Chồng mất đột ngột, góa phụ ngụp lặn trong nỗi đau, 3 năm sau được người đàn ông Mỹ bù đắp
Sau 3 năm mất chồng, chị Nhung Nguyễn đã có hạnh phúc mới, như bù đắp cho những năm tháng khổ đau.
Họ yêu nhau, gắn bó với nhau bởi sự thấu cảm với nỗi đau, mất mát của nhau.
Vì tổn thương mà đến, vì nỗi đau mà yêu nhau
3 năm về trước, chị Nhung Nguyễn (hiện đang sống ở Hà Nội) đối mặt với một biến cố khủng khiếp: Người đầu ấp tay gối của chị, bố bé Bi, đột ngột qua đời. Đó là một cú sốc quá lớn, thậm chí còn đẩy chị vào những ồn ào thị phi, những lời miệt thị đến cay đắng.
Mất một thời gian dài, chị gần như rối loạn, vật lộn với nỗi đau khổ, cho đến khi gặp được anh Jeffrey Thomas (người Mỹ).
Chị kể: ” Lúc bố Bi mất, mình đã chìm đắm trong nỗi đau đớn, sự tiếc nuối, ân hận và có cả tuyệt vọng nữa. Quãng thời gian đó chắc chắn cả đời mình không quên được. Ngoài thời gian mình lao đầu vào làm việc thì phần còn lại mình gặm nhấm nỗi cô đơn trong nước mắt, mình tránh xa tất cả các cuộc gặp gỡ, mình mất ngủ trầm trọng và mình ốm đau liên miên.
Ai nói chuyện với mình cũng phát chán cả ra vì mình chỉ nói về quá khứ, mình kể về bố Bi mãi không dừng lại, kể xong mình lại quay ra ca cẩm trên Facebook nữa chứ. Bất kỳ người nào muốn tìm hiểu mình họ cũng phát chán mà quay lưng bỏ đi, họ nói mình chưa sẵn sàng.
Thế rồi mình và Jeff (tên thân mật) quen nhau, mình vẫn tiếp tục nói về nỗi đau và sự tiếc nuối, mình đã khóc rất nhiều. Khác với tất cả, Jeff đã luôn lắng nghe, luôn an ủi và động viên mình. Chưa một lần nào anh trách mình vì mình kể về bố Bi nhiều như thế. Chưa khi nào anh mất kiên nhẫn cả.”.
Chị giải thích, sở dĩ Jeff có sự thấu hiểu chị, nhẫn nại với chị đến thế là bởi hoàn cảnh của chị và anh có sự tương đồng, đều đang rất yêu người bạn đời trước của mình thì họ qua đời. Khi bắt đầu trò chuyện với Nhung Nguyễn qua ứng dụng hẹn hò, Jeff cũng vừa mất vợ, mất mẹ trong vòng 2 tháng. Họ “va” vào nhau mới đầu không bởi chuyện trai gái, mà là trải lòng với nhau về cuộc sống, nỗi buồn, sự mất mát.
Dù chỉ nói chuyện qua mạng, chị Nhung Nguyễn đã cảm nhận được Jeff là người tốt với nụ cười, ánh mắt hiền hòa và giọng nói ấm áp. Việc anh chăm sóc, yêu thương vợ cũ mắc bệnh nan y cho đến ngày chị từ bỏ cuộc sống và cả thời gian về sau cũng khiến Nhung rung động. Ngược lại, anh Jeff cũng cảm thấy sự nữ tính, ngọt ngào, thân thuộc nơi Nhung.
” Sau này khi yêu nhau, những đêm mình mất ngủ mình đều gọi cho anh, anh sẽ ở đó cho đến khi mình chìm vào giấc ngủ rồi mới tắt máy. Hoặc có những buổi chiều mình mệt lả đi vì cả đêm không ngủ được, đang lơ mơ trong giấc ngủ, mình tỉnh dậy gọi tên anh thì anh cũng đáp lại, dù rằng lúc bấy giờ là khoảng 2 – 3h sáng bên Mỹ. Anh bảo sợ em tỉnh dậy không thấy anh, em buồn.“, Nhung hồi tưởng.
Tình cảm của cặp đôi yêu xa tiến triển rất tốt, nhưng trong Nhung vẫn có sự đề phòng, dè dặt. Có lần, chị bóng gió nói rằng, người ta bảo chị có gò má cao “sát chồng” nên không ai muốn ở bên. Jeff chỉ bảo: ” Nếu chúng mình ở bên nhau, anh sẽ hôn lên gò má của em mỗi ngày.“.
Nhung cảm động vì những lời ngọt ngào, sự yêu thương, dịu dàng Jeff dành cho mình, nhưng chỉ đến khi tưởng rằng vuột mất anh, chị mới nhận ra mình đã yêu anh sâu đậm. Đó là thời điểm Jeff bị nhiễm Covid-19.
Bình thường, họ trò chuyện với nhau mỗi ngày. Hôm ấy, anh chỉ thông báo là mình bị ốm, rồi họ mất liên lạc 1 tuần. Khi anh trở lại sau 1 tuần “bặt tăm”, Nhung khóc nức nở. Chị hiểu, cuộc đời không mình khép lại mà đã có cơ hội được hạnh phúc lần nữa.
Video đang HOT
Gặp mặt 2 lần, “chốt” luôn đám cưới
Họ yêu xa cho đến tận tháng 4/2022, Jeff mới về Việt Nam gặp nhau trực tiếp Nhung lần đầu. Chị cảm thấy hãnh diện khi giới thiệu anh với bạn bè, người thân, mọi người đều mến và có ấn tượng tốt đẹp về anh.
Về phía gia đình chị, bé Bi rất hiểu chuyện, thậm chí còn giục ” mẹ phải có người yêu đi, con muốn có gia đình có bố mẹ và con“. Bi rất quý bác Jeff, chào đón anh một cách rất tự nhiên. Bố mẹ Nhung cũng thấy mừng vì con gái thoát ra khỏi nỗi đau, tìm được người tử tế và yêu thương mình.
Nghịch lý là, có một số người lạ lại gièm pha, đặt nghi vấn không hay với chị. Nhung chọn cách không đôi co với họ, chỉ tập trung vào tình yêu của mình. Chị cũng thậm chí còn không tìm hiểu về thu nhập, nhà cửa, xe cộ của anh Jeff.
Dù vậy, anh lại chủ động chia sẻ thông tin. Chị kể: ” Mình có lần cứ thắc mắc là nếu sang Mỹ thì cũng phải đi làm, kiếm tiền, chứ cuộc sống bên đó đắt đỏ. Anh bảo anh lo được, mình cứ dành 1 – 2 năm để hòa nhập.
Mình ngạc nhiên hỏi lại: ‘ Sao lại dễ dàng như thế với em?’. Anh nói: ‘Nếu kết hôn lần đầu khi còn trẻ, người ta sẽ phải làm việc cùng nhau để mua nhà, mua xe và tiết kiệm. Nhưng giờ anh có mọi thứ rồi, anh chỉ cần em làm gì em thấy vui, có ai muốn vợ mình vất vả chứ?’. Đấy, Jeff là thế, chỉ cần mình hạnh phúc là đủ!“.
Nhưng với những lời xúc phạm tình yêu của chị với chồng quá cố, chị phản ứng ngay: ” Hôm trước có bạn bảo thế này: tưởng thế nào, kêu là yêu chồng lắm mà đã có người yêu. Hóa ra tình yêu chỉ có thời hạn 2 năm.
Mình chỉ mỉm cười và nghĩ: Ồ, không sao cả, vì lúc đau người ta có đau hộ mình đâu, lúc mình khổ người ta có chia sẻ được với mình đâu, con mình cần có bố thì người ta có giúp được đâu, và khi mình cần chỗ dựa tinh thần người ta có cho mình đâu, cho nên mọi sự đánh giá của họ về mình đều vô nghĩa.
Mình và anh Jeff đều yêu chồng/vợ quá cố, họ là những kỷ niệm quá đỗi đẹp đẽ mà. Bọn mình đến với nhau và vẫn thường nói chuyện về người cũ, kể cho nhau nghe – trân trọng và thương yêu.
Mình thì còn giữ nguyên vẹn phòng sách của bố Bi, nơi có tất cả hình ảnh của gia đình mình, thậm chí áo phông của bố Bi mình thi thoảng vẫn mặc. Anh Jeff còn giữ tóc của vợ cũ, anh bảo rằng biết đâu nhờ ADN trong đó khoa học có thể “tạo ra” chị ấy từ nó, dù có thể nghe rất ngớ ngẩn đấy nhưng mình rất tôn trọng suy nghĩ đó của anh.
Mưa giông bão tố xong đến bầu trời cũng phải xuất hiện cầu vồng, chứ không nhẽ bắt bầu trời u ám mãi.“.
Sau 2 lần gặp mặt trực tiếp, Jeff đã cầu hôn Nhung. Hiện tại, cả hai đã làm thủ tục đăng ký kết hôn, là vợ chồng hợp pháp của nhau tại Mỹ. Nhung vẫn đang ở Việt Nam, đợi ngày cùng con trai sang Mỹ đoàn tụ với anh.
Chị đang sống trong những tháng ngày hạnh phúc, tận hưởng những niềm vui nho nhỏ khi được chồng yêu chiều. Nhiều khi chỉ là một cử chỉ như khi cùng nhau đi ăn nhà hàng, anh kéo ghế ra đứng chờ chị đứng vào đó, nhẹ nhàng đẩy ghế vào cho chị ngồi xuống, thế thôi cũng đủ khiến Nhung rung động.
” Anh Jeff bảo sang Mỹ cho mình đi học, cho thỏa mãn đam mê của mình lúc trẻ. Học xong rồi muốn làm gì thì làm, không làm gì ở nhà anh nuôi. Mình và anh Jeff không có ý định sinh thêm con, chúng mình sẽ cùng nuôi dưỡng Bi.
Bi trưởng thành rồi thì chúng mình chăm sóc nhau khi về già, đi du lịch với nhau, nấu nướng với nhau, tập thể dục với nhau… Đấy, chúng mình đồng thuận thế nên mới yêu nhau.“, Nhung kể, giọng tràn đầy niềm vui.
Con trai đang đi học bỗng mắc bệnh tâm thần, mẹ bị ung thư "oằn mình" kiếm tiền chăm nuôi
Sau biến cố con phát bệnh tâm thần, mẹ già lam lũ được 15 năm thì phát hiện mình bị ung thư.
Cuộc sống cả hai vốn khó khăn, lại càng trở nên bế tắc.
Người con trai duy nhất bỗng phát bệnh tâm thần
Hiện tại, khi nhắc tới nguyên do người con trai duy nhất bị phát bệnh tâm thần, bà Nguyễn Thị Tuyến (SN 1952, trú tại thôn Trung, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) vẫn bàng hoàng, không thể nào hiểu rõ.
Bà Tuyến còn nhớ đó là vào năm 2002, con trai bà là anh Nguyễn Thanh Sơn (SN 1985) khi ấy đang là sinh viên năm 2, Đại học Công nghiệp Hà Nội. Anh Sơn sở hữu ngoại hình ưa nhìn, khoẻ mạnh và được bạn bè, mọi người xung quanh nhất xét là hiền lành, ngoan ngoãn. Tương lai, anh Sơn sẽ trở thành trụ cột và là chỗ dựa vững chắc cho mẹ của mình nương cậy tuổi già.
Thế nhưng cuộc đời thật trớ trêu, sự thay đổi đột ngột của anh Sơn khiến cuộc sống của hai mẹ con như rơi xuống vực thẳm. Một mình nuôi con, bà Tuyến đã chịu nhiều vất vả và đắng cay. Rồi khi anh Sơn bỗng phát bệnh tâm thần, bà đã khóc cạn cả nước mắt.
Người mẹ già 70 tuổi vất vả mưu sinh, kiếm tiền chăm con mắc bệnh tâm thần.
Suốt nhiều năm tháng, bà Tuyến dốc sức dành tiền tiết kiệm, vay mượn để đưa con trai thăm khám, chữa trị tại nhiều bệnh viện ở Thái Bình và Hà Nội, song vẫn không đạt hiệu quả. Bất lực, người mẹ ấy dần chấp nhận hiện thực, một mình cố gắng nuôi dưỡng đứa con trai kém may mắn.
Thế nhưng bi kịch vẫn chưa chịu dừng lại, sau 15 năm kể từ khi con trai mắc bệnh, bà Tuyến lại phát hiện mình mắc ung thư dạ dày ở tuổi 65. Không một lời than vãn, oán trách số phận nghiệt ngã, bà Tuyến gần như gắng sức gấp đôi để chăm sóc con trai bị bệnh.
Trừ những ngày ốm đau, bà vẫn thường dậy từ lúc 3 giờ 30' sáng để dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cơm nước sẵn cho con rồi bắt đầu đạp xe ra chợ. " Người ta ra chợ từ lúc 6h, mình đây có dậy sớm như thế cũng 7h mới đi được", bà cười tâm sự.
Những hôm thời tiết mát mẻ, bà Tuyến lại đạp xe lên TP. Thái Bình để lấy hành, tỏi khô và dừa về bán. Quãng đường cả đi lẫn về phải đến 25 km, song bà vẫn luôn miệt mài, cần mẫn. Ngày bán khá thì được 50.000 - 60.000 đồng, nhưng ngày ế ẩm, bà chỉ thu được 5.000 đồng.
Vì nguồn thu nhập ít ỏi và bấp bênh, bà Tuyến phải bóp chặt chi tiêu để tiết kiệm. Biết số tiền mình kiếm ra chẳng được bao nhiêu so với chi phí thuốc thang, sinh hoạt thường nhật nên bà vô cùng trân trọng những sự giúp đỡ của hàng xóm, anh em, các mạnh thường quân và cả những người bạn ngày trước của anh Sơn.
Trước cái nắng nóng oi bức của miền Bắc, người mẹ 70 tuổi vẫn ngày ngày ngồi bên bếp lửa. Bà đun từng ấm nước, nấu từng nồi cơm, dành dụm từng đồng để phòng khi ốm đau. Thế nhưng, bà Tuyến chưa bao giờ để con trai phải sống tằn tiện, khổ cực cùng. Anh Sơn thích ăn gì, bà Tuyến luôn sẵn sàng chiều lòng và mua cho.
Nhìn con, bà lại xót xa: " Đợt trước nó còn béo lắm. Giờ gầy rồi, vì ăn ít... Cố gắng nuôi nấng nó, nó bị bệnh thì cũng phải dốc sức chữa trị. Mình cứ cố gắng nuôi nó cho tử tế".
"Mẹ mà đi trước thì con phải làm sao?"
Có lam lũ, cực nhọc mưu sinh hay đau yếu vì bệnh tật thì bà Tuyến cũng chưa từng chùn bước hay lo sợ. Nỗi sợ hãi lớn nhất của người mẹ 70 tuổi thời điểm này chính là "mẹ ra đi rồi thì con phải làm sao?".
Người mẹ già luôn mang trong mình một nỗi sợ hãi.
" Con mà đi trước mẹ thì không sao, vì mình còn có thể chăm sóc cho nó. Nhưng mẹ mà đi trước con, thì nó khổ. Ai cũng bảo tôi thế, bản thân tôi cũng nghĩ thế", bà Tuyến đau lòng tâm sự.
Mỗi lần chỉ vào anh Sơn đang nằm ngủ, đắp kín chăn dù ngoài trời đổ nắng đến 39 độ, bà Tuyến vẫn luôn dịu dàng, nhỏ nhẹ: " Ngày xưa nó tính tình hiền lành, lễ phép, ngoan ngoãn, đẹp trai lắm. Ai cũng khen. Bỗng tự nhiên bị như thế thì mình không được nhờ."
Người ngoài nhìn vào thì cho rằng anh Sơn đang là gánh nặng của bà Tuyến, nhưng bà thì chưa bao giờ nghĩ như vậy. Con trai bị bệnh không rõ nguyên nhân, bà đau lòng vì nghĩ rằng bản thân đã không thể chăm sóc con tốt hơn. Cũng vì thế, dù cuộc đời có long đong, bà vẫn tận tình nuôi dưỡng, thương yêu con hết mực.
Nhưng trái ngang thay, tình yêu thương của bà Tuyến chẳng thể cảm hóa được những lần mất trí của anh Sơn.
Đầu năm nay, bà Tuyến đã bị gãy hai tay, phải bó bột suốt nhiều tháng. Khoảnh khắc anh Sơn phát bệnh, vì quá hoảng sợ, bà đã ngã và chống tay xuống đất. Giờ đây, mỗi lần "trái nắng trở trời", cơn đau lại nhói từng cơn khiến bà Tuyến không khỏi ám ảnh, buồn bã.
Sau mỗi lần như vậy, bà dần chú ý hơn. Khi thấy con có dấu hiệu, bà đành tạm lánh, ngủ chỗ khác.
Những lần nằm tạm lánh ở hiên nhà thờ bên cạnh, dẫu sợ nhưng bà vẫn thấp thỏm không yên vì sợ con tự làm đau chính mình. Đã bao năm, bà Tuyến chưa được một giấc ngủ ngon trọn vẹn.
Nhớ lại mỗi lần anh Sơn phát điên, ném đồ, đánh mẹ; Bà Vũ Thị Tính (SN 1949, hàng xóm) luôn kinh hãi và xót xa. " Tôi cũng đã từng bị nó đánh vào hông. Khi đó, bà Tuyến bị bệnh, tôi mang cơm sang để chăm sóc thay thì nó phát điên lên, không ý thức được gì. Đến giờ vẫn còn sợ, muốn cho nó cái gì cũng chỉ biết kêu mẹ nó sang lấy thôi, chứ tôi không dám sang", bà Tính bộc bạch.
Chiều tà buông xuống, anh Sơn vẫn nằm ngủ, mặt che kín bởi chăn chẳng chịu để ai nhìn mặt. Bà Tuyến bước từng bước nặng nhọc đến lối phụ, mở rộng hai cánh cửa gỗ mọt cũ, trông như có thể rơi đổ bất kỳ lúc nào. Bà kéo mành trúc lên, căn phòng khách bỗng thêm phần sáng.
Ngày anh Sơn còn nhỏ, bà Tuyến nuôi nấng vất vả. Tuy nhiên sự vất vả đó không thể sánh với thời điểm hiện tại, khi con đã trung tuổi, mắc bệnh tâm thần; còn mẹ đã tuổi già sức yếu.
Năm tháng trôi qua, vì nuôi con, bà Tuyến rơi vào hố sâu nợ nần cả về tiền bạc lẫn tình nghĩa. Và đó cũng chính là lý do khiến người mẹ dù ốm đau bệnh tật vẫn luôn lam lũ, kiếm từng đồng bạc từ việc bán mớ hành tỏi ngoài chợ.
Giờ đây, ngay chính bà Tuyến cũng chẳng thể rõ tương lai hai mẹ con sẽ như thế nào. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng: Còn sống ngày nào, bà vẫn luôn nỗ lực chăm sóc cho con ngày ấy. Cuối cùng, dẫu anh Sơn có trở thành người như thế nào, thì anh mãi là liều thuốc tinh thần duy nhất để bà Tuyến có nhiều động lực và vững tin hơn trong cuộc sống.
Đường cùng của một người cha: 16 năm nuôi con tật nguyền, bật khóc khi vợ bị u não mà không đủ tiền chữa trị 16 năm quyết không sinh thêm để nuôi con tật nguyền, người chồng bật khóc khi vợ mắc bệnh u não mà không tiền chữa trị "Anh cũng không biết nó có nhận ra cha, ra mẹ nó không" Trời nắng thì có việc, mưa xuống phải nghỉ ở nhà, một ngày 220 ngàn, đó là tất cả những gì anh Nguyễn Văn...