Chính phủ bắt tay Zalo: Tại sao không?
Xây dựng Chính phủ Điện tử đang là nhiệm vụ Việt Nam coi trọng, thể hiện bằng việc lần đầu có Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường triển khai Chính phủ điện tử trên toàn quốc.
Anh Hải (Liên Chiểu, Đà Nẵng) lúi húi gõ địa chỉ mình đang đứng vào smartphone rồi gửi đến “Tổng đài 1022 Đà Nẵng” trên mạng xã hội Zalo. Chỉ vài giây sau, tin nhắn hồi đáp từ Tổng đài chỉ dẫn cho anh về các tuyến xe buýt và trạm dừng gần nhất, cũng như thông báo rõ về việc có xe sắp chạy tới hay không.
Toàn bộ quá trình tra cứu diễn ra rất nhanh và đương nhiên hoàn toàn miễn phí. Anh Hải cho biết từ ngày Tổng đài 1022 của Thành phố đi vào hoạt động, anh và bạn học thường xuyên truy cập để tra cứu hành trình xe buýt, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, lại tiện lợi và dễ dàng.
Tuy vậy, thông báo hành trình xe buýt không phải là tiện ích duy nhất của Tổng đài này. Chị Mai, chủ một doanh nghiệp đang nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn ung dung đợi đến ngày 29/12 để tới nhận hồ sơ, thay vì phải thấp thỏm đến phòng đăng ký dò hỏi thông tin hằng ngày như trước đây. Tất cả là nhờ một thao tác tra cứu thông tin đơn giản đến Tổng đài dịch vụ công 1022, và những gì chị cần cung cấp chỉ là mã số hồ sơ. Tin nhắn hồi đáp từ tổng đài lập tức nói rõ tên người nộp, ngày hẹn trả và hiện trạng xử lý (đã chuyển phòng chuyên môn, hồ sơ đăng ký mới, chờ thực hiện nghĩa vụ tài chính, đang chờ duyệt hay đã trả kết quả…).
Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/12 vừa qua, Tổng đài 1022 là Tổng đài Hành chính công vừa được Trung tâm Dịch vụ công Đà Nẵng triển khai trên Zalo sau một năm thử nghiệm với kết quả tích cực. Đây cũng là một trong những nội dung chuẩn bị quan trọng trong việc xây dựng, vận hành Chính quyền điện tử của thành phố.
Với việc cho phép sử dụng Zalo để tra cứu dịch vụ công, Đà Nẵng một lần nữa khẳng định vị thế tiên phong của mình trong việc xây dựng Chính quyền điện tử. Trong khi nhiều địa phương khác chỉ mới rụt rè sử dụng mạng xã hội trên máy tính để cung cấp thông tin một chiều thì Đà Nẵng đã mạnh dạn triển khai cho phép tra cứu trên nền tảng OTT, đón đầu cả xu thế sử dụng điện thoại di động đang ngày càng phổ biến trong xã hội.
Theo ông Trần Ngọc Thạch, Giám đốc Trung tâm Thông tin Dịch vụ công thành phố Đà Nẵng, trong tương lai, Tổng đài trên Zalo còn dự kiến cung cấp nhiều loại thông tin hữu ích khác tới người dân như tình hình bão lũ và hướng dẫn phòng tránh; lịch tiếp dân; lịch cắt điện, cắt nước; văn bản, chính sách mới của thành phố, điểm thi tốt nghiệp THCS, THPT, Đại học… với mong muốn trở thành một kênh tương tác thông dụng giữa chính quyền và người dân.
Trước Đà Nẵng, một bộ lớn là Bộ Y Tế cũng đã mở tài khoản riêng trên Zalo để cung cấp thông tin trong ngành, các khuyến cáo phòng dịch… tới cộng đồng. Mới đây nhất, Cổng thông tin Chính phủ cũng đã khai trương cùng lúc 2 tài khoản trên Facebook, song song với một tài khoản trên Zalo để tương tác với công dân 24/7. Có vẻ như mạng xã hội trên di động đang là hướng tiếp cận mới của các cơ quan quản lý đến với xã hội và người dân nhờ những ưu việt về công nghệ, độ phủ của nó.
Video đang HOT
“Các ứng dụng như Zalo, Facebook có rất đông người dùng tại Việt Nam. Chẳng hạn như với Zalo là xấp xỉ 40 triệu người dùng. Do đó, thông tin cung cấp qua kênh này sẽ có độ phủ rất lớn, lại đến với người dân rất nhanh, kịp thời do điện thoại là vật dụng luôn mang theo bên mình của nhiều người. Việc tra cứu thông tin cũng rất đơn giản, chỉ qua 1-2 thao tác, không đòi hỏi người dân phải quá am hiểu về công nghệ”, một chuyên gia trong lĩnh vực Chính phủ điện tử phân tích.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn những dịch vụ gần gũi với người dân để tăng cường độ tương tác với cơ quan quản lý, cơ quan hành chính… cũng khiến cho ý niệm “Chính phủ điện tử” trở nên đời thường hơn, không còn “xa vời” trong mắt nhiều người, chuyên gia này nhấn mạnh.
Tra cứu tình trạng Hồ sơ
Tuy nhiên, để kênh này hoạt động thực sự hiệu quả, các Bộ, ngành, địa phương cần phải khai thác, ứng dụng một cách triệt để thế mạnh của công nghệ, tăng cường các tiện ích và dịch vụ công cung cấp qua đó. Chẳng hạn như người dân có thể bình chọn, chấm điểm một số hoạt động, cuộc thi do chính quyền địa phương hoặc Bộ, ngành tổ chức; đăng ký tài khoản để sử dụng Wi-Fi miễn phí, kiểm tra lịch tiêm chủng, thông tin về các bệnh viện…. Các dịch vụ, tiện ích, thông tin cung cấp trên “Tổng đài xã hội” càng thiết thực, gắn bó với người dân thì càng dễ được xã hội chấp nhận, đi vào cuộc sống.
Có thể nói, xây dựng Chính phủ Điện tử đang là một nhiệm vụ rất được Việt Nam coi trọng, thể hiện bằng việc lần đầu tiên có một Nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết 36a) về tăng cường triển khai Chính phủ điện tử trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, để các mô hình Chính phủ điện tử đi vào thực chất, tránh tình trạng đầu tư theo phong trào, gây lãng phí thì các Bộ, ngành, địa phương rất cần phải xác định và chọn lựa đâu là những dịch vụ, công nghệ cốt lõi nhất, thiết thực nhất, phù hợp nhất với mình.
Các ứng dụng OTT, với ưu thế về đầu tư ít nhưng diện tác động rộng, hạ tầng kỹ thuật ổn định, tốc độ cao, thông tin minh bạch, kịp thời… là một trong những giải pháp khả thi nhất tính đến thời điểm này.
Bản thân đại diện Zalo cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ cho các dự án Chính quyền điện tử của các địa phương, bộ, ngành như hỗ trợ thông báo, kê khai thuế online cho các cơ quan thuế, cung cấp dịch vụ hải quan, xuất nhập cảnh, khai sinh, báo tử, các dịch vụ hộ tịch, đăng ký sổ hồng, tạm trú tạm vắng hay tra cứu tình trạng giao thông…. Câu hỏi đặt ra là mức độ sẵn sàng của các địa phương, tổ chức, Bộ, ngành đến đâu mà thôi!
Theo Đăng Lâm/Thanh Niên
Ba năm Zalo: Từ 0 đến 40 triệu và còn gì nữa?
Đến thời điểm này, Zalo đã giữ ngôi vị OTT số 1 Việt Nam và khu vực Đông Dương, cho dù điều này chưa đi đôi với kỳ vọng về chuyện kiếm tiền, một "nốt lặng" của OTT này.
Cỗ xe phi mã
Tính từ thời điểm chính thức ra mắt vào tháng 12/2012 đến nay, OTT này đã đi từ con số 0 đến 40 triệu người dùng.
Tính ra bình quân, mỗi tháng Zalo "bỏ túi" 1 triệu người dùng. Càng về sau, tốc độ tăng trưởng của Zalo càng phi mã, đặc biệt là từ khi cán mức 10 triệu người dùng trở đi và đủ lực để tăng trưởng tự nhiên.
Tháng 11/2014, Zalo cán mức 20 triệu người dùng. Đến tháng 11/2015, Zalo cán mức 40 triệu. Chỉ trong một năm tăng lên tới 20 triệu người dùng, còn hơn cả sự tăng trưởng bùng phát của thuê bao di động thời vàng son.
Xét về số lượng thuê bao/người dùng, Zalo không kém gì Viettel, còn so với MobiFone và VinaPhone thì nhiều hơn.
VietjetAir và sắp với là Jetstar Pacific đã thông báo sẽ dùng Zalo như một công cụ truyền thông thông báo lịch bay cũng như chăm sóc khách hàng. Với VietjetAir, hãng hàng không này triển khai phương án nhắn tin qua Zalo trước, sau 5 phút nếu tin nhắn Zalo vẫn chưa được đọc thì hãng tiếp tục nhắn tin SMS đến khách hàng. Cách làm này được xem là "một mũi tên nhằm nhiều đích", vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa có phương án dự phòng.
Hiện tại, Zalo đã được định hướng xây dựng không chỉ thuần là một OTT, mà đã dần trở thành một nền tảng di động về truyền thông xã hội hữu hiệu, truyền tải thông tin của nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như dịch vụ tra cứu thông tin về điểm thi, lịch trình xe bus, tra cứu trạng thái hồ sơ nộp tại các cơ quan, các số hotline để người dân liên hệ...
Thời gian gần đây, Zalo không còn tiếp tục được đổ tiền để cạnh tranh giành giật người dùng như hai năm về trước nữa, mà câu chuyện tương lai của OTT này sẽ là khuếch trương thương hiệu, đẩy mạnh hợp tác và cung cấp dịch vụ nhằm tạo nguồn doanh thu.
Về lâu dài, đội ngũ phát triển Zalo cho biết OTT này sẽ còn cung cấp cả những tiện ích thiết thực sát sườn đối với đời sống dân sinh như tra cứu lịch cắt điện, lịch cắt nước, lịch tiếp dân, thông tin bão lũ, lịch tiêm chủng, thông tin về thuốc, về các bệnh thường gặp...
Điểm dừng và điểm thăng hoa
Trước tốc độ tăng trưởng người dùng phi mã của Zalo, có một câu hỏi đặt ra là điểm dừng của Zalo về thuê bao sẽ là bao nhiêu?
Khi đã đạt mức 40 triệu người dùng, tất nhiên là ngưỡng bão hoà cũng đang đến gần. Thời gian gần đây, Zalo không còn tiếp tục được đổ tiền để cạnh tranh giành giật người dùng như hai năm về trước nữa, mà câu chuyện tương lai của OTT này sẽ là khuếch trương thương hiệu, đẩy mạnh hợp tác và cung cấp dịch vụ nhằm tạo nguồn doanh thu.
Điều này xem ra cũng hợp lý. Khi không còn đối thủ cạnh tranh cân sức trên thị trường nội địa thì Zalo cũng không còn lý do phải hao tổn công sức và tiền bạc để giành giật người dùng. Khi ngưỡng bão hoà đang đến gần thì việc vung tiền như trước là không cần thiết và không chừng lại chính là sự lãng phí. Sau khi bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để phát triển thuê bao trong những năm qua, nay đã tạm đủ để OTT này tính tiếp con đường trong giai đoạn mới là phát triển kinh doanh, trở thành công cụ truyền thông di động hàng đầu và tất nhiên phải đạt hiệu quả kinh tế.
40 triệu người dùng/90 triệu dân, tương đương tỉ lệ 44,4% dân số. Cột mốc mà Zalo phải tạo lập để mang đến kỉ lục trên thị trường trong thời gian tới chính là một nửa dân số Việt Nam (50%) dùng Zalo.
Và đối với bất cứ dịch vụ cung cấp đến người dùng đầu cuối nào, việc cán được mức 70% dân số sử dụng chính là con số kì vọng mơ ước. Nhưng dẫu Zalo vươn được đến con số này, thì điều họ còn mơ ước nhiều hơn chính là hiệu quả kinh doanh.
Chỉ khi kiếm được tiền bù đắp được cho khoảng đầu tư kếch xù suốt hơn 3 năm qua và có lãi, điều đó mới giúp cho OTT này thực sự thăng hoa trên thương trường.
Theo Hải Yến/VnEconomy
Zalo thêm tính năng chia sẻ thông tin riêng tư Ứng dụng nhắn tin theo thời gian thực Zalo vừa bổ sung bản cập nhật mới, cung cấp thêm tính năng "nhật ký chung" cho phép hai người bạn thân cùng chia sẻ và lưu trữ những khoảnh khắc riêng tư với nhau. Thao tác kích hoạt tính năng "nhật ký chung" - Ảnh chụp màn hình Theo đó, để tạo trang "Nhật...