Chính sách NoXH đang đi vào cuộc sống
Chính phủ vừa giao Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và bổ sung 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại (NHTM) để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội (NoXH).
Việc có thêm 3.000 tỷ đồng cho NoXH, theo ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), là tín hiệu đáng mừng vì chính sách phát triển loại hình nhà ở này đi vào thực tiễn cuộc sống.
PHÓNG VIÊN: – Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách dành cho NoXH đang bị tắc nghẽn, ông nhìn nhận như thế nào về việc Chính phủ hỗ trợ gói 3.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi NoXH?
Ông LÊ HOÀNG CHÂU: - Tôi rất vui mừng vì thông qua gói tín dụng ưu đãi 3.000 tỷ đồng này, đại bộ phận người thu nhập thấp ở đô thị sẽ có điều kiện vay mua nhà với giá rẻ. Qua kinh nghiệm từ gói 30.000 tỷ đồng bố trí cho Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV thực hiện chính sách NoXH, với “1 đồng” từ nguồn tái cấp vốn của ngân sách nhà nước, NHTM huy động thêm được “33 đồng” từ nguồn vốn xã hội. Cho nên, với gói 3.000 tỷ đồng này, khi phân bổ 2.000 tỷ đồng cho 4 NHTM có thể huy động lên đến 66.000 tỷ đồng.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, nhu cầu NoXH toàn quốc giai đoạn 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó TPHCM 134.000 căn, Hà Nội 110.000 căn, Bình Dương 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn… Đến nay, các địa phương chỉ thực hiện được 30% kế hoạch đề ra. TPHCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án NoXH với tổng số 44.701 căn hộ, trong năm nay có thể hoàn thành 20.000 căn. Nhưng do nguồn ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa vẫn chưa thể đáp ứng kịp nhu cầu.
Thực tế, nguồn vốn ngân sách cho NoXH đã bị tắc nghẽn nhiều năm nay. Năm 2017, trong số các bộ có văn bản gửi Chính phủ đề cập đến nguồn vốn ngân sách cho NoXH, chỉ Bộ Xây dựng đồng quan điểm với HoREA là phải có ngân sách hỗ trợ chính sách phát triển NoXH. Trong khi Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT… không đồng ý. Do đó, gói 3.000 tỷ đồng này là tín hiệu cho thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã vào cuộc, bác quan điểm của Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT về việc không bố trí ngân sách để thực hiện NoXH.
- Theo ông vì sao chính sách phát triển NoXH lâu nay dường như chỉ dừng ở khẩu hiệu, chưa thật sự đi vào thực tiễn cuộc sống?
Video đang HOT
- Luật Nhà ở 2014, Nghị định 100 đã đưa ra hệ thống chính sách để phát triển NoXH tương đối hoàn chỉnh, song các chính sách NoXH và quyết định của Thủ tướng Chính phủ kể từ năm 2016 đến nay vẫn chưa đi vào thực tế cuộc sống. Nguyên nhân chủ yếu do văn bản dưới luật thiếu nhất quán, thậm chí nhiều quy định đi ngược chính sách NoXH quy định trong Luật Nhà ở. Từ nhiều năm nay, các quyết định, chỉ đạo của Chính phủ về ưu đãi lãi suất, cấp bù lãi suất rất khó thực hiện bởi không có nguồn vốn mồi từ ngân sách.
Giai đoạn 2011-2013, khi thị trường BĐS đóng băng, để giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và hỗ trợ người thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, Chính phủ đã cho triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, trong đó 70% (tương đương 21.000 tỷ đồng) hỗ trợ người mua NoXH, nhà ở thương mại (NoTM) có giá bán không quá 1,5 tỷ đồng, được hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi 6%/năm trong 2013, 5%/năm từ 2014; 30% gói tín dụng (tương đương 9.000 tỷ đồng) hỗ trợ chủ đầu tư dự án NoXH. Sau 3 năm thực hiện, đến hết năm 2016 đã giải ngân được 32.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 56.186 người mua được nhà ở, trong đó 1/3 là NoXH.
Việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi trong khi nhiều người thu nhập thấp đô thị chưa tiếp cận được việc vay tín dụng ưu đãi NoXH. Đến 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Văn bản 102/UBTVQH14-TCNS gửi Chính phủ, đồng ý bổ sung 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng CSXH, trong đó dành khoảng 1.260 tỷ đồng để thực hiện chính sách NoXH. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số đối tượng thu nhập thấp đô thị vẫn chưa tiếp cận được vốn vay do nhu cầu quá lớn.
Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay mua NoXH tại Ngân hàng CSXH bị vướng mắc do căn hộ thường bị chủ đầu tư dự án thế chấp ở ngân hàng, trong lúc Ngân hàng CSXH chưa được phép cho chủ đầu tư dự án NoXH vay. Theo Nghị định 100 và cam kết của Ngân hàng CSXH, 1 đồng vốn ngân sách sẽ huy động 1 đồng vốn xã hội. Trên lý thuyết là vậy, nhưng đến cuối năm 2019 mới được phân bổ 500 tỷ đồng, và chi nhánh Ngân hàng CSXH tại TPHCM nhận được vỏn vẹn 10 tỷ đồng. Số tiền này chỉ đủ cho 14 người vay, chẳng khác nào muối bỏ biển.
- Thực tế NoTM tuy không nhận được các chính sách ưu đãi nhưng có giá tương đương, thậm chí còn cạnh tranh với NoXH. Vậy tại sao phải dồn nguồn lực hỗ trợ cho NoXH bán thu tiền ngay, thưa ông?
- Với gói 30.000 tỷ đồng, các NHTM được phân bổ 21.000 tỷ đồng cho vay mua NoXH và NoTM diện tích 60m2, giá 13-15 triệu đồng/m2. Như vậy có thể thấy trên thị trường BĐS có NoTM có giá tương đương NoXH. NoTM không được miễn tiền sử dụng đất, ưu đãi về tín dụng, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng vẫn tồn tại. Do đó, tôi nghĩ nên bỏ loại NoXH bán thu tiền ngay để dành nguồn lực hỗ trợ cho NoTM giá rẻ.
Luật Nhà ở 2014 quy định NoXH là sản phẩm xây xong rồi bán và thu tiền ngay. Về bản chất, sản phẩm này không phù hợp NoXH. Các nước trên thế giới đều thống nhất vai trò của Nhà nước trong phát triển NoXH. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kiến tạo chính sách, đặc biệt chính sách tạo quỹ đất, thuế, tín dụng ưu đãi để hỗ trợ phát triển các dự án và người thuê mua, thuê NoXH. Ở các nước trên thế giới phổ biến nhất là hình thức thuê NoXH, phần còn lại là NoXH thuê mua (mua trả góp từ 20-30 năm), không có loại NoXH để bán thu tiền ngay như nước ta.
- Xin cảm ơn ông.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị bỏ loại hình NoXH bán thu tiền ngay, tập trung chính sách cho NoXH thuê mua và cho thuê. Đối với NoXH bán thu tiền ngay nên phát triển xã hội hóa như NoTM giá thấp. Điều này sẽ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách.
Tái khởi động mạnh mẽ để kích cầu thị trường bất động sản
Sau thời điểm dịch theo các chuyên gia trong ngành, để kích cầu, các doanh nghiệp BĐS sẽ có những chương trình hành động quyết liệt để có khách hàng và quay trở lại thị trường trong thời gian sớm nhất.
Theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), hiện nay, Chính phủ đã cho phép nới dần các biện pháp giãn cách xã hội, nhưng vẫn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 theo Chỉ thị 19/CT-TTg, thì ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện với tâm thế mới, tầm nhìn mới, để tái khởi động mạnh mẽ thị trường BĐS, tái khởi động các dự án, thực hiện các đợt khuyến mãi lớn, để tạo cú huých cho nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Quả thực, trong suốt thời gian dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp địa ốc đã liên tục kích cầu bằng việc tăng khuyến mãi, ưu đãi mạnh tay hơn so với thời điểm trước đó. Đa số doanh nghiệp cho biết, sau dịch các chương trình ưu đãi vẫn tiếp tục được áp dụng, thậm chí sẽ có những chương trình mới để kích cầu tiêu dùng vì sau thời điểm này sẽ có nhiều dự án ra thị trường cùng một lúc. Thay vì giảm giá trực tiếp vào sản phẩm bán thì các chủ đầu tư sẽ ưu tiên việc tăng ưu đãi bằng các đợt khuyến mãi lớn hơn rõ nét so với từ trước đến nay.
Đối với các dự án mới phải "nén hàng" từ thời điểm trước Tết do dịch Covid-19 thì sau khi dịch được kiểm soát, việc bung hàng là chắc chắn. Doanh nghiệp xem xét chính sách tặng voucher, tăng tỷ lệ chiết khấu, hỗ trợ lãi vay mua nhà và các khuyến mãi khác điều nên làm ở thời điểm này.
Đại diện một doanh nghiệp chuẩn bị bung sản phẩm mới vào cuối tháng 5 cho biết, bên cạnh việc chiết khấu "mạnh tay" hơn các dự án trước đó, thì dự án lần này sẽ dành những suất ưu đãi về giá, ngang với suất nội bộ để kích thích người mua nhà. Nhất là đối với thời điểm sau dịch, tâm lý cũng như thu nhập của người mua có thể hạn chế, nên để hút được khách mua phải tìm cách đi khác biệt, chấp nhận giảm lợi nhuận kì vọng ban đầu.
Trong các đề xuất giải pháp với thị trường BĐS, bà Nguyễn Thị Thanh Hương đã nhấn mạnh đến yếu tố phải có một phương án hành động ngay từ bây giờ để cơ hội tăng tốc trong 6 tháng cuối năm cho thị trường BĐS. Bà Hương cho rằng, quý 1/2020 đã đi qua do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh các chỉ tiêu doanh thu giảm từ 50% trở lên ở hầu hết các ngành nghề kinh tế. Cả thế giới đang nỗ lực dập dịch và tiếp theo đó là công cuộc chống suy thoái kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, một kịch bản hồi phục kinh tế sau đại dịch cần phải tính ngay từ bây giờ để thị trường BĐS có cơ hội tăng tốc trong 6 tháng cuối năm.
Theo bà Hương, sau thời điểm dịch, thị trường cần tập hợp các dự án của các CĐT sẵn sàng chào bán. Tình hình thực tế là nguồn cung đang khan hiếm nên cần tiếp tục tác động từ Hiệp hội BĐS và Cơ quan ban ngành thúc đẩy mạnh tiến độ pháp lý của các dự án bị chậm thủ tục để tăng nguồn cung. Bên cạnh đó, các CĐT cần xây dựng các chính sách bán hàng đặc biệt dành cho khách hàng và chi phí bán hàng dành cho hệ thống phân phối.
Song song đó, tổ chức Road show dự án dành cho 3 đối tượn: M&A dự án hoặc 1 phần dự án dành cho NĐT trong và ngoài nước; Ngày hội môi giới (dành riêng cho các hệ thống môi giới, đưa ra các chương trình liên kết bán hàng hấp dẫn); Ngày hội mua nhà dành cho khách hàng (đưa ra các gói ưu đãi cực tốt cho người mua nhà, mua đất với chính sách giá cả hợp lý).
Cũng theo bà Hương, không chỉ BĐS, các ngành nghề khác đều có thể vào cuộc trong chiến dịch lớn này. Các doanh nghiệp phải phát huy năng lực tự thân và chủ động trong mọi hoàn cảnh. Tâm lý chờ giải cứu, trông đợi và coi dịch bệnh là cái cớ để đổ lỗi sẽ không giải quyết được tình hình.
Trong các giải pháp đưa ra cho thị trường BĐS sau dịch Covid-19, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM khuyến nghị các doanh nghiệp BĐS cần xem xét chính sách giảm giá bán nhà, tặng voucher, tăng tỷ lệ chiết khấu, hỗ trợ lãi vay mua nhà (trong thời gian chờ giao nhà) và các khuyến mãi khác; Cần chuyển hướng mạnh mẽ sang phát triển bất động sản xanh và thông minh hướng vào sản phẩm nhà ở có giá trung bình, nhà ở có giá vừa túi tiền (affordable housing), nhà ở giá thấp (low-cost housing), nhà ở xã hội...
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam từng phát biểu trước đó, đối với thị trường BĐS, lực cầu khó có thể mất đi trong một chốc một lát được. Ví như, nhu cầu nhà ở chắc chắn còn tăng vì thực tế nó vẫn chưa được giải quyết tốt trong thời gian qua.
Nếu hết quý 3/2020 dịch bệnh được kiểm soát tốt thì nhiều khả năng đến quý 4 thị trường BĐS nói chung sẽ chứng kiến đợt sôi động trở lại. Giờ việc cần làm là kiểm soát dịch bệnh thật tốt, tạo niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước và doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, ách tắc, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, đầu tư.
Hạ Vy
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu: Chính phủ nên cân đối cho cả doanh nghiệp vay gói 2.000 tỷ đồng Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 và quý I/2020, Chính phủ đã đồng ý và giao Bộ KH&ĐT cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH) theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 NH thương mại, gồm: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank do...