào về, ông O. có đưa cho ông M. giữ lấy 2 tờ vé mà dò, nếu trúng thưởng thì chú cháu chia nhau.
Ông M. khẳng định: “Sau khi dò thì 2 tờ vé số của tôi đã trúng giải nhất, số tiền nhận giải sau khi trừ thuế còn lại 57 triệu đồng”. Giải thích lí do biếu chú mình tiền, ông M. cho biết, vì tình chú cháu thân thiết xưa nay. Hơn nữa, hai tấm vé trúng thưởng là do ông O. trả tiền giúp và đổi cho, nên ông mới biếu người chú số tiền 10 triệu đồng. Ông M. cũng liên tục khẳng định, ông O. chưa từng nhờ ông dò vé số giúp. Thế nhưng, tại cơ quan điều tra, người bán vé số sáng hôm ấy là bà M.T.L (ngụ TP.HCM) lại khẳng định, chính bà đã bán cho ông O. (chứ không phải ông M.) 4 tờ vé số của công ty XSKT tỉnh Vĩnh Long có 5 số đuôi như đã nói và tất cả đều trúng giải nhất.
Đoạn tình chú cháu, kiện tụng tiếp diễn
Ông O. cho biết, khi lên công an thưa kiện, ông đã đem toàn bộ số tiền ông M. “biếu” sáng 4/11 làm chứng. Thế nhưng, cơ quan điều tra cho rằng chưa đủ cơ sở để buộc tội ông M. chiếm đoạt vé số nên đã trả lại hồ sơ và tiền. Được thể, lần này đến lượt ông M. làm đơn khiếu nại tội ông O. vu khống và yêu cầu chú phải trả lại số “tiền lộc” 10 triệu đồng đã “biếu” trước đó với lý do “không thích cho nữa”.
Được biết, trước khi mua 4 tờ vé số trên, ông O. và ông M. rất thân nhau Dù là chú cháu nhưng hai người đã lên bậc ông nên coi như bạn, lúc rảnh rỗi thường hay ngồi quán cà phê tám chuyện. Ông O. không giàu nhưng rộng lòng. Vì thấy hoàn cảnh ông M. còn nhiều khó khăn, ông O. thi thoảng vẫn hay giúp đỡ. “Có lần, nhà nó (ông M – PV) không có tiền đi đám ma, tôi còn cho 500 ngàn đồng để khỏi mất mặt với xóm giềng. Thế mà giờ nó vì đồng tiền nỡ quên tình nghĩa. Với tôi thì giờ chẳng còn chú cháu nữa, hai nhà cũng coi nhau như người dưng. Hồi đi thăm bà chị dâu bệnh, tôi đã nói thẳng với nó là từ nay chỉ gặp nhau khi nào có tang ma mà thôi”, ông O. bức xúc nói.
Video đang HOT
Ông O. vốn là bộ đội kháng chiến, phải gánh chịu nỗi đau chất độc da cam, về già chỉ mong có cuộc sống yên bình. Vướng vào chuyện lình xình mấy tờ vé số, mọi sinh hoạt của ông hoàn toàn bị đảo lộn. Những lần họp chi bộ hay hội cựu chiến binh phường, những người bạn già hay đem chuyện trên ra hỏi, ông O. lại ngậm ngùi xót xa. Bà T.T.L. (vợ ông O. – PV) buồn bã nói: “Ông ấy già rồi mà còn phải theo kiện tụng khắp nơi. Thân già thấp cổ bé họng cãi không lại được người ta, đành mặc cháu chắt láo xược như thế. Cả đời ông ấy phục vụ cách mạng, không lấy của ai một đồng, thế mà cuối đời lại mang tiếng thế này”.
Về phía ông M., sau khi nhận tiền trúng số đã mua một mảnh đất và xây hẳn căn nhà khang trang kế bên đất nàh ông O. Thế nhưng, chẳng được bao lâu, nhà bị giải tỏa, số tiền đền bù thấp hơn giá mua, cả gia đình đành quay về sống ở ngôi nhà cũ. Cũng từ đấy, người ta chỉ thấy ông O. một mình trầm tư ngồi uống cà phê ở quán nước cũ, nhưng chẳng thấy ông M. đâu nữa. Nghe nói, mỗi lần ông M. xuất hiện, dư luận lại nhỏ to đàm tiếu cho rằng ông M. sống đến bạc tóc mà vì tiền nỡ cạn tình.
Theo Đời Sống & Hôn nhân
Bi kịch của những người trúng số độc đắc
Những gia đình may mắn trúng xổ số độc đắc này không thể ngờ rằng số tiền khổng lồ từ tờ vé số trúng thưởng lại dẫn tới bi kịch đau lòng.
Con sống tha hương vì định "ẵm" vé độc đắc của mẹ
Đó là bi kịch xảy ra với gia đình bà Trần Thị Mai (Long An). Gia đình bà Mai vốn nghèo đói, quanh năm quần quật chẳng đủ ăn. Để lo cho tương lai của đàn con, bà và chồng đưa cả gia đình lên Bình Dương mưu sinh. Sau đó, bà tính toán dùng số tiền ít ỏi làm vốn buôn bán vặt ngoài chợ. Trong khi đó, ông Mai xin được chân bảo vệ cho một công ty nước ngoài. Thu nhập của Mai vợ chồng tuy không cao, song tằn tiện cũng đủ chi tiêu và nuôi bốn đứa con ăn học.
May mắn là các con bà Mai đều học hành thành tài. Rồi lần lượt, người con trai đầu và đứa thứa ba, tư lập gia đình. Chỉ riêng Lâm, cậu con trai thứ vẫn độc thân, sống cùng cha mẹ.
Một ngày nọ, bà Mai ngồi bán buôn trong chợ thì có bà lão đi qua, khuôn mặt thiểu não, trên tay xấp vé số gần như vẫn còn nguyên. Thấy bà lão tội nghiệp, bà Mai bèn rút tiền mua giúp một tờ rồi đưa cho Lâm giữ.
Chiều đến, khi bà Mai bận rộn với gian hàng rau cho công nhân thì bà lão vé số tìm đến vẻ mặt tươi vui báo tin tấm vé lúc chiều đã trúng giải độc đắc với trị giá lên đến 100 triệu đồng. Thời điểm năm 2003, số tiền ấy rất lớn, đặc biệt với một gia đình nghèo như bà Mai. Nghe mẹ báo tin, Lâm phóng xe đi lãnh thưởng nhưng lại trở về với vẻ mặt ủ rũ rồi nói rằng tấm vé trật lất, chắc bà bán vé số nhầm lẫn. Tưởng thật, đôi vợ chồng già buôn xo vì mừng hụt.
Chỉ đến khi bà lão bán vé số đưa ra cuốn sổ ghi đúng dãy số trúng độc đắc trên tờ số đã bán cho bà Mai thì bà mới linh cảm con trai "có vấn đề".
Không chịu nổi sức ép từ người nhà và sự đàm tếu của người dân trong xóm, cuối cùng Lâm cũng đành móc tờ vé số trong ví đưa lại cho mẹ, miệng líu rúi thú nhận ý định chiếm đoạt số tiền thưởng.
Lấy được tờ vé, vợ chồng bà Mai động viên con sẽ bỏ qua mọi chuyện. Cùng dắt nhau đi lĩnh thưởng, bà đã bàn với chồng sẽ chia đều tiền cho các con lấy vốn làm ăn. Thế nhưng, tiền vừa về còn chưa kịp chia thì những đứa con còn lại đã nổi lòng tham, dựng chuyện nói xấu nhau, nịnh cha mẹ hòng kiếm phần nhiều. Gia đình đổi đời nhờ vé số nhưng tình cảm anh em cũng rạn nứt từ đó. Riêng Lâm, vì xấu hổ với việc làm sai trái của mình đã âm thầm bỏ đi biệt tích, không một lần liên lạc với gia đình.
Căn nhà thuê lụp xụp bà Lũy đang ở nuôi con.
"Bao nhiêu năm nhịn ăn nhịn mặc để lo cho chúng nó bằng bạn bằng bè, những tưởng bốn đứa ăn học thành người sẽ có hiếu với cha mẹ. Nào ngờ, đồng tiền lại làm lu mờ hết tình mẫu tử", bà Mai buồn bã nói.
Tính đến nay đã 7 năm gia đình đổi vận nhờ trúng số thì cũng chừng ấy năm ròng Lâm chưa một lần quay lại nhà hay điện hỏi thăm vợ chồng bà một tiếng. Đã có lúc bà từng nói, giá như "lộc trời" đừng đến thì chắc chắn Lâm giờ này vẫn còn ở với vợ chồng bà.
Chồng ôm 1,5 tỷ đồng tiền trúng xổ số đi kiếm quý tử
Cách đây 5 năm, vợ chồng bà Lê Thị Lũy (47 tuổi, trú tại khu phố 6, phường Trung Mỹ Tây, quận 2, TP HCM) mưu sinh bằng nghề bán vé số. Cuộc sống nghèo khó, chồng bà là ông Nguyễn Văn Nam (49 tuổi) thường ao ước, nếu một ngày trời cho trúng số thì sẽ dùng tất cả số tiền xây dựng kinh tế gia đình cho vợ con bớt khổ.
Tháng 8/2009, thời vận cũng mỉm cười với họ thật, khi mấy tờ vé số ế chưa kịp trả cho đại lý trúng giải độc đắc trị giá 1,5 tỷ đồng.
Tay trong tay đi lĩnh thưởng, hai người đã dự tính sau khi cầm tiền trong tay sẽ sớm rời Sài Gòn, về quê làm ăn. Thế nhưng, đến buổi sáng hôm sau, ông Nam lại bảo bà đi mua lễ vật về mang lên chùa cúng dường tạ ơn. Răm rắp nghe theo lời chồng, bà Lũy không ngờ khi trở về thì đã thấy trong ngoài trống vắng, ông Nam đã đi đâu không rõ.
Thấy lạ, bà Lũy đi vào trong gian buồng thì bắt gặp tờ giấy nhỏ bọc lại một cọc gì đó vuông vức. Bà vội mở ra xem thì thấy cọc tiền 10 triệu đồng, trên tờ giấy ghi nguệch ngoạc mấy dòng chữ: "Xin lỗi em, nhưng anh phải có đứa con trai để sau này còn có người bưng bát nhang, em hiểu cho anh".
Đến lúc này, bà Lũy mới ngỡ ngàng. Hóa ra lâu nay ông Nam mong chờ một đứa con trai nối dõi tông đường nhưng bà lại gặp trục trặc về đường sinh nở. Giờ có bạc tỷ trong tay, ông mới trở mặt, bỏ vợ đi kiếm người đàn bà khác mong sinh quý tử để có người "chống gậy".
Vợ đầu độc chồng vì trúng số 100 triệu không chia
Ngày 23/1, TAND tỉnh Hậu Giang đã tuyên phạt Nguyễn Thị Ngàn (53 tuổi, ngụ xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp) 5 năm tù về tội Giết người.
Theo cáo trạng, sau khi chia tay chồng, giữa tháng 7/2010, bà Ngàn về sống như vợ chồng với ông Võ (59 tuổi) ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành (Hậu Giang).
Giữa tháng 5/2012, ông Võ trúng số khoảng 100 triệu đồng nhưng chỉ đưa cho vợ một ít, còn lại đưa hết cho các con cất giữ. Mang nỗi ấm ức vì bị ông Võ đối xử "bất công", Ngàn thường "mặt nặng mày nhẹ" với chồng.
Ngày 29/6/2012, gần 23h vẫn không thấy ông Võ về, Ngàn nảy sinh ý định đầu độc chồng cho hả giận. Tìm bịch thuốc trừ sâu mà hàng ngày ông Võ vẫn dùng để xịt cho đậu và bắp, bà này liền rắc vào chảo tép đã rang sẵn.
Một lúc sau ông Võ về mang chảo thức ăn ra hâm nóng rồi ăn cơm thì phát hiện trong miệng có cái gì đó "lạo xạo" như cát nên sinh nghi. Lấy đèn pin rọi, ông này phát hiện tép có màu hơi xám. Nghi ngờ đã bị bỏ thuốc độc, ông gọi mọi người đến chứng kiến. Lúc này người đàn ông bắt đầu hoa mắt, khó thở nên được đưa đi cấp cứu và may mắn không nguy hiểm đến tính mạng. Bà Ngàn sau đó đã bị bắt giữ.
Trúng số tới 7 tỷ đồng, chết trong nghèo khó
Đó là trường hợp của ông Nguyễn Lộc (từng sống ở khu phố 1, phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), vốn là thợ sửa đồng hồ trên vỉa hè một con đường ở thị xã Thủ Dầu Một.
Rời quê lên thành phố làm việc từ những năm 1980, ông hằng ngày vẫn cặm cụi sửa đồng hồ để kiếm từng đồng bạc lẻ nuôi thân. Thời gian sau, ông yêu rồi về chung sống như vợ chồng với một người con gái có nhà gần đó.
Một buổi chiều của năm 2000, ông thấy có một cụ bà đi ngang qua chỗ mình làm, tay run run với lốc vé số ế. Thấy vậy, ông móc sạch những đồng bạc lẻ trong túi mua 6 vé có hàng số cuối cùng là 56, trùng với năm sinh của ông. Không ngờ, trong số đó có tờ vé trúng số độc đắc.
Sau lần ấy, có người nói rằng ông liên tiếp trúng thêm nhiều lần độc đắc nữa, tổng cộng ông đã trúng giải của 3 công ty xổ số với 55 tờ, tổng giá trị lên đến hơn 7 tỷ đồng, quy đổi ra giá vàng lúc đó là 1.300 lượng.
Có trong tay số tiền quá lớn, ông thay đổi hẳn. Từ một người chồng hiền lành, thương yêu vợ con hết mực ngày nào, ông đã trở thành một tay chơi nổi tiếng đất Thủ Dầu Một.
Dù không tiếc tiền ăn chơi, nhưng chuyện vợ con gia đình thì ông bỏ ngoài tai. Ông có một người con gái bị tật nguyền, nhưng lại không mang đi chữa trị dù rằng tiền lúc đó không thiếu.
Với khối tài sản ấy, ông Lộc có thể tiêu pha cả đời một cách dư dả hoặc làm giàu nhanh chóng nếu biến nó thành vốn kinh doanh. Nhưng qua 3 năm ăn chơi, ông đã trở thành một kẻ trắng tay.
Quay lại cuộc sống nghèo hèn của anh thợ sửa đồng hồ, đối mặt với cơm áo gạo tiền hằng ngày, cầm trên tay những đồng bạc lẻ,... ông như một người điên dại.
Vợ ông cám cảnh ông chồng sáng xỉn chiều say đã đưa 2 con về Đồng Xoài sinh sống. Bạn bè ông có trong thời giàu có cũng ra đi khi biết ông không còn tiền bạc. Những khoản nợ nhỏ ngày nào, họ tìm đến ông để đòi thanh toán.
Trong một lần tranh cãi với một người bạn, ông nổi cơn điên nên lấy dao đâm người này bị thương rồi bỏ trốn. Bẵng đi một thời gian, người thân được báo tin ông đã bị tử vong trong một tai nạn giao thông ở tỉnh Bình Phước.
Như muốn cho con cái quên đi quá khứ không có gì tốt đẹp của người cha, vợ ông sau khi chôn cất chồng, đợi đến kỳ mãn tang đã cho bỏ hết những tấm ảnh có mặt ông. Hình bóng ông rơi vào quên lãng, chỉ có cái tiếng của một người may mắn trúng số nhưng không biết sử dụng đồng tiền đã bị vong mạng trong nghèo khó là còn mãi với người dân ở thành phố Thủ Dầu Một.
Theo Pháp luật & Xã hội
Quý tử sống tha hương vì định 'ẵm' vé độc đắc của mẹ Vừa biết tờ vé số của mẹ trúng giải độc đắc, đứa con trai đã giấu nhẹm, nhất quyết không trả lại tờ vé số với ý định sẽ "ẵm" toàn bộ số tiền thưởng Chuyện "lộc trời" của gia đình bà Mai, từ đó trở thành đề tài đàm tiếu đầy chua xót. Bởi lúc có tiền, tình mẫu tử thiêng liêng...