Chính sách đối ngoại chân nam đá chân chiêu của Donald Trump
Dù đã công bố chính sách “nước Mỹ trên hết”, Donald Trump vẫn bị giới phân tích nhìn với ánh mắt hoài nghi khi đưa ra những luận điểm mâu thuẫn và mù mờ.
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters
Hôm 27/4, ông Donald Trump có bài phát biểu được chuẩn bị trước về chính sách đối ngoại tại Washington. Theo Washington Post, đây là động thái rõ ràng nhất của tỷ phú bất động sản để phát đi tín hiệu về những chính sách của mình trên trường quốc tế, nếu đắc cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ông Trump công bố kế hoạch về một chính sách đối ngoại được khẳng định là “nhất quán”, “nước Mỹ trên hết”, và “sẽ thay thế sự ngẫu hứng bằng những mục đích rõ ràng, thay lý tưởng bằng chiến lược và thay hỗn loạn bằng hòa bình”.
Dù vậy, theo nhận định của nhiều nhà quan sát, bài phát biểu chứa đầy những mâu thuẫn. Donald Trump khẳng định sự cần thiết phải mở rộng quân đội và có chính sách quân sự cứng rắn, nhưng lại than vãn về chi phí của các cuộc chiến và hành động phiêu lưu ở nước ngoài.
Tỷ phú tuyên bố hùng hồn về việc nhổ tận gốc rễ kẻ thù, nhưng lại đề cao vị thế trên hết của ngoại giao và tầm quan trọng của “thận trọng và kiềm chế”. Ông ca ngợi Mỹ là “quốc gia nhân đạo”, nhưng lại cho rằng không cần thiết phải phân biệt giữa người tị nạn và các phần tử khủng bố đội lốt người di cư để xâm nhập.
Nhưng có lẽ điều gây tranh cãi và tò mò nhất mà ứng viên này đưa ra là sự phản đối trước “ý tưởng nguy hiểm rằng chúng ta có thể mang dân chủ phương Tây” tới Trung Đông. Đây là quan điểm được nhiều chính trị gia chia sẻ, cho rằng những hành động can thiệp dưới cái cớ vì tự do và việc ủng hộ thay đổi chế độ vì dân chủ khắp thế giới đã dẫn tới những hậu quả khó lường, mà thường là bi thảm.
Dù vậy ông Trump sau đó lại có một tuyên bố khác, dường như phát động một cuộc chiến tranh văn hóa. Ông khẳng định đánh bại các nhóm phiến quân như nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không chỉ cần sức mạnh quân sự, mà cả đối đầu về tư tưởng. “Đó cũng là một cuộc đấu tranh về tư tưởng, giống như cuộc đấu tranh dài của chúng ta trong Chiến tranh Lạnh”, ông Trump nói.
Chính quyền Obama đã đầu tư mạnh tay – dù thành công còn là câu hỏi để ngỏ – cho việc bài trừ các tư tưởng và thông điệp của IS. Ông Trump không đưa ra cụ thể cách thức “đấu tranh về tư tưởng” của mình sẽ diễn ra khác đi ra sao.
Video đang HOT
Nhưng ứng viên này lại khẳng định: Tôi sẽ làm việc với các đồng minh của chúng ta để hồi sinh các giá trị và thể chế phương Tây. Thay vì cố gắng truyền bá “các giá trị chung” mà không phải tất cả mọi người đều có chung quan điểm, chúng ta cần hiểu rằng củng cố và truyền bá văn minh phương Tây cùng những thành tựu của nó sẽ giúp ích nhiều hơn cho việc truyền cảm hứng cho những cải cách tích cực khắp thế giới, thay vì can thiệp quân sự.
Một lần nữa, cũng giống như những luận điểm khác trong bài phát biểu, ông Trump không giải thích ông sẽ “quảng bá văn minh phương Tây” như thế nào.
Ông còn đề cập rằng “chúng ta sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh trong thế giới Hồi giáo, toàn bộ họ đều đang đứng trước nguy cơ của bạo lực Hồi giáo cực đoan”. Nhưng ông Trump đã phớt lờ thực tế rằng nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia Hồi giáo chủ chốt, chưa nói tới lãnh đạo các nước phương Tây, không mấy vui vẻ trước kế hoạch của ông Trump về việc cấm toàn bộ người Hồi giáo tới Mỹ, cũng như việc ông này có cách nhìn xấu về người tị nạn và người Hồi giáo.
Ông Trump, có lẽ là người sử dụng kiểu phát ngôn “chúng ta đối đầu họ” nhiều hơn bất kỳ ứng viên nào khác của đảng Cộng hòa, và thường đem lại hiệu quả lớn trong hàng ngũ cử tri truyền thống của đảng này.
Donald Trump đã nhấn mạnh mối đe dọa từ người Hồi giáo, người di cư, mối đe dọa từ người Mexico nhập cư, cho tới mối đe dọa từ các nền kinh tế châu Á. Điều này đã khiến một bộ phận cử tri tin rằng cả thế giới đang chống lại họ, và thấy hào hứng trước những phát ngôn dân tộc chủ nghĩa hùng hồn của ông Trump, mà không ít phát ngôn bị xem là mang tư tưởng bài ngoại.
“Chúng ta sẽ không tiếp tục để đất nước này, hoặc người dân của nó, rơi vào sai lầm của chủ nghĩa toàn cầu hóa”, ông Trump tuyên bố, sử dụng một điệp khúc dân túy đang đặc biệt phổ biến tại châu Âu, nơi các đảng cánh hữu đang thắng thế với lối chính trị “phong cách Trump”.
Donald Trump có giọng điệu giống hệt các chính trị gia có tư tưởng hoài nghi về tương lai châu Âu ở bên kia bờ Đại Tây Dương, khi đề cao “quốc gia dân tộc” như “nền tảng thực sự cho hạnh phúc và hòa hợp”. Ứng viên này bác bỏ sự quốc tế hóa tự do không chỉ của chính quyền Mỹ hiện tại, mà cả các chính quyền của phe Cộng hòa trước đây.
“Tôi nghi ngờ rằng các liên minh quốc tế đang trói buộc và nhấn chìm nước Mỹ. Tôi sẽ không bao giờ để Mỹ ký kết bất kỳ thỏa thuận nào làm suy yếu năng lực kiểm soát các vấn đề của chính mình”, Trump nói.
Bất chấp việc tỏ ra như người theo chủ nghĩa cô lập, ông Trump lại khẳng định sẽ bằng cách nào đó cải thiện được quan hệ với Trung Quốc và Nga. Điều này nghe có vẻ hấp dẫn không phải bởi nó là viễn cảnh có thể diễn ra, mà bởi sự giống nhau trong quan điểm của hai quốc gia với tầm nhìn của ông Trump.
Trung Quốc và Nga là hai trong số những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất trật tự truyền thống của các quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc, đề cao tầm quan trọng của việc bảo vệ các nguyên tắc chủ quyền quốc gia, trong khi thường cản bước quá trình ra quyết định của các diễn đàn toàn cầu như Liên Hợp Quốc. Giới lãnh đạo tại Moscow và Bắc Kinh cũng ủng hộ những bản sắc văn hóa dân tộc chủ nghĩa.
Trong khi đó, tôn chỉ “nước Mỹ trên hết” của ông Trump khiến nhiều quốc gia đồng minh cảm thấy bất an, đặc biệt là những nước có nền quốc phòng phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Washington.
“Nếu Mỹ không tham gia vào những vấn đề bị coi là gánh nặng cho mối quan hệ của họ với các đồng minh, điều này cũng gần giống với việc họ đang bỏ rơi đồng minh vậy”, cựu thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-han bình luận.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
"Cuộc chiến ngoại giao" trước thềm phán quyết vụ kiện ở Biển Đông
Theo kế hoạch, trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6, tòa án trọng tài biển quốc tế sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Ở vào giai đoạn nước rút này, các quốc gia đều thực hiện những chiến dịch ngoại giao khôn khéo nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Có thể thấy rõ việc vận động hành lang của Bắc Kinh thông qua chuyến thăm các nước thuộc khu vực Đông Nam Á (ASEAN) của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tại Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc ở Singapore hôm 28-4 còn cho rằng, bất kỳ sự phân xử trọng tài nào cũng "đi ngược lại" Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và các nước ASEAN đạt được năm 2002".
Ông Lưu Chấn Dân còn đe dọa rằng: "Mọi sự chệch hướng khỏi DOC đều mang lại kết quả tiêu cực". Thậm chí, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu tại một diễn đàn về an ninh quốc tế ở thủ đô Bắc Kinh hôm 28-4 còn nhấn mạnh rằng, tuyên bố tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nên được giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán và trao đổi hữu nghị giữa các bên trực tiếp tham gia. Những nước ngoài khu vực, theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, như Mỹ không nên có vai trò gì trong các cuộc tranh chấp này.
Tàu USS John C Stennis của Mỹ bị Trung Quốc từ chối cập cảng Hong Kong. Con tàu này được Lầu Năm Góc đưa đi tuần tra ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông.
Đồng thời, chính quyền Bắc Kinh vẫn giữ nguyên quan điểm từ chối tham gia tiến trình xét xử và bác bỏ phán quyết của tòa án về vụ kiện mà Philippines đang tiến hành. Chưa hết, Trung Quốc còn gián tiếp tuyên bố thông qua một bài báo trên tờ South China Morning Post rằng nước này sẽ khởi động công cuộc cải tạo, bồi đắp bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà Bắc Kinh-Manila đang tranh chấp để bổ sung thêm một đường băng tại đây... Đồng thời, Bắc Kinh cũng "khoe" rằng có hơn 10 quốc gia đang đứng về phía họ trong tranh chấp ở Biển Đông...
Về phía Philippines, chính quyền Manila giữ quan điểm là chờ phán quyết của tòa án để có những bước đi tiếp theo. Philippines cũng tạm thời từ chối lời mời "tham vấn thân thiện" mà Trung Quốc đưa ra bởi theo lập luận của nước này, từ năm 2012 đến nay, Manila đã ghi nhận nhiều trường hợp gây hấn của tàu Trung Quốc, đặc biệt là ở vùng biển gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.
Hơn nữa, vụ kiện của Philippines nhằm vào Trung Quốc cũng đề cập đến hai vấn đề liên quan đến hoạt động đánh bắt cá ở Biển Đông. Mỹ, quốc gia đang theo dõi sát sao vụ kiện và từng cử nhiều tàu chiến tới Biển Đông tuần tra để "thách thức" tuyên bố vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, hôm 29-4 đã kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN bảo vệ phán quyết của tòa án trọng tài biển.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken khẳng định, Trung Quốc không thể chơi trò hai mặt khi là thành viên chính thức phê chuẩn Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) nhưng lại từ chối quy định của nó, bao gồm cả tính chất ràng buộc của bất kỳ cơ quan tài phán quốc tế nào. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thì nhấn mạnh, nước này quan ngại về khả năng cải tạo của Trung Quốc trên một bãi đá ngầm tranh chấp ở Biển Đông và rằng hành động này có thể dẫn tới nguy cơ tiềm tàng về một cuộc xung đột quân sự.
Nhiều nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa thì đang hối thúc chính quyền Tổng thống Barack Obama tăng cường đảm bảo an ninh hàng hải tại Biển Đông thông qua việc triển khai nhiều hơn các hoạt động tuần tra gần các đảo tranh chấp tại đây. Thượng nghị sỹ bang Colorado Cory Gardner, cho rằng, hiện nay việc triển khai các tàu Mỹ tại vùng biển này 3 tháng/lần "là chưa đủ để phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc".
Nhiều quốc gia khác cũng tỏ thái độ lo ngại về tình hình hiện nay ở Biển Đông. Hôm 29-4, tờ The Australia dẫn lời cựu Ngoại trưởng nước này là Gareth Evans cho hay, "cuộc phiêu lưu" của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến Australia thay đổi quan điểm về khu vực này.
Theo ông Gareth Evans, với những gì đang xảy ra ở Biển Đông thì quả thực "trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ" đang bị phá vỡ, và nếu muốn khôi phục trật tự này, Trung Quốc cần thay đổi hành vi. Đầu tiên là nước này phải chấp nhận phán quyết của tòa án trọng tài biển về vụ kiện của Philippines; thứ nữa là phải từ bỏ yêu sách "đường chín đoạn" trên Biển Đông và hạn chế các hành động liên quan cải tạo rạn san hô hay bãi đá ngầm.
Ấn Độ thì bác bỏ thông tin rằng nước này về phe Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Đại sứ Ấn Độ tại Hàn Quốc Vikram Doraiswami trong buổi hội đàm của Viện phân tích quốc phòng Hàn Quốc hôm 29-4 khẳng định, New Delhi trung lập đối với tranh chấp ở Biển Đông, ủng hộ tự do hàng hải và kêu gọi các nước cùng tôn trọng quyền tự do này.
Đại sứ Vikram Doraiswami nói: "Chúng tôi công nhận rằng hiện có một tiến trình pháp lý đang diễn ra và chúng tôi sẽ đợi bất kỳ phán quyết nào được đưa ra".
Theo Công an Nhân dân
Thăm Việt Nam, tổng thống Mỹ chứng minh cựu thù thành đối tác Về chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Obama, thứ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken nói: 'Vào tháng 5, khi chuyên cơ Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, ông ấy một lần nữa sẽ chứng minh rằng những cựu thù có thể trở thành những đối tác'. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại...