Chợ trâu Cán Cấu
Xưa nay cái xứ Simacai nơi thượng nguồn sông Chảy (huyện Bắc Hà – Lào Cai) hay Xín Mà Cái như cách gọi của người bản địa vốn có nghĩa là “Chợ ngựa” nhưng chỉ quãng độ mươi, mười lăm năm đổ lại đây mới được người tứ xứ biết tới như là chợ trâu lớn nhất nhì Tây Bắc. Cũng bởi tò mò muốn tận mắt thấy sự sầm uất của vựa trâu bò ấy mà chúng tôi đã tìm đến Bắc Hà vào một sớm tinh mơ.
Một góc chợ Cán Cấu. Ảnh: phuotcafe.com
Chợ họp từ tờ mờ sáng nơi lưng chừng con dốc Cán Chư Sử, chẳng thế mà khi chúng tôi đặt chân tới cổng chợ lúc 7h sáng đã đông đúc lắm rồi. Con đường 20km từ thị xã Bắc Hà ngược lên phía thượng nguồn hiện ra cảnh sắc tuyệt đẹp với những thửa ruộng xanh rì chờn vờn trong lớp sương sớm, phía xa lác đác vài nóc nhà ẩn hiện trong rừng cây xanh đang tỏa lên từng cuộn khói bếp.
Chợ tuy đông nhưng không quá ồn ào. Nơi tập trung đông người nhất là khu tập kết trâu với người bán kẻ mua đang trao đổi, kỳ lạ là họ không kỳ kèo mặc cả như ta thường thấy ở dưới xuôi bởi người miền ngược vốn chân chất thật thà, nói giá để bán chứ không thêm bớt. Chợ họp vào sáng thứ 7 hàng tuần, vì thế từ vài ngày trước các lái trâu từ khắp nơi đều đã dồn cả về để trao đổi, mua bán, đông nhất là người từ dưới xuôi lên trong số đó phần nhiều là người Phú Thọ. Và khi cuộc bán-mua đã hoàn tất, cả chủ lẫn khách cùng kéo nhau đến bên nồi thắng cố đang tỏa khói nghi ngút, nhấp môi chén rượu Si thơm nồng.
Khu chợ dành cho phụ nữ, gọi thế là bởi đàn ông đi chợ chỉ để bán trâu hoặc ăn thắng cố. Bên cạnh những hàng nông sản địa phương thì mặt hàng chính được bày bán ở đây là những bộ áo váy của người Mông, sặc sỡ và đầy cuốn hút. Giá một bộ váy có thể lên tới tiền triệu bởi mỗi năm một người phụ nữ cũng chỉ may được tới hai bộ là nhiều. Ngày nay, có những cánh váy được may bằng vải phin, cũng rực rỡ lắm nhưng dễ may dễ làm nên giá chỉ vài chục nghìn đồng. Có thấy tận mắt mới biết người phụ nữ Mông cũng chăm làm đẹp giống như bao người phụ nữ trên thế gian này bởi ở sạp hàng trang sức với những món đồ bằng bạc như vòng, xuyến, hoa tai được chạm vô cùng tinh tế cũng đang được các chị em xúm lấy, ríu rít trò chuyện.
Có một hình ảnh đầy chất thơ mà chúng tôi thấy được ở phiên chợ, ấy là những người đàn ông đang tụ nhau lại bên những chuồng chim họa mi nơi góc chợ. Hỏi ra mới biết ấy là chợ chim họa mi, chẳng hiểu vì sao mà họa mi ở đây hót hay lắm, hay hơn hẳn dưới xuôi. Phải chăng vì được ăn, được thở thứ không khí mát lành của núi rừng hay bởi chúng cũng giống như những con người thuần phác mà chúng cất lên tiếng hót mộc mạc, ban sơ để hấp dẫn đồng loại giữa đại ngàn hùng vĩ.
Theo ANTD
Nhộn nhịp phiên chợ ở cổng trời
Trên chặng đầu tiên của con đường huyền thoại mang tên Con đường hạnh phúc, dốc Bắc Sum chính là con dốc đánh dấu điểm bắt đầu của hành trình xuyên qua công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang. Ở trên đỉnh con dốc dài uốn lượn ấy, cổng trời Quản Bạ là một địa danh nổi tiếng từ lâu bởi cảnh quan kỳ vĩ và câu chuyện huyền thoại núi Đôi.
Phiên chợ vùng cao như "bảo tàng sống" về sinh hoạt văn hóa cộng đồng
Thế nhưng, có một địa danh nằm ngay dưới chân mỏm núi cổng trời, đó chính là xã Quyết Tiến mộc mạc, đơn sơ bên cổng trời sừng sững quanh năm mây phủ. Ở nơi yên bình ấy, mỗi tuần một lần lại có buổi chợ phiên, khoảng thời gian diễn ra chỉ trong một buổi sáng ngắn ngủi.
Đã từ lâu, chợ phiên vùng cao luôn là điểm đến được lựa chọn của dân du lịch trên những cung đường khám phá. Cũng như nhiều chợ phiên khác ở vùng cao Hà Giang, chợ phiên Quyết Tiến họp vào sáng thứ 7. Trong màn sương mờ phủ dầy đỉnh núi và trong ánh sáng mờ mờ của buổi sớm mai, những dòng người trong bộ váy áo mới, nhiều màu sắc của dân tộc Mông thuộc địa bàn xã và khu vực xung quanh xuống chợ, đem theo những sản vật của núi rừng.
Có thể nói, ngày phiên chợ là một sự kiện văn hóa, xã hội quan trọng và được sự quan tâm của tất cả mọi người, len lỏi giữa những quầy hàng đông đúc là những cô gái người Mông xúng xính trong bộ trang phục rực rỡ sắc màu. Họ xuống chợ để chơi và chọn mua cho mình những bộ áo váy, những chiếc vòng bạc mới. Ở một góc chợ, không khí trở nên nhộn nhịp với những gian hàng bày bán quần áo, giầy dép, nơi những bà, những chị, những cô... tha hồ lựa chọn. Ở một góc khác phía sâu trong chợ, những người đàn ông tụ họp bên quầy bán thuốc lào, họ cùng thử thuốc và chọn thuốc tốt mua về cho gia đình... Khi chợ phiên đã vãn, tất cả mọi người cùng nhau ngồi lại bên hàng thắng cố, mời nhau chén rượu và kể cho nhau nghe những câu chuyện thường ngày. Khi rượu đã say, chợ đã tàn, mọi người rời chợ và không quên lời hẹn ở buổi phiên sau.
Người vùng cao xuống chợ không đơn thuần là để mua sắm mà còn để vui chơi, giao lưu bè bạn, hẹn hò. Tất cả hiện hữu trong phiên chợ như một "bảo tàng sống" về sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Chính vì vậy mà đã có không ít du khách trong và ngoài nước tới đây, cùng thăm quan sự kỳ vĩ của núi rừng, của cổng trời Quản Bạ và khám phá nét đẹp văn hóa, con người vùng cao trong mỗi buổi chợ phiên.
Theo ANTD
Tạm dừng lễ hội ruộng bậc thang do gần 20 người chết Do thảm họa sạt lở đất vùi lấp 20 người dân ở xã La Pán Tẩn và Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã quyết định không tổ chức lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2012 mặc dù các khâu chuẩn bị cho lễ hội đã được hoàn tất. Ruộng bậc thang Mù Căng Chải Ông Giàng...