Chọn cán bộ sai thì rất nguy hiểm
Quy định 205 của Bộ Chính trị nêu rất cụ thể việc kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, nghiêm cấm thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị để vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình nhằm thao túng, can thiệp công tác cán bộ.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc- nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về Quy định 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền trong bối cảnh chúng ta chuẩn bị tiến tới đại hội Đảng các cấp, và đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Chính trị có quy định rõ ràng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Theo tôi đây là văn bản có tính giá trị pháp lý rất cao, là cơ sở để đẩy mạnh hơn quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như phòng ngừa những tiêu cực trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, trong đó có tiêu cực về công tác cán bộ. Trước đây chỉ nêu “kiểm soát quyền lực” nói chung;, nhưng lần này Quy định 205 nhấn mạnh đến kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Như vậy đáp ứng được yêu cầu thực tế, qua đó phòng ngừa việc lạm quyền, lộng quyền, vi phạm quyền lực trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ. Cá nhân tôi đánh giá đây là bước phát triển quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ.
Đáng chú ý khi Quy định này đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản đó là các tổ chức đảng, cấp ủy và mỗi cán bộ đảng viên căn cứ vào đó để xử lý những vi phạm về kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, “chạy chọt” trong công tác cán bộ là hiện tượng đã diễn ra trên thực tế và thời gian qua chúng ta đã phải xử lý nhiều vụ vi phạm. Quy định này của Bộ chính trị là để ngăn chặn những hiện tượng đã có, hướng tới phòng chống chạy chức chạy quyền, và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Nếu như đường lối, chính sách sai có thể sửa được, nhưng nếu chọn sai cán bộ thì rất nguy hiểm, có thể dẫn tới thất bại, thậm chí đổ vỡ.
Từ thực tế vừa qua, theo ông đâu là bài học kinh nghiệm chúng ta cần rút ra trong công tác cán bộ, để qua đó có cách làm tốt hơn?
- Qua các thời kỳ cách mạng, sở dĩ chúng ta thành công thắng lợi lớn đều do sự lựa chọn, bố trí sắp xếp cán bộ đúng, phát huy được vai trò của cán bộ trong mọi thời kỳ. Đó là bài học cho ngày nay về công tác lựa chọn cán bộ. Từ nhiều nhiệm kỳ nay, công tác cán bộ đã bắt đầu xuất hiện những tiêu cực cho nên Quy định lần này của Bộ Chính trị chính là để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, đặc biệt là hiện tượng chạy chức, chạy quyền, rồi sử dụng quyền lực trong công tác cán bộ.
Như vậy chúng ta cần phải chú trọng đến vai trò của các cấp ủy Đảng vì công tác cán bộ là việc của Đảng, bên cạnh đó cũng gắn với đánh giá cán bộ một cách thực chất hơn, thưa ông?
Video đang HOT
- Chúng ta phải nâng cao vai trò của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu. Trong lựa chọn cán bộ phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu, nếu người đứng đầu không thực sự vì sự phát triển của tổ chức đảng sẽ dẫn tới chọn sai, bắt đầu từ khâu đánh giá cán bộ. Vì công tác cán bộ có 5 khâu gồm: Đánh giá; quy hoạch; đào tạo bồi dưỡng; xếp sắp bố trí; thực hiện hệ thống các chính sách cán bộ. Nếu làm đúng quy trình này, bước đầu tiên bao giờ cũng là đánh giá cán bộ, đánh giá đúng mới quy hoạch tốt, quy hoạch xong phải đào tạo tốt, từ đó mới xắp xếp bố trí và có chính sách hợp lý.
Trong bối cảnh hiện nay, sau ban hành Quy định, theo ông có thể ngăn chặn được tình trạng chạy chức chạy quyền hay không?
- Muốn thực thi Quy định 205 có hiệu quả trước thềm diễn ra Đại hội đòi hỏi trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức Đảng, các cấp ủy và trách nhiệm của người làm công tác cán bộ, công tác tổ chức và trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên chúng ta mới có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, cộng với sự giám sát của nhân dân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội chúng ta mới có thể thực hiện được.
Thưa ông, Quy định 205 đã nêu rõ MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan dân cử thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra và xử lý, đồng thời giám sát việc thực hiện kiến nghị theo quy định. Vậy theo ông làm sao có thể phát huy được vai trò của Mặt trận và nhân dân trong việc chống chạy chức, chạy quyền?
- Có hai cách giám sát. Một là giám sát trực tiếp, tức là bản thân người dân và các tổ chức quần chúng, Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội thấy hiện tượng có thể phản ánh ngay với Đảng để xử lý kịp thời các vụ việc. Hai là giám sát thông qua đại diện như MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội kiến nghị với Đảng về công tác cán bộ. Theo tôi những kiến nghị chân thành đó, Đảng cần phải nghiêm túc xem xét, xử lý. Chúng ta cần coi trọng cả hai cách thức giám sát này. Các tổ chức cũng cần chú ý đến sự phản biện, hay những đề xuất của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội về công tác cán bộ. Lắng nghe để xử lý, nhưng quan trọng phải xử lý kịp thời, không để kéo dài vì công tác cán bộ tác động trực tiếp đến công việc lãnh đạo. Bên cạnh đó, chế độ tiếp dân của người đứng đầu đã được quy định, cho nên người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương phải nghiêm chỉnh thực hiện chế độ tiếp dân – đó cũng là kênh thông tin để lắng nghe ý kiến của người dân.
Trân trọng cảm ơn ông!
H.Vũ (thực hiện)
Theo ĐĐK
Trọng dân - tư tưởng đặc sắc còn nguyên tính thời sự
"Việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu bảo khó cũng là khó, nhưng bảo dễ cũng không sai. Bởi không phải là những việc gì xa vời, mà chính từ những hành động cụ thể".
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng đã nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị quanh việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị theo chuyên đề năm 2019.
Bác Hồ thăm Nhà máy Diêm Thống Nhất những năm đầu khôi phục kinh tế (1956).
Tôn trọng dân bằng những việc làm thiết thực
"Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân" là một nội dung lớn trong chuyên đề học Bác năm 2019. Qua nghiên cứu, theo ông, có thể hiểu về vấn đề này như thế nào trong tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
- Chuyên đề học Bác năm 2019 là "Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Ở đây có 3 ý, nhưng thực chất là tạo ra mục tiêu thống nhất chung là tư tưởng "vì dân" của Bác Hồ. Chủ đề này rất phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng hiện nay và phù hợp với nguyện vọng, thực tế cuộc sống của Nhân dân.
Sinh thời Bác luôn luôn đánh giá đúng vai trò của Nhân dân trong tiến trình lịch sử, trong sự nghiệp cách mạng. Như năm 1942, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp có hỏi Bác: Sự nghiệp của chúng ta bắt đầu từ đâu? Bác đã trả lời, "bắt đầu từ dân"; "có dân sẽ có tất cả". Những câu nói giản dị này đã đánh giá sự vĩ đại trong tầm nhìn của Bác về Nhân dân. Năm 1945, cách mạng Tháng Tám thành công, Bác đã nói, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Chính quyền của ta là công bộc của dân, gánh việc chung cho dân, chứ không phải là người thống trị, cai trị dân. Đó là tư tưởng đặc sắc của Hồ Chí Minh. Đồng thời, còn thể hiện ở khía cạnh, mọi việc đều phải được bàn bạc, thảo luận với Nhân dân trước khi quyết định.
Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (tháng 10/1947) Bác đã khẳng định nội dung này rất rõ. Vì sao phải làm như vậy? Theo Bác, bởi vì, nhiều khi người dân giải quyết vấn đề nhanh gọn, chóng vánh và hiệu quả mà có khi đoàn thể to tát, hay cán bộ lãnh đạo cấp cao ngồi nghĩ mãi không ra. Vì vậy, hãy thảo luận với dân để "gỡ" vấn đề. Tư tưởng của Bác Hồ còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.
Nhìn vào thực tế hiện nay, có rất nhiều cán bộ gần dân, vì dân, những ngược lại cũng có không ít câu chuyện thể hiện rõ bệnh quan liêu, xa dân. Cá nhân ông nhận định thế nào về vấn đề này?
- Thực tiễn hiện nay cho thấy, đã có những sự chuyển động tích cực trong việc xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và thể hiện ý thức tôn trọng Nhân dân. Nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân. Nhiều lãnh đạo đứng đầu các tỉnh, thành cũng đã trực tiếp đến nơi xảy ra vấn đề "nóng", bàn bạc, đối thoại thẳng thắn với người dân, tìm ra giải pháp, tháo gỡ. Đó chính là tôn trọng Nhân dân một cách thiết thực nhất.
Nhưng ngược lại tình trạng quan liêu cũng là một "nguy cơ" vẫn được nhắc đến. Trong quá trình lãnh đạo, Bác Hồ cũng luôn cảnh báo tình trạng này. Quan liêu, xa dân, rồi đến ngại tiếp xúc với dân, đặc biệt khi có chức có quyền. Từ đó, dẫn đến những thờ ơ, vô cảm với cuộc sống của dân. Để triệt tiêu tư tưởng cho rằng bản thân "có quyền", "được quyền" với dân, tôi nghĩ, mọi cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ, nhận thức đúng đắn về vai trò của Nhân dân. Như Bác đã nói, không được ở trên dân, mà phải hòa với dân, lo cho dân.
Hòa quyện trong từng chính sách, biện pháp
Từ thực tiễn đó, theo ông để học tập và làm theo tư tưởng của Bác về ý thức tôn trọng Nhân dân một cách tích cực trong tình hình hiện nay, cần lưu ý những vấn đề gì?
- Để vận dụng tư tưởng ý thức tôn trọng Nhân dân hiện nay, trước hết, cần thực hiện đúng và tốt các quy định của "tin dân, hiểu dân, gần dân", đồng thời cần nhất quán phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được thụ hưởng". Phải tìm hiểu xem người dân đang mong muốn điều gì; cuộc sống của người dân ra sao. Muốn hiểu dân thì phải gần dân, không quan liêu, ngồi bàn giấy dự thảo các chỉ thị, nghị quyết. Cần phải xuống cơ sở, hòa mình với người dân, lắng nghe ý kiến của dân, chống xa dân. Gần dân rồi phải bàn bạc, thảo luận với dân. Bác Hồ đã căn dặn điều này trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc": Nghị quyết gì mà người dân cho là không đúng, thì phải để họ đề nghị sửa chữa. Phải căn cứ vào đề nghị của người dân rồi mới tính toán các yếu tố khác để có những quyết sách hợp lòng dân, để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.
Đặc biệt, theo tôi, phải gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và những văn bản mới của Đảng, tạo ra một sức mạnh tổng hợp đồng bộ trong thực tế. Các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; quy định về trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy... vừa được ban hành, cũng chính là những nội dung góp phần xây dựng, thực thi ý thức tôn trọng Nhân dân. Như "tiếp dân", ý nghĩa không đơn thuần chỉ nằm ở hai chữ ấy, mà còn chứa đựng nhiều nội dung như trao đổi, lắng nghe, bàn bạc với dân; những vấn đề dân nêu ra, phải tìm ra cách giải quyết... Theo tôi nghĩ, nếu việc tôn trọng Nhân dân hòa quyện được vào từng chính sách, từng biện pháp, chủ trương cụ thể của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, sẽ tạo ra chuyển biến về chất trong đời sống xã hội, giảm đi những tiêu cực.
Còn với cá nhân mỗi người, làm sao để việc học Bác thực sự trở thành ý thức tự thân, thưa ông?
- Tôi nghĩ trước hết phải lưu ý ngay từ việc quán triệt, tuyên truyền, cần thấu đáo và chú ý đến bộ phận cán bộ thường xuyên tiếp xúc với dân. Từ chuyển biến về nhận thức, rồi đến chuyển biến trong hành động. Tự mỗi người phải có ý thức trách nhiệm trước các vấn đề này.
Đừng nghĩ tôn trọng Nhân dân, vì dân là vấn đề gì to lớn và chỉ là việc của cán bộ cấp lãnh đạo, mà cả trong công việc của mỗi công chức, nhân viên bình thường cũng thể hiện rất rõ. Như khi người dân đến cơ quan hành chính làm thủ tục, được cán bộ nơi đó ân cần giải thích, hướng dẫn, đó chính là thể hiện tư tưởng tôn trọng Nhân dân.
Xin cảm ơn ông!
Theo Kinhtedothi
Chống chạy chức, chạy quyền: Cần công khai quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ Việc "chạy chức, chạy quyền", tệ tham nhũng đã chi phối nhiều khâu trong công tác cán bộ, từ lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, đến quy hoạch.. Lần đầu tiên, vấn đề kiểm soát quyền lực, chống "chạy chức, chạy quyền" đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký và ban hành trong...