Chính phủ họp báo phiên thường kỳ đầu tiên của năm 2021: Sớm đưa vắc-xin ngừa COVID-19 đến người dân trong quý I
Chiều 2/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021, buổi họp báo đầu tiên của năm mới.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì Họp báo Chính phủ tháng 1/2021.
Buổi họp báo diễn ra sau phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 là phiên họp thường kỳ cuối cùng trong năm Âm lịch Canh Tý và phiên họp đầu tiên của năm 2021, cũng là phiên họp đầu tiên của Chính phủ để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa thành công rất tốt đẹp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tập trung khống chế dịch COVID-19 để nhân dân yên tâm đón Tết
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tháng 1/2021, kinh tế- xã hội vẫn đạt được những kết quả khả quan, đặc biệt là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 22%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng trên 27%. Xuất nhập khẩu tăng hơn 45% so với cùng kỳ với thặng dư thương mại hơn 100 triệu USD. Thu ngân sách đạt kết quả tốt. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng. Các chính sách phúc lợi, an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Tại phiên họp Chính phủ sáng 2/2, Thủ tướng đánh giá cao nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương hăng hái, trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là ngành y tế, lực lượng công an, quân đội. Cũng theo Người phát ngôn Chính phủ, tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng biểu dương: “Nhiều tình nguyện viên, các bác sĩ, các nhân viên có liên quan ngày đêm lăn lộn để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh”.
Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, Chính phủ đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể thời gian tới như sau:
Thứ nhất, về triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội để xây dựng, sớm trình ban hành chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, đồng thời hoàn thiện, trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 và các vấn đề liên quan. Trong bối cảnh, tình hình mới, chúng ta cần quán triệt tinh thần đổi mới tư duy phát triển, cách nghĩ, cách làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đưa đất nước vững bước đi lên, sớm hiện thực hóa các mục tiêu mà Đại hội XIII đề ra.
Thứ hai, tiếp tục quyết liệt phòng chống, dập dịch COVID-19, không được chủ quan, có các biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, đi trước thời gian nhưng không được để hoảng loạn với tinh thần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép. Lãnh đạo các địa phương phải tập trung chỉ đạo, chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác này trên địa bàn; thực hiện quyết liệt “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế. Thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong cộng đồng như đeo khẩu trang, khai báo y tế, không tập trung đông người; kiểm soát nhập cảnh… Phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không được chủ quan đối với dịch bệnh, nhất là tại các thành phố lớn; tiếp tục nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong cộng đồng. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về việc chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan trong cơ quan, đơn vị mình. Ngành y tế đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vaccine, cũng như có kế hoạch nhập khẩu vắc-xin để phục vụ tiêm chủng trên diện rộng. Chính phủ đồng ý sớm đưa vắc-xin ngừa COVID-19 đến người dân trong quý I này; ưu tiên sản phẩm vắc-xin sản xuất trong nước. Cùng với chống dịch, tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai. Tình hình thời tiết cực đoan, rét đậm rét hại thời gian qua liên tục, kéo dài tại miền Bắc, nhất là các tỉnh vùng cao, miền núi; đồng thời dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo.
Thứ ba, về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Cần thúc đẩy 3 không gian kinh tế: kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số. Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện kịch bản, các giải pháp và thường xuyên kiểm điểm, đánh giá thực hiện.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm, thường xuyên đôn đốc triển khai các dự án, công trình quan trọng. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực chất hơn nữa về môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư. Đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chúng ta phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất, ứng dụng công nghệ cao của khu vực và thế giới.
Video đang HOT
Nhiệm vụ thứ tư, Tết cổ truyền sắp đến, Chính phủ yêu cầu phải tập trung lo Tết cho dân, không để ai thiếu Tết, đặc biệt đối tượng chính sách, người nghèo, vùng thiên tai, vùng sâu, vùng bị phong tỏa do có dịch, “bảo đảm mọi gia đình đều có Tết”. Bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết sao cho dồi dào, chất lượng và giá cả đáp ứng các nhu cầu khác nhau để mọi nhà đón Tết ấm no, đầy đủ. Bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh hiện nay, nhất là đấu tranh, phòng chống buôn bán pháo nổ, gian lận thương mại, ngăn chặn những đường dây đưa hàng hóa trái phép vào Việt Nam. Sau Tết, Thủ tướng yêu cầu cần lưu ý chấn chỉnh hoạt động lễ hội; phải bắt tay vào công việc, “không để tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức; không dùng ngân sách Nhà nước, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi. Tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương có kế hoạch bố trí cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm chế độ trực Tết, thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo.
Thủ tướng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống, đi liền với đó là bảo vệ rừng và trồng rừng, triển khai chủ trương “trồng 1 tỷ cây xanh”. Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục làm tốt công tác truyền thông sao cho hiệu quả, đúng mức để người dân luôn đề phòng dịch COVID-19 nhưng không hoang.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nỗ lực việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh; bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
“Cùng với phòng chống dịch bệnh, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ lịch sử ở miền Trung, Tây Nguyên và rét đậm, rét hại ở miền núi phía bắc vừa qua, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và các mặt khác, không để người dân thiếu đói, không có nhà ở, bảo đảm mọi gia đình đều vui Xuân đón Tết”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Dự kiến cuối năm 2021, đầu năm 2022 sẽ có vắc-xin COVID-19 trong nước sản xuất
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã ký với phía Anh để mua vắc-xin của Công ty AstraZeneca phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, trong năm 2021 đối tác sẽ cung cấp khoảng 30 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam, dự kiến sớm nhất là quý 1/2021.
Tuy nhiên, với số lượng còn hạn chế, vắc-xin mới sẽ dùng cho các đối tượng ưu tiên gồm: Cán bộ y tế liên quan trực tiếp chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh nền nguy cơ cao tử vong nếu mắc COVID-19, có thể tính đến cả cán bộ ngoại giao.
Dù vậy, ông Thuấn cho rằng vấn đề khó khăn là EU đang khống chế xuất khẩu, vì vậy Bộ Y tế đang đàm phán để nhanh nhất có vắc-xin. Cùng đó, Bộ Y tế cũng đang đàm phán để có các loại vaccine của Mỹ, Nga và Trung Quốc.
“Dự kiến cuối năm 2021, đầu năm 2022 sẽ có vắc-xin COVID-19 trong nước sản xuất. Như vậy, cùng với vắc-xin ngoại nhập dùng bước đầu cộng với vắc-xin trong nước, hy vọng Việt Nam có thể có đủ vắc-xin để tiêm cho cộng đồng” – Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Y tế đã đề nghị: Các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai triệt để Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo 22/TB-VPCP của Thủ tướng về phòng chống dịch COVID-19 và các hướng dẫn của Bộ Y tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và một số tỉnh đã có ca bệnh cần tiếp tục huy động nguồn lực tối đa, phối hợp chặt chẽ các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế để triển khai các biện pháp truy vết, tích cực khoanh vùng, cách ly, kịp thời xét nghiệm nhân rộng, chú trọng thực hiện phong tỏa nhiều lớp. Truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời.
Các tỉnh, thành phố đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng, đặc biệt tại Hà Nội cần thay đổi chiến lược, nâng cấp các biện pháp đáp ứng cao hơn một mức so với đợt dịch trước. Trong đó, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc hạn chế tập trung đông người theo Chỉ thị 15 phù hợp cho từng địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao. Xác định các trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh, coi F2 gần như F1. Bên cạnh đó, vừa thực hiện truy vết đồng thời khoanh vùng ngay, khoanh vùng rộng và lấy mẫu toàn bộ người dân tại các khu vực lây nhiễm cộng đồng. Tiến hành khoanh vùng hoặc nới lỏng khi tất cả các trường hợp đều âm tính. Khuyến cáo mạnh, yêu cầu người dân toàn thành phố bắt buộc phải đeo khẩu trang. Hạn chế tập trung đông người, khu vui chơi, giải trí và tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu.
Các địa phương chủ động xây dựng phương án chống dịch, tổ chức diễn tập, tập huấn về công tác phòng chống dịch. Sẵn sàng phương tiện thuốc, vật tư chống dịch. Không để bị động, bất ngờ khi có ca bệnh trên địa bàn. Các khu cách ly tập trung tăng cường thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế về đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm trong khu cách ly. Xử lý chất thải y tế theo đúng quy định.
Các ban, bộ, ngành, cơ quan, UBND các cấp đảm bảo nguồn lực, điều kiện hoạt động cho các đơn vị làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Đặc biệt là lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. Chỉ đạo các đơn vị chức năng và cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để phát hiện sớm, áp dụng biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Đối với người dân, Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện nghiêm túc 5K. Vận động người dân, người thân nếu có F1 thì khai báo, đồng thời cài đặt ứng dụng truy vết Bluezone. Khuyến khích động viên người dân, người thân không được nhập cảnh trái phép.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ cũng đang quyết tâm trong quý 1/2021 sẽ mua, nhập vắc-xin phục vụ người dân.
Đặc biệt, trong thời gian Đại hội XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập cuộc họp khẩn ngay trong khu vực diễn ra đại hội để có kế sách, quyết định cấp bách phòng chống dịch. Vì vậy, ông đề nghị các đơn vị tiếp tục quyết liệt trong phòng chống dịch, truy vết, xét nghiệm kịp thời, kích hoạt ngay các hệ thống, cơ chế phòng chống dịch.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, nếu chỉ cần lơ là, chủ quan có thể để lại hậu quả nghiêm trọng do diễn biến dịch rất nhanh, khó lường, chủng virus mới có khả năng lây nhiễm cao hơn. Các địa phương cần khanh vùng nhanh, song cần cân nhắc kỹ, không nên cách ly cả địa phương mà nên cách ly theo từng vùng nhằm đảm bảo sản xuất không bị ảnh hưởng.
Kết thúc buổi họp báo, thay mặt Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí chủ trì họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp năm mới Tân Sửu sắp tới và gửi lời cảm ơn chân thành tới các nhà báo, các cơ quan báo chí đã đồng hành với Chính phủ trong suốt năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2016-2020.
Chính phủ ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế-xã hội năm 2021
Sáng 4/1, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo.
Toàn cảnh buổi Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP. (Ảnh: Gia Thành)
Chính phủ ban hành các Nghị quyết 01 và 02 nhằm đề ra các giải pháp quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của năm mới.
Trong đó, Nghị quyết 01/NQ-CP đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Nghị quyết 02/NQ-CP tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Phát biểu tại Họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 1/1, Thủ tướng Chính phủ đã thay mặt Chính phủ ký ban hành 2 dự thảo Nghị quyết nêu trên.
Về mục tiêu năm 2021, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Với ý nghĩa như vậy, yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra là rất lớn.
Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực. Đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức, đòi hỏi Việt Nam không được chủ quan với những kết quả đã đạt được mà cần phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong năm 2021 và thời gian tới.
Thông tin về Nghị quyết 01, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Nghị quyết tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định thông điệp của năm 2021 là: Tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới.
Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, với niềm tin, ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển về tầm nhìn đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Năm 2021 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2020như phát biểu chỉ đạo, giao nhiệm vụ của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 12/2020.
Để thực hiện được những yêu cầu trên, phương châm hành động của năm 2021 được xác định là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển".
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, tập trung vào các nhóm chỉ số, chỉ tiêu cụ thể, gồm: cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp, chất lượng quản lý hành chính đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, chất lượng đào tạo nghề, Kỹ năng của sinh viên, đăng ký phát minh sáng chế, kiểm soát tham nhũng, mức độ tham gia giao dịch trực tuyến, cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức, môi trường sinh thái bền vững.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị theo hướng: xác định rõ cơ quan, đơn vị đầu mối chủ trì; phân định minh bạch, cụ thể quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đầu mối và các cơ quan, đơn vị phối hợp. Đồng thời là chú trọng giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.
Nghị quyết 02 xác định tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; nhấn mạnh các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện: cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân (như các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội); đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước; xây dựng và triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó là tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều, phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa..., phấn đấu giữ vững và cải thiện thứ hạng phát triển bền vững. Đồng thời, thực hiện các giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức toàn xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp về nội dung và ý nghĩa của phát triến bền vững nhằm phát triển nhanh cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nghị quyết xác định tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Không có chuyện 'chợ chiều, rã đám' cuối nhiệm kỳ Nói về việc kiện toàn cơ quan Chính phủ sau ĐH XIII, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh không có chuyện "chợ chiều, rã đám" cuối nhiệm kỳ trong các thành viên Chính phủ. Chiều 2/2, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2021, trả lời câu hỏi của báo chí về việc kiện toàn nhân sự Chính phủ sau Đại...