Chính sách tiền tệ: “Tấm thảm êm” cho kinh tế đi lên
Năm 2019, chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục là điểm sáng với đường đi khá “bằng phẳng”, thậm chí có sự giảm xuống của lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc điều hành chính sách tiền tệ và tâm lý thị trường ổn định đã góp phần vào sự thành công của các chỉ tiêu kinh tế đề ra.
Đương đầu thách thức
Năm 2019, thị trường thế giới tiếp tục nổi sóng với hàng loạt sự kiện lớn. Thương chiến Mỹ – Trung leo thang, lãnh đạo hai nước liên tục đưa ra những chính sách bất ngờ khiến thị trường “trở tay không kịp”. Bên cạnh đó, hàng loạt quốc gia phát triển và đang phát triển nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất. Chỉ trong 1 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) 3 lần hạ lãi suất vào các tháng 7, 9 và 10, trái ngược hoàn toàn với năm 2018 khi cơ quan này đưa ra 4 lần tăng lãi suất. Đặc biệt, thị trường tiền tệ trong nước còn được phen “hoảng hốt” khi Trung Quốc liên tiếp tăng giá đồng Nhân dân tệ lên các mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Tuy “sóng gió” liên tiếp, nhưng không tạo “cú sốc” cho thị trường tiền tệ trong nước, ngoại trừ biến động đột ngột của giá vàng. Người viết dẫn câu chuyện của vàng làm ví dụ trước tiên khi nói về chính sách tiền tệ trong năm 2019 để thấy được nỗ lực ổn định của các cơ quan quản lý trong điều hành.
Thời điểm tháng 6/2019, giá vàng tăng dựng đứng khi những bất ổn địa chính trị đã khiến giới đầu tư tìm đến vàng như “hầm trú ẩn” tài sản an toàn. Nhiều chuyên gia đưa ra lo ngại, giá vàng thế giới vượt qua mốc 1.500 USD/ounce, giá vàng trong nước cũng phải lên đến 45 triệu đồng/lượng, hoặc có thể hơn. Thời điểm này, báo chí thông tin về thị trường tài chính, tiền tệ cũng “ nóng rực” vì vàng.
Tuy vậy, dù tình hình giá cả “nhảy múa” thế nào thì thị trường trong nước vẫn khá yên ắng, gần như không có những ồn ào, hay cảnh từng đoàn người xếp hàng để mua bán vàng như nhiều năm trước đây. Nói về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, giá vàng tăng giảm khó đoán đã khiến nhà đầu tư “nản lòng”, họ không thể tìm thấy độ an toàn cũng như lời lãi để “lướt sóng” với vàng. Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước ( NHNN) còn cho biết, từ năm 2014 đến nay, nền kinh tế không phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp thị trường.
Biểu đồ tỷ giá giữa VND và USD trong năm 2019 cho thấy tỷ giá chỉ tăng mạnh trong một thời điểm ngắn hạn, sau đó hầu như đi ngang. Nguồn: Investing.
Video đang HOT
“Áp lực” như lãi suất nhưng cũng đã giảm
Chắc chắn, ít có sự đi xuống nào mang lại lợi ích cho nền kinh tế bằng việc hạ lãi suất. Trong năm 2019, NHNN đã có nhiều chính sách để điều tiết lãi suất. Không còn là động thái “kêu gọi” hay “khuyến khích”, NHNN đã thực sự ra tay hành động bằng hàng loạt quyết định quan trọng như: Giảm lãi suất điều hành, giảm lãi suất tiền gửi và cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng, giảm lãi suất dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng tại NHNN… Ngoài ra, NHNN còn cho biết đã điều tiết vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng qua thực hiện chào mua giấy tờ có giá và chào bán tín phiếu NHNN qua nghiệp vụ thị trường mở, góp phần giữ ổn định thị trường tiền tệ.
Chính vì thế, trong năm 2019, các ngân hàng đã 3 lần giảm lãi suất cho vay tại các lĩnh vực ưu tiên theo quy định. Đợt giảm diện rộng nhất phải kể đến thời điểm cuối tháng 11, khi NHNN ra quyết định giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Ngay sau quyết định này, hàng loạt ngân hàng từ ngân hàng có cổ phần nhà nước, ngân hàng lớn đến ngân hàng tầm trung đều ra thông báo giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất cuối năm. Mặc dù với những đợt giảm này, các ngân hàng thương mại phải chịu phần thiệt về mình. Như tại Vietcombank, đợt giảm lãi suất vào tháng 11 làm giảm lợi nhuận khoảng 260 tỷ đồng. Nhưng rõ ràng, nếu không thực hiện theo các biện pháp nêu trên, lãi suất khó lòng hạ xuống. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND phổ biến ở mức 6-9% đối với ngắn hạn, 9-11% đối với trung và dài hạn. Nhưng theo nhiều doanh nghiệp, họ phải đi vay với lãi suất cao hơn.
Các chuyên gia cho rằng, lãi suất trong năm nay và cả năm tới còn chịu nhiều áp lực, nên việc giảm xuống cần đến nỗ lực rất lớn từ cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại. Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, các ngân hàng cũng phải kinh doanh có lợi nhuận, nên việc giảm lãi suất phải tạo được sự cân bằng cho các ngân hàng. Hơn nữa, các ngân hàng còn chịu áp lực từ lạm phát, tỷ giá… nên cần tới sự điều tiết cũng như các biện pháp kiểm soát khả năng cung ứng tiền tệ của NHNN.
Như vậy, đúng như một chuyên gia kinh tế đã nhận xét “NHNN đang thông minh lên”, có nghĩa là NHNN đã và đang điều hành các chính sách tiền tệ một cách hợp lý, linh hoạt, không cứng nhắc theo một hướng là thắt chặt hay nới lỏng, mà hướng tới mục tiêu giữ ổn định thị trường và cả tâm lý thị trường. Vì thế, các vấn đề về tỷ giá, giá vàng hay lãi suất đã bớt đi “nỗi sợ” mỗi khi thị trường thế giới có những biến động bất ngờ. Tất nhiên, mọi sự chủ động và phòng ngừa là không bao giờ thừa khi rủi ro vẫn rình rập bất cứ lúc nào, nhưng chính sách tiền tệ vẫn đang là một “tấm thảm êm” cho nền kinh tế an toàn, tiến lên phía trước.
Tỷ giá ngoại tệ năm 2019 khá “bình yên”. Nguyên nhân để tỷ giá tại các ngân hàng giữ được sự ổn định là do nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào, tuyên bố sẽ bán ngoại tệ để điều tiết thị trường của NHNN và sự hỗ trợ từ các hoạt động đầu tư nước ngoài, thặng dư xuất nhập khẩu, lạm phát ổn định…
Hương Dịu
Theo haiquanonline.vn
Điều hành chính sách tiền tệ theo tín hiệu thị trường
Sau một năm ghi nhận những kết quả tích cực, công tác điều hành chính sách tiền tệ năm 2020 sẽ đối mặt với một số thách thức từ cả bên trong nền kinh tế và biến động của thị trường quốc tế. Điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có những kịch bản ứng phó linh hoạt và hiệu quả trong thời gian tới.
Các công cụ chính sách đồng bộ đã giúp lạm phát luôn được kiểm soát ở mức thấp, mặc dù lượng tiền bơm ra nền kinh tế rất lớn. Ảnh: Nhã Chi
Quy mô tín dụng rất lớn
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020 ngày 2/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng, thành công lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2019 là điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, kiểm soát lạm phát ở mức thấp.
Bên cạnh đó, lãi suất giữ được ổn định và giảm, đặc biệt là lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên. Hiện nay, trần lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 6%. NHNN chủ động điều tiết, giảm các mức lãi suất điều hành vào thời điểm phù hợp, với khối lượng và liều lượng thích hợp để đạt được kết quả giảm mặt bằng lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân vay vốn ngân hàng.
Về tỷ giá và thị trường ngoại hối, đến nay quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt xấp xỉ 80 tỷ USD, trở thành "tấm đệm" quan trọng cho quốc gia trong việc bảo vệ an ninh tài chính, phòng ngừa những tác động bên ngoài.
Việc điều hành tín dụng trong năm 2019 được đánh giá là hợp lý, với mức tăng trưởng xấp xỉ 14%. Như vậy, hệ thống ngân hàng đã cung ứng cho nền kinh tế khoảng 8,2 triệu tỷ đồng. Quy mô tín dụng rất lớn nhưng vẫn đảm bảo an toàn và kiểm soát tốt chất lượng tăng trưởng tín dụng.
Theo ông Lê Minh Hưng, bên cạnh công tác điều hành chính sách tiền tệ nêu trên, ngành ngân hàng cũng chú trọng việc thanh tra giám sát và đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Qua công tác này, thực hiện việc cảnh báo những vấn đề rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động, đặc biệt là hoạt động tín dụng. Công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu cũng đã được xử lý một cách quyết liệt và có hiệu quả, bảo đảm tốt chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đánh giá cao thành tích đạt được năm 2019 của ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong bối cảnh thế giới, thị trường tài chính tiền tệ biến động, các nước phải nới lỏng chính sách tiền tệ thì NHNN đã thực hiện tốt các mục tiêu kiểm soát cung tiền, lãi suất, kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm qua, tỷ giá cơ bản ổn định.
Vừa khơi thông nguồn vốn vừa ổn định vĩ mô
Dù đạt những kết quả tích cực như trên, song theo Thống đốc Lê Minh Hưng, ngành ngân hàng vẫn còn một số mặt chưa làm được và cần tập trung xử lý trong thời gian tới.
Theo đó, ngành ngân hàng phải làm tốt hơn nữa với nhiều kịch bản điều hành chính sách tiền tệ khác nhau. Đồng thời, phải năng động, chủ động bám sát diễn biến thị trường quốc tế và khu vực để kịp thời tham mưu cho Chính phủ. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cần tiếp tục nỗ lực và có phương pháp tăng tiến độ xử lý, hạn chế nợ xấu phát sinh.
Về công tác thanh tra giám sát, theo Thống đốc, cần tăng cường củng cố thanh tra từ cấp trung ương đến chuyên ngành, không ngừng nâng cao chất lượng thanh tra, tăng cường cảnh báo và ngăn chặn sớm các rủi ro.
Về những điểm khó khăn của ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, công tác xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều trở ngại. Cùng với đó, công tác đảm bảo an ninh và hoạt động ngân hàng đối mặt với nhiều rủi ro ngày càng tinh vi, phức tạp như gian lận, lừa đảo, tấn công mạng dẫn đến việc để lộ nhiều thông tin cá nhân, mất tiền trong tài khoản... gây ảnh hưởng đến uy tín của nhiều ngân hàng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, ngành ngân hàng cần tiếp tục chủ động và theo quy luật thị trường, khơi thông nguồn vốn đồng thời phối hợp với các cơ quan khác để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Xuân Yến
Theo Baodauthau.vn
Fed loay hoay tìm cách dự báo chính trị Tháng 7/2019, lần đầu tiên sau 10 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 0,25%. Tháng 9, tháng 10 sau đó, Fed lại cắt giảm lãi suất thêm 2 lần nữa. Sau khi liên tục tăng lãi suất từ năm 2015 và dự kiến đến 2020 mới kết thúc chương trình bình thường hoá chính sách tiền tệ,...