Chính sách tiền tệ nới lỏng có thể tiếp tục duy trì trong 3-6 tháng tới
BVSC kỳ vọng tín dụng trong 2 tháng còn lại của năm nay sẽ dần có sự cải thiện. Tuy vậy, mức độ cải thiện sẽ không lớn. Theo đó, tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2020 nhiều khả năng chỉ ở mức quanh 10%. Lạm phát thấp cũng là tiền đề để Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại mà chưa chịu sức ép thắt chặt trong vòng 3-6 tháng tới.
Báo cáo vĩ mô tháng 10/2020 được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố mới đây đánh giá kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên khó có thể kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh chóng.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) trong tháng 10 tiếp tục diễn biến phục hồi với mức tăng 3,6% so với tháng 9. Lũy kế 10 tháng, mức tăng đạt 2,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn nhiều mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2019.
BVSC nhận định sau khi chững lại trong tháng 8 do làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19, SXCN của Việt Nam đã dần hồi phục trở lại trong tháng 9 và tháng 10. Tuy vậy, với nền thấp trong 8 tháng đầu năm, tăng trưởng SXCN trong năm nay trong kịch bản lạc quan nhiều khả năng cũng sẽ chỉ ở mức 3,5-4%.
Cũng giống như chỉ số sản xuất công nghiệp, sau tháng 8 chững lại, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã quay trở lại xu hướng hồi phục rõ nét trong 2 tháng gần đây. Cụ thể, trong tháng 10, doanh số bán lẻ tăng 2,4% so với tháng 9, qua đó giúp mức tăng đạt 6,74%.
Lũy kế 10 tháng, doanh số bán lẻ tăng 1,25% so với cùng kỳ, đánh dấu tháng đầu tiên chỉ số này bứt tăng hẳn khỏi mức tăng trưởng âm đã duy trì nhiều tháng sau khi có dịch Covid-19. Dù chưa thể lấy lại đà tăng trưởng mạnh như trước khi có dịch diễn ra nhưng xu hướng hồi phục khá vững chắc của doanh số bán lẻ là điều đáng ghi nhận.
Video đang HOT
BVSC kỳ vọng cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục khởi sắc trong các tháng cuối năm. Theo đó, doanh số bán lẻ sẽ đạt mức tăng khoảng 2-3% cho cả năm 2020.
BVSC cũng cho hay đà giảm về số lượng lao động đang dần thu hẹp so với các tháng trước. Diễn biến này cho thấy hoạt động cắt giảm nhân công của các doanh nghiệp đã có phần chững lại, qua đó có thể kỳ vọng cầu tiêu dùng sẽ phục hồi mạnh hơn trong các tháng tới.
Về vốn FDI, nhóm chuyên gia cho biết việc vốn FDI suy giảm trong 10 tháng năm nay ngoài xu hướng khó khăn chung của kinh tế thế giới khiến các hoạt động đầu tư FDI sụt giảm thì có thể còn một nguyên nhân khác là dịch bệnh Covid-19 khiến các hoạt động nghiên cứu môi trường đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài muốn đến Việt Nam tìm hiểu bị đình trệ.
Với việc Chính phủ đã cho phép các chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam ngắn ngày không phải cách ly tập trung 14 ngày kể từ đầu tháng 9, BVSC kỳ vọng vốn đăng ký và giải ngân FDI sẽ sớm hồi phục trở lại.
Trái ngược với dòng vốn FDI, dòng vốn đầu tư công ghi nhận tín hiệu rất tích cực, ước đạt 52.039 tỷ đồng trong tháng 10, tăng 43,7% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 354 nghìn tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch năm và tăng 36,5% YoY – mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cũng khá tích cực. Tháng 10/2020 ước tính đạt 26,7 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 229 tỷ USD, tăng 4,7% trong khi nhập khẩu đạt 210,5 tỷ USD, tăng 0,3%. Cán cân thương mại xuất siêu 18,7 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2020 gần như đi ngang so với tháng 9 khi chỉ tăng 0,09%. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp CPI có mức tăng không đáng kể. Theo đó, CPI cuối tháng 10 tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2019.
Với kết quả trên, xu hướng hạ nhiệt của lạm phát kể từ đầu năm đến nay vẫn đang được duy trì. Trong hai tháng cuối năm, lạm phát có thể sẽ tăng nhẹ do nhóm hàng lương thực-thực phẩm có thể sẽ nhích lên do tình hình bão lũ ở miền Trung. BVSC dự báo lạm phát vào thời điểm cuối năm nay có thể sẽ dao động quanh mức 1% trong khi lạm phát trung bình cho cả năm sẽ ở mức quanh 3,5%.
Về lãi suất, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ở trạng thái dồi dào, thể hiện qua mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp kỷ lục (0,15-0,3%/năm cho các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần).
Do tác động từ quyết định cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% hồi cuối tháng 9, trong tháng 10, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn (1-3 tháng) tiếp tục chứng kiến đà giảm (nhóm ngân hàng gốc quốc doanh có mức giảm 0,22% trong khi nhóm ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng giảm 0,2%).
Hiện lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng đều ở sâu dưới mức trần 4%. Trong khi đó, ở kỳ hạn dài (12 tháng) cũng chứng kiến đà giảm mạnh của lãi suất tại nhóm ngân hàng gốc quốc doanh (giảm 0,47%) trong khi nhóm ngân hàng tư nhân có quy mô vốn nhỏ chỉ giảm 0,05%.
BVSC kỳ vọng tín dụng trong 2 tháng còn lại của năm nay sẽ dần có sự cải thiện so với 10 tháng đầu năm. Tuy vậy, mức độ cải thiện sẽ không lớn. Theo đó, tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2020 nhiều khả năng chỉ ở mức quanh 10%.
Bên cạnh đó, việc chỉ số CPI tiếp tục có diễn biến giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp cũng là điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại mà chưa chịu sức ép thắt chặt trong vòng 3-6 tháng tới.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 ở thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,65%
So với bình quân cùng kỳ năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2020 của Thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,04%. So với tháng trước, CPI đã tăng 0,65%.
Chiều 29/10, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2020 tăng 0,65% so với tháng trước. Đồng thời, CPI tháng 10/2020 tăng 0,75% so với tháng 12/2019 và tăng 2,37% so với cùng tháng năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 3,04% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Phân tích diễn biến chỉ số giá một số nhóm hàng cụ thể, Cục Thống kê Thành phố cho biết nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,09% so với tháng trước; trong đó, nhóm lương thực tăng 0,60%, tập trung ở các mặt hàng gạo tẻ thường do tình hình xuất khẩu tăng nhờ các đơn đặt hàng mới từ Philippines; nhóm thực phẩm tăng 0,12%, với mức giảm cao nhất là nhóm thịt gia súc (0,82%), tăng cao nhất là nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 2,34% do ảnh hưởng của thời tiết.
Ngoài ra, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,19% so tháng trước, cụ thể nước khoáng và nước có gas tăng 0,11%, r ượu các loại tăng 0,46%, thuốc hút tăng 0,46%.
Tương tự, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,96% so tháng trước, giá điện sinh hoạt tăng 0,46%, giá nước sinh hoạt tăng 0,68%, giá nhà ở thuê tăng 1,10% do bắt đầu năm học mới nhu cầu về nhà trọ tăng cao, gas và các loại chất đốt tăng 0,34%.
Giá gas tăng 1,88%, cụ thể điều chỉnh tăng lên 6.000 đồng/bình; giá dầu hỏa giảm 2,58%, còn lại các mặt hàng khác không biến động.
Ở chiều giảm, nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,28% tháng trước do nhu cầu mua sắm không cao. Cụ thể, quần áo may sẵn giảm 0,51%; dịch vụ may mặc giảm 0,02%. Còn lại các mặt hàng khác thuộc nhóm may mặc nhìn chung biến động không nhiều so tháng trước.
Tương tự, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,29% so với tháng trước do có nhiều chương trình khuyến mãi diễn ra trong tháng 10. Nhóm giao thông giảm 0,06% so tháng trước, trong đó, phương tiện đi lại giảm 0,11% do chương trình giảm giá của hãng xe ôtô, nhóm nhiên liệu giảm 0,11% chủ yếu do tác động của 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 26/9/2020 và ngày 12/10/2020.
Theo đó, giá xăng giảm 0,12%, dầu diezel giảm 4,75% so tháng trước; phụ tùng tăng 0,01%, dịch vụ cho các phương tiện cá nhân không biến động.
Đáng lưu ý, trong tháng 10/2020, chỉ số giá vàng giảm 0,83% so tháng trước; bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 29,61% so với năm trước. Chỉ số giá USD tháng 10/2020 tăng 0,01% so với tháng trước; bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 0,25% so với năm trước./.
CPI tháng 10 tăng 0,09% Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2020 tăng 0,09% so với tháng 9, cũng như so với cuối năm ngoái, đây đều là mức thấp nhất trong 5 năm qua, giai đoạn 2016 - 2020. CPI tháng 10 cũng tăng 2,47% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ...