Chính phủ mới của Pháp vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên
Chính phủ của tân Thủ tướng Michel Barnier ngày 8/10 đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên tại Hạ viện (Quốc hội) Pháp theo kiến nghị của các nghị sĩ cánh tả – lực lượng lớn nhất hiện nay tại cơ quan này sau cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn hồi tháng 7 vừa qua.
Thủ tướng Pháp Michel Barnier phát biểu trước Quốc hội ở Paris ngày 1/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Cụ thể, kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Bariner chỉ nhận được 197 phiếu ủng hộ, thấp hơn nhiều so với 289 phiếu cần thiết để được đa số trong Quốc hội gồm 577 ghế thông qua. Đây là “phép thử đầu tiên” đối với chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier.
Tuy nhiên, chính phủ của ông Barnier vẫn đang phải chịu nhiều áp lực lớn trong việc đệ trình kế hoạch ngân sách năm 2025 để giải quyết tình hình tài chính khó khăn hiện nay của Pháp.
Trong lúc Quốc hội Pháp bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ mới, Bộ trưởng Tài chính Pháp Antoine Armand cũng phải trấn an các đối tác Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) về những ưu tiên chính sách của chính phủ mới trong việc kiểm soát thâm hụt ngân sách và tuân thủ các quy tắc của Liên minh châu Âu (EU) tại cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính EU, diễn ra ở Luxembourg.
Áp lực đè nặng lên Chính phủ mới của Pháp
Một ngày sau khi Thủ tướng Pháp Michel Barnier công bố thành phần Chính phủ của ông, với 39 thành viên đến từ các đảng trung dung và cánh hữu, Chính phủ mới đã đối mặt ngay với thách thức, khi các mối đe dọa "bất tín nhiệm" tại Quốc hội ngày một tăng.
Tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier (phải, phía trước) phát biểu tại lễ nhậm chức ở Paris ngày 5/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Ngay sau khi danh sách Nội các mới được công bố ngày 21/9, nhiều lãnh đạo phe cánh tả ở Pháp đã lên tiếng phản đối. Chủ tịch đảng Xã hội (PS) Olivier Faure cho biết đảng này đang có kế hoạch thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu "bất tín nhiệm" đối với chính phủ mới vào ngày 1/10 tới, ngay sau khi Thủ tướng Michel Barnier có bài phát biểu trước quốc hội về chính sách chung của Chính phủ.
Về phần mình, ông Jordan Bardella, lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) - lực lượng chính trị lớn thứ ba tại Quốc hội Pháp, cũng phản đối thành phần chính phủ mới. Tuy nhiên, ông tuyên bố "sẽ chờ đợi" trước khi thực hiện bất kỳ động thái nào chống lại Chính phủ mới.
Trước đó, ngày 21/9, hưởng ứng kêu gọi của các lực lượng cánh tả, hàng nghìn người đã xuống đường ở Paris và nhiều thành phố khác của Pháp để biểu tình phản đối Chính phủ mới.
Không chỉ đối mặt với sự phản đối từ phía các đảng phái đối lập, Chính phủ mới của Thủ tướng Michel Barnier cũng đang phải chịu áp lực lớn về việc giải quyết tình hình tài chính bấp bênh của Pháp.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình France 2 ngày 22/9, Thủ tướng Barnier thừa nhận tình hình tài chính của Pháp "rất nghiêm trọng", đòi hỏi cần có các biện pháp mạnh để hạn chế chi tiêu công và tăng thu ngân sách nhằm giúp khôi phục nền kinh tế. Thủ tướng Pháp kêu gọi cần có "nỗ lực quốc gia" để cắt giảm thâm hụt ngân sách, song ông cũng loại trừ việc tăng thuế trên diện rộng đối với người thu nhập thấp và trung bình để hạn chế phản ứng trong xã hội.
Việc đệ trình kế hoạch ngân sách năm 2025 được coi là bài "sát hạch lớn" đầu tiên đối với chính phủ của ông Barnier trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) xác định Pháp là một trong những nước vi phạm các quy định tài chính của khối. Do đó, "gánh nặng" xây dựng kế hoạch ngân sách mới để kịp đệ trình lên quốc hội vào tháng 10 tới đang đè nặng lên tân Bộ trưởng Tài chính Antoine Armand và Bộ trưởng Ngân sách Laurent de Saint-Martin.
Khó khăn nhiều, sức ép lớn Sau 2 tuần đàm phán khó khăn và nhiều lần trì hoãn, cuối cùng thành phần chính phủ của tân Thủ tướng Michel Barnier đã được chính thức công bố. Tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier (phải) phát biểu tại lễ nhậm chức ở Paris ngày 5/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN Tổng cộng có 39 chức vụ bộ trưởng thực quyền, bộ trưởng ủy nhiệm...