Chính phủ thống nhất bỏ 15% ngành nghề kinh doanh có điều kiện
“Quản lý nhà nước không phải là giành thuận lợi cho chúng ta mà quản lý là để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói về quyền tự do kinh doanh trong Hiến pháp mới.
Sáng 19/8/2014, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp với các Bộ, ngành thảo luận và cho ý kiến vào Báo cáo rà soát, xây dựng Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và Danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp.
Phiên họp thường trực Chính phủ sáng 19/8.
Để chuẩn bị cho 2 Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch – Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện Báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa ra Quốc hội thảo luận, thông qua.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh, qua rà soát cho thấy hiện có 51 ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh và Bộ đã đề xuất Danh mục chỉ còn 8 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Về Danh mục lĩnh vực, ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, kết quả rà soát cho thấy toàn bộ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh được quy định tại 391 văn bản pháp luật (gồm 56 Luật, 8 Pháp lệnh, 115 Nghị định, 176 Thông tư, 26 Quyết định của Bộ trưởng và 2 văn bản của Bộ) với 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 16 Bộ, ngành.
Từ kết quả rà soát và đánh giá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không còn cần thiết; bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không rõ ràng, không cụ thể; chuyển một số điều kiện kinh doanh từ hình thức cấp Giấy phép sang áp dụng hình thức tự đăng ký thực hiện. Theo đó, kết quả rà soát sơ bộ cho thấy có khoảng 15% ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có thể bãi bỏ (bãi bỏ 56/386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện).
Tại cuộc họp, ý kiến của các Bộ, ngành, ý kiến của các thành viên Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đều nhất trí với đề xuất, kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau kết quả rà soát, đánh giá. Các ý kiến tập trung phân tích và đề nghị các Bộ, ngành cần phối hợp đề tiếp tục rà soát, đảm bảo chất lượng của Danh mục đề xuất và tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn, vừa đảm bảo được quyền tự do đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Mặt khác, quy định cũng phải đảm bảo sự linh hoạt cũng như lường định và xử lý được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cuộc sống vốn hết sức phong phú, đa dạng và luôn vận động, phát triển.
Video đang HOT
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành rà soát Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và Danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và đề xuất dự thảo Danh mục mới theo các yêu cầu mà dự thảo Luật đã đề ra, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp mới.
Thủ tướng nhấn mạnh, theo tinh thần của Hiến pháp và quy định về quyền tự do kinh doanh của người dân trong Hiến pháp, việc hạn chế quyền công dân phải được quy định cụ thể trong luật. Đây là một yêu cầu hết sức quan trọng nhằm thực hiện nguyên tắc doanh nghiệp, người dân được quyền tự do thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo các Danh mục đảm bảo chất lượng, khả thi để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ hợp tới. Việc xây dựng Danh mục và những quy định đặt ra phải nhằm đạt mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch, hạn chế sự tùy tiện, nhũng nhiễu và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp.
“Quản lý nhà nước không phải là giành thuận lợi cho chúng ta mà quản lý là để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành có trách nhiệm, khẩn trương, tiếp tục và chủ động rà soát các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh bị hạn chế hoặc phải có điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mình quản lý để bãi bỏ nếu đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn, không còn cần thiết cho mục tiêu quản lý nhà nước; hoặc bổ sung ngành, nghề đầu tư, kinh doanh vào Danh mục hạn chế hoặc phải có điều kiện kinh doanh nếu thấy nhất thiết phải quản lý.
Mặt khác, phải tiếp tục rà soát Danh mục để giảm bớt các điều kiện không cần thiết hoặc chỉ công bố để hậu kiểm. Thủ tướng lưu ý việc rà soát để bãi bỏ hoặc bổ sung phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn cuộc sống; phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết hội nhập; bao quát và đảm bảo xử lý được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, những vấn đề mới, đòi hỏi mới mà cuộc sống đặt ra.
Về Danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí với đề xuất không ưu đãi đầu tư đối với các ngành, nghề khai thác tài nguyên, khoáng sản và khoảng 40 ngành, nghề, sản phẩm, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dù các ngành, nghề này đầu tư ở địa bàn ưu đãi đầu tư; đồng thời chính sách ưu đãi về ngành, nghề, địa bàn đầu tư sẽ do Chính phủ quy định chi tiết.
Về Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh, kết quả rà soát được thực hiện theo các nguyên tắc loại bỏ các ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ trùng lặp; chuyển một số, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh thành ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; chuẩn xác lại phạm vi và nội dung cấm đầu tư, kinh doanh trong một số ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ; và xác định ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh là ngành, nghề gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng mà không thể khắc phục hay hạn chế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật hay chuyên môn. Danh mục 8 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh đề xuất, gồm: Kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; kinh doanh chất ma túy; sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, tiêu dùng và xuất khẩu hóa chất Bảng 1; kinh doanh các loại pháo; kinh doanh, tổ chức mại dâm, buôn bán người; kinh doanh thực vật, động vật hoang dã, quý hiếm, gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến; thử nghiệm sinh sản vô tính trên người; và sản xuất các sản phẩm biến đổi gen.
P.Thảo
Theo Dantri
Nghị định "cấm" tặng quà trong các buổi lễ là... lạm quyền
Bình luận về Nghị định 145 mới ban hành với quy định "không được dùng phù hiệu, nơ, hoa cài ngực", "không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng", TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cho rằng chỉ phù hợp với đơn vị sử dụng ngân sách.
Nghị định số 145/NĐ-CP được ký ban hành ngày 29/10/2013 quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khác nước ngoài. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ 16/12 tới, để thay thế nghị định số 82 (ban hành năm 2001) và nghị định số 154 (ban hành năm 2004) nhằm điều chỉnh việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm theo quan điểm là khoa học, tránh rườm rà, tốn kém từ trung ương đến địa phương, phù hợp với truyền thống dân tộc, pháp luật và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, ngay khi Nghị định mới được "trình làng", chưa có hiệu lực thi hành, dư luận đã có những phản ứng, mổ xẻ về nhiều quy định kỳ cục, khó khả thi trong đó.
Từ 16/12/2013, khi Nghị định 145 có hiệu lực thi hành, việc tặng quà, gắn hoa, phù hiệu tại các buổi lễ sẽ bị... cấm.
TS Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp) khái quát, nhìn tổng thể hồ sơ Nghị định thấy có đủ cả dự thảo, tờ trình, ý kiến tham gia... cũng như Công văn thẩm định của Bộ Tư pháp. Nhưng ông Sơn tỏ ý bất bình vì Nghị định mới được ban hành nửa tháng nhưng việc thẩm định của Bộ Tư pháp lại được thực hiện hơn 1 năm trước (ngày 9/10/2012).
"Tôi ít thấy dự thảo nào từ lúc thẩm định tới lúc thông qua lại kéo dài hàng năm như vậy. Tôi cũng không hiểu là dự thảo được gửi thẩm định với dự thảo trình Chính phủ xem xét, thông qua có phải là một hay không? Theo luật, Bộ Tư pháp thẩm định, phản biện dự thảo Nghị định để Chính phủ có cơ sở thảo luận, xem xét thông qua, chứ không phải khi thẩm định là một Dự thảo, đến khi trình Chính phủ lại là một Dự thảo khác. Trong một năm có lẻ, từ khi thẩm định đến khi thông qua, quá trình thảo luận, hoàn thiện Dự thảo như thế nào cũng là một vấn đề, một dấu hỏi lớn?" - ông Sơn băn khoăn.
Đi vào những quy định cụ thể đang gây tranh luận trái chiều, ông Sơn cho rằng, vấn đề nằm ở việc xác định đối tượng, phạm vi điều chỉnh. Nghị định xác định đối tượng rất rộng, từ các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế cho đến đơn vị vũ trang nhân dân. Tại Công văn thẩm định, Bộ Tư pháp đã có nêu vấn đề đưa tổ chức kinh tế (chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp) ra khỏi đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. Đáng tiếc, ý kiến này đã không được quan tâm.
Do chưa phân loại đối tượng, phạm vi điều chỉnh hợp lý nên nhiều quy định trong Nghị định thể hiện bất cập như tại khoản 3 Điều 23 về trang phục: "không dùng phù hiệu, nơ, hoa cài ngực..."; hoặc tại điều 24 quy định về biểu diễn nghệ thuật, tặng quà, chiêu đãi có ý "thời gian biểu diễn không quá 30 phút và được ghi rõ trong giấy mời"; "không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo). Không tổ chức chiêu đãi". Những quy định này, TS Lê Hồng Sơn cho rằng, có thể phù hợp với nhóm đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước.
"Còn đối với nhóm đối tượng là các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và tổ chức kinh tế (các tổ chức, đơn vị được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự quản về ngân sách, nói nôm na là kênh xã hội) thì những nội dung này là "quá lạm" - ông Sơn phân tích.
Với hoạt động của những đơn vị mang tính chất tự chủ rất cao này, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản cho rằng, về nguyên tắc, Chính phủ không nên can thiệp quá sâu trong việc tổ chức ngày lễ kỉ niệm, nghi thức đón nhận hình thức khen thưởng, thi đua của họ. Ông Sơn phân tích, ngày lễ kỷ niệm cũng là dịp để các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, thể hiện những thành tích, những dấu ấn cần được xã hội biết và tôn vinh. Ở mức độ nào đó, đây cũng là một hình thức cần thiết để quảng bá, quảng cáo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của những tổ chức này.
Về quy định "chỉ "kính thưa họ tên và chức danh" Lãnh đạo có chức vụ cao nhất ở trung ương và ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị"(khoản 4 điều 27), TS Lê Hồng Sơn cho là khó hiểu. Có người cho rằng, quy định như vậy nghĩa là chỉ "kính thưa" một người có chức vụ cao nhất tại buổi lễ. Cách hiểu khác là "kính thưa" lãnh đạo có chức vụ cao nhất ở TƯ (từ Phó Thủ tướng trở lên) và lãnh đạo cao nhất của ban, bộ, ngành (cũng là TƯ); và cả địa phương, đơn vị.
Ông Sơn chỉ rõ: "Nếu mục đích của quy định này là xướng danh, kính thưa chỉ một người có chức vụ cao nhất của buổi lễ thì cách diễn đạt phải khác. Còn nếu hiểu theo cách thứ 2 thì vẫn có một "dải" các chức danh phải... kính thưa".
Băn khoăn khác của dư luận về vấn đề chế tài của Nghị định, ông Sơn chỉ ra, trong văn bản có rất nhiều "định chuẩn", buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ nhưng không kèm chế tài mà chỉ khuyến nghị, hướng dẫn, tuyên truyền.
"Nên nghiên cứu hướng đặt ra "chế tài nguyên tắc", tức là phải có quy định cơ quan tổ chức có hành vi vi phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu không có chế tài thì các quy chuẩn của Nghị đỉnh chỉ như là "sự chuyển động của không khí" mà thôi" - TS Sơn đề nghị.
Theo ông Sơn, Nghị định nhằm nhấn mạnh chủ trương chống phô trương, hình thức, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, nhất là trong nhóm đối tượng phải thực thi Nghị định, bao gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước, sĩ quan, hạ sĩ quan lực lượng vũ trang. Những đối tượng này khi có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định, hoàn toàn có thể bị xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức buộc thôi việc... cũng như không loại trừ xử lý theo quy định của pháp luật hình sự nếu có chứa hành vi tham nhũng. Ông Sơn cho rằng, Nghị định cần phải quy định rõ vấn đề chế tài này.
P.Thảo
Theo Dantri
Cấm rượu bia sau 22 giờ: Mua rượu trước giờ cấm để uống! "Phải cân nhắc tính khả thi của quy định, bởi cơ quan chức năng chưa đủ sức để kiểm tra 24/24 giờ nhiều địa bàn. Hơn nữa, người dân cũng có thể mua rượu bia trước giờ cấm để uống. Do vậy, quy định một cách hình thức thì luật không vào cuộc sống!". Trước quy định cấm bán rượu bia sau 22...