Cho heo nghe nhạc để… tăng chất lượng thịt
Một trong những bí quyết nuôi heo độc đáo của anh Nguyễn Vũ Phương (Vĩnh Long) là không chỉ cho heo nghe nhạc thính phòng êm dịu mà còn cho chúng nghe cả tin tức thời sự, nhạc của Michael Jackson, Mr Đàm, Sơn Tùng MTP…
Cho heo nghe nhạc… Đàm Vĩnh Hưng
Chuyện cho heo nghe nhạc tính ra không mới, ở đâu đó đã có người làm. Đáng nói là anh Nguyễn Vũ Phương (Vĩnh Long) không chỉ cho heo nghe nhạc thính phòng êm dịu như người ta mà còn là “hầm bà lằng” các thể loại nhạc như nhạc của Michael Jackson, Lý Hải, Cẩm Ly, Sơn Tùng MTP… đến vọng cổ cải lương, các chương trình thời sự trong và ngoài nước của Đài phát thanh TP Vĩnh Long…
Anh Phương đang làm vệ sinh khu vực chuồng . Ảnh: Zing
Video đang HOT
Cứ mở đài là chúng im phăng phắc nằm nghe quên cả giờ ăn, còn tắt đài thì chúng lại chộn rộn, kêu inh ỏi. Một chiếc máy cassette cũ treo trên cây cột giữa khu trại có dây dẫn nối với thùng amply treo trên cây cột gần đó. 9 giờ sáng, nhạc trong chuồng đang hát tới bài “Xin lỗi tình yêu”. Đàn heo lớn bé nằm lim dim, mặt khoan khoái, chốc chốc khẽ đập đập đuôi lắng nghe Đàm Vĩnh Hưng cất giọng trách hờn tha thiết:
“Anh nói sẽ đưa em đi suốt cuộc đời… Mà sao không đưa được đoạn đường em đi… Anh nói sẽ ôm em khi gió đông về… Mà giờ đây một mình em đứng trong mưa…”.
Và cho heo nghe thời sự
Anh Phương nói anh cố ý cho phát đủ thể loại như thế là để thay đổi “khẩu vị” cho bầy heo. Anh cứ từ tâm lý người mà suy ra tâm lý heo. Thêm một lý do, anh nghĩ bầy heo luôn cảm thấy an tâm bởi chúng nhầm lẫn giữa tiếng nói ra rả trong các chương trình thời sự của đài với tiếng nói của ông chủ bà chủ cho dù ông chủ bà chủ vắng nhà.
Mỗi khu vực chuồng heo đều được anh Phương bố trí máy nghe nhạc. Ảnh: Zing
Điều lạ là anh Phương cho heo nghe đài đã gần chục năm nay nhưng mãi đến vài tháng nay mọi người mới phát hiện. Không phải anh giấu giếm mà chỉ vì cái tính hay nói chuyện kiểu tưng tửng, cà rỡn của anh khiến anh nhiều lúc nói rất thật mà chẳng ai thèm tin.
Chẳng hạn, một lần đang giữa cuộc hội thảo của hội nông dân tỉnh, khi mọi người đang bàn đến biện pháp phòng, chữa bệnh heo tai xanh thì anh tuyên bố anh đã có cách trị bệnh này rất hiệu quả bằng… kỹ th
uật số. Mấy ông nông dân sửng sốt, chuyên gia, bác sĩ thú y hỏi dồn, kêu anh trình bày cho mọi người học hỏi thì anh kể: Có khó gì đâu, cứ con heo nào bị bệnh tai xanh là anh mở sổ, kiếm số đẹp đẹp nào đó của lái heo, gọi họ tới “dớt” nó đi, chứ bệnh tai xanh thì làm sao mà chữa. Ngay chuyện cho heo nghe đài, các lái heo từ lâu đến nhà anh đã nghe, đã thấy nhưng anh nói thì họ bảo: “Xạo quá cha nội! Ông mở đài cho vợ chồng ông nghe thì có”.
Mơ heo nghe nhạc Việt có chất lượng thịt như heo Áo
Nói chuyện nuôi heo với anh Phương sẽ tin câu chuyện không bao giờ cạn mà ngược lại, mỗi lúc càng mở ra những điều mới mẻ. Anh có thể thao thao về những giống heo thịt, heo nái bằng những cái tên khoa học trúc trắc, cách tuyển chọn một con nái công phu ra sao, chăm sóc heo con kỳ công thế nào. Rồi mới đây anh đọc được bài báo kể rằng ở bên Áo có một cửa hàng bán thịt heo của con heo trước đó được cho nghe nhạc, chất lượng thịt của nó được công nhận khác biệt và có giá mắc hơn thịt heo của con heo được nuôi bình thường. Anh ước ao sẽ sớm có ngày thịt heo của những con heo được cho nghe nhạc ở trong nước cũng được công nhận chất lượng như thế.
Nửa đêm, có ông nông dân 50 tuổi trằn trọc thức giấc ra ngồi bên chuồng lặng lẽ nhìn bầy heo. Những Mõ Lọ, Chấm Đuôi, Mắt Nhung… của anh đang say ngủ. Có trời mới biết anh sẽ còn nảy ra sáng kiến nào nghe sốc hơn nữa dành cho đàn heo.
Heo nghe thời sự coi chừng bị ức chế Về việc cho heo nghe thời sự, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, lại có ý kiến trái chiều. Theo ông: “Đối với vật nuôi sinh sản, yếu tố di truyền chỉ chiếm 10%-30%, tác động của các yếu tố khác như thức ăn, nước uống, chăm sóc, môi trường… sẽ ảnh hưởng rất lớn. Còn đối với vật nuôi lấy thịt thì yếu tố di truyền cao hơn, đến 40%-50%. Âm thanh nhẹ nhàng sẽ khiến vật nuôi không bị stress, thoải mái và phát triển tốt. Còn âm thanh tin tức thời sự có nhiều cường độ, hỗn tạp, ngay chính con người lúc muốn nghe lúc không huống gì con vật. Vật nuôi nếu bị âm thanh lớn, có tiếng động nhiều sẽ hoảng sợ, cơ thể sẽ mệt mỏi, stress và gây ra những tác dụng xấu khác”.
Theo Theo Báo Đất Việt / Trí Thức Trẻ