Chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán: Cơ quan nào điều phối?
Theo nhiều ý kiến, tốt nhất 2 cơ quan kiểm toán và thanh tra phải phối hợp để tránh chồng chéo. Trường hợp không “điều hoà được” thì báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hoặc QH xử lý, điều phối …
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp
Ngày 12/8, họp phiên thứ 36, UBTVQH thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Tránh “ai cũng có thể chỉ đạo kiểm toán làm cái này, cái kia”
Một trong những điểm mới của dự thảo là sửa nhiệm vụ KTNN “thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” chuyển thành “xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.
Đáng chú ý, đây là nội dung KTNN mới đề xuất bổ sung so với dự thảo luật đã trình QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019).
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cho biết, thường trực Uỷ ban thống nhất với đề xuất trên để KTNN bảo đảm nguồn lực, chủ động hơn trong thực hiện kế hoạch kiểm toán đã được quyết định.
Tuy nhiên, theo Uỷ ban Tài chính Ngân sách của QH, KTNN cần giải trình rõ hơn và tổng hợp, thống kê, đánh giá tác động khi thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu kiểm toán thực hiện từ khi Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực đến nay.
“Cần làm rõ mức độ ảnh hưởng đến kế hoạch kiểm toán, chất lượng các cuộc kiểm toán trong kế hoạch để có căn cứ trình UBTVQH, QH xem xét, quyết định”, ông Hải nói.
Cho ý kiến, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đồng ý mở rộng thẩm quyền đề nghị kiểm toán cho các chủ thể. Song có thực hiện hay không thì phải theo kế hoạch kiểm toán đã được QH phê duyệt. “Đề nghị đó phải được bổ sung trong kế hoạch”, ông Lưu nêu quan điểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu
Video đang HOT
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, kế hoạch kiểm toán hàng năm do QH thảo luận, thông qua và ra nghị quyết – đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng. “KTNN trước hết phải thực hiện nghị quyết của QH”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong quá trình chỉ đạo, điều hành, quản lý, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phát hiện có những vấn đề cần kiểm toán vào là “nhu cầu chính đáng, yêu cầu đúng”. Nhưng, dự án luật lần này phải có cơ chế như thế nào để tránh việc “ai cũng có thể chỉ đạo kiểm toán”.
“Nếu quá nhiều chỉ đạo ngoài kế hoạch của kiểm toán thì Nghị quyết của QH thế nào?” bà Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi và khẳng định lại “nhu cầu kiểm toán luôn gắn với yêu cầu quản lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Do đó, thẩm quyền yêu cầu cần kiểm toán của Thủ tướng Chính phủ là đúng và có trong thực tế, nhưng phải xử lý trong luật này như thế nào để tránh mâu thuẫn với nghị quyết của QH”.
Minh định rõ để tránh chồng chéo
Một vấn đề nữa, nhận được nhiều ý kiến quan tâm là quy định như thế nào để tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán. Theo Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH, việc chồng chéo giữa thanh tra các cấp và KTNN vẫn diễn ra, chưa khắc phục được.
“Các quy định trong dự thảo luật còn chung chung, chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là để khắc phục tình trạng chồng chéo giữa KTNN với thanh tra chuyên ngành của các bộ và thanh tra địa phương”, ông Hải nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải
Uỷ ban Tài chính Ngân sách của QH cho rằng, dự thảo luật cần quy định rõ nguyên tắc phối hợp để tránh chồng chéo trong lập kế hoạch; nguyên tắc, cách thức xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và kế thừa kết quả của nhau giữa KTNN và thanh tra các cấp.
Vấn đề này, theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, để không chồng chéo, dự luật phải minh định rõ ràng, cụ thể những việc kiểm toán phải làm. Còn có chồng chéo trong thực tế thì phải có cơ chế giải thích.
“Tức là, Tổng KTNN và Tổng Thanh tra phải ngồi lại với nhau bằng quy chế phối hợp để giải thích. Nếu 2 ông không thống nhất được thì báo cáo UBTVQH và Chính phủ”, ông Lưu nêu ý kiến.
Chung quan điểm, Chủ tịch QH chắc chắn rằng, trước khi trình kế hoạch kiểm toán để QH thảo luận, thông qua, Tổng KTNN đã trao đổi với các cơ quan liên quan, nhất là với Thanh tra Chính phủ.
“Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, QH không thông qua mà là quyền của Thủ tướng Chính phủ. Còn kế hoạch của kiểm toán, QH thông qua, ra Nghị quyết thì tất cả các cơ quan khác phải tránh danh mục KTNN làm. Còn trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vấn đề gì thì 2 cơ quan phải có cơ chế phối hợp”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Kết luận nội dung này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, dự luật cần quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa thanh tra và kiểm toán để tránh chống chéo. Trường hợp 2 cơ quan “không điều hoà được” thì cơ quan có thẩm quyền xử lý, điều phối là UBTVQH hoặc QH. “Tốt nhất là các đồng chí phối hợp với nhau để không phải đưa lên cơ quan cấp cao hơn”, ông Hiển nói.
Dữ liệu nào kiểm toán cũng có quyền truy cập sẽ ảnh hưởng quyền công dân
Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách thống nhất việc cho phép KTNN được truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng. Tuy nhiên, dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật; đồng thời việc truy cập đòi hỏi trình độ nhất định về công nghệ thông tin nên để quản lý, giám sát kiểm toán viên và truy cứu trách nhiệm khi xảy ra vi phạm, sự cố thì cần quy định điều kiện về trình độ và phân quyền truy cập phù hợp với từng cấp độ kiểm toán viên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý, truy cập, kết nối dữ liệu điện tử là cần thiết nhưng phải quy định rõ phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm. Theo ông, nếu bất cứ dữ liệu nào kiểm toán viên cũng có quyền truy cập thì ảnh hưởng đến quyền công dân như bí mật đời tư, bí mật kinh doanh… Hơn nữa, quy định không rõ sẽ chồng chéo với những luật khác.
Hương Giang
Theo Thanhtra
Khai mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng nay (12/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 36 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 36
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến kéo dài từ ngày 12-16/8 để xem xét một số nội dung theo thẩm quyền. Cụ thể:
Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 05 dự án luật và 01 dự thảo Nghị quyết là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Thư viện và Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Theo Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là nội dung được Chính phủ đề nghị rất nhiều lần nhưng đến phiên họp này mới có đủ tài liệu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến.
Thứ ha i, tiến hành giám sát các nội dung chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018"; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014- 2018" để đoàn giám sát tiếp tục hoàn thiện báo cáo trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới.
Thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc bổ sung Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 02 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đối với đề án biên chế kiểm toán Nhà nước do còn một số nội dung cần tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung thêm nên chưa đưa ra phiên họp lần này để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Nhấn mạnh những nội dung tại phiên họp lần này đều rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thời gian, chương trình công tác để dành thời gian tham gia phiên họp đầy đủ. Đồng thời, các cơ quan tổ chức hữu quan cũng cần tập trung, đặc biệt là thành phần dự họp để tham gia nghe thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu hoàn thiện chỉnh lý các văn bản.
Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.
* Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Báo cáo số 433 /BC-UBTVQH14 ngày 02/8/2019 về tổng kết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Trước đó tại phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, theo đó, sau 20 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để ban hành những quyết sách quan trọng, đúng đắn, hợp lòng dân, củng cố vững chắc những thành tựu đã đạt được, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Quốc hội đã xem xét, thông qua 7 luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật khác; phê chuẩn nhân sự, tiến hành giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận công tác phục vụ kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, thường xuyên được rà soát, kiểm tra, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội yên tâm dự họp. Việc phục vụ tài liệu, cung cấp thông tin tư liệu có nhiều cải tiến, đổi mới. Phần mềm cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, giúp đại biểu tra cứu tài liệu nhanh, kịp thời, theo dõi được tổng thể các hoạt động của kỳ họp, giảm văn bản giấy và số lượng tài liệu phải mang theo, tiết kiệm chi phí. Việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội qua hệ thống điện tử vừa bảo đảm tính chính xác, vừa thể hiện tính khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch. Các công tác bảo đảm khác được chú trọng quan tâm, góp phần nâng cao hiệu suất làm việc của đại biểu.
Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra việc tổ chức kỳ họp thứ 7 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm như một số nội dung trình Quốc hội có chất lượng chuẩn bị chưa cao. Hồ sơ tài liệu của một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của đại biểu Quốc hội. Việc bổ sung một số nội dung trong thời gian diễn ra kỳ họp làm ảnh hưởng tới thời gian thảo luận một số dự án luật. Việc tổng kết, đánh giá tác động trong một số dự án luật chưa được quan tâm đúng mức. Sự phối hợp của một số cơ quan soạn thảo trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật còn chậm, chưa kịp thời.
Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước chưa tập trung phân tích những vấn đề mới, nổi cộm so với báo cáo trình tại kỳ họp trước. Ý kiến thảo luận về kinh tế - xã hội còn dàn trải, trùng lặp, chưa tập trung vào những vấn đề lớn cần được Quốc hội quyết định.
Ngọc Mai
Theo Congly
Bộ trưởng GTVT yêu cầu khẩn trương rà soát, trả lời kiến nghị cử tri Các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, tham mưu văn bản trả lời của Bộ GTVT gửi tới các Đoàn ĐBQH, hoàn thành chậm nhất ngày 25/8/2019. Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, tham mưu văn bản trả lời của Bộ GTVT gửi tới các Đoàn ĐBQH, hoàn thành chậm nhất ngày 25/8/2019 -...