Chính phủ Hàn Quốc sẽ đề nghị Quốc hội phê chuẩn tuyên bố liên Triều năm 2018
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young ngày 20/5 đã kêu gọi Quốc hội nước này ủng hộ, phê chuẩn thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều năm 2018, cho rằng các vấn đề xuyên biên giới như vậy nên tránh những tranh cãi không cần thiết.
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young (phải) thị sát làng đình chiến Panmunjom ở Paju, phía Bắc Seoul. Ảnh tư liệu: YONHAP/TTXVN
Phát biểu trong một diễn đàn ở Seoul, ông Lee cho biết Chính phủ Hàn Quốc sẽ sớm chính thức đề nghị Quốc hội phê chuẩn “Tuyên bố Panmunjom”, do Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo tại làng đình chiến Panmunjom hồi tháng 4/2018.
Ông Lee cho biết Bộ Thống nhất gần như đã hoàn thành các công việc chuẩn bị nội bộ và xem xét các thủ tục khác liên quan đến việc phê chuẩn Tuyên bố Panmunjom. Bộ sẽ thực hiện các bước đi tiếp theo vào thời điểm thích hợp, tuyên truyền giúp người dân hiểu về văn kiện này, hướng tới để Quốc hội phê chuẩn.
Ông Lee nhấn mạnh việc phê chuẩn Tuyên bố này cũng thể hiện cam kết của Hàn Quốc trong việc phi hạt nhân hóa và xây dựng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, về lâu dài tạo điều kiện để hai miền Triều Tiên và Mỹ hợp tác tốt hơn trong việc tạo bầu không khí hòa bình trong khu vực.
Hàn Quốc thử nghiệm kết hợp các loại vaccine khác nhau trong một phác đồ tiêm phòng
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Chính phủ Hàn Quốc ngày 20/5 thông báo sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng việc kết hợp các loại vaccine phòng COVID-19 của các công ty khác nhau để tiêm cho cùng một người sau một nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy cách làm này hiệu quả.
Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Gwangju, Hàn Quốc. Ảnh tư liêu: THX/TTXVN
Theo đó, dưới sự giám sát của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), Viện Y tế Quốc gia sẽ tiến hành thử nghiệm sự an toàn và hiệu quả của việc sử dụng các loại vaccine khác nhau trong phác đồ tiêm 2 mũi. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp Chính phủ Hàn Quốc xác định xem có áp dụng phương pháp này như một số nước châu Âu hay không.
Một quan chức y tế cấp cao Hàn Quốc cho biết nước này sẽ tiến hành thử nghiệm với những người đã được tiêm vaccine của AstraZeneca mũi đầu tiên, với mũi thứ 2 là vaccine của Pfizer hoặc các vaccine khác đã được Hàn Quốc cấp phép. Khoảng 400-500 người ở các nhóm tuổi và giới tính khác nhau sẽ tham gia thử nghiệm.
Trước đó, một nghiên cứu của Viện Y tế Carlos III của Tây Ban Nha công bố đầu tuần này cho thấy những người được tiêm vaccine AstraZeneca mũi đầu và sau đó là vaccine Pfizer mũi thứ 2 có kháng thể chống virus SARS-CoV2 tốt hơn (gấp 7 lần) những người chỉ tiêm vacccine của AstraZeneca.
Sohn Young-rae, một quan chức y tế cấp cao của Hàn Quốc, cho rằng nhìn chung, hiệu quả và độ an toàn của việc tiêm kết hợp 2 loại vaccine vẫn chưa được chứng minh đầy đủ, thời gian phát triển vaccine COVID-19 tương đối ngắn nên phải tiến hành đánh giá phương pháp này một cách khoa học.
Phía Hàn Quốc đang đánh giá một cách thận trọng kết quả nghiên cứu của Tây Ban Nha. Một số nhà dịch tễ học Hàn Quốc bày tỏ lo ngại tương tự. Ông Choi Jae-wook, Giáo sư y tế dự phòng trường Đại học Y khoa Hàn Quốc cho rằng nghiên cứu của Tây Ban Nha được thực hiện với số lượng hạn chế (670 người tham gia) nên vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn. Chuyên gia Ma Sang-hyuk, Phó Chủ tịch Hiệp hội vaccine Hàn Quốc, cũng cho rằng vaccine phải được tiêm chủng theo phương pháp đã được phê duyệt thông qua nghiên cứu lâm sàng.
Chuyên gia nhận định về cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc và Mỹ Nội dung thảo luận về Trung Quốc giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ là phép thử cho kế hoạch "hợp tác với đồng minh để đối trọng Bắc Kinh" của ông chủ Nhà Trắng. Nhiều nhà quan sát dự đoán Hàn Quốc sẽ không đứng về phía Mỹ chỉ trích gay gắt Trung Quốc,...