“Chính phủ do dân, vì dân mà dân khiếu nại không giải quyết?”
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương chiều ngày 28.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dân kéo về Hà Nội và TP.HCM rất nhiều, nguyên nhân là do khâu giải quyết khiếu nại tố cáo chưa tốt.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra trong cả ngày hôm nay và sáng mai. (Ảnh: IT)
“Chúng ta sai mà không chịu sửa”
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hầu hết tất cả những khiếu nại của người dân đều là liên quan tới đất đai. Thủ tướng cũng cho rằng “nhiều vụ việc đã được giải quyết và cũng có những khiếu nại tiếp do chưa bằng lòng với giải quyết nhưng cơ bản là chúng ta sai mà không chịu sửa”.
“ Chính phủ do dân và vì dân mà dân khiếu nại không giải quyết? Các cấp chính quyền xã, huyện, tỉnh phải giải quyết. Tới đây, có thể phải có chủ trương mời các tỉnh về Hà Nội, TP.HCM nhận dân về để giải quyết các khiếu nại, tố cáo”, Thủ tướng Chính phủ đề xuất.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá, ngành công an, thanh tra các cấp ngành có nhiệm vụ phải giải quyết khiếu nại tố cáo, nhưng vai trò của các địa phương trong giải quyết khiếu nại tố cáo phải là chủ yếu.
“Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” mà người dân hiện nay hay nhắc tới chính là để nói việc không giải quyết các khiếu nại tố cáo”, Thủ tướng chỉ rõ.
Cũng trong Hội nghị chiều nay, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Năm 2017, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp trên 415.300 lượt công dân với 310.600 vụ việc; có trên 5.600 đoàn đông người; xử lý trên 178.500 đơn đủ điều kiện.
Video đang HOT
Ngoài ra, TTCP cũng tập trung giải quyết trên 25.500 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt 84.2%). Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 173 tỷ đồng, 36 ha đất; trả lại quyền lợi cho trên 2.400 người, kiến nghị xử lý hành chính 333 người.
“Thanh tra Chính phủ cũng tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết 533 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp theo Kế hoạch 2100; có 451 vụ việc đủ điều kiện ban hành thông báo chấm dứt thụ lý (đạt 85%). Hiện có 15 địa phương báo cáo không còn vụ việc phức tạp, tồn đọng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lập danh sách 463 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm”, ông khái nói.
Thủ tướng khen các bộ dám “dũng cảm cắt bỏ quyền lực”
Trước đó, đầu giờ chiều, sau khi nghe báo cáo của 4 Bộ trưởng các Bộ: KHĐT, NNPTNT, Tư pháp, Nội vụ, Thủ tướng nhấn mạnh chỉ đạo với một số nội dung.
Về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, Thủ tướng đánh giá, ngành này ngành khác, địa phương này địa phương kia vẫn để tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nên khả năng cạnh tranh quốc gia còn thấp kém, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa hấp dẫn.
Thủ tướng biểu dương một số tỉnh làm tốt như Đồng Tháp với mô hình cà phê doanh nhân, Quảng Ninh với mô hình một cửa – một cửa liên thông. Tuy nhiên, tại, nhiều nơi, bộ máy vẫn không chịu vận động, vẫn trì trệ, nặng nề.
Dẫn chứng con số Bộ trưởng Tư pháp nêu về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, cụ thể, trong năm 2017, các bộ ngành, cơ quan trung ương đã cắt giảm được hơn 5.000 thủ tục, Thủ tướng biểu dương Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, Bộ Xây dựng… đã làm tốt việc này, mỗi bộ cắt giảm từ 1/3-1/2 số thủ tục hành chính.
“Làm được như thế là rất dũng cảm vì thế là dám cắt bỏ quyền lực của mình. Bộ Tư pháp cần tiếp tục giúp cho Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng – PV) đốc thúc thực hiện tốt hơn. Đây là việc rất quan trọng nhưng cũng phức tạp, cần phải quan tâm sát sao vì có thể cắt thủ tục này lại mọc ra thủ tục khác, để bảo vệ quyền lợi của các ngành” – Thủ tướng yêu cầu.
Về vấn đề chống tham nhũng, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra hạn chế: Chống tham nhũng nằm ở địa phương các đồng chí, thanh tra chỉ làm một phần nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý Nhà nước. Công an, các ngành làm nhiệm vụ này nhưng chính các đồng chí nhận thức thì mới làm ra đến nơi đến chốn.”Ở Trung Quốc, việc phát hiện tham nhũng chủ yếu ở địa phương chứ không phải Trung ương phát hiện. Chứ ở ta phát hiện tham nhũng chủ yếu là Trung ương làm”, Thủ tướng khẳng định.Tiếp đó, Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo các địa phương: Chỉ thị của Ban bí thư, của Thủ tướng nói đừng biểu xén Tết nhất nữa. Ông chủ tịch, ông bí thư, các đồng chí lãnh đạo các địa phương không phải lên Trung ương để biếu xén lãnh đạo. Phải chống tham nhũng từ địa phương, từ cơ sở trở đi mới chuyển biến được.
Theo Danviet
Vừa làm Tổng thanh tra Chính phủ đã liên tục nhận được đơn tố cáo
"Trong thực tế, có việc bức xúc thật, nhưng không thể gửi đơn tố cáo khắp nơi từ TƯ đến địa phương. Tôi vừa nhận nhiệm vụ đã nhận được tin nhắn tố cáo liên tục", Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái nói.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. (Ảnh VPQH)
Đang bàn về Luật tố cáo, ĐBQH nhận được tin nhắn về tố cáo
Sáng 8.11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi). Về hình thức tố cáo, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng vẫn giữ quy định hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Ủy ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra) đề nghị, ngoài hai hình thức trên, xem xét bổ sung thêm các hình thức khác như thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định.
Phát biểu góp ý tại tổ, Tổng TTCP Lê Minh Khái cho rằng, với trách nhiệm cao, ông khuyến khích mở rộng hình thức tố cáo, nhưng với tình trạng hiện nay, nguồn nhân lực hiện nay nếu quy định tiếp nhận, xử lý các hình thức tố cáo này thì không đáp ứng được.
"Khi tiếp nhận, phải đi xác minh ban đầu. Mà tố cáo qua điện thoại thì đâu có chữ ký, phải đi xác minh họ tên, địa chỉ, hành vi, lập hồ sơ... mới tiến hành thụ lý được. Tôi lo, nếu thụ lý giải quyết với các hình thức này sẽ rất khó cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo".
Dự thảo quy định, người tố cáo có trách nhiệm gửi đơn tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Tổng Thanh tra cho hay, quy định như dự luật để tránh trường hợp tố cáo tràn lan, vừa giúp các cơ quan không có thẩm quyền giải quyết mất thời gian, vừa không làm ảnh hưởng đến uy tín của người bị tố cáo. "Trong thực tế, có việc bức xúc thật, nhưng không thể cứ gửi đơn khắp nơi từ T.Ư đến địa phương. Tôi vừa nhận nhiệm vụ thôi đã nhận được tin nhắn tố cáo liên tục", Tổng TTCP Lê Minh Khái nói.
Đề cập tới vấn đề này, ĐB Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết: "Chúng tôi thường xuyên nhận được tin nhắn điện tử của một số người chuyên tố cáo. Một ngày nhắn hai tin tố cáo toàn lãnh đạo cấp cao. Trường hợp họ nhắn tin tố cáo hàng ngày kéo dài từ 5-7 năm nay, ngày nào cũng hai tin, vậy có xử lý không trong khi biết tin tố cáo đó không chính xác. Vậy có thụ lý không, nếu không thụ lý không đúng với trách nhiệm, còn thông tin tố cáo như vậy thì không thể nào xử lý được".
Theo ĐB Nhã, quy định mở rộng hình thức tố cáo như qua thư điện tự, fax, điện thoại để nâng cao quyền của công dân nhưng quy định đó phải đảm bảo xử lý được. ĐB Nhã nghĩ đã tố cáo phải dám chấp nhận với sự thật là có đơn hoặc trực tiếp đối chất, còn áp dụng công nghệ thông tin sẽ không thể xử lý được. Sáng sớm ĐBQH đã nhận được tin nhắn tố cáo thì xử lý sao trong khi hàng ngày còn phải làm nhiều việc.
Sau khi phát biểu xong, ĐB Nhã mở điện thoại di động ra thấy có tin nhắn có nội dung tố cáo và chia sẻ ngay việc này với các vị ĐBQH trong tổ.
Tố cáo bằng thư điện tử phải theo quy chuẩn nhất định
Ở quan điểm ngược lại, ĐB Trần Văn Quý (Hưng Yên) cho rằng, cần phải mở rộng hình thức tố cáo để người dân thực hiện quyền công dân. Nếu chỉ bó hẹp trong hai hình thức là tố cáo bằng văn bản và tố cáo trực tiếp như tiếp thu của Chính phủ thì chưa đảm bảo quyền của công dân.
Theo ĐB Quý, việc tố cáo có hai nhiệm vụ chính là xác định được người tố cáo và nội dung tố cáo. Các hình thức tố cáo bằng thư điện tử, điện thoại, cơ quan chức năng vẫn xác định được người tố cáo và nội dung. "Ví dụ, công dân tố cáo một việc gì đó họ gửi thư điện tử kèm theo các tài liệu chứng cứ, số điện thoại. Cơ quan nhận được thư điện tử đó có thể gọi điện thoại lại hỏi xem có phải công dân đó có đơn tố cáo. Nếu họ xác nhận và nói vì lý do này, lý do kia không thể tố cáo trực tiếp thì cơ quan chức năng có thể có lịch hẹn với người đó để xác định lại người và nội dung. Còn trường hợp không liên lạc được với người tố cáo thì nghĩa là tố cáo nặc danh, mạo danh", ĐB Quý bày tỏ.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, một vấn đề nữa là hình thức tố cáo bằng đơn, trực tiếp hay mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại cần nghiên cứu thêm. "Tới đây, chúng ta thực hiện mô hình Chính phủ điện tử", tướng Vương nói.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (ĐQBH tỉnh Hà Giang) cho rằng, hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử đã xảy ra rồi, nên cần điều chỉnh thế nào cho phù hợp.
"Chúng ta phải suy nghĩ, dù tố cáo bằng đơn cũng như thư điện tử, điện thoại phải có một quy chuẩn nhất định. Nếu tố cáo không đúng tôi không giải quyết. Như tố cáo qua thư điện tử thì phải chụp chứng minh nhân dân, mà tới đây là thẻ căn cước, phải ghi rõ nơi ở, chức vụ nghề nghiệp, nếu không thì không giải quyết", Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nói.
Theo Danviet
"Lò nóng lên rồi, không đưa củi vào, lò sẽ tắt"... Những sự vụ tham nhũng được phát hiện gần đây không phải từ Thanh tra Chính phủ hay các cơ quan tố tụng phát hiện ra mà khởi nguồn đều từ báo chí hoặc "xử vụ nọ, xọ vụ kia"... Tôi cam đoan một điều, không chỉ mình tôi hoặc chỉ một số ít người mà nhiều người dân sẽ "choáng" khi nghe...