Chính sách của Apple cản trở ứng dụng truy vết
Pháp cho biết việc phát triển ứng dụng truy vết người nhiễm Covid-19 của họ đang bị chậm trễ và đề nghị Apple bỏ rào cản liên quan tới Bluetooth.
Hệ điều hành của Apple ngăn các ứng dụng truy vết sử dụng kết nối Bluetooth chạy nền liên tục, nếu những dữ liệu đó bị truyền đi khỏi thiết bị, nhằm bảo vệ sự riêng tư của người dùng. Nói cách khác, ứng dụng chỉ có thể kích hoạt kết nối Bluetooth khi người dùng mở iPhone và bật ứng dụng.
iOS ngăn ứng dụng dùng Bluetooth chạy ngầm. Ảnh: Pexels.
Bộ trưởng phụ trách Kỹ thuật số Cedric O của Pháp cho biết chính sách này đang cản trở chính phủ Pháp có thể phát triển ứng dụng đúng hẹn và đề nghị Apple hỗ trợ. Pháp dự kiến triển khai phần mềm truy vết người nhiễm Covid-19 từ ngày 11/5 khi nước này có thể dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại mà họ áp dụng từ giữa tháng 3.
Trả lời Bloomberg, phát ngôn viên của Apple chỉ đề cập đến việc hãng đang hợp tác với Google để phát triển công nghệ giúp các ứng dụng truy vết qua Bluetooth có thể hoạt động và từ chối chia sẻ thêm.
Ứng dụng truy vết người nhiễm Covid-19 để tìm ra các ca tiếp xúc gần, thông qua công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE, đang được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ giúp ngăn chặn sự xuất hiện các ổ dịch mới khi các nước dần mở cửa trở lại trường học, trung tâm mua sắm, doanh nghiệp…
Nhiều công nghệ tìm kiếm các ca nghi nhiễm virus đã được thử nghiệm, như khai thác dữ liệu định vị GPS, Wi-Fi, sóng di động… nhưng kém hiệu quả. Ví dụ, định vị GPS có thể sai lệch cả trăm mét, gây báo động giả hoặc phải khoanh vùng phong toả quá lớn. Công nghệ sóng ngắn Bluetooth được đánh giá hoạt động chính xác nhất, nhưng hiện các smartphone sử dụng Bluetooth chỉ “nhìn” và tương tác được với nhau khi người dùng mở điện thoại.
Chia sẻ trong lễ công bố ứng dụng truy vết Bluezone ngày 18/4, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, khẳng định đội ngũ kỹ thuật của công ty đã tìm ra cách để các smartphone vẫn liên tục trao đổi tín hiệu Bluetooth trong phạm vi 2 mét, ngay cả khi điện thoại nằm trong túi. Việc bật Bluetooth liên tục tiêu tốn khoảng 10% pin mỗi ngày.
Video đang HOT
Châu An
Ứng dụng truy vết sẽ khó thành công nếu ít người dùng
Giải pháp kiểm soát Covid-19 một số nước đang hướng tới là theo dõi tiếp xúc thông qua công nghệ Bluetooth và không lưu trữ dữ liệu của người dùng.
Giám sát và phân tích dữ liệu từ thiết bị di động được đánh giá rất quan trọng trong việc kiểm soát lây lan của Covid-19. Ví dụ, ở Hong Kong, người về từ nước ngoài phải đeo vòng tay định vị suốt thời gian cách ly. Tại Mỹ, chính phủ áp dụng hình thức kiểm soát thông qua kho dữ liệu ẩn danh của hàng triệu người dùng điện thoại, do các công ty quảng cáo di động cung cấp. Hệ thống sẽ cảnh báo về những địa điểm vẫn thu hút đông người tụ tập để cảnh sát kịp thời tới giải tán. Trung Quốc phân loại những người có nguy cơ từ thấp đến cao bằng màu sắc của mã QR...
Tuy nhiên, các giải pháp trên gây lo ngại vì nguy cơ ảnh hưởng tới quyền riêng tư.
Sóng Bluetooth trên smartphone ghi nhận tín hiệu của nhau trong khoảng cách 2 mét.
Gần đây, các chuyên gia công nghệ và y tế phát triển biện pháp theo dõi tiếp xúc (contact-tracing) thông qua công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE. Theo ước tính, lượng cài đặt phải ở mức 60% dân số trưởng thành thì mới đạt hiệu quả kiểm dịch tối ưu.
Smartphone cài ứng dụng sẽ liên tục gửi mã tín hiệu (ID) ẩn danh tới các điện thoại khác trong phạm vi 2 mét và ghi nhận sự tiếp xúc diễn ra lúc nào, thời gian bao lâu. Sau đó, khi có một ca nhiễm Covid-19 được xác định, cơ quan y tế sẽ nhập dữ liệu của F0 này lên hệ thống. Hệ thống gửi dữ liệu F0 đến các smartphone khác cài ứng dụng. Lịch sử tiếp xúc của F0 được phân tích, đối chiếu với dữ liệu của người dùng. Nếu từng tiếp xúc gần, ứng dụng thông báo cho người dùng để họ chủ động cách ly và liên hệ cơ quan y tế. Hoạt động này diễn ra cục bộ trên smartphone chứ không được tải lên hệ thống.
Thực tế triển khai tại các nước
Trong tháng 3, Bộ Y tế và Cơ quan Công nghệ Chính phủ Singapore (GovTech) công bố ứng dụng TraceTogether. Ứng dụng hoạt động bằng cách trao đổi tín hiệu Bluetooth giữa các điện thoại, hỗ trợ cơ quan chức năng xác định những người đã tiếp xúc với ca nhiễm virus. Tuy nhiên, TraceTogether yêu cầu người dùng khai báo thông tin cá nhân, khiến không ít người tỏ ra e ngại. Hiện mới có hơn một triệu người, chiếm gần 20% dân số Singapore, cài ứng dụng.
TraceTogether ra đời sớm nhưng tỷ lệ tải chưa cao.
Giới công nghệ tiếp tục đi theo hướng này nhưng xây dựng ứng dụng bảo mật hơn, không thu thập dữ liệu người dùng. Ngày 10/4, Google và Apple tuyên bố hợp tác phátt triển ứng dụng dùng Bluetooth để đo khoảng cách giữa người này với người khác mà không cần xác định danh tính cũng như không phải theo dõi GPS. Nếu một ai đó dương tính với Covid-19, thông tin sẽ được đưa về ứng dụng trên điện thoại để thông báo cho tất cả thiết bị xung quanh.
Ứng dụng cảnh báo mới của Apple và Google có tiềm năng bù đắp thiếu sót của cách theo dõi người với người truyền thống. Công nghệ của hai hãng dự kiến được triển khai trong tháng 5, không đòi hỏi danh tính người dùng, chỉ cần tất cả đều sử dụng điện thoại được cài ứng dụng và có kết nối Bluetooth là đủ.
Giữa tháng 4, Uỷ ban châu Âu (EC) kêu gọi các thành viên xây dựng một hệ thống tương tự cách của Apple và Google. Các quan chức y tế cho rằng những ứng dụng này, nếu được sử dụng rộng rãi, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự bùng phát các ổ dịch mới, nhất là khi các nước bắt đầu nới lỏng lệnh cách ly.
Ngày 18/4 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế cũng tuyên bố bảo trợ Bluezone - ứng dụng sử dụng công nghệ Bluetooth để xác định người dùng smartphone có từng tiếp xúc những người mới có kết quả dương tính Covid-19 hay không. Ứng dụng sẽ được đưa lên App Store và Google Play trong vài ngày tới.
Hạn chế của công nghệ theo dõi tiếp xúc
Dù được chính phủ nhiều nước ủng hộ, một thực tế là các giải pháp này sẽ thất bại nếu không thu hút số người dùng đủ lớn. Nói đơn giản, công nghệ chỉ thành công khi cả điện thoại của bạn lẫn điện thoại của người có thể nhiễm Covid-19 trong tương lai đều phải cài ứng dụng.
Đại học Oxford sử dụng máy tính xây dựng mô hình giả lập về một thành phố với một triệu dân và nhận thấy, phải 80% người dùng smartphone ở thành phố này cài ứng dụng thì việc truy vết qua Bluetooth phát huy hiệu quả. Có nghĩa, chính phủ các nước cần thuyết phục ít nhất 56% tổng dân số sử dụng ứng dụng mới có thể kiểm soát được Covid-19.
Có ý kiến cho rằng, chính phủ các nước có thể áp dụng giải pháp của Trung Quốc. Dù không bắt buộc người dân cài mã QR, nhiều thành phố Trung Quốc ra lệnh bất cứ ai nếu không cài ứng dụng theo dõi y tế sẽ không được phép rời khỏi nơi cư trú hoặc đến các khu vực công cộng. Tuy nhiên, tại Mỹ hay châu Âu, nơi có các điều luật nghiêm ngặt về bảo vệ quyền riêng tư, cách duy nhất là nhà phát triển ứng dụng truy vết Bluetooth phải thuyết phục và khiến người dùng thấy thoải mái, tự nguyện cài ứng dụng.
Theo Newscientist, để 2/3 dân số cài ứng dụng là mục tiêu "khó nhằn". Một khảo sát cho thấy 67 - 85% người dùng smartphone ở Anh, Đức, Pháp, Italy sẵn sàng tải ứng dụng khi nó ra đời, nhưng kết quả thực tế ở Singapore sau gần một tháng triển khai, tỷ lệ chỉ đạt gần 20%.
Bản thân công nghệ Bluetooth cũng có những hạn chế nhất định. Người dùng phải bật Bluetooth khi ra ngoài, gây tốn pin điện thoại. Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, cho biết nếu bật liên tục, Bluetooth tiêu thụ khoảng 10% pin mỗi ngày.
Ngoài ra, theo chuyên gia Ross Anderson tại Đại học Cambridge, sóng Bluetooth có thể truyền qua các bức tường, gây ra những cảnh báo giả. Ví dụ, người ở hai phòng cạnh nhau, không hề gặp nhau nhưng vẫn bị hệ thống coi là có tiếp xúc gần.
Quan trọng hơn, người dùng lo ngại quá trình di chuyển và tiếp xúc của họ bị theo dõi. Các nhà phát triển, như Apple và Google, cam kết ứng dụng trao đổi ID giữa các điện thoại với nhau một cách ẩn danh, không thu thập dữ liệu người dùng. Hai công ty cũng khẳng định sẽ đóng ứng dụng khi đại dịch chấm dứt. Các ID chỉ được lưu trên smartphone của người dùng và bị xoá theo chu kỳ 14 ngày.
Khi không có một giải pháp nào hoàn hảo, giải pháp sử dụng Bluetooth vẫn được đánh giá cao và nhiều nước như Đức, Australia... đang tiếp tục phát triển ứng dụng tương tự của riêng họ.
Châu An
Cách tắt iMessages trên Mac Ứng dụng Messages trên Mac hoạt động y như trên iPhone/iPad, cho phép bạn gửi iMessages đến bất cứ thiết bị Apple nào. Nếu bạn ít sử dụng iMessages thì có thể tắt thông báo của nó trên Mac. Hướng dẫn trong bài này áp dụng chính xác với macOS Catalina, tuy nhiên với các phiên bản cũ hơn thì cách làm cũng...