Chồng ngoại tình còn bố mẹ chồng đặt điều
Chẳng hiểu ông bà đã nói gì mà về nhà, chồng chửi tôi: ‘Tao không hiểu mày là loại người gì mà từ lớn đến bé nhà tao khinh mày…’.
Tôi lấy chồng đã được 5 năm. Chúng tôi đã có với nhau ba đứa con, hai cháu đầu là bé trai và một bé gái út. Thời gian đầu chung sống, chúng tôi rất hạnh phúc, chồng tôi yêu thương và chăm sóc tôi, gia đình chồng cũng vậy. Ông bà coi tôi như con gái, có chuyện gì dù lớn hay nhỏ thì cũng đều tâm sự với tôi làm cho tôi không có cảm giác là mình phải làm dâu. Mọi việc thay đổi kể từ khi tôi sinh bé trai đầu lòng. Bé nhà tôi nhìn rất xinh, bụ bẫm, ai thấy cũng thấy yêu nhưng chỉ có chồng tôi là không hài lòng vì anh nói nó không giống anh. Anh cũng yêu thương con nhưng chỉ cần giận tôi thì đến cả tháng anh cũng không thèm nhìn mặt con.
Nếu chuyện dừng ở đây thì tôi cũng cố chịu đựng vì con nhưng khi con tôi được bốn tháng tuổi là lúc tôi phải đi làm. Tôi không biết phải xoay sở thế nào thì bà ngoại lại tự nguyện xuống để trông con giúp tôi hai tháng. Vì là mẹ đẻ nên bà rất thương tôi, lúc cháu ngủ thì bà lại làm giúp tôi việc nhà, cơm nước, giặt giũ… Tôi đi làm về chỉ việc ăn xong, cho con bú rồi lại đi làm. Sau hai tháng thì mẹ tôi phải về vì mẹ tôi là trụ cột gia đình.
Mẹ chồng tôi sang trông giúp cháu, tôi mừng lắm nhưng được khoảng một tháng thì chỗ làm của tôi có sự thay đổi về nhân sự. Một số người trong công ty bị nghỉ việc, tôi vì có con tôi còn nhỏ nên họ không thể đuổi việc được. Tôi bị ép đủ đường để không thể đáp ứng được mà phải tự xin nghỉ. Tôi vẫn cố vì ở đó môi trường làm việc tốt, có những người bạn tốt và tôi cũng không muốn mình phải làm lại từ đầu. Nhưng mọi việc đâu chỉ tôi muốn mà được.
Một hôm, trưởng phòng gọi riêng tôi ra và bảo: “Tôi nghĩ bà nên nghỉ đi vì công việc ở đây bà có cố cũng chẳng ích gì, không thích hợp với bà trong giai đoạn mới này”. Tôi biết tình thế của tôi rất khó có thể ở lại làm việc bình thường nên tôi xin nghỉ. Rồi tôi xin đi làm ở một công ty tư nhân của chị bạn nhưng vì tôi phải làm cả thứ 7 và chủ nhật, chồng tôi không thích nên tôi nghỉ hẳn ở nhà, định bụng sẽ tìm một việc khác để làm.
Đúng lúc đó, mẹ chồng tôi về, không trông con cho tôi nữa. Lần này, tôi không lo vì tôi đang không có việc gì để làm nhưng trời ơi, tôi đâu có ngờ rằng chính vì việc này mà làm đảo lộn cả cuộc sống của tôi. Khoảng một tuần sau khi mẹ chồng tôi về, một ngày, chồng đi làm về và gây sự, cãi nhau với tôi. Chồng tôi chỉ thẳng tay vào mặt tôi và bảo: “Mẹ tao sang trông con cho mày, hầu mẹ con mày chứ được cái gì mà mày đuổi mẹ tao về”. Xin nói thêm là mẹ chồng tôi nhiều tuổi hơn mẹ đẻ tôi nên tôi chỉ nhờ bà trông cháu, còn mọi việc trong nhà tôi đi làm về là tự làm hết. Nghe xong câu chửi của chồng, tôi choáng váng vì không hiểu chuyện gì. Tôi gọi điện về nhà để hỏi bà cho ra nhẽ. Bà bảo: “Mày không nói đuổi tao nhưng việc mày làm nói ra như vậy”.
Video đang HOT
Chồng chỉ biết trách móc và chửi tôi
Tôi biết bà hiểu lầm nên giải thích nhưng bà và mọi người không ai chịu hiểu cả, nhất là chồng tôi vì chồng tôi rất thương mẹ. Bây giờ, cứ khi nào chồng tôi về bên nội thì lúc về nhà lại gây sự cãi nhau với tôi. Mới đầu là bà sau đó đến bố chồng tôi cũng vậy. Khi con trai tôi được một tuổi, tôi làm sinh nhật cho cháu và mời ông bà sang. Tôi mời mọi người ở lại ăn cơm nhưng không ai ở lại. Đến khi về nhà, chẳng hiểu ông bà nói gì với chồng tôi rồi anh chửi: “Tao không hiểu mày là loại người gì mà từ lớn đến bé nhà tao khinh mày, bố mẹ tao sang sinh nhật con mày mà mày cũng không mời họ ở lại ăn bữa cơm…”.
Tôi gọi điện về cho ông bà ngay trước mặt chồng nhưng được ông bà trả lời: “Tao chẳng nghe thấy mày nói gì cả”. Tôi như chết lặng cả người mà giải thích với chồng tôi thì anh chỉ biết nghe theo lời bố mẹ. Sau những va chạm với ông bà nội, khi nào có việc, chúng tôi đưa con về, tôi chào ông bà cũng không ai trả lời tôi, thậm chí tôi gọi điện về hỏi thăm họ cũng không nói. Rồi đến những đứa em chồng, không một đứa nào chào hỏi tôi. Tôi hỏi trước chúng nó cũng không trả lời và khi chúng nó đến nhà tôi cũng vậy.
Tôi đem chuyện này kể với bà mẹ chồng và chồng tôi thì được nghe chung một câu trả lời rằng: “Mày như thế thì đứa nào nó hỏi hoặc mày hỏi chúng nó có nghe thấy gì đâu mà trả lời”… Nói chung là nhiều lắm. Sau những sự cố đó, tôi cũng ít gặp họ và cố gắng vượt qua tất cả để sống cho gia đình của mình nhưng chồng tôi thì không thay đổi vì anh vẫn nghe gia đình nhiều quá. Thêm nữa, suốt ngày anh kêu ca thắng bé không giống anh: “Nếu nó chỉ có một nét gì giống anh thì nó rất sướng, còn như thế này thì anh thấy không hài lòng”.
Thế rồi anh nói anh muốn có thêm một đứa con nữa: “Thằng trước không giống anh thì thằng sau kiểu gì cũng phải giống”. Tôi lại vì gia đình, vì con nên quyết định mang thai. May mắn thay, bé thứ hai nhà tôi lại giống bố như đúc, vì thế mà cuộc sống gia đình tôi có phần được cải thiện rất nhiều. Rồi lại một bé gái xinh xắn, đáng yêu nữa. Chúng tôi đang rất hạnh phúc thì bất ngờ người thứ ba xen vào giữa cuộc sống gia đình tôi. Tôi gặng hỏi anh nhưng anh chối bay rằng đó chỉ đơn thuần là quan hệ làm ăn. Nhưng nếu chỉ như vậy thì làm gì có chuyện họ cùng đi Sài Gòn, Vũng Tàu với nhau. Khi từ sân bay về nhà, anh đưa cô gái kia về rồi đi luôn đến sáng. Rồi những tin nhắn yêu thương nữa chứ…
Tôi suy sụp vô cùng vì tôi đã làm tất cả để níu giữ hạnh phúc. Tôi bỏ qua mọi sự căn ngăn của gia đình và bạn bè. Họ đã khuyên tôi nếu có một người chồng và gia đình chồng như thế thì chỉ sinh một đứa thôi đã là khổ lắm rồi. Có người khác lại bảo tôi nên ly hôn khi còn chưa quá muộn. Về kinh tế, tôi cũng vẫn phải bươn chải mới có đủ chi tiêu trong gia đinh (mỗi tháng anh đưa cho tôi 5 triệu để cơm nước, đóng học cho con cùng các khoản lặt vặt trong nhà). Bây giờ cộng thêm khoảng cách với gia đình bên chồng và một người chồng như vậy, tôi không biết phải làm sao cho đúng nữa? Hãy cho tôi một lời khuyên để tôi có thể vượt qua sóng gió này không?
Theo VNE
Trở nên ngớ ngẩn vì bị vợ bạo hành
Nạn nhân bạo hành gia đình không chỉ là phụ nữ mà có không ít đàn ông. Thỉnh thoảng, Bệnh viện Tâm thần TPHCM tiếp nhận các ông chồng bị rối loạn do vợ bạo hành.
Lúc nào anh P. (47 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh) cũng thấy mình là người thừa trong nhà. Anh thường bị vợ chì chiết vì không biết cách làm chồng, làm cha. Khi nóng giận, chị lại đay nghiến thêm cái tội không chịu đi làm, chỉ biết dựa vào tài sản nhà vợ. P. ráng chịu vì nghĩ rằng ai chi phối kinh tế gia đình, người đó có quyền. Nhưng nhiều lúc không thể chịu đựng nổi, anh chỉ muốn bỏ nhà ra đi hoặc tìm cái chết để thoát nợ. Dần dần, anh bị rối loạn tâm thần.
Một trường hợp khác cũng phải điều trị ở Bệnh viện Tâm thần TP HCM là anh T., 40 tuổi, kỹ sư xây dựng. Tuy là trụ cột kinh tế của gia đình nhưng anh vẫn luôn bị vợ hành hạ. Những lúc ở nhà, anh chỉ biết cặm cụi với máy tính, gần như không nói chuyện với vợ nên bà xã tỏ ra ghen tuông, dùng lời nói công kích chồng. Thấy chồng vẫn im bặt, chị tức giận dùng móng tay cào nát mặt anh. Dần dần, T. rơi vào trạng thái trầm cảm, sợ về nhà vì thấy không khí luôn căng thẳng, ngột ngạt.
Bác sĩ Trần Duy Tâm, Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho rằng bạo hành là nguyên nhân tạo ra stress liên tục trong gia đình. Theo thống kê, người vợ có trình độ học vấn thấp dễ có hành vi bạo hành về thể chất, còn người học vấn cao thường tác động về tinh thần, dùng lời lẽ đay nghiến, hạ nhục, gây tổn thương tâm lý chồng. Về mặt y tế, bạo hành là căn nguyên của bệnh lý rối loạn nhân cách, rối loạn tâm thần...
Cần điều trị tâm lý cho cả gia đình
Người bị bạo hành dễ stress, với hai dạng là trầm cảm và lo âu. Thời gian đầu, người bệnh luôn cảm thấy bất an, sợ sệt vô cớ, dễ bị hồi hộp, tim đập nhanh, đổ mồ hôi trộm, căng cơ, nhức đầu như bị đe dọa, tấn công. Nếu tình trạng này kéo dài trong khoảng hai tuần, người bệnh dễ rơi vào nhóm bệnh trầm cảm., với biểu hiện rối loạn giấc ngủ, xuống tinh thần, đánh giá thấp bản thân, mất hứng thú với mọi thứ.
Đó là lý do làm nam giới cảm thấy bất lực, mệt mỏi và muốn tránh xa tổ ấm. Đặc biệt, đàn ông lớn tuổi dễ bị trầm cảm hơn khi vợ hành hung. Tuy nhiên, mỗi lần bị bạo hành, nam giới thường không đến bác sĩ hay các phòng tư vấn tâm lý cộng đồng. Vì sĩ diện, họ muốn che giấu. Mỗi khi bị bạo hành, nạn nhân chỉ biết nhẫn nhịn, tự an ủi "sợ vợ mình chứ phải sợ ai đâu"...
"Nạn nhân muốn giảm stress để tạm quên cuộc sống hiện tại bằng cách tụ tập bạn bè, lao vào chơi thể thao, vũ trường, tăng cường đi công tác xa nhà. Do đó, thời gian dành cho gia đình ít hơn, quan hệ vợ chồng càng lạnh nhạt, tình thương dành cho con cái bị hụt hẫng, phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ" - bác sĩ Tâm giải thích.
Để điều trị, ngoài tư vấn tâm lý, bệnh nhân còn phải cho dùng thuốc chống lo âu. Riêng với những nam giới mất niềm tin vào cuộc sống, bác sĩ phải điều trị tâm lý cho cả gia đình người bệnh.
Theo bác sĩ Tâm, việc cha mẹ bạo hành với nhau rất có hại cho con cái. Do quen sống trong môi trường đó, trẻ chuyển dần từ trạng thái lo âu sang hung bạo với bạn bè, con cái về sau.
Theo VNE
Chẳng còn thời gian dành cho nhau Giữa bộn bề cuộc sống, rất nhiều gia đình chẳng còn thời gian dành cho nhau. Hôm qua, thấy tôi ngâm gạo rồi xách đi xay, ông xã trợn mắt: "Đừng có nói là em xay bột làm bánh canh đó nghen". Thì làm bánh canh, có sao đâu? Hôm trước anh mới nói nhớ bánh canh của má kia mà. Ông xã...