Chính quyền Ukraine nhượng bộ người biểu tình
Chính quyền lâm thời Ukraine hứa chia sẻ thêm quyền hành cho các khu vực ở miền đông trong nỗ lực tháo ngòi nổ cuộc đối đầu căng thẳng tại đây.
Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseny Yatsenyuk phát biểu với các lãnh đạo địa phương ở Donetsk – Ảnh: AFP
Cam kết được Thủ tướng lâm thời Arseny Yatsenyuk đưa ra trong chuyến đi đến thành phố Donetsk ngày 11.4, ngay trước thời điểm kết thúc thời hạn 48 tiếng đồng hồ mà Kiev đặt ra để người biểu tình chấm dứt chiếm đóng các trụ sở hành chính, nếu không muốn đối mặt với vũ lực.
Tại cuộc gặp với các lãnh đạo địa phương, ông Yatsenyuk đề nghị chuyển giao thêm quyền lực cho các khu vực miền đông Ukraine. “Trong khuôn khổ của hiến pháp sửa đổi, chúng tôi sẽ có thể đáp ứng mọi yêu cầu cụ thể của từng khu vực”, ông cam kết. Hiện chưa rõ phản ứng của những người biểu tình thân Nga trước đề nghị của Thủ tướng Yatsenyuk. Theo Reuters, nhóm người này tiếp tục củng cố “căn cứ” với các hàng rào dây thép gai, bao cát cũng như bánh xe cũ để có thể đốt trong trường hợp bị cảnh sát tấn công. Trong khi đó, những người biểu tình mặc áo chống đạn và trang bị súng trường ở Lugansk khẳng định chỉ hạ vũ khí chừng nào Kiev đồng ý tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của vùng.
Chuyến đi của ông Yatsenyuk diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nga với Mỹ và EU liên quan đến nguồn cung cấp khí đốt và chuyển động quân sự của Nga. NATO khẳng định hơn 40.000 quân Nga đã được triển khai gần biên giới với Ukraine. Trong lá thư gửi lãnh đạo 18 nước châu Âu ngày 10.4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo nguồn cung khí đốt sang châu Âu sẽ bị gián đoạn nếu Ukraine chưa trả xong nợ. Moscow hiện cung cấp 30% nhu cầu khí đốt thiên nhiên của châu Âu và 50% trong số này đi qua ngả Ukraine. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dọa sẽ áp đặt vòng trừng phạt mới nhằm vào Nga nếu Moscow tiếp tục kích động căng thẳng ở Ukraine. Theo thông báo từ Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng Mỹ, EU cùng một số đối tác toàn cầu khác cần “chuẩn bị thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga”.
Video đang HOT
Trong khi đó, tờ Sabah ở Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin tàu khu trục Mỹ Donald Cook và tàu trinh sát Pháp Dupuy de Lôme đã tiến vào biển Đen. Đại diện Lầu Năm Góc khẳng định tàu Donald Cook đến biển Đen để tham gia diễn tập với các tàu từ Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo TNO
Mỹ cáo buộc Nga kích động ly khai ở Ukraine
Mỹ hôm qua cảnh báo rằng Nga có thể đang kích động một cuộc ly khai kiểu Crimea ở miền đông Ukraine, khi lực lượng ủng hộ Moscow chiếm giữ các tòa nhà chính quyền và đụng độ với cảnh sát địa phương.
Người biểu tình ủng hộ Nga chiếm giữ và phất cờ Nga tại một tòa nhà chính quyền ở Luhansk, đông Ukraine. Ảnh: Reuters.
"Mọi thứ mà chúng ta chứng kiến trong 48 giờ qua, từ những kẻ khiêu khích và đặc vụ Nga đang hoạt động ở đông Ukraine, cho thấy rằng họ được cử đến đó với mục đích gây hỗn loạn", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói trong cuộc họp với ủy ban đối ngoại của Thượng viện hôm qua. "Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Ông Kerry cho hay dù ưu tiên của phương Tây là xoa dịu khủng hoảng ở Ukraine bằng biện pháp ngoại giao, Washington vẫn sẵn sàng "làm những gì cần thiết" để duy trì trật tự quốc tế.
Ông mô tả những diễn biến gần đây ở miền đông Ukraine là "hơn cả sự quan ngại sâu sắc" và lặp lại đe dọa trừng phạt với Nga, trong đó mở rộng về các lĩnh vực năng lượng, ngân hàng và khai thác khoáng sản của nước này.
Ngoại trưởng Anh William Hague và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng lên tiếng đồng tình với quan điểm trên. Ông Rasmussen yêu cầu Nga cẩn trọng trong hành động với Ukraine.
"Nếu Nga định can thiệp sâu hơn vào Ukraine, đó sẽ là một sai lầm lịch sử", ông nói. "Nó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho mối quan hệ của chúng tôi với Nga và cô lập Nga về mặt quốc tế".
Những cảnh báo của Mỹ và các đồng minh được đưa ra sau khi làn sóng biểu tình chiếm chính quyền bùng lên ở miền đông Ukraine và dẫn đến bạo lực. Những người biểu tình ủng hộ Nga tự tuyên bố độc lập và thành lập các nước cộng hòa nhân dân với mong muốn sát nhập lãnh thổ Nga.
Cảnh sát đã phải dùng vòi rồng, lựu đạn và hơi cay để giải tán đám đông. Đáp lại, những người biểu tình ném bom xăng vào tòa nhà và chất đống lốp cháy.
Chính quyền lâm thời Ukraine đã tổ chức một chiến dịch "chống khủng bố" lớn và tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp chống ly khai ở miền đông và miền nam cứng rắn hơn so với khi Crimea sát nhập vào Nga hồi tháng trước. Tuy nhiên, Nga cảnh báo Ukraine không được phép đàn áp người biểu tình và can thiệp quân sự vào khu vực đang có nguy cơ bùng phát nội chiến.
Tuần tới, cuộc họp đầu tiên giữa 4 bên gồm Nga, Mỹ, Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra nhằm thảo luận về tình hình đang xấu đi ở Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng người đồng cấp của Ukraine Andriy Deshchytsia và cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton sẽ tham dự cuộc họp.
Thời gian và địa điểm chính xác của cuộc hội đàm chưa được tiết lộ nhưng một quan chức EU xác nhận sẽ diễn ra ở châu Âu.
Nga cho biết nước này đã chuẩn bị cho cuộc trao đổi, nhưng đại diện của khu vực phía đông và nam Ukraine cũng nên có mặt trong hoạt động này, một điều kiện mà Kiev hoàn toàn không thể chấp nhận.
Theo VNE
Ukraine công bố các biện pháp khẩn cấp chống ly khai Tổng thống tạm quyền Ukraine Alexander Turchinov vừa công bố một loạt biện pháp chống ly khai và chia tách lãnh thổ sau khi người biểu tình ở Donetsk tuyên bố thành lập nhà nước riêng. Tổng thống tạm quyền Turchinov đau đầu đối phó với làn sóng ly khai ở miền Đông. Phát biểu trên truyền hình được phát sóng rộng rãi...