Chông chênh đời vạn chài dưới hói Eo Bù
Hơn 30 hộ dân ở xóm vạn chài tại thôn Tiền Phong (xã Quang Vĩnh, H.Đức Thọ, Hà Tĩnh) đang phải sống cảnh đời trôi nổi, tạm bợ trên những con thuyền neo đậu dưới hói sông, vì không có “đất cắm dùi”.
Vợ chồng anh Hiệp và 2 đứa con sinh sống trên con thuyền nhỏ nhiều năm nay. Ảnh PHẠM ĐỨC
Nhọc nhằn đời vạn chài
Xóm vạn chài nằm dưới con hói Eo Bù, một nhánh của sông Lam và nép mình bên thôn Tiền Phong. Nhiều năm nay, tại đây vẫn còn hơn 30 hộ dân trong thôn đang phải bám trụ trên những chiếc thuyền nhỏ, che đậy bằng đủ thứ từ bạt, vải, tấm tôn… tạm bợ vì không có đất để dựng nhà.
Gắn đời mình trên sông nước nên người dân nơi đây hầu như chỉ có một nghề duy nhất, là xuôi dòng sông Lam đánh bắt thủy sản. Thu nhập của họ cũng bấp bênh như sóng nước, và phải đối diện với muôn vàn hiểm nguy trong mùa mưa bão.
Chúng tôi ghé “ngôi nhà” di động của vợ chồng anh Ngô Văn Hiệp (46 tuổi) neo đậu bên mé hói vào lúc giữa trưa. Con thuyền có chiều rộng chừng 3 m, dài khoảng 7 m là nơi trú ngụ của vợ chồng anh Hiệp và 2 đứa con. Bên trong con thuyền, anh Hiệp bố trí khu bếp nấu nướng ở mũi thuyền, diện tích còn lại dành cho việc ăn nghỉ và con cái học tập. Vợ chồng anh Hiệp còn có một chiếc ghe nhỏ dùng để đi lại và mấy tấm lưới đánh cá. Gia sản của gia đình ngư phủ này cũng chỉ có từng đó.
Anh Hiệp bảo bố mẹ anh sinh được 8 người con, đất không đủ để chia cho 5 anh em con trai xây dựng nhà ở. Sau khi lấy vợ, anh bán hết của hồi môn mới mua được chiếc thuyền để hai vợ chồng sinh sống cho đến tận bây giờ. Đứa con trai đầu của vợ chồng anh Hiệp năm nay 16 tuổi nhưng đã bỏ học từ lâu vì theo bố mẹ đánh bắt trên sông.
“Vợ chồng tôi và mấy chục hộ dân ở xóm vạn chài này chỉ mưu sinh bằng nghề đánh bắt, nhưng thủy sản ngày càng khan hiếm nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Sống trên thuyền nay đây mai đó nên chúng tôi sử dụng bình ắc quy để thắp sáng. Cuộc sống sinh hoạt chỉ xoay quanh chiếc thuyền chật hẹp nên bất tiện trăm bề”, anh Hiệp nói.
Anh Hiệp nói rằng lo nhất là vào mùa mưa lũ, người dân xóm vạn chài phải chật vật kéo thuyền lên cạn, rồi sơ tán đến nhà của người thân ở trong thôn ở nhờ. “Như trận lũ lịch sử năm ngoái, nhà cửa ngập hết nên chẳng chạy đi đâu được. Người dân đành phải bám trụ lại trên thuyền. Sống ở đây dù chưa xảy ra vụ lật thuyền nào, nhưng hễ đến mùa mưa bão là chúng tôi lại thấp thỏm lo âu”, anh Hiệp buồn rầu.
Ước vọng lên bờ
Vợ anh Hiệp là chị Cao Thị Ngại (37 tuổi) chuẩn bị hạ sinh đứa con thứ 3, đồng nghĩa với việc con thuyền này sẽ gánh thêm một mảnh đời. Niềm mong mỏi lớn nhất đối với vợ chồng anh Hiệp và các hộ dân xóm vạn chài lâu nay là có một mảnh đất để xây dựng nhà, vừa ổn định cuộc sống, vừa thuận tiện cho con cái học hành.
Video đang HOT
“Nếu cứ sống ở đây mãi thì mấy đứa trẻ rồi cũng sẽ bỏ học giữa chừng hết thôi. Ở cái xóm vạn chài này, miếng ăn còn không đủ nên chẳng có đứa nào được học hành tử tế cả. Những đứa lớn bây giờ bỏ đi tứ xứ để làm thuê vì không chịu được cái cảnh nghèo khó, bấp bênh này”, chị Ngại thở dài.
Cạnh đó, vợ chồng chị Trương Thị Nhẫn (42 tuổi) cũng đã có với nhau 5 đứa con, cũng sống bám trụ trên chiếc thuyền nhỏ ở xóm vạn chài từ ngày này sang tháng khác. Nhưng vào mùa mưa lũ, cả gia đình chị kéo nhau lên bờ, về ở trong căn nhà nhỏ của bố mẹ chồng nằm bên trong con hói.
“Vợ chồng tôi đông con, giờ về nhà bố mẹ chồng xin ở tạm lánh qua mùa mưa nên đành chấp nhận trú ngụ trong căn bếp vì nhà chính đã chật rồi. Dù hơi chật chội nhưng được sống trên bờ là vui rồi, các con của tôi thích lắm”, chị Nhẫn tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Khương, Bí thư Chi bộ thôn Tiền Phong, cho hay toàn thôn có 90 hộ dân với 270 nhân khẩu nhưng hiện nay mới chỉ có 57 hộ đã có đất định cư trên bờ. Tuy vậy, phần lớn các hộ dân này đều có 2 hoặc 3 thế hệ đang sống cùng nhau, trong điều kiện vô cùng bức bí. Vì thế, không chỉ riêng xóm vạn chài mà nhiều hộ dân khác ở trong thôn cũng mong sớm được chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ cấp đất để xây nhà ở.
“Tôi năm nay đã 60 tuổi đời, nhưng cũng mới lên bờ sinh sống được 20 năm nay là nhờ thừa kế lại ngôi nhà của bố mẹ quá cố để lại. Người dân trong thôn không có đất nông nghiệp để canh tác nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Vì thế mà những cháu nhỏ đều bỏ dở học hành vì theo cha mẹ mưu sinh. Trong thôn rất ít cháu học đến bậc đại học và số người lớn mù chữ cũng nhiều”, ông Khương giãi bày.
Theo ông Khương, sau bao năm chờ đợi thì mới đây, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã quy hoạch khu tái định cư để các hộ dân trong thôn chưa có đất lên xây dựng nhà cửa. Ông Khương hy vọng hạ tầng khu tái định cư sớm được xây dựng, để người dân xóm vạn chài thỏa niềm mong ước “an cư, lạc nghiệp” bấy lâu.
Bên trong Bệnh viện dã chiến số 3 chữa bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng
Chưa đầy 2 ngày hoạt động, Bệnh viện dã chiến số 3 được trưng dụng từ khu tái định cư thuộc phường An Khánh (thành phố Thủ Đức) đã có hàng trăm ca F0 đến điều trị, các xe cứu thương liên tục hú còi nối đuôi chở F0 đến đây.
Đội ngũ y bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Bưu điện chuẩn bị đồ bảo hộ để vào ca trực - Ảnh: HOÀNG AN
Tận dụng khu nhà không có người ở, TP.HCM đã chọn tòa nhà R6, khu tái định cư Bình Khánh thuộc phường An Khánh (thành phố Thủ Đức) làm bệnh viện dã chiến số 3 với quy mô 3.000 giường, bắt đầu hoạt động từ trưa 7-7.
Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3 được Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo thành lập khẩn cấp trong bối cảnh số ca mắc tại thành phố tăng cao.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online , chiều 8-7, nhiều xe cứu thương liên tục đậu trước cổng bệnh viện chuyển bệnh nhân tới điều trị. Mỗi xe có khoảng 10 ca F0. Nhiều người bước xuống xe dáng đi khỏe mạnh được các y bác sĩ mặc đồ bảo hộ hướng dẫn vào khu vực điều trị.
Phía trong là tòa nhà 25 tầng, đang điều trị cho 404 bệnh nhân F0 không có triệu chứng, trong đó có một trẻ 3 tuổi.
Các nhân viên y tế tại đây làm việc cật lực, ngoài việc chuyển cơm nước đúng giờ cho người bệnh, liên tục kiểm tra sức khỏe và cấp thuốc điều trị, nhân viên y tế tại đây còn kiêm nhiệm luôn việc kiểm tra điện, nước tại các phòng.
Ông Trần Văn Khanh - giám đốc phụ trách Bệnh viện dã chiến số 3 - cho biết hiện bệnh viện có 150 y bác sĩ, nhân viên hậu cần, bảo vệ...
"Tòa nhà đã có điện nước đầy đủ. Sức chứa của cả bệnh viện đảm bảo 3.000 giường cho F0, bệnh viện sẽ chuyên điều trị cho những trường hợp F0 không có triệu chứng. Bệnh nhân sẽ được chăm sóc y tế và được xét nghiệm định kỳ, nếu không có triệu chứng thì thường sau khoảng 3 tuần - 4 tuần là khỏi bệnh", bác sĩ Khanh cho biết thêm.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cho biết, tương ứng kế hoạch ứng phó dịch COVID-19 với kịch bản 10.000 - 15.000 ca mắc, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 (ký túc xá thuộc ĐH Quốc gia) với quy mô 4.000 giường đã đi vào hoạt động hơn 10 ngày qua.
Ngày 4-7, ngành y tế thành phố đã triển khai thêm Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2 (khu nhà tái định cư quận 12) với quy mô 2.000 giường.
Từ ngày 7-7, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3 (khu nhà tái định cư ở thành phố Thủ Đức) quy mô 3.000 giường và Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 (khu nhà tái định cư huyện Bình Chánh) quy mô 3.000 giường bắt đầu hoạt động.
Các ca F0 được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 3 vào chiều 8-7 - Ảnh: HOÀNG AN
Các nhân viên khử khuẩn cho nhau khi chở F0 đến bệnh viện dã chiến số 3 - Ảnh: HOÀNG AN
Chuyển cơm lên phát đến từng phòng cho các F0 - Ảnh: HOÀNG AN
Chị Ngô Thị Khuyên đang đi kiểm tra điện nước ở phòng mới để sẵn sàng đón bệnh nhân - Ảnh: HOÀNG AN
Nhân viên y tế đến từng phòng phát cơm và đưa thuốc cho bệnh nhân - Ảnh: HOÀNG AN
Các F0 đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3 - Ảnh: HOÀNG AN
Tủ thuốc kê cho bệnh nhân có triệu chứng - Ảnh: HOÀNG AN
Chuẩn bị giường để đón bệnh nhân - Ảnh: HOÀNG AN
Trường mầm non 'hiện đại và đẹp nhất tỉnh' chưa mở cửa đã lún cả gang tay Trường mầm non Hoàng Mai (giai đoạn 1) được xây dựng để phục vụ cho bà con thuộc diện di dân khỏi di tích Kinh thành Huế dù chưa đưa vào sử dụng nhưng nền móng của công trình đã bị lún khoảng 23cm. Trường mầm non Hoàng Mai giai đoạn 1 (phường Hương Sơ, TP Huế) dù chưa đưa vào sử dụng...