Chọn nghề cho con
Như tất cả các bậc cha mẹ khác, anh chị Tư cũng ngày đêm khắc khoải lo cho tương lai của con, nên chọn ngành nghề gì cho nó, mặc dù thằng Tèo chỉ đang học lớp 1. Anh Tư cả quyết :
- Dĩ nhiên là làm bác sĩ. Thời nào bác sĩ cũng được trọng vọng nhất. Tại Việt Nam làm bác sĩ càng đặc biệt hơn. Bệnh viện lúc nào cũng quá tải, bệnh nhân chầu chực đông như kiến. Chưa kể, với tình hình ô nhiễm môi trường, vệ sinh thực phẩm đáng báo động như hiện nay, thì bác sĩ có việc làm bất tận.
Chị Tư thở dài:
- Nếu được vậy thì tốt quá, nhưng bác sĩ học vừa lâu vừa khó, đâu phải ai cũng học được. Chưa kể thằng Tèo vốn rất nhát, thấy máu là mặt mày tái mét.
Anh Tư lại hăng say:
- Hay làm kỹ sư cũng khối việc. Thành phố chỗ nào cũng xây nhà lầu cao ốc, công việc trùng trùng…
Ảnh: Nguyễn Tài
Video đang HOT
Chị Tư hốt hoảng:
- Trời ơi, mỗi ngày chạy xe ngang các công trường xây dựng tui muốn rớt tim, đâu biết cần cẩu rớt xuống đầu lúc nào. Sao ông muốn con mình làm việc trong môi trường nguy hiểm đó?
Anh Tư sôi nổi:
- Hay là làm thầy giáo, nghề cao quý mà thu nhập cũng khá. Tuy lương không bao nhiêu nhưng tụi con nít đứa nào cũng học thêm như điên, luyện thi từ cấp I đến đại học.
Chị Tư ngần ngừ:
- Bây giờ tụi học trò tợn lắm ông ơi, hành hung thầy cô giáo như cơm bữa, nghề này cũng chẳng an toàn.
Anh Tư gật gù đồng tình. Chị Tư thỏ thẻ:
- Bây giờ nhiều khi không học cao cũng có thể kiếm khối tiền ông à, hay mình cho nó theo con đường nghệ thuật, ca sĩ, diễn viên?
Anh Tư cắt ngang:
- Bà chỉ được cái ham chuộng hư danh. Làm ca sĩ phải có giọng hát hay, diễn viên phải có tài thật sự, nếu không gia đình phải giàu có thì mới có tiền làm CD và lăng xê con mình. Bà không thấy hot boy, hot girl toàn được gia đình giúp đỡ lăng xê quảng cáo sao?
Chị Tư rầu rĩ:
- Giáo dục cứ chạy theo thành tích, bắt mấy đứa nhỏ è cổ học như vẹt. Hay là mình ráng lo cho con đi du học?
Anh Tư thở dài:
- Thì hồi trước tui cũng nghĩ vậy, nhưng bây giờ thấy cho con đi xa cũng run quá. Một mình nó nơi xứ lạ quê người không biết có chịu học hành gì không, hay lại kết bè đảng rong chơi, ăn xài. Chưa kể, nhiều khi còn bị giết, bỏ vào tủ quần áo không chừng.
Chị Tư tái mặt:
- À, tui quên mất chuyện này. Cho đi học xa cũng không yên tâm. Mà học ngay trong thành phố này cũng bao nhiêu chuyện xảy ra. Bạo hành ngay trong lớp học, con nít có tí tuổi mà hùa nhau đánh đập bạn bè, nghe sao ghê quá ông.
Anh Tư thở dài:
- Ừ, nhiều khi đọc báo cứ giật mình thon thót. Mà sau này bà tính cho nó học ngành gì? Thằng Tèo làm cái gì cũng chậm chạp cà rề, sao tui lo quá.
Chị Tư chưa kịp trả lời thì bên ngoài có tiếng Tèo đang chơi cùng lũ con gái hàng xóm. Tụi con gái nhao nhao:
- Á, không chịu đâu, anh Tèo hứa làm cho em cái này lâu thiệt lâu mà còn chưa xong nữa.
Thằng Tèo cười hì hì:
- Thì anh hứa mai mốt anh làm xong mà…
- Hứa gì hứa hoài. Ngày nào cũng hẹn mai…
Nghe đến đó, anh Tư vỗ tay cười, nói với vợ:
- Hứa hoài mà không làm, làm hoài mà không xong… Hay lắm! Sau này cho thằng Tèo học nghề đào đất sửa đường, rồi về làm việc ở ngành giao thông công chánh là phù hợp nhất!
Theo Bảo Trân