Chống tham nhũng: Nhụt ý chí không đáng sợ bằng mất niềm tin
“Hành vi tham nhũng chính là việc lợi dụng chức vụ quyền hạn làm cản trở sự phát triển, nó tạo sự bất công giữa người làm việc chính trực với những người chỉ lo vun vén cá nhân. Việc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) chính là loại bỏ những bệnh tật trong cơ thể, như vậy sẽ tạo cho cơ thể khỏe mạnh hơn để phát triển, đó là vấn đề biện chứng”, TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) đã nói như vậy khi trao đổi với Dân Việt.
TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ – ảnh IT)
Chống tham nhũng, cái khó nhất là đụng chạm
Thưa ông, việc chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước đang làm quyết liệt hiện nay mà vẫn có ý kiến cho rằng “phải làm cẩn thận không nhụt chí, không ai muốn làm”, suy nghĩ như vậy dường như là sự bao biện ông nghĩ sao?
- Có thể nói thời gian qua, công tác đấu tranh PCTN được Đảng và Nhà nước thực hiện với quyết tâm rất cao, điều đó thể hiện qua nhiều vụ việc, vụ án được phát hiện và đưa ra xử lý, kể cả xử lý với cán bộ cấp cao khi họ vi phạm.
Điều đó dấy lên suy nghĩ trong một bộ phận khi tỏ ra lo ngại và cho rằng chỉ có lo xây dựng Đảng, lo chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, khiến nhiều người không dám mạnh dạn trong công việc. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, suy nghĩ đó sai, bởi cuộc đấu tranh PCTN chính là tạo động lực cho sự phát triển.
Hành vi tham nhũng chính là việc lợi dụng chức vụ quyền hạn làm cản trở sự phát triển, đồng thời tạo sự bất công giữa người chính trực với những người chỉ lo vun vén cá nhân. Việc đấu tranh PCTN chính là loại bỏ những bệnh tật trong cơ thể, như vậy sẽ tạo cho cơ thể khỏe mạnh hơn để phát triển. Đó là vấn đề biện chứng.
Đương nhiên khi đấu tranh PCTN cái khó nhất là đụng chạm, ảnh hưởng tơi lợi ích của nhiều người, chính vì thế sẽ gặp phải sự chống đối, sự e dè, né tránh… Tất cả việc đó chúng ta phải chấp nhận, giống như uống thuốc chữa bệnh, việc uống thuốc đương nhiên sẽ gây tác dụng phụ, nhưng điều quan trọng là chữa được bệnh.
Giang Kim Đạt (áo hồng) và Trần Văn Liêm (giữa) bị tuyên án tử hình, Trần Văn Khương bị tuyên án chung thân trong vụ án tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra ở Vinashinlines.
Tổng Bí thư nhiều lần nói: Chống tham nhũng là công việc khó, phức tạp, phải làm từng bước, rất kiên quyết nhưng cũng rất thận trọng. Kể cả trong việc xử lý cán bộ, xử lý một người là để cứu muôn người, xử lý để cho những người khác đang có ý định lợi dụng thì thôi ý định, ai đã chót nhúng chàm thì phải gột rửa.
Video đang HOT
Việc PCTN được làm quyết liệt, sai phạm được chỉ ra để khắc phục sửa chữa, điều đó sẽ tạo được niềm tin lớn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân.
Nếu như chúng ta không làm kiên quyết dẫn tới tình trạng người tốt thì gặp khó khăn, trong khi những người có hành vi vi phạm lại không bị xử lý. Điều đó sẽ làm cho nhiều người chán nản, mất niềm tin, đó mới là điều đáng sợ.
Tránh giải quyết phần ngọn
Thời gian qua chúng ta đã xử lý được nhiều vụ án, kỷ luật nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao vì sai phạm, tiêu cực. Có ý kiến cho rằng, việc đó chỉ là giải quyết phần ngọn, ông thấy sao?
- Trong cuộc đấu tranh PCTN hiện nay điều chúng ta dễ nhận thấy là việc xét xử các vụ án, các vụ việc kỷ luật cán bộ vi phạm, nhưng đúng như ý kiến nhận xét, đó mới chỉ là xử lý phần ngọn.
Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện rõ, trong PCTN, phòng ngừa là chính, là chủ yếu, là lâu dài, cơ bản. Cùng với việc xử lý nghiêm các vụ vi phạm cụ thể thì phải làm tốt công tác phòng ngừa, về mặt nhà nước chúng ta xây dựng thể chế để quản lý cho tốt hơn.
Khi cuộc sống của đội ngũ cán bộ công chức được đảm bảo, họ sẽ không bị thôi thúc bởi chuyện cơm – áo – gạo – tiền. Giống như một cơ thể khỏe mạnh sẽ được miễn dịch với bệnh tật, còn cơ thể yếu thì bệnh tật dễ xâm nhập.
Hiện nay Luật PCTN đang được sửa đổi, nội dung quan trọng là những giải pháp phòng ngừa chúng đang xem xét lại. Nói đến phòng ngừa, nhìn rộng ra cần có nhiều biện pháp như công khai minh bạch, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý cán bộ, quản lý tài chính, sắp tới Hội nghị Trung ương 7 bàn về vấn đề cải cách tiền lương để đảm bảo đời sống cho đội ngũ cán bộ, công chức cũng là biện pháp phòng ngừa.
Trong năm vừa qua Đảng ta đã ban hành nhiều quy định rất chặt chẽ và nghiêm khắc để tăng cường kiểm tra giám sát đảng viên từ đạo đức, tư cách lối sống, chống tham nhũng tiêu cực. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nêu 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang được triển khai rộng khắp trên thực tế.
Rồi quy định 102 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó có nhiều hình thức nghiêm khắc. Chẳng hạn có quy định người cán bộ khi làm việc có những vi phạm nghiêm trọng khi qua đời còn bị xem xét, làm rõ, điều đó thể hiện sự kiên quyết của Đảng trong việc làm trong sạch bộ máy. Cùng với đó là những quy định liên quan đến quản lý tài chính, công tác cán bộ.
Tất cả những điều kể trên chính là biện pháp phòng ngừa, chúng ta đã có, đã và đang triển khai và tiếp tục bổ sung thêm.
Việc xử lý nghiêm cũng có tính răn đe, phòng ngừa, nhưng vấn đề gốc vẫn là phải phòng ngừa để không có tham nhũng và không phải xử lý cán bộ có hành vi tham nhũng.
Xét cho cùng khi đã phải xử lý cán bộ có hành vi tham nhũng thì đúng là chỉ giải quyết được phần ngọn, nói một cách đau xót chúng ta cũng bị mất cán bộ, mất tài sản.
Ví dụ những vụ án gây thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, chúng ta xử lý được ông này, ông kia nhưng tài sản thu lại chẳng được bao nhiêu.
Chính vì thế cần phải nhấn mạnh làm tốt công tác phòng ngừa với cả hệ thống luật đồng bộ, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tích cực của các cơ quan nhà nước, đặc biệt sự tham gia rất trách nhiệm và hiệu quả của người dân và xã hội sẽ tạo thành sức mạnh rất lớn.
Trên cơ sở đó, dần dần từng bước chúng ta sẽ ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng một cách có hiệu quả.
Thời gian qua ở cấp Trung ương đã làm quyết liệt, nhưng ở địa phương vẫn “chưa nóng”, theo ông để tạo sự lan tỏa, đồng bộ điều gì là quan trọng nhất?
- Người Singapore có một phương châm rất hay, muốn chống được tham nhũng thì điều quan trọng nhất là chóp bu phải trong sạch, nghĩa là cấp trên phải noi gương.
Trên nóng dưới chưa nóng cũng là điều dễ hiểu, phải dần dần, có thời gian để lan tỏa. Hiện nay cấp Trung ương đã rất gương mẫu, làm quyết liệt, khi Trung ương như vậy thì dưới địa phương sẽ dần dần chuyển động và sẽ nóng dần lên.
Ở địa phương cũng phải bắt đầu từ người đứng đầu, không chỉ trong công tác PCNT mà trong mọi hoạt động của bộ máy nhà nước. Ở đâu những người đứng đầu, cấp lãnh đạo mà gương mẫu, quyết liệt, liêm chính thì không có lý do cho cấp dưới làm bậy bạ, nếu có thì đó không phải kiểu tập đoàn, lợi ích nhóm chỉ có thể là nhỏ lẻ.
Hiện nay trong công tác quản lý, điều hành rất nhiều văn bản chúng ta luôn nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là những người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, đòi hỏi phải gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm.
“Đương nhiên khi đấu tranh PCTN cái khó nhất là đụng chạm, ảnh hưởng tới lợi ích của nhiều người chính vì thế sẽ gặp phải sự chống đối, sự e dè, né tránh… Tất cả việc đó chúng ta phải chấp nhận, giống như uống thuốc chữa bệnh, việc uống thuốc đương nhiên sẽ gây tác dụng phụ, nhưng điều quan trọng là chữa được bệnh”, TS Đinh Văn Minh.
Nộp toàn bộ tiền tham ô, sếp của Giang Kim Đạt có thoát án tử hình?
Sáng nay (18.8), TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm. Đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đã nêu quan điểm trước việc kháng cáo của các bị cáo và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Ba bị cáo: Trần Văn Liêm (đứng), Giang Kim Đạt (áo hồng) và Trần Văn Khương.
Theo nhìn nhận của đại diện VKS, trường hợp bị cáo Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) có đơn kháng cáo kêu oan, tuy nhiên tại phiên tòa bị cáo đã chuyển kháng cáo cho rằng mình không giữ vai trò chính trong vụ án, không chỉ đạo Giang Kim Đạt thực hiện hành vi phạm tội.
Tuy nhiên qua chứng cứ, tài liệu, đại diện VKS khẳng định, với vai trò là Tổng giám đốc Vinashinlines, bị cáo Liêm phải chịu trách nhiệm pháp lý của công ty. Qua lời khai của Giang Kim Đạt tại cơ quan điều tra thể hiện vai trò chỉ đạo của Trần Văn Liêm trong vụ án này.
Vẫn theo đại diện VKS, tại cơ quan điều tra, Trần Văn Liêm cũng khai việc chỉ đạo Đạt mở tài khoản để nhận tiền hoa hồng, chênh lệch giá cước cho thuê tàu. Trong ý thức chủ quan, bị cáo Liêm nhận thức được việc nhận tiền hoa hồng, chênh lệch giá từ mua tàu và cho thuê tàu. Thực tế bị cáo Trần Văn Liêm đã nhận 150.000USD từ Giang Kim Đạt, đưa cho Trần Văn Khương 110.000USD. Bị cáo giữ lại 40.000USD để sử dụng cá nhân.
Đại diện VKS khẳng định, bản án sơ thẩm kết tội Trần Văn Liêm là đúng người đúng tội, không oan sai. Mặc dù cho đến nay, bị cáo Liêm đã nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt là hơn 3,1 tỷ đồng, tuy nhiên xét bản chất vụ án, vai trò của Liêm là chỉ đạo hành vi phạm tội, hành vi của bị cáo góp phần làm Vinashinlines thua lỗ, thất thoát, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp nhà nước, gây dư luận xấu nên không đủ cơ sở chấp nhận kháng cáo.
Trước đó tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trần Văn Liêm bị tuyên phạt án tử hình về tội Tham ô tài sản với số tiền chiếm đoạt hơn 3,1 tỷ đồng. Khi phiên xử sơ thẩm diễn ra, Trần Văn Liêm nộp khắc phục số tiền hơn 640 triệu đồng. Tuy nhiên Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm cho rằng, khoản khắc phục đó chỉ bằng hơn 1/5 số tiền bị cáo đã chiếm đoạt, cùng với đó bị cáo Liêm bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng định khung thuộc điểm b khoản 4 Điều 278 "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng", chính vì thế tòa đã áp dụng mức án tử hình đối với bị cáo.
Trở lại với vụ án phúc thẩm, đại diện VKS cho rằng, đối với trường hợp bị cáo Giang Kim Đạt, Trần Văn Khương và Giang Văn Hiển cũng không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.
Liên quan đến kháng cáo về tài sản hơn 40 nhà đất và 2 xe ô tô do người thân của Giang Kim Đạt đứng tên, đại diện VKS cho rằng, đây là tài sản từ nguồn tiền do Giang Kim Đạt phạm tội mà có nên tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án.
Sau phần luận tội của đại diện VKS, các luật sư tiến hành bào chữa cho các bị cáo Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt, Trần Văn Khương và Giang Văn Hiển.
Trước đó, tại phiên xử sơ thẩm (tháng 2.2017), TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Giang Kim Đạt (SN 1977, ở Bình Thạnh, TP.HCM; nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines) án tử hình vì tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng. Bị cáo Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) án tử hình vì tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng. Bị cáo Trần Văn Khương (SN 1950, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines) bị tuyên phạt mức án tù chung thân vì tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt 110.000USD. Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 7.2006 đến tháng 3.2007, Trần Văn Liêm ký hợp đồng mua 3 tàu Vinashin Summer, Vinashin Island, Vinashin Phoenix và giao Giang Kim Đạt đàm phán mua tàu. Bị cáo Đạt đã đàm phán với công ty môi giới là Marvin Shipping LTD mua tàu Vinashin Summer của Panama với giá 6,25 triệu USD, được hưởng 2% trên tổng giá trị hợp đồng mua tàu; tàu Vinashin Island mua từ Croatia, giá 5,95 triệu USD, hoa hồng 3,75%; tàu Vinashin Phoenix mua từ Hy Lạp, giá 21,55 triệu USD, hoa hồng 2%. Trong các mức hoa hồng được hưởng trên, Đạt thỏa thuận trích lại cho công ty môi giới 10%. Tính chung tổng số tiền hoa hồng mua 3 con tàu trên trích lại cho công ty môi giới gần 11,5 tỷ đồng và đều được chuyển khoản vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển. Các bị cáo còn có hành vi chiếm đoạt tiền cho thuê ngoài hợp đồng đối với 9 con tàu. Cụ thể, trong thời gian từ tháng 5.2006 đến tháng 6.2008, thông qua các công ty môi giới, các bị cáo Liêm, Đạt và Khương thỏa thuận với các chủ tàu, gửi giá cước cho thuê ngoài hợp đồng 9 con tàu để chiếm đoạt của Vinashinlines trên 249 tỷ đồng. Quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, các bị cáo Liêm, Đạt và Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt Vinashinlines tổng số tiền hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, bị can Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, bị can Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng, bị can Khương chiếm đoạt 110.000USD.
Theo Danviet
Giang Kim Đạt kháng cáo bản án tử hình Cho rằng việc bị TAND Hà Nội kết án tử hình về tội Tham ô tài sản là "chưa đúng người, đúng tội", Giang Kim Đạt kháng cáo. TAND Hà Nội cho hay đã nhận được đơn kháng cáo toàn bộ bản án của Giang Kim Đạt (nguyên quyền trưởng phòng Công ty TNHH Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin -...