Cho cam, bưởi ở “chung nhà” với cà phê “nhặt” tiền gấp đôi
Nhờ trồng xen canh cây cà phê với cây ăn quả có múi (cam, bưởi), đã giúp gia đình anh Lò Văn Bạn, bản Nong Ten (xã Nậm Lầu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) có thu nhập gấp đôi trên một diện tích.
Những ngày đầu xuân, đến thăm khu vườn xanh ngát cây trái của gia đình anh Ban, nào là cam, là bưởi, cà phê, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước nỗ lực vượt khó làm giàu của anh người đàn ông dân tộc Thái này.
Đang tất bật chăm sóc vườn cây, gặp chúng tôi anh Ban tay bắt mặt mừng kể: Năm 2007, sau khi lập gia đình, tôi được bố mẹ chia cho mảnh đất 2 ha trồng lúa nương, sau nhiều năm canh tác, mảnh đất dốc đã trở nên bạc màu, năng suất lúa kém.
Mô hình trồng xen ghép cây cam, bưởi với cà phê của gia đình anh Lò Văn Bạn.
“Không cam chịu đói nghèo, tôi đã bàn với gia đình chuyển diện tích đất trồng lúa sang trồng cây cà phê. Qua tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê trên sách, báo và đi tham quan học hỏi các mô hình trồng cà phê trong và ngoài huyện. Năm 2010, anh vay vốn từ người thân, bạn bè, mua 5.000 cây giống cây cà phê về trồng. Sau 3 năm chăm sóc, cà phê đã cho thu hoạch trên 10 tấn quả tươi mỗi năm, thu nhập trên 80 triệu đồng”, anh Bạn chia sẻ.
Từ số vốn tích góp được anh Bạn đầu từ mua thêm 3 ha đất của một số bà con dân bản đang có nhu bán, để trồng tiếp cây cà phê. Nâng tổng số diện tích cà phê lên 5 ha.
Nhờ trồng xen ghép cam, bưởi với và phê thu nhập của gia đình anh Bạn tăng từ 80 triệu đồng lên hơn 300 triệu đồng.
Trồng cà phê đang thuận lợi, bỗng nhiên vài năm trở lại đây, giá cà phê lên xuống thất thường, không ổn định, khiến người trồng cà phê gặp khó khăn. Qua tìm hiểu thực thế tại một số nơi thấy cam, bưởi, cho thu nhập cao hơn gấp nhiều. Nghĩ vậy, năm 2017 với số vốn tích lũy, anh Bạn quyết định chuyển một phần diện tích cà phê sang trồng xen ghép cây cam, cây bưởi.
“Sau khi đã nắm chắc kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả có múi, tôi trồng thí điểm 200 gốc cam Vinh giống V2 và 20 gốc bưởi da xanh. Đến nay, gia đình tôi có hơn 300 gốc cây ăn quả có múi. Kết hợp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu trồng đến khâu chăm sóc, nên số diện tích trồng xen ghép cây cam, bưởi với cà phê đều phát triển tốt”, anh Bạn cho hay.
Video đang HOT
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vườn cây của gia đình anh Bạn luôn phát triển tốt.
Nếu như trước đây trồng cà phê chỉ cho thu nhập 80 triệu đồng/năm, khi trồng kết hợp với cam, bưởi, cũng trên diện tích đó thu nhập của gia đình anh Bạn đã tăng lên 300 triệu đồng/năm. Nhờ vậy kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, có của ăn của để.
Không chỉ giỏi về phát triển kinh tế gia đình, anh Bạn còn được nhiều người biết đến là người tiên phong trong các phong trào của bản, của xã, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các gia đình khác vay vốn, cây giống, giúp bà con chuyển đổi cây trồng, đem lại thu nhập ổn định.
Những cây cam quả sai trĩu cành giữa vườn cà phê.
Từ năm 2016 đến nay, gia đình tôi được công nhận là gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Không chỉ vậy, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình anh còn đóng góp nhiều công sức, kinh phí xây dựng đường giao thông ở địa phương, góp phần giúp cho bộ mặt của bản ngày một khang trang, sạch đẹp.
Có thể nói, nhờ tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Bạn đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Theo Danviet
Xuyên đêm, trèo núi cùng anh em A Hù săn chuột rừng béo mẫm
Theo chân anh em A Hù xuyên đêm, ngược núi đá săn loại chuột rừng ở núi "Trúng Chua" (tên gọi tiếng địa phương) ở xã Co Tòng, huyện Thuận Châu (Sơn La) mới hiểu được để thưởng thức thứ thịt đặc sản này quả không đơn giản chút nào.
Có dịp ngược núi lên bản Pá Chả A, xã Co Tòng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La (một trong 6 xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu) để đón tết Canh Tý cùng A Dơ - một người bạn dân tộc Mông từng học cấp 3 với tôi.
Chiến lợi phẩm của 3 anh em chúng tôi sau một đêm dài vất vả.
Người Mông bản Pá Chả A sống rất tình cảm và mến khách. Đêm 23/1 (tức 29 tháng Chạp tết Nguyên đán Canh Tý 2020), trong mâm cơm Tết với gia đình A Dơ, tôi được người thân, hàng xóm nhà A Dơ chúc rượu nhiệt tình. Là người lạ nên tôi khá ngại ngùng khi định mời rượu bà con. Bởi, đối với người dân vùng cao nếu mời rượu không đúng lại bị phạt gấp đôi.
Anh Phá A Hù bên cạnh đàn chuột rừng mình săn được.
Trong không khí rôm rả của đón Xuân Canh Tý, tôi chăm chú lắng nghe mọi người đàm đạo. Với đôi tai thính của một người làm nghề "viết lách", tôi chợt nghe được câu chuyện săn chuột rừng trên núi "Trúng Chua" của anh Phá A Hù với thằng em trai tên A Ly của mình ngồi ngay bên cạnh tôi.
Thấy tôi tò mò hỏi, A Hù bảo: Cán bộ muốn ăn thịt chuột rừng à!. Nếu vậy, tối nay anh em tôi dẫn cán bộ lên núi săn chuột nhé. Mùa này, chuột rừng nhiều lắm. Anh em tôi đi dò rồi. Thằng em họ A Ly của A Hù nhìn chằm chằm vào tôi và hỏi: Nhìn cán bộ ăn mặc thế này chắc không leo núi được đâu?. Sau một hồi giải thích, A Hù nói: Chú em cứ cầm đèn chạy trước ô tô, cán bộ cũng là người Mông còn đi khỏe hơn chú.
Theo anh Hù, chuột rừng trên núi đá "Trúng chua" thịt rất thơm ngon, không có mùi như chuột nhà.
Tôi nhấc ly rượu ngô thơm lừng lên xin phép nhà A Dơ để cùng anh em A Hù lên núi săn chuột rừng. Người bạn thân của tôi không quên nhắc nhở: "Trên đấy, rắn, muỗi nhiều lắm bạn phải cẩn thận đấy". Sau đó, A Dơ lấy cho tôi bộ quần áo cũ và đôi ủng để tiện di chuyển trong đêm. Trong lúc tôi đang thay quần áo, A Hù đã chạy xồng xộc tới. Trên người A Hù và A Ly, vai vác nỏ; lưng buộc mũi tên và dao; trên đầu buộc chiếc đèn pin nhỏ gọn.
Đúng 19h30, 3 anh em chúng tôi bắt đầu xuống phát từ bản Pá Chả A lên núi "Trúng Chua". Giải thích tên núi "Trúng Chua" với tôi, A Hù bảo: "Đây là tiếng địa phương. "Trúng Chua" có nghĩa là núi đá. Núi này chuột nhiều vô kể, anh em tôi thăm dò rồi".
Với giá bán 1 con là 25.000 đồng, chuột rừng còn giúp bà con bản Pá Chả A kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Cuốc bộ ngược con dốc vó ngựa cũng phải chùn chân gần 2h đồng hồ, chúng tôi đã có mặt tại đỉnh núi "Trúng Chua". Trong quãng thời gian nghỉ ngơi để hồi sức, A Ly kể: Anh em tôi đặt bắp ngô thử đàn chuột ở đây một tuần rồi. Chuột nhiều lắm. Chỉ tay sang đỉnh núi bên cạnh, A Ly nói nhỏ: Núi này, hôm qua tôi đặt gần 20 bẫy bán nguyệt, sáng mai kiểu gì cũng có thịt chuột rừng để ăn.
Theo A Hù, đàn chuột rừng ở núi này cực kỳ thông minh. Phải có kinh nghiệm mới săn được chúng. "Anh em tôi làm rãnh, thả ngô, thóc ở đây gần một tuần để đàn chuột ăn quen. Sau đó dùng bẫy bán nguyệt bẫy và dùng nỏ mới săn được. Nếu thả thức ăn một hai ngày mà đặt bẫy thì hầu như không bao giờ được.
Bên cạnh việc săn được chuột rừng, A Hù và A Ly còn bắn được vài con sóc rừng.
Sau 15 phút nghỉ ngơi, A Hù và A Ly tỏa ra mỗi người một hướng. Tôi cùng A Hù đi một hướng. Di chuyển trên con đường đá lởm chởm, núi rừng âm u, thỉnh thoảng nghe thấy tiếng một số tiêng kêu, tiếng hú lạ khiến tóc gáy tôi dựng ngược lên. A Hù trấn an: "Không có gì đâu, có tôi đây cán bộ không phải lo. Những tiếng này là chuột rừng, chim rừng và sóc rừng thôi".
Đến gần nơi có tiếng kêu lạ, trước mặt chúng tôi xuất hiện 2 đốm sáng nhỏ. A Hù nói nhỏ chuột rừng đây. Rồi A Hù vội lên dây nỏ và lấy chiếc mũi tên đeo ở lưng đặt lên rãnh nỏ và ngắm thẳng vào trung tâm 2 đốm sáng. Nghe tiếng nỏ kêu Tinh, A Hù chạy vội vào gốc cây lôi ra một con chuột rừng khủng và đưa cho tôi. Cầm con chuột trên tay, tôi ước chừng nặng khoảng hơn 3 lạng.
Sau chuyến xuyên đêm, ngược núi săn rừng cùng A Ly và A Hù, chúng tôi mới hiểu được để thưởng thức đặc sản chuột rừng không hề đơn giản chút nào. Thậm chí có người đã từng bị gãy tay, gãy chân do rơi xuống vực khi đi săn chuột rừng.
Cách đó hơn chục bước chân, chúng tôi gặp lại A Ly. Và lúc này, số lượng đốm sáng nhỏ xuất hiện ngày càng nhiều với tiếng kêu rúc rích của đàn chuột rừng. Hai anh em chúng nó lại nhanh nhẹn lên dây nỏ và tên bắn liên tiếp vào đàn chuột. Khoảng 5 phút sau, anh em nhà A Hù mỗi người cầm tay 10 con chuột rừng.
Đàn chuột rừng nằm la liệt dưới nền đất bởi mũi tên của A Ly và A Hù.
3h sáng ngày 24/1 (tức 30 Tết), tổng cộng chúng tôi săn được 40 con chuột rừng. Lúc này, anh em chúng tôi ai cũng đã thấm mệt., A Hù đưa tôi về ngủ tại chiếc lán tạm - nơi mà 2 anh em A Hù thường nghỉ mỗi khi lên núi "Trúng Chua" săn đặc sản chuột rừng. Trong khi đó, với sức trẻ của mình, A Ly vẫn tiếp tục công việc bắn chuột rừng.
Sáng hôm sau tỉnh giấc, tôi không biết A Hù và A Ly đã dậy từ lúc nào không hay. Trước mặt tôi là nồi thịt chuột rừng nấu gừng với mùi thơm phức bốc lên trông rất hấp dẫn. Dùng xong bữa sáng, chúng tôi lại xuôi dốc trở về bản Pá Chả A để tiếp tục vui xuân cùng bà con.
Theo Danviet
Tết sung túc, sum vầy nhờ nuôi con ăn lá ngón cũng không chết Nhờ đức tính cần cù, chịu khó, anh Lò Văn Chung ở bản Nà Sành (xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đã thành công với mô hình nuôi dê núi nhốt chuồng. Nhiều người nói vui, từ nuôi con ăn lá ngón không chết ở miền sơn cước này, quanh năm gia đình anh Chung lãi hàng trăm triệu đồng,...