Chọn mỏng hay… dày
Các hãng công nghệ di động đang nỗ lực sản xuất những smartphone và tablet mỏng hơn. Vậy khi chọn mua, người dùng nên mỏng hay dày?
Hãng công nghệ khởi đầu cho xu hướng… mỏng chính là Apple với chiếc iPhone nổi tiếng. Ngay khi ra đời, cả thế giới đã bất ngờ với siêu phẩm smartphone này. Bên cạnh một hệ thống phần cứng rất mạnh thì chính kích thước siêu mỏng của iPhone đã khiến người dùng bị cuốn hút.
Người dùng nên quan tâm đến tính năng hơn là thiết kế
Video đang HOT
Kiểu dáng hơn công nghệ
Theo nhận định của PC World Mỹ, nếu Apple sản xuất một chiếc smartphone có cấu hình mạnh đến mức nào thì các hãng đối thủ cũng thừa khả năng tạo ra một chiếc smartphone mạnh tương tự hoặc mạnh hơn như vậy. Lý do đơn giản vì các phần cứng không do Apple hay các hãng sản xuất smartphone tạo ra mà do một nhóm các công ty phát triển phần cứng khác nghiên cứu chế tạo. Ngay bản thân chiếc iPhone, iPad hay iPod, MacBook của Apple cũng đều là một tổ hợp của các linh kiện đến từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Như vậy, về căn bản, các hãng đối thủ khác cũng có thể làm điều tương tự để tạo ra một chiếc iPhone giống y chang hay một siêu phẩm di động, tablet khác mạnh hơn, tốt hơn.
Sức mạnh của các sản phẩm luôn nằm ở kiểu dáng. Giới phê bình đánh giá rất cao những sản phẩm công nghệ với thiết kế ấn tượng hơn là chính cấu hình của chúng. Samsung từng thành công với những dòng sản phẩm đầy mê hoặc với dáng vẻ thanh thoát cũng như những ai sử dụng sản phẩm của Apple luôn được gán cho cái nhãn “người sành điệu”- Một bình luận viên trên MarketWatch nhận định.
Theo các chuyên gia công nghệ, thiết kế một sản phẩm “mỏng” thường khó hơn so với việc tạo ra một sản phẩm công nghệ có cấu hình khủng bởi nhà sản xuất phải thiết kế, sắp xếp các linh kiện sao cho chúng nằm khít với nhau, giảm tối đa không gian thừa. Điều ấy bắt buộc các bên phải ngồi lại với nhau trong một thời gian rất lâu để bàn thảo về sự khả thi của thiết kế cũng như thay đổi lại cấu hình thiết kế để phù hợp với khả năng của công nghệ lúc đó. Đấy cũng là lý do mà một nhà cung cấp linh kiện tại Đài Loan nói với hãng tin Reuters rằng phải đến tháng 6 thì iPad 2 mới ra đời, bởi nhà cung cấp linh kiện này đã căn cứ vào sự kiện Apple phải thay đổi thiết kế một số phần cứng trong tablet trên – và điều ấy “cần phải có thời gian để chỉnh sửa”.
Một smartphone “mỏng” thường có sức mạnh quảng cáo về công nghệ chế tạo hơn là công nghệ tính năng của nó – một nhà phân tích trên GSMArena lý giải về việc website công nghệ này đưa tiêu chí kiểu dáng thiết kế (Design) lên trên cả tiêu chí tính năng (Features) và khả năng làm việc (Performance).
Các tiêu chí đánh giá trên GSMArena
Chọn loại nào?
Thông thường, khi một sản phẩm được chú trọng quá mức về kiểu dáng thì điều đồng nghĩa là chất lượng và tính năng sẽ bị giảm xuống. Motorola Xoom mặc dù bị chê là không bắt mắt nhưng dựa trên các tiêu chí đánh giá của các chuyên gia thì đây là tablet tốt nhất thế giới với các tính năng mạnh mẽ và cấu hình đáng nể, hơn hẳn so với các đối thủ cùng loại. Tuy thế, theo đánh giá của người dùng thì nó không… hấp dẫn bởi thiết kế không đẹp và giá tương đối cao. Ngược lại, với phiên bản iPad thì với cấu hình không được mạnh như các đối thủ nhưng lại bán được trên 15 triệu phiên bản (doanh số với iPad 1) nhờ kiểu dáng và “mác”… hàng hiệu.
Vậy khi chọn mua một sản phẩm công nghệ thì người dùng nên chọn mỏng hay… dày? Theo Mobile Burn rất khó để đưa ra được một gợi ý phù hợp với tất cả mọi người bởi mỗi người đều có những nhu cầu sử dụng và thị hiếu thẩm mỹ khác nhau. Về mặt khách quan, người dùng nên chọn mua sản phẩm mình thích theo mục đích sử dụng hơn là theo các trào lưu công nghệ đang được hâm nóng nhờ các kênh truyền thông đại chúng.
Theo trang tin SlashGear, người sử dụng các sản phẩm công nghệ thường có hai dạng, một là dùng nó như một phần của công việc, cuộc sống và khai thác tối đa những tính năng có trong sản phẩm. Khi ấy, sản phẩm mà đối tượng này cần chính là những model có cấu hình mạnh, khả năng tương tác với người dùng tốt cũng như tích hợp những tính năng tốt nhất để giúp chủ nhân của chúng trong mọi công việc. Và thường thì những dòng sản phẩm như thế lại thiếu tính cạnh tranh về thiết kế.
Ngược lại, đối tượng người dùng thứ hai chỉ vì mục đích làm đồ… trang sức và không bao giờ biết đến những tính năng trong sản phẩm mình có. Những người này sẵn sàng bỏ tiền mua một chiếc USB 1 GB 300.000 đồng có hình trái tim thay vì mua USB 4 G 200.000 đồng chống sốc, chống thấm nước bởi đơn giản USB trái tim… đẹp hơn.
Rất khó để “tư vấn” người tiêu dùng để phân biệt rõ giữa mỏng (sản phẩm thiên về thiết kế) và dày (sản phẩm thiên về công nghệ, tính năng) khi các nhà sản xuất có muôn vàn chiêu PR độc đáo khiến người dùng lâm vào mê hồn trận. Cách duy nhất là hãy xem mình thực sự muốn gì hơn là nghe người khác nói – BusinessWeek bình luận.
Theo Người lao động