Chinh phục 3 điểm đánh dấu lãnh hải Việt Nam
Tự hào và thiêng liêng là cảm xúc của Hải An, sau hành trình khám phá 3 điểm định vị đường cơ sở, xác định đường lãnh hải ở Côn Đảo.
Ngô Trần Hải An (Quỷ Cốc Tử) là blogger du lịch, nhiếp ảnh gia sở hữu “gia tài” đồ sộ là những hành trình dọc Việt Nam hay qua nhiều quốc gia trên thế giới. Trong 19 năm rong ruổi, anh đã tới thăm hơn 100 cột mốc biên giới đất liền và hải đảo.
Có dịp trở lại Côn Đảo sau 3 năm cùng gia đình, anh quyết tâm chinh phục mốc A3, A4, A5. Đây là 3 trong 11 điểm định vị đường cơ sở, xác định lãnh hải Việt Nam, dọc chiều dài 3.260 km đường bờ biển. Hầu hết các điểm đều nằm trên những hòn đảo xa xôi và khó đặt chân đến. Hải An chia sẻ, năm 2010, anh bắt đầu thực hiện ước mơ chinh phục đủ 11 điểm trong 11 năm. Sau chuyến đi Côn Đảo, anh hoàn thành được 9/11 mục tiêu.
Xuất phát từ 6h sáng, điểm đến đầu tiên trong hành trình là hòn Bảy Cạnh, nơi đặt cột mốc A5. Trong tất cả các đảo đặt mốc, đây là nơi duy nhất đã khai thác du lịch, với hoạt động thả rùa về biển. Những điểm còn lại đều rất hoang sơ và ít có cano, thuyền chạy tới.
Hải An chia sẻ, một trong những khó khăn trong hành trình là hoàn toàn không có thông tin về vị trí của cột mốc, đặc biệt các hòn đảo lại rộng lớn. Hầu hết các phương tiện đều từ chối chạy tới đây do không có đường cập bến, dễ gây hư hỏng thuyền. May mắn, anh được anh Văn Hùng, cán bộ phòng Văn hóa – Thông tin huyện Côn Đảo, liên lạc và giúp thuê cano.
Sau khi thả rùa về biển, Hải An cùng anh Phát (người lái cano) bắt đầu hành trình tìm kiếm các cột mốc. Theo trí nhớ của Phát, các cột này đều được đặt ở điểm xa nhất về hướng đông, trên các hòn đảo.
Cano tiến gần tới đảo, những ghềnh đá với hình thù kỳ lạ hiện lên trong tầm mắt. Do Bảy Cạnh là hòn đảo lớn, nên đường lên mốc giới đã có một cầu thang bê tông nhỏ. Tuy nhiên để lên được bờ, Hải An phải căn lúc sóng đẩy mũi cano lên cao để nhảy qua.
Lên được tới cột mốc, anh choáng ngợp với vẻ đẹp hùng vĩ của biển đảo Việt Nam. Phía sau mốc là những vách đá dựng đứng và trên đỉnh là hải đăng Bảy Cạnh, được xây dựng từ thời Pháp.
Rời hòn Bảy Cạnh, cano đưa anh tới hòn Cau. Dù không phải là một trong những điểm A, nơi đây vẫn đặt cột mốc khẳng định chủ quyền biển, đảo nước ta. Do không có đường lên mốc, thuyền phải cập vào bờ đá, xung quanh có rất nhiều hàu sắc nhọn và ghềnh đá trơn trượt. Khung cảnh hoang sơ, với rừng rậm và những bãi cát ở hòn Cau là điểm anh thích nhất trong hành trình.
Đứng cạnh cột mốc khắc hình cờ đỏ sao vàng, xung quanh là biển nước mênh mông khiến anh cảm thấy vô cùng xúc động: “Đây là đất trời, là biên cương của tổ quốc”.
Cột mốc A4 tại hòn Bông Lan là điểm đến tiếp theo trong hành trình, cách hòn Cau khoảng 20 phút đi cano. Nhìn từ biển, hòn đảo có hình tròn dài giống một chiếc bánh, nên được người dân đặt tên là Bông Lan. Hòn đảo rất nhỏ nhưng lại là nơi có nhiều chim yến về làm tổ, vì vậy ở đây có một trạm gác chống khai thác trộm.
Thuyền bè thường không cập được sát bờ do các ghềnh đá, nên muốn lên cano phải căn gió để nhảy qua. Anh chia sẻ, thăm các cột mốc là trải nghiệm mới rất đáng thử, tuy nhiên hành trình có nhiều khó khăn và nguy hiểm, vì vậy chỉ dành cho những người thực sự yêu khám phá.
Video đang HOT
Đến với điểm A3 tại hòn Tài Lớn, anh gặp khó khăn do đường lên đã được chắn bằng rào sắt, cano phải cập bến ở khu vực dốc trơn trượt. Trong quá trình lên xuống, trời nổi gió lớn khiến cano bị đập vào đá và nứt một mảng lớn. Tuy nhiên, Hải An chia sẻ anh rất ấn tượng với hòn đảo này vì lớn hơn nhiều so với hòn Bông Lan. Trên đảo là những khu rừng nguyên sinh và ghềnh đá hoang sơ.
Thông tin in nổi trên cột mốc A3.
Sau khi thăm cột mốc A3 cũng là lúc trời bắt đầu âm u và nổi gió lớn. Tuy nhiên theo gợi ý của người lái cano, Hải An quyết định đi thăm thêm điểm mốc ở hòn Bà. Đường đi từ hòn Tài Lớn tới đây khá xa, mất khoảng 30 phút di chuyển.
Thay vì các ghềnh đá, đường đi lên cột mốc đảo hòn Bà là bãi biển, xung quanh là thềm san hô. Để tránh làm hư hỏng san hô, anh quyết định lội lên bờ, mực nước lúc này dâng gần tới cổ. Từ bãi biển lên tới cột mốc còn một đoạn đường dài để leo lên.
Giống với ở hòn Cau, đây là cột mốc biên giới xác định lãnh hải trên biển nên có thiết kế hình chữ nhật, không giống mốc A3, A4, A5.
Từ cột mốc ở hòn Bà có thể nhìn ra đỉnh Tình Yêu, biểu tượng của Côn Đảo. Hải An chia sẻ, hành trình đến 5 cột mốc ở Côn Đảo rất mệt nhưng để lại trong anh nhiều cảm xúc. “Đứng giữa đất trời bao la, được trông thấy cột mốc biên cương hiện lên sừng sững là cảm giác tự hào khó cất thành lời”, anh nói.
Chia sẻ kinh nghiệm, Hải An cho biết, nếu du khách thuê cano nên thỏa thuận trước với người lái đến đúng điểm mốc giới, vì không phải ai cũng biết chính xác vị trí các cột và đảo rất rộng. Giá thuê cano khoảng 6 triệu đồng cho chuyến đi 4 giờ. Khi đi, nên khởi hành từ sáng sớm, lúc trời êm, gió lặng và mang theo các loại giày bám chắc tránh trơn trượt leo trèo. Cuối cùng, anh muốn nhắn nhủ du khách tới đây không nên xả rác, vẽ hoặc viết lên cột mốc. Đặc biệt, không lấy bất cứ thứ gì về làm kỷ niệm, tránh thay đổi hiện trạng xung quanh.
Tọa độ 11 điểm chuẩn đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam. Đồ họa: Ngô Trần Hải An.
Thiêng liêng những cột mốc đặc biệt trên biên giới Việt Nam
Mỗi cột mốc nơi biên giới đều mang ý nghĩa thiêng liêng là đánh dấu chủ quyền biên giới, lãnh thổ, lãnh hải quốc gia.
Gắn với từng phiến đá 'vô tri, vô giác' ấy là những câu chuyện thấm đẫm tình yêu biên cương, niềm tự hào về dải đất hình chữ 'S' đầy kiêu hãnh.
Cột mốc A Pa Chải nằm ở núi Khoang Lan San, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Cột mốc số 0
A Pa Chải là điểm cực Tây Tổ Quốc - nơi đây cũng được gọi là ngã ba biên giới vì là cửa ngõ của 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Lào. A Pa Chải thuộc địa phận huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có phía Tây Bắc giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, phía Tây Nam giáp với Lào.
A Pa Chải được mệnh danh là "1 con gà gáy cả 3 nước đều nghe thấy" và là mục tiêu chinh phục của không ít các phượt thủ nơi có cột mốc số 0.
A Pa Chải nằm ở độ cao 1864 m so với mực nước biển. Đây là nơi sinh sống của người dân tộc Hà Nhì và một số dân tộc thiểu số khác. Theo tiếng Hà Nhì A Pa Chải có nghĩa là "vùng đất bằng phẳng, rộng lớn".
Cột mốc số 1378
Cột mốc biên giới số 1378.
Nếu Cột mốc số 0 (Cột mốc A Pa Chải, tỉnh Điện Biên) là khởi đầu của đường biên giới Việt - Trung, thì Cột mốc số 1378 chính là cột mốc cuối cùng. Nằm trên mũi Sa Vĩ, Cột mốc 1378 luôn sừng sững, hiên ngang trên trụ cao của hòn Dậu Gót, giữa ngã ba cửa sông Bắc Luân. Đó là nơi phân định, đánh dấu ranh giới giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Với mỗi người dân Trà Cổ và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Cổ (TP Móng Cái), Cột mốc 1378 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nơi ấy khắc ghi những ngày tháng quân và dân đồng lòng bảo vệ, xây dựng từng mét đất lãnh thổ, lãnh hải quốc gia.
Chia sẻ về quá trình xây dựng cột mốc, Thượng tá Nguyễn Thế Thảo, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trà Cổ, cho biết: Quá trình xây dựng cột mốc này khá gian nan, vất vả. Địa hình thi công trên Hòn Dậu Gót có nền đất yếu, phụ thuộc vào thủy triều, con nước, tàu thuyền lưu thông qua lại, trong khi trang, thiết bị cũng như kinh nghiệm của mình lúc bấy giờ cũng còn nhiều hạn chế.
Mốc nằm ở giữa sông nên khi xây, lực lượng thi công phải đào sâu xuống tận tầng đá gốc rồi xây bệ mốc cao trên 10m, sau đó mới xây mốc trên bệ trụ, để khi thủy triều mức cao nhất cũng không ngập được mặt cột mốc. Có lẽ cũng chính vì thế mà cột mốc mang ý nghĩa đặc biệt hơn hẳn.
Ra đến được cột mốc này không phải chuyện đơn giản. Trước hết, bạn phải được Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh cấp phép, sau đó đồn biên phòng trực tiếp quản lý cột mốc sẽ sắp xếp thời gian và cử cán bộ đưa bạn đi.
Cột mốc 428
Mốc 428 tuy chưa phải là điểm cực Bắc, nhưng nó là cột mốc xa nhất về hướng Bắc của Tổ quốc.
Nằm cách cột cờ Lũng Cũ chừng 4 - 5 km về phía Bắc, cột mốc 428 chính là điểm đánh dấu phần lãnh thổ Việt Nam với nước bạn Trung Quốc. Đây chính là nơi con sông Nho Quế bắt đầu dòng chảy vào đất Việt thuộc địa phận bản Xéo Lủng, xã Lủng Cũ, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Đường lên cột mốc 428 dài chỉ 2 km nhưng lại mất gần 3 tiếng đồng đi bộ vì địa hình đồi núi ngoằn nghèo, với những đoạn dốc thẳng đứng. Chính vì nằm tại vị trí khá hiểm trở với phía dưới là sông, trên là vách núi như vậy mà phải mất tới hai năm, cột mốc này mới được hoàn thành.
Cột mốc 79
Cột mốc 79 hiên ngang nơi núi cao, gió lộng. Với ca
Cột mốc 79 là cột mốc biên giới cao nhất Việt Nam, nằm ở xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Cột mốc được cắm vào ngày 24/10/2004 ở cao độ gần 3.000m, trên vùng yên ngựa của đỉnh núi Phàn Liên San.
"Nóc nhà biên cương" này nằm ở khu vực được xem là hiểm trở nhất trên đường biên giới Việt - Trung, giữ nhiệm vụ phân chia biên giới ở tỉnh Lai Châu, Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Để tới được đây, bạn cần có giấy phép của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu và trình báo với đồn biên phòng Vàng Ma Chải.
Cột mốc 92
Mốc 92 nằm trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai.
Cột mốc 92 được cắm ngày 7/12/2004 ở độ cao 114m. Cột mốc 92 gồm: mốc 96(1) nằm ở phía Việt Nam; mốc 92(2) và mốc 92(3) nằm trên bờ sông phía Trung Quốc. Từ trung tâm xã A Mú Sung (huyện Bát Xát, Lào Cai) đi gần 20 km men bờ sông Hồng là đến cột mốc số 92 thuộc đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Mốc được dựng hướng ra ngã ba, nơi sông Nguyên Giang của Trung Quốc hòa cùng dòng Lũng Pô của Việt Nam đánh dấu điểm con sông Hồng chảy vào đất Việt mang theo cả một nền văn minh sông Hồng.
Công trình cột cờ Lũng Pô - điểm nhấn của du lịch địa phương cách không xa. Phần cột cờ chính có chiều cao 31.43m tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143m; lá cờ có diện tích 25m2 tượng trưng cho 25 dân tộc anh em tỉnh Lào Cai. Một điểm đến đầy tự hào và kiêu hãnh khi đứng chào Tổ quốc từ đây.
Cột mốc 304
Cột mốc 304 ở biên giới Việt - Lào
Cột mốc 304 (còn gọi là G8) là nơi phân chia ranh giới của nước ta và nước bạn Lào, giữa xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa với bản Phiềng Khạy, Viêng Xay, Lào. Cột mốc trên đỉnh núi Đá Đỏ cao 1.889m so với mực nước biển, các phượt thủ muốn tới đây phải vượt qua nhiều đoạn đường hiểm trở của rừng sâu và rậm rạp.
Cột mốc Ngã 3 Đông Dương
Đây vừa là điểm khởi đầu của biên giới Việt Nam - Campuchia, vừa là điểm kết thúc của biên giới Việt Nam - Lào.
Ngã ba Đông Dương không chỉ nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ mà nơi này ngày nay đang trở nên rất hấp dẫn du khách trên hành trình thăm Kon Tum - cực bắc Tây Nguyên Việt Nam.
Cột mốc không số tại ngã ba Đông Dương nằm gần cửa khẩu Bờ Y thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, giáp ranh tỉnh Ratanakari của Campuchia, tỉnh Attapư của Lào. Đây vừa là điểm khởi đầu của biên giới Việt Nam - Campuchia, vừa là điểm kết thúc của biên giới Việt Nam - Lào.
Cột mốc làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi có độ cao 1.086 m so với mực nước biển, là một trong hai cột mốc biên giới ghi danh ba quốc gia của nước ta. Có hình trụ tam giác, mỗi mặt quay về hướng quốc gia đó có tên nước và quốc huy trang trọng.
Bất kỳ ai chạm đến đây sẽ thấy rõ cảm giác chinh phục được nơi này sau một hành trình dài và phóng tầm mắt ngắm nhìn vùng biên trù phú thực sự đáng nhớ.
Cột mốc 240
Mốc 240 nằm gần cửa khẩu Thường Phước, Đồng Tháp. Nơi đây đánh dấu sông Mekong chảy vào Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Tiến Hùng.
Trên đường đi ngang Đồng Tháp, đừng quên ghé qua cửa khẩu Thường Phước, nơi có cột mốc 240, và đây cũng chính là nơi dòng Mekong bắt đầu chảy vào Việt Nam.
Từ nơi này nhìn ra, bạn sẽ cảm nhận được sự vĩ đại của con sông đã đi qua nhiều quốc gia. Bắt đầu từ Tây Tạng Trung Quốc, sông Mekong chảy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, để rồi dừng lại ở Việt Nam, rẽ ra thành 9 nhánh tạo nên dòng Cửu Long huyền thoại đã vun đắp biết bao phù sa, tạo nên sự trù phú cho cả một miền Tây Nam Bộ rộng lớn.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp mờ ảo trên đỉnh Ô Quy Hồ Ở độ cao khoảng 2.000m so với mặt nước biển, đèo Ô Quy Hồ nổi lên như một chiếc cầu nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Là 1 trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc nên việc chinh phục đèo Ô Quy Hồ không chỉ là sự thách thức đối với những người đam mê du lịch mà còn...