Choáng vì con vừa vào lớp 1 đã bị cô chê
Cứ mỗi ngày đón con, chị Hoài lại cảm thấy đau đầu vì nghe cô giáo liên tục “mách tội” con, đến nỗi, chị hoang mang tự hỏi: Không biết tại cô khó tính, tại con mình kém cỏi hay vì lý do gì khác đằng sau lời chê bai đó?
Các bé lớp 1 cần nhận được nhiều lời khen, khuyến khích chứ không phải là những lời chê…
Chị Hoài có con trai năm nay vào lớp 1. Vừa vào đầu năm học, chị Hoài đã liên tục nhận được những lời chê bai con của cô giáo. Cứ chiều nào đón cậu bé ở lớp, chị cũng được cô giáo gọi vào để “mách tội”. Nào là con hiếu động quá, nào là con không tập trung; nào là con hay đi vệ sinh; con không thuộc bài; con không chịu hát cùng các bạn; con chậm hiểu bài, rồi thì con đòi uống nước, đòi đi vệ sinh trong giờ học… không ngày nào là con không có tội, mà tội nào cô cũng nói với giọng hết sức quan trọng.
Video đang HOT
Lần đầu, khi cô mách tội con, chị cảm thấy hơi buồn cười bởi nghĩ rằng, trẻ con đứa nào chả thế. Nhưng rồi, cứ nghe cô gọi vào nhắc nhở nhiều quá, chị bắt đầu thấy căng thẳng và quay sang yêu cầu con không mắc lỗi. Chị cấm con không được “ngọ nguậy” trong lớp; cấm con trao đổi với bạn bên cạnh…, chị cũng nhắc con phải uống nước và đi vệ sinh trong giờ ra chơi… Nhưng hôm nào cậu bé cũng có lý do. “Mẹ, con bị ngứa thì phải gãi chứ”; rồi thì “bạn mượn con thước kẻ, chẳng lẽ con không cho? Mà con vừa quay sang đưa bạn mượn là cô đã quát luôn. Con trình bày nhưng cô bảo “không chấp nhận lý do”…
Nhưng căng thẳng nhất là vụ con hay uống nước và đi vệ sinh. Khi còn đi học mẫu giáo ở trường Hoa Thủy Tiên, cô giáo của con liên tục nhắc các con phải uống nước và đi vệ sinh. “Uống nhiều nước tốt cho sức khỏe và không được nhịn tiểu” là điều mà cậu bé nhớ như in.
Nhưng ở lớp 1 thì khác. Con chị Hoài đã có lần vì nhịn đi vệ sinh (do sợ cô mắng nên không dám xin phép) và cuối cùng thì tè cả ra quần, khiến các bạn cười chê và con thì vô cùng xấu hổ. Vụ việc đó đã trở thành nỗi ám ảnh của cậu bé.
Lần này thì chị Hoài không nhịn nữa. Chị góp ý với cô giáo: “Con còn bé, vừa ở mẫu giáo lên nên cô có muốn “chỉnh” con thì cũng phải từ từ, chứ không thể bắt con nhịn uống nước, nhịn đi vệ sinh như thế được”. Còn bà nội của cu cậu thì không tế nhị như con dâu. Bà đến gặp cô giáo hỏi thẳng: “Lúc cô khát có uống không, buồn đi vệ sinh có nhịn được không? Nó là trẻ con, khát thì phải uống, buồn tè thì phải đi chứ. Cô là người lớn, nhưng thử ngồi 4-5 tiết học như thế có ngọ nguậy không mà ngày nào cũng chê cháu tôi thế?”
Sau lần đó, tần suất phàn nàn của cô với con chị Hoài cũng phần nào giảm bớt.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu con và mạnh dạn trao đổi với giáo viên như chị Hoài. Nhiều phụ huynh, dù biết cô giáo có hơi “quá đáng” với con, nhưng nghe cô giáo chê bai nhiều quá thì cũng bực mình, quay sang chì chiết, thậm chí đánh mắng con. Có phụ huynh thì nghĩ ngay đến chuyện biếu xén phong bì để cô đỡ chê con.
Chị Thoa có con gái năm nay cũng vừa vào học lớp 1. Vừa đi học được vài tuần nhưng ngày nào chị Thoa cũng được cô gọi vào nhắc nhở, chê bai. “Con viết xấu lắm”; “Con làm toán hay sai lắm”… Sự việc kéo dài như vậy khoảng 1 tháng, cho đến lúc một cô bạn nhắc: “Chắc cô giáo chê con để mẹ phải… quan tâm”, lúc đó chị Thoa mới giật mình. Chị vội vàng mang phong bì đến gặp cô, nhờ giúp đỡ.
Cũng là một phụ huynh thường đi đón con, người viết bài thường xuyên gặp cảnh bố hoặc mẹ chì chiết con cái, thậm chí quát mắng oang oang giữa cổng trường. Những câu nói thường là: “Con làm cái trò gì ở lớp mà ngày nào cô giáo cũng phạt thế hả”; hay thậm chí “Mày học hành cái kiểu gì mà suốt ngày bị cô chê trách thế?” khiến những cô bé, cậu bé cứ rúm ró hết cả người lại.
Ngành giáo dục vẫn có câu: Mỗi ngày đến trường là một ngày vui, nhưng cách ứng xử như vậy của một số giáo viên đã khiến cho không chỉ học sinh mà cả phụ huynh rất ức chế. Thậm chí, họ có thể nghĩ rằng giáo viên cố tình chê con cái họ để “vòi vĩnh”… Ngược lại, nhiều cha mẹ học sinh cũng “đổ dầu vào lửa” khi chưa biết lắng nghe, chia sẻ với con mà còn làm cho trẻ hoảng sợ, lo lắng hơn khi bị phạt bởi những lỗi rất nhỏ.
Trước đây, một số sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu giáo viên không sử dụng các hình thức chê trách đối với học sinh lớp 1 mà ngược lại, dùng nhiều lời khen, động viên đối với các con. Tuy nhiên trên thực tế, không phải giáo viên nào cũng hiểu và làm tốt quy định này.
Sắp tới đây, Ngành giáo dục sẽ áp dụng quy định không chấm điểm thường xuyên đối với giáo viên tiểu học. Thay vào đó, giáo viên sẽ nhận xét học sinh qua một số tiêu chí. Cách này có thể phần nào giúp làm giảm áp lực cho học sinh, nhưng cũng sẽ là vấn đề nếu giáo viên vẫn áp dụng cách chê bai khi nhận xét. Đây cũng chính là điều mà nhiều phụ huynh e ngại khi quy định không chấm điểm được công bố.
Theo_VnMedia