Chính sách tiền tệ tạo đà phục hồi cho nền kinh tế
Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong gần 6 tháng qua.
TS. Lê Xuân Nghĩa
Ông đánh giá thế nào về hoạt động ngân hàng nói chung, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nói riêng 6 tháng đầu năm 2020?
Nhìn lại gần 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định, mặc dù tăng trưởng thấp, nhưng lạm phát thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch bệnh Covid-19 tác động rất mạnh đến xuất khẩu, dịch vụ, nhưng tính chung 6 tháng cán cân thương mại vẫn dương; dự trữ ngoại tệ tăng nhẹ và tỷ giá hối đoái ổn định.
Đặc biệt hệ thống ngân hàng trụ vững trong dịch Covid-19. Không có ngân hàng nào mất thanh khoản, tốc độ tăng trưởng tiền gửi và tín dụng vẫn dương. Gần đây, huy động vốn và cho vay cũng đã được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, NHNN sớm đưa ra chính sách hỗ trợ DN và các NHTM ngay trong giai đoạn đầu của khủng hoảng Covid-19, tập trung vào 4 chính sách then chốt.
Thứ nhất, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho các NHTM giảm lãi suất, phí cho DN đặc biệt là DNVVN. NHNN đồng thời cũng tạo điều kiện duy trì tính ổn định về tài chính của các NHTM trong điều kiện các NHTM tập trung hỗ trợ các DN.
Thứ hai, NHNN ban hành Thông tư 01 cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho các DN gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Đây là biện pháp rất quan trọng nhằm giúp đỡ các DN tồn tại, ổn định trong mùa dịch bệnh. Cho đến nay, số DN được hưởng chính sách tái cấu trúc nợ là khá lớn, có thể lên xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là áp lực rất lớn cho tài chính ngân hàng trước mắt cũng như trong tương lai. Vì các khoản giãn nợ, khoanh nợ biến tài sản có sinh lời thành không sinh lời, làm tăng tài sản không sinh lời, đồng nghĩa với việc tăng khả năng lỗ của các NHTM trước mắt trong những tháng tới. Đồng thời tạo áp lực rất lớn cho các NHTM tăng dự phòng rủi ro, các khoản tài chính đệm dự phòng đảm bảo nền tảng tài chính vững chắc.
Thứ ba, NHNN tiếp tục duy trì một chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát nhằm ổn định giá trị đồng tiền, ổn định giá cả và duy trì dự trữ ngoại tệ không bị suy giảm mạnh. Đây là chính sách tiền tệ khá đặc biệt trong bối cảnh nhiều NHTW nới lỏng tiền tệ vô tiền khoáng hậu. Như chúng ta thấy các gói nới lỏng định lượng của Mỹ lên tới trên 3.000 tỷ USD, Nhật Bản cũng xấp xỉ 2.000 tỷ USD; châu Âu xấp xỉ 1.500 tỷ EUR, Trung Quốc và các nước khác đều có gói nới lỏng định lượng. Rất may, NHNN Việt Nam chưa phải làm điều đó. Đây cũng là thành công lớn trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Nhưng cũng có một thuận lợi nữa cho hệ thống ngân hàng là Chính phủ kiểm soát dịch bệnh tốt và nhanh nên kinh tế không rơi vào suy thoái. Theo đó, tín dụng ngân hàng không bị suy kiệt và đặc biệt DN không bị phá sản hàng loạt nên giữ được lòng tin của người gửi tiền.
Thứ tư, trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, khiến cho hoạt động của nhiều NHTM, đặc biệt là những NHTM nhỏ gặp khó khăn, NHNN đã kịp thời nới lỏng các quy định về tăng trưởng tín dụng và tập trung nhiều vào giám sát, kiểm soát thanh khoản của các NHTM… Điều đó bù đắp phần nào các rủi ro tài chính đối với các ngân hàng trong điều kiện hỗ trợ DN như là giảm lãi suất, tái cơ cấu nợ… Hoạt động thanh tra giám sát của NHNN khá là chặt chẽ, các chỉ đạo của NHTW với các NHTM cả về mặt chính sách, giám sát thông tin đều khá thông suốt trong 6 tháng đầu năm.
Video đang HOT
Đấy có thể coi là thành công nổi trội của hệ thống ngân hàng, chính sách tiền tệ qua 6 tháng đầu năm trong việc chống chọi khắc phục hậu quả dịch bệnh, tạo điều kiện cho khu vực DN, ngân hàng phục hồi lại khá nhanh trên nền tảng tận dụng tối đa thị trường nội địa để hồi phục phát triển. Đặc biệt các chính sách tiền tệ của NHNN như chúng ta thấy khá thận trọng và có tầm nhìn dài hạn nên nguy cơ sau này gặp phải tình huống lạm phát hoặc biến động mạnh tỷ giá hối đoái, mất thanh khoản tại các NHTM là rất nhỏ.
Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế thế giới có nhiều thay đổi. Trong bối cảnh này chúng ta cần quan tâm vấn đề gì?
Mặc dầu phải chống chọi dịch bệnh, hỗ trợ NHTM trụ vững trong dịch bệnh, nhưng điều hành chính sách của NHNN vẫn giữ không để NHTM và DN lún sâu khủng hoảng, không để nền kinh tế suy thoái, kinh tế vĩ mô trở nên bất ổn. Điều này tạo điều kiện giảm nhẹ hậu quả xấu của dịch bệnh, tạo đà cho phục hồi khá là tốt. Mà hậu quả dài hạn, trung hạn về mặt điều hành chính sách tiền tệ, kinh tế không lớn như các nước.
Như chúng ta thấy các nước đều tung ra các gói kích thích lớn như vậy. Trước mắt có thể chưa thấy tác động ghê gớm do cầu tín dụng suy kiệt. Nhưng trong tương lai hậu quả khá lớn, có thể tạo ra biến động mạnh về đồng tiền, lạm phát… Nếu các nước này không có biện pháp trung hòa tốt lạm phát xảy ra trong tương lai khi kinh tế phục hồi.
Theo tôi, sắp tới đây, có thể có làn sóng FDI đổ vào Việt Nam một mặt để tận dụng Hiệp định thương mại Việt Nam – châu Âu, mặt khác là chạy khỏi Trung Quốc. Thông qua đó cũng thể hiện độ tin cậy của họ đối với năng lực của Chính phủ Việt Nam luôn tạo môi trường đầu tư khá an toàn trong nhiều trường hợp. Khủng hoảng Covid-19 vừa rồi có thể nói là thách thức lớn, đồng thời khẳng định Việt Nam là môi trường đầu tư tốt về dài hạn, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cho phép chúng ta dự báo tăng tưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới khởi sắc hơn trong những năm vừa qua và so với các nước trong khu vực. Từ đó tạo ra vị thế địa kinh tế thuận lợi hơn nhiều khác hẳn so với trước đây.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng như trong nước được dự báo còn nhiều bất ổn, theo ông điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới nên theo hướng nào?
Những quyết sách đưa ra những tháng đầu năm khá thành công, chứng tỏ sự vững vàng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Nhưng trong thời gian tới, Chính phủ, NHNN cân nhắc các chính sách chuyển từ tư thế phòng ngự sang tấn công. Vì sao tôi lại nói như vậy, bởi phần lớn biện pháp những tháng đầu năm chủ yếu là nhằm duy trì tồn tại, giảm thiểu tổn thất nền kinh tế, đảm bảo sự trụ vững của NHTM. Còn 6 tháng cuối năm là vấn đề bứt lên và thúc đẩy tăng trưởng phát triển.
Trong bối cảnh các quốc gia có những gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có trong lịch sử. Như Mỹ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nước này mới sử dụng hơn 870 tỷ USD mà phải chia làm 3 gói, Nhật Bản cũng chưa từng phải dùng gói kích thích kinh tế nào lên tới 40% GDP (2.000 tỷ USD). Châu Âu dù thận trọng hơn nhưng cũng đưa ra các gói khổng lồ. Việc đưa ra gói kích thích này sẽ làm tăng nợ quốc gia, làm giảm giá trị đồng tiền rất mạnh của các nước. Điều này lại bất lợi cho Việt Nam, khi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu.
Điểm khác biệt nữa, hiện tại Chính phủ các nước đang có chính sách kích cầu nội địa khá mạnh tay. Chẳng hạn như Nhật Bản để kích cầu du lịch thì họ hỗ trợ cho 1 người đi du lịch 4 triệu đồng. Còn hiện tại ở Việt Nam, chủ yếu là các DN tự kích cầu nội địa qua việc tự giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ chứ chưa có động thái hỗ trợ từ Chính phủ và điều này bào mòn nền tảng tài chính của họ. Nếu cứ để DN tự bơi, họ sẽ không chịu nổi.
Do vậy, theo tôi, thời điểm này chưa cần thiết phải triển khai ngay, nhưng trong tương lai gần, Chính phủ, NHNN nên cân nhắc một gói hỗ trợ theo hướng chuyển từ thế phòng ngự, sang tấn công kích thích kinh tế để tạo ra sự đột phá. Còn nếu giữ nguyên các chính sách phòng thủ mặc dù có đà tăng trưởng nhưng không bật được. Đơn cử, du lịch là một trong những ngành phục hồi nhanh nhất, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất. Nếu không có động thái kích thích sẽ không đón được dòng khách du lịch nước ngoài. Chẳng hạn, Chính phủ kích thích cầu nội địa như các nước đã làm. Hay như để hỗ trợ cho xuất khẩu thì có thể giảm lãi suất, thuế giá trị gia tăng mạnh hơn, tỷ giá linh hoạt hơn…
Theo tôi, các nhà hoạch định chính sách nên xây dựng đề án chương trình hỗ trợ này tính toán kỹ lưỡng, vừa làm vừa thăm dò phản ứng kinh tế vĩ mô. Trong đó cần cân nhắc cả về thời gian làm cho thích hợp, quy mô nào phù hợp để có thể tạo được lợi thế trong tương lai. Việc tổ chức thực hiện thế nào cũng rất quan trọng, tránh rơi vào tình trạng nợ xấu dâng lên và lại phải mất 10 năm mới xử lý như giai đoạn vừa rồi.
Xin cảm ơn ông!
Điều chỉnh Thông tư 07/2014/TT-NHNN: Cú hích để kích tín dụng
Từ ngày 17/3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần giảm lãi suất nhưng lãi suất cho vay vẫn cao quá khả năng hấp thụ vốn tín dụng. Rào cản giảm sâu lãi suất cho vay là lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đang điều chỉnh bởi Thông tư 07/2014/TT-NHNN. Theo NHNN, do tác động của dịch Covid-19 nên tính đến 29/5 tín dụng chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019, bằng 34% so với cùng kỳ năm 2019.
Hoạt động nghiệp vụ tại VPBank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Nghịch lý ngân hàng thừa vốn
Do tác động của dịch Covid-19 còn nặng nề nên khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế đang trong trạng thái rất yếu. Các ngân hàng thương mại (NHTM) đang rất khó khăn tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch đầu năm. Trong khi tín dụng tăng tụt lùi thì huy động tiền gửi của các NH vẫn tăng nhanh. Theo số liệu của NHNN tính từ đầu năm đến ngày 20/5 huy động tiền gửi bình quân đạt hơn 1.160 tỷ đồng/ngày, trong khi số tiền cho vay bình quân chỉ đạt 773 tỷ đồng/ngày. Tức tỷ lệ vốn huy động đọng tại hệ thống NH chiếm hơn 33,3%.
Thực tế cho thấy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đang hết sức hấp dẫn, nên lượng tiền tiết kiệm vẫn chạy vào NH nhiều. Không ít NH đang dư thừa vốn nhưng hàng ngày phải tiếp tục nhận tiền gửi đều đặn bình thường vì NH không thể cắm biển thông báo ngưng/hạn chế nhận tiền gửi. Chưa đến kỳ báo cáo bán niên độ 2020 nên khó xác định số lượng vốn đang đọng tại từng NH nhưng câu chuyện dư thừa vốn NH thể hiện rất rõ.
Thị trường "vay nóng" liên ngân hàng nhằm giúp các NH hỗ trợ thanh khoản lẫn nhau hiện lãi suất cho vay qua đêm đang có xu hướng tiệm tiến về mức dưới 0,2%/ năm, chứng tỏ nguồn cung quá dồi dào. NH thừa vốn nhiều nhưng NH thiếu vốn rất ít. Đây là chuyện chưa xẩy ra từ nhiều năm nay. Chẳng hạn cùng kỳ năm 2019 mức lãi suất này không có chuyện dưới 2%/năm.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tính từ đầu năm đến phiên 3/6 vừa qua đã đấu thầu thành công 60.243 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP), riêng trong tháng 5 là 18.392 tỷ đồng, tăng 510% so với tháng trước đó. Các thành viên tham gia đấu thầu chủ yếu là các NH và một số Quỹ bảo hiểm. Do lượng vốn dư thừa từ NH nhiều nên lãi suất trúng thầu giảm sâu xuống mức từ 2,2 - 3,4%/năm với kỳ hạn từ 5 - 20 năm. Chuyện NH huy động vốn nhiều, không cho vay được, phải tăng cường đầu tư TPCP là chuyện bình thường. Nhưng nghịch lý ở chỗ, NH thừa vốn đầu tư TPCP có mức lãi suất rất thấp nhưng lãi suất mà DN và người dân vay NH vẫn rất cao, gấp 2 đến trên 3 lần.
Cũng theo số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm các DN đã huy động thành công hơn 91.616 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ. Con số này riêng tháng 5 là 27.060 tỷ đồng, trong đó đầu tư từ NH chiếm 42,54%. Một số DN phát hành trái phiếu có mức lãi lên 14 - 19,5%/năm, cao gấp 2 - 2,4 lần lãi tiết kiệm cùng kỳ hạn nhằm hấp dẫn lôi kéo nhà đầu tư.
Điều đáng nói, các DN phát hành trái phiếu thuộc nhóm DN mà NH đã từ chối cho vay do bị "siết" tín dụng hoặc đang không đáp ứng điều kiện tín dụng. Thậm chí có DN báo lỗ quý 1 nhưng sang đầu quý 2 đã phát hành TP thành công do lãi suất quá hấp dẫn đã che khuất rủi ro. Nên nhớ đây là loại trái phiếu phát hành riêng lẻ điều chỉnh bởi Nghị định số 163/2018/NĐ-CP do DN tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm. Nên DN thua lỗ cũng đồng nghĩa nhà đầu tư rủi ro. Chính vì vậy, NH đẩy vốn đọng vào trái phiếu doanh nghiệp là tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Nguyên nhân dư thừa vốn của NH do cầu tín dụng của DN và người dân sau dịch Covid-19 đang rất thấp. Bài toán của NH lúc này là tìm cách kích cầu tín dụng để giải tỏa nguồn vốn dư thừa chứ không phải loay hoay giải pháp tìm cách tối ưu hóa thu nhập từ nguồn vốn này. Dĩ nhiên, kích cầu tín dụng là vấn đề vĩ mô điều hành tiền tệ, phải được quyết định bắt đầu từ NHNN.
Cần gấp rút điều chỉnh Thông tư 07/2014/TT-NHNN
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để ứng phó với dịch Covid-19, từ ngày 17/3 đến nay NHNN đã 2 lần quyết định hạ các lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, điều chỉnh theo Thông tư 07/2014/TT-NHNN. Có thể nói mức lãi suất qua 2 lần NHNN quyết định giảm là đáng kể, giúp các NH chủ động hơn trong bảo đảm thanh khoản và có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên cho dù lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng giảm tới 0,6%/năm, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm 0,75%/ năm nhưng chi phí trả lãi bình quân của NH giảm không nhiều và không đồng đều giữa các NH. Điều này do hầu như các NH không giảm hoặc giảm không đáng kể lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong khi nhóm các NH nhỏ nguồn tiền gửi không kỳ hạn là không nhiều.
Nên biết việc hạ lãi suất tiền gửi không kỳ hạn từ 0,8%/năm xuống còn 0,2%/năm tất yếu buộc chủ tài khoản phải tối ưu hóa lợi ích bằng cách khai thác triệt để tiền gửi kỳ hạn chứ không để tiền nhiều trên tài khoản thanh toán. Tương tự, việc hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đương nhiên nhà tiết kiệm sẽ tìm cách dịch chuyển dần dòng tiền sang tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên để hưởng lãi cao. Điều đó cho thấy dư địa giảm lãi suất cho vay được tạo nên từ việc hạ lãi suất theo chủ trương của NHNN vừa qua chỉ rất hạn chế.
Chưa giảm sâu lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên thì các NH không thể có dư địa lớn để giảm sâu lãi suất cho vay. Tuy nhiên rào cản lúc này là Thông tư 07/2014/TT-NHNN. Theo Thông tư, các NH được áp dụng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên trên cơ sở cung cầu vốn thị trường. Cho nên việc NH giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng trở lên hay không và mức độ giảm thế nào là quyền của từng NH.
Do lợi thế vững chắc tài chính hiện nhóm NH lớn gồm: Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV đã giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng xuống còn 4,9 - 6,5%/năm, mức giảm từ 0,1%- 0,45%/năm. Trong khi nhóm NH nhỏ hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể. Một số NH đang có lãi suất tiền gửi kỳ hạn rất cao, chẳng hạn SCB có lãi suất 8,25%/năm kỳ hạn 12 tháng và 8,35%/năm kỳ hạn 24 tháng; Eximbank có lãi suất 8,4%/năm kỳ hạn 24 tháng hoặc Sacombank có lãi suất 7,8%/năm kỳ hạn 24 tháng.
Đa số NH đang có lãi suất tiền gửi kỷ hạn 12 tháng từ 7 - 7,8%/năm nên câu chuyện giảm sâu lãi suất cho vay phổ biến xuống khoảng 6 - 8%/năm chỉ là hô hào với nhau. Lãi suất cho vay trung hạn tại các NH cổ phần tư nhân đang phổ biến trên 10%/năm, chẳng hạn tại Eximbank là 11 - 12,5%/năm. Câu hỏi đặt ra tại sao các NH không hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên khi quan hệ cung cầu vốn tín dụng đang cho thấy quá dư thừa vốn? Câu hỏi đó chỉ các NH mới trả lời một cách chính xác.
Kích cầu tín dụng là cấp thiết để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Để giải bài này đòi hỏi các NH phải giảm sâu lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên để có dư địa lớn giảm sâu lãi suất cho vay. Muốn vậy, NHNN phải điều chỉnh ngay Thông 07/2014/TT-NHNN. Theo đó, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng được NHNN quản lý như lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, tức là NHNN sẽ quy định mức lãi suất tối đa (trần) theo yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ.
Hơn 400 nghìn người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì Covid-19 được miễn, giảm lãi suất Tính đến 8/6/2020, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 249.108 khách hàng với dư nợ 172.365 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 403.177 khách hàng với dư nợ 1.227.349 tỷ đồng... Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông tin một số kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động...