Chơi thể thao giúp hạnh phúc hơn cả kiếm nhiều tiền
Những người siêng tập thể thao có tâm trạng hạnh phúc hơn những lao động thu nhập 25.000 USD/năm nhưng lại không chơi thể thao, theo nghiên cứu mới công bố.
Luyện tập thể thao giúp có tinh thần hạnh phúc hơn – Ảnh: GETTY IMAGES
Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Yale và Đại học Oxford hợp tác thực hiện trên hơn 1,2 triệu người ở Mỹ từ năm 2011 đến năm 2015. Các tình nguyện viên tham gia được yêu cầu trả lời các câu hỏi thống kê số ngày tinh thần không tốt như bị stress, gặp áp lực, hay buồn bực…
Bên cạnh đó, họ được đề nghị cung cấp thêm thông tin về tình trạng thu nhập và thói quen hằng ngày của mình thông qua một bảng gồm 75 loại hình vận động từ cắt cỏ, làm vườn, chăm sóc trẻ, làm việc nhà đến chơi thể thao như đẩy tạ, đạp xe, chạy bộ…
Theo Business Insider, các nhà khoa học nhận thấy với những người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, trung bình một năm họ chỉ gặp khoảng 35 ngày tâm trạng không tốt, ít hơn những người không luyện tập đến gần 20 ngày.
Nhìn chung, những người thường xuyên chơi thể thao có số ngày vui vẻ hơn những ai ít vận động đến 42,5%.
Trước nay, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của luyện tập thể thao với sức khỏe – Ảnh: GETTY IMAGES
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy, các tình nguyện viên chuyên luyện tập thể chất thậm chí thường xuyên giữ được tâm trạng hạnh phúc cho bản thân hơn những lao động thu nhập cao, có khi đến 25.000 USD/năm, nhưng lại không chơi thể thao.
Ngoài ra, tỉ lệ hạnh phúc cũng thay đổi nhỏ theo loại hình vận động của các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu.
Video đang HOT
Chẳng hạn, trung bình những môn thể thao tập thể như bóng đá, bóng rổ, cầu lông… giúp người chơi giảm số ngày tâm trạng ảm đạm đến 22,3%, trong khi đó tỉ lệ giảm stress của các môn không đòi hỏi tiếp xúc người – người thấp hơn 1 chút, như đạp xe đạp giúp giảm 21,6%, tập gym giảm 20,1%.
Chơi các môn thể thao tập thể sẽ tốt hơn một chút so với các môn độc lập – Ảnh: GETTY IMAGES
Tuy nhiên không phải cứ luyện tập thể thao nhiều là tốt.
TS Adam Chekroud – Đại học Yale – cho biết mối liên hệ giữa luyện tập thể thao và sức khỏe tinh thần được biểu hiện theo đồ thị parabol dạng lồi, tức độ hạnh phúc tăng dần theo cường độ tập luyện đạt đến một đỉnh rồi bắt đầu giảm xuống.
Theo nghiên cứu, khối lượng luyện tập hợp lý là 3 đến 5 lần mỗi tuần, mỗi lần dài từ 30 đến 60 phút là lý tưởng.
Ngược lại, với các tình nguyện viên luyện tập cường độ cao liên tục mỗi ngày, trung bình ngày nào cũng luyện tập trên 3 tiếng, số ngày tâm trạng không ổn trong năm của họ còn nhiều hơn những người không chơi thể thao.
Theo tuoitre
7 bài học khắc nghiệt của cuộc sống mà hầu hết chúng ta chỉ nhận ra khi... đã quá muộn
Những bài học cuộc sống đều ẩn chứa trí tuệ mà chúng ta phải mất nhiều thời gian để có thể nhận ra. Có thể, rất lâu sau này bạn mới giác ngộ được những bài học cuộc sống khắc nghiệt này.
1. Nếu muốn thành công với đam mê, bạn phải làm việc gấp nhiều lần so với người khác
Hầu hết mọi người không dành thời gian để theo đuổi thứ họ đam mê. Họ làm những điều mà xã hội, người thân, bạn bè nghĩ rằng họ nên làm. Hoặc, họ không theo đuổi bất kỳ điều gì bằng cả trái tim.
Nếu bạn muốn "theo đuổi đam mê", bạn cần phải coi đó là một đặc ân chứ không phải đặt quá nhiều kỳ vọng như đa số mọi người vẫn làm. Nếu đó là những gì bạn thực sự muốn, bạn phải bắt tay thực hiện ngay từ bây giờ, với nhiệt huyết và sự chăm chỉ gấp nhiều lần những người khác.
2. Bài học cuộc sống, nguồn gốc của sự tức giận luôn là nỗi sợ hãi
"Sợ hãi là con đường dẫn tới bóng tối, sợ hãi dẫn tới hận thù, ghen ghét dẫn tới đau khổ". Bất cứ khi nào chúng ta đau khổ, đặc biệt là trong khoảng thời gian dài, chúng ta đều nghĩ rằng sự đau khổ ấy đến từ thế giới bên ngoài, từ những điều mà chúng ta ghét.
Khi vượt qua được cảm xúc đó, bạn sẽ thấy đi cùng sự ghét bỏ là âm thanh của sự giận dữ. Nhưng nguồn gốc của tất cả luôn luôn là sự sợ hãi. Chúng ta sợ mất mát, sợ bị tổn thương, sợ hãi khi phải buông bỏ. Chỉ khi nhận ra và chấp nhận nỗi sợ hãi đó, chúng ta mới có thể bước qua bóng tối của nó và tiến về phía trước.
3. Những thói quen hàng ngày tạo nên con người bạn trong tương lai
Hành động hôm nay của bạn sẽ góp phần hình thành nên con người của bạn ngày mai. Khi hành động lặp lại một tuần, một tháng bạn sẽ nhận thấy tác động của nó đối với cuộc sống. Từ những tác động rất nhỏ đến sự khác biệt rõ rệt trong con người bạn. Khi những hành động đó lặp lại trong 1 năm, 2 năm, 5 năm, bạn sẽ không còn nhận ra chính mình nữa.
Đừng đánh giá thấp sức mạnh của những thói quen nhỏ, lớn dần theo thời gian. Dù tốt hay xấu, những thói quen hàng ngày sẽ xác định bạn là ai trong tương lai.
4. Bản thân bạn là kết quả của sự thực hành hàng ngày
Khi chúng ta nghĩ về thực hành, chúng ta thường nói về kỹ năng. Bạn tập piano hay chơi thể thao, bạn phải đặt trái tim và tình cảm của mình khi thực hành chúng. Bạn có thể thực hành tính khiêm tốn hay sự tha thứ. Bạn có thể thực hành sự tự nhận thức và tính hài hước cũng như sự tức giận, xung đột.
Con người thực sự của bạn phản ánh những điều bạn thực hành trong cuộc sống. Chúng ta không phải sinh ra để trở thành một điều gì đó tiêu cực, như "sự buồn bã", chỉ là đôi khi một số người thực hành nỗi buồn nhiều hơn niềm vui.
5. Mỗi người đều có những việc họ phải làm
Phải thừa nhận, tất cả chúng ta đều có những ước mơ, khát vọng, mục tiêu, gia đình, bạn bè và những mối quan hệ quan trọng. Tất cả chúng ta cơ bản đều muốn những điều giống nhau nhưng mỗi người đều có những việc riêng mà họ nhất định phải làm và bạn không thể kiểm soát được điều đó.
Bạn có thể đặt hết niềm tin của mình vào ai đó, nhưng đừng cho rằng họ phải có trách nhiệm chia sẻ điều gì đó với bạn. Thay vào đó hãy tự giải quyết vấn đề của bạn, giúp đỡ người khác thực hiện mơ ước của họ nếu có thể. Nếu thực hiện theo cách đó, các mối quan hệ sẽ phát triển thuận lợi và đúng hướng hơn. Và tất nhiên, khi bạn cần sự giúp đỡ, những người xung quanh bạn sẽ sẵn sàng góp một tay.
6. Thành tích không phải mục tiêu duy nhất của hành trình cuộc đời
Chúng ta thường có xu hướng dồn toàn bộ sức lực, tâm trí, thậm chí hy sinh hạnh phúc của bản thân vì một mục tiêu lớn. Nhưng đến cuối cùng, khi đạt được mục tiêu ấy thì chúng ta cảm nhận được điều gì? Hạnh phúc không chỉ là đích đến, nó là từng cảm xúc, trải nghiệm trong cuộc hành trình bạn đi qua. Nếu không thể thưởng thức những trải nghiệm trên đường đi cùng những người xung quanh bạn, thì dù bạn có đạt được, mục tiêu đó cuối cùng cũng trở nên vô nghĩa.
7. Làm việc chăm chỉ không có nghĩa là không vui vẻ
Hầu hết chúng ta có suy nghĩ, cười có nghĩa là không quan tâm đến các vấn đề của cuộc sống một cách nghiêm túc. Thực tế, những ý tưởng tốt đẹp nhất sẽ đến trong khoảnh khắc bạn vui vẻ. Tiếng cười là sự kết nối của con người, trong công việc, trong khi giải quyết các vấn đề.
Tuy nhiên, một số người dường như không nhận ra điều này, họ đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng và trở nên càu nhàu, khó chịu. Nhưng cuộc sống có nghĩa là niềm vui, khi bạn không vui vẻ, có lẽ "chẳng điều gì hoàn thành". Ngược lại, khi vui vẻ thưởng thức cuộc sống, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn có thể làm được nhiều điều kỳ diệu hơn bạn tưởng.
Vân Anh
Theo dulich.petrotimes.vn
Gửi đàn ông yêu đàn bà một đời chồng: Nếu không can đảm đi với nhau đến cùng thì đừng nói lời yêu Đàn ông, có mấy người đủ bao dung để ôm lấy quá khứ đầy những nỗi đau đớn và muộn phiền của người đàn bà một đời chồng? Có mấy ai có trái tim rộng lượng để yêu thương đứa con của người phụ nữ như con ruột của mình? Đàn bà một đời chồng trái tim không còn tươi mới, vẹn nguyên...