Chính phủ Ấn Độ bị tố phớt lờ cảnh báo Covid-19
Chuyên gia cảnh báo biến thể nCoV mới dễ lây lan hơn ở Ấn Độ từ tháng 3, nhưng chính phủ bị cho là không làm gì để ngăn chặn.
Hiệp hội Di truyền học SARS-CoV-2 của Ấn Độ, hay INSACOG, là một nhóm cố vấn khoa học do chính phủ thành lập tháng 12 năm ngoái nhằm phát hiện các biến thể nCoV có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng. INSACOG tập hợp 10 phòng thí nghiệm quốc gia có khả năng nghiên cứu các biến thể của virus.
Các nhà nghiên cứu của INSACOG lần đầu phát hiện B.1.617, hiện được gọi là biến thể virus ở Ấn Độ, vào đầu tháng 2, Ajay Parida, giám đốc Viện Khoa học Đời sống của nhà nước và là thành viên INSACOG, cho hay.
INSACOG đã chia sẻ phát hiện với Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia (NCDC) của Bộ Y tế trước ngày 10/3, cảnh báo ca nhiễm có thể nhanh chóng gia tăng ở các vùng của đất nước, giám đốc giấu tên của một trung tâm nghiên cứu miền bắc Ấn Độ hôm nay cho hay. Kết quả nghiên cứu sau đó được chuyển cho Bộ Y tế. Bộ Y tế hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Cùng thời gian đó, INSACOG bắt đầu chuẩn bị dự thảo thông cáo truyền thông cho Bộ Y tế, trong đó nêu rõ biến thể mới có hai đột biến đáng kể đối với phần virus bám vào tế bào người và chiếm 15%-20% mẫu bệnh phẩm từ Maharashtra, bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Dự thảo nói rằng các đột biến, được gọi là E484Q và L452R, là “mối lo ngại lớn”. Các biến thể có thể dễ dàng xâm nhập vào tế bào người và chống lại phản ứng miễn dịch của một người.
Người thân mặc đồ bảo hộ cầu nguyện trước thi thể nạn nhân Covid-19 được chôn cất tại một nghĩa địa ở New Delhi, Ấn Độ hôm 30/4. Ảnh: AFP .
Bộ Y tế công khai các phát hiện vào 24/3, nhưng không bao gồm cụm từ “mối lo ngại lớn”. Tuyên bố chỉ nói rằng có nhiều biến thể hơn và cần tăng cường các biện pháp đã được tiến hành, gồm xét nghiệm và cách ly. Xét nghiệm kể từ đó tăng gần gấp đôi, lên 1,9 triệu/ngày.
Khi được hỏi tại sao chính phủ không phản ứng mạnh mẽ hơn đối với các phát hiện, như hạn chế tụ tập đông người, Shahid Jameel, chủ tịch nhóm cố vấn khoa học của INSACOG, cho biết ông lo ngại rằng giới chức không chú ý đến bằng chứng khi hoạch định chính sách .
“Chính sách phải dựa trên bằng chứng, không phải ngược lại”, ông nói. “Tôi lo rằng khoa học đã không được tính đến khi thúc đẩy chính sách. Nhưng tôi biết quyền hạn của mình dừng lại ở đâu. Với tư cách nhà khoa học, chúng tôi cung cấp bằng chứng, việc hoạch định chính sách là của chính phủ”.
Bất chấp cảnh báo, chính phủ không tìm cách áp đặt hạn chế để ngăn chặn đợt bùng phát lớn. Hàng triệu người không đeo khẩu trang tham dự các lễ hội tôn giáo, các cuộc vận động chính trị của Thủ tướng Narendra Modi, đảng Nhân dân Ấn Độ cầm quyền và các chính trị gia đối lập. Hàng chục nghìn nông dân tiếp tục cắm lều ở ngoại ô New Delhi để phản đối chính sách nông nghiệp của Thủ tướng.
Giám đốc giấu tên cho biết cảnh báo đã được chuyển đến Bộ trưởng Nội các Rajiv Gauba, người báo cáo trực tiếp với Thủ tướng. Hiện chưa rõ cảnh báo của INSACOG có được chuyển cho chính Modi hay không.
Văn phòng của Thủ tướng Modi và Bộ trưởng Gauba đều chưa bình luận về thông tin trên.
Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng Covid-19 nghiêm trọng hơn nhiều so với lần đầu tiên vào năm ngoái, mà một số nhà khoa học cho rằng có thể do biến thể mới và một biến thể khác lần đầu được phát hiện ở Anh.
Video đang HOT
Đợt bùng phát này là cuộc khủng hoảng lớn nhất của Ấn Độ kể từ khi Modi nhậm chức năm 2014. Hiện chưa rõ việc xử lý đại dịch có thể ảnh hưởng thế nào đến Modi hoặc đảng của ông về mặt chính trị. Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2024. Các cuộc bầu cử địa phương gần đây nhất phần lớn đã được hoàn tất trước khi quy mô đợt gia tăng ca nhiễm trở nên rõ ràng .
Một số nhà khoa học nói rằng trách nhiệm không chỉ thuộc về giới lãnh đạo chính trị. “Không có lý do gì để đổ lỗi cho chính phủ”, Saumitra Das, giám đốc Viện Gene Y Sinh Quốc gia, thuộc INSACOG, nói.
Giám đốc NCDC Sujeet Kumar Singh gần đây nói rằng nên có các biện pháp phong tỏa chặt chẽ vào đầu tháng 4. “Theo chúng tôi, thời gian chính xác cần áp lệnh phong tỏa chặt chẽ hơn là 15 ngày trước”, Singh nói trong cuộc họp ngày 19/4, song không đề cập liệu ông có cảnh báo trực tiếp với chính phủ về sự cần thiết phải hành động vào thời điểm đó.
“Người ta nhấn mạnh rằng trừ khi các biện pháp quyết liệt được thực hiện ngay bây giờ, sẽ là quá muộn để ngăn chặn tỷ lệ tử vong mà chúng ta sẽ thấy”, Singh nói, đề cập cuộc họp ngày 18/4. Ông không xác định quan chức chính phủ nào đã tham gia cuộc họp.
Một số quan chức chính phủ trong cuộc họp lo rằng các thành phố trung bình có thể gặp vấn đề về pháp lý và trật tự khi nguồn cung cấp y tế thiết yếu như oxy cạn kiệt, một kịch bản đã bắt đầu xảy ra ở nhiều vùng của Ấn Độ.
Tuần trước, nhóm chuyên trách Covid-19 của chính phủ, gồm 21 chuyên gia và quan chức do VK Paul, cố vấn Covid-19 hàng đầu của Modi, chủ trì đã bày tỏ nhu cầu hành động khẩn cấp. Cuộc thảo luận ngày 15/4 của nhóm “nhất trí rằng tình hình nghiêm trọng và chúng ta không nên chần chừ trong việc áp đặt lệnh phong tỏa”.
Paul đã có mặt tại cuộc thảo luận. Hiện chưa rõ Paul có chuyển tiếp kết luận của nhóm cho Modi hay không.
Hai ngày sau cảnh báo ngày 18/4 của Singh đối với quan chức chính phủ, Modi phát biểu trước toàn quốc, phản đối lệnh phong tỏa. Ông cho biết phong tỏa nên là biện pháp cuối cùng để chống dịch. Cách đây một năm, Ấn Độ áp lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài hai tháng, khiến hàng triệu người mất việc làm và tàn phá nền kinh tế.
Chính quyền các bang của Ấn Độ có quyền hạn rộng hơn trong việc thiết lập chính sách y tế cho các khu vực của họ, và một số đã hành động độc lập để cố gắng kiểm soát virus lây lan.
Maharashtra, bang đông dân thứ hai của đất nước, đã áp đặt các hạn chế cứng rắn như đóng cửa văn phòng và cửa hàng vào đầu tháng 4 do các bệnh viện hết giường, oxy và thuốc. Bang cũng áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn vào 14/4.
Bang Punjab, tâm điểm các cuộc biểu tình của nông dân, áp lệnh cấm đi lại từ 23/3. Tuy nhiên, hàng nghìn nông dân vẫn ở lại các trại biểu tình ở ngoại ô Delhi, nhiều người di chuyển qua lại giữa hai nơi trước khi lệnh cấm bắt đầu.
“Đó là một quả bom hẹn giờ”, Agrawal, giám đốc Viện Gene và Sinh học tích hợp, nơi nghiên cứu một số mẫu bệnh phẩm từ Punjab, cho biết. “Đó là vấn đề của đợt bùng phát, và tụ tập công cộng là vấn đề lớn trong thời đại dịch. B.1.1.7 là biến thể thực sự tồi tệ về khả năng lây lan”.
“Chúng ta đang ở trong tình huống rất nghiêm trọng. Mọi người lắng nghe các chính trị gia hơn các nhà khoa học”, Shanta Dutta, một nhà khoa học nghiên cứu y tế tại Viện Quốc gia về Dịch tả và Bệnh đường ruột, cho biết.
Hoài nghi khả năng Mỹ đặt hạm đội mới ở Singapore
Bộ trưởng Hải quân Mỹ Braithwaite đề xuất lập hạm đội mới đóng quân ở Singapore, song giới chuyên gia nói điều này khó xảy ra.
Tại hội nghị chuyên đề của Liên đoàn Tàu ngầm Hải quân Mỹ ngày 16/11, Bộ trưởng Hải quân Kenneth Braithwaite cho biết nước này dự định thành lập thêm một hạm đội ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để hỗ trợ Hạm đội 7 đang đóng quân tại Yokosuka, Nhật Bản.
Braithwaite nói hạm đội mới, có thể được đặt tên là Hạm đội 1, sẽ đóng quân tại khu vực của ngõ giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương "để chứng tỏ sự hiện diện của Mỹ trong khu vực". Braithwaite giải thích rằng Mỹ "cần tìm đến các đồng minh và đối tác như Singapore, Ấn Độ và đặt một hạm đội tại khu vực có giá trị nếu có biến cố xảy ra".
Tuy nhiên, một số chuyên gia hàng hải châu Á mô tả đề xuất này của Washington là "quá đột ngột" và là một "phép thử" đơn phương của chính quyền sắp mãn nhiệm Donald Trump, nhưng nhiều khả năng sẽ không nhận được sự ủng hộ vồn vã của các nước trong khu vực.
Nhiều nước châu Á đã bày tỏ lập trường hoan nghênh sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ ở khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có những động thái quyết liệt nhằm gia tăng ảnh hưởng tại đây. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng việc cho phép một căn cứ quân sự thường trực Mỹ mới của Mỹ trong khu vực sẽ vấp phải phản ứng mạnh từ Trung Quốc, điều các nước ở châu Á không muốn chứng kiến vào thời điểm này.
Bộ Quốc phòng Singapore cho hay họ chưa thảo luận với phía Mỹ về việc triển khai thêm tàu chiến ở nước này.
Collin Koh Swee Lean, chuyên gia thuộc trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), nhận định dù là một trong những đối tác chiến lược chủ chốt của Mỹ ở Đông Nam Á, Singapore sẽ coi việc Mỹ triển khai một hạm đội ở đây là "không thể chấp nhận được". Singapore đang tìm mọi cách để "xóa bỏ ấn tượng" rằng nước này đang lập liên minh quân sự chính thức với Mỹ.
Ý tưởng lập hạm đội mới ở châu Á cũng khó được Tổng thống đắc cử Joe Biden thông qua nhanh chóng mà không cần xem xét kỹ lưỡng.
"Tôi cho rằng chính quyền Biden sẽ thận trọng hơn với các vấn đề chính trị nhạy cảm trong khu vực và sẽ thảo luận kỹ lưỡng đề xuất này với các đồng minh, đối tác của Mỹ, nếu kế hoạch này chưa bị loại bỏ vào tháng 1/2021", Koh nói.
Tiêm kích F/A-18E bay trên tàu sân bay Ronald Reagan tại Biển Đông, ngày 8/11. Ảnh: US Navy .
Chuyên gia Olli Pekka Suorsa thuộc RSIS tin rằng đề xuất lập hạm đội mới ở châu Á của Bộ trưởng Hải quân Mỹ chỉ là "đòn tâm lý" nhằm truyền đi thông điệp về "ý định và quyết tâm cạnh tranh về lâu dài" của Mỹ tới Trung Quốc.
Trong khi đó, chuyên gia John Bradford của RSIS nói từ quan điểm của hải quân Mỹ, ý tưởng lập hạm đội mới là phù hợp do Hạm đội 7, đóng quân tại Nhật Bản, đang phải "căng mình" do phụ trách khu vực quá lớn nhằm đối phó với "các thách thức hàng hải lớn nhất của Mỹ".
Bộ trưởng Braithwaite cũng cho rằng Mỹ không thể chỉ dựa vào Hạm đội 7 để ứng phó với mọi thách thức ở châu Á và tin rằng hạm đội mới có khả năng răn đe mạnh mẽ hơn.
Ông cho rằng Hạm đội 1 có thể trở thành "lực lượng viễn chinh" di chuyển khắp Thái Bình Dương để hỗ trợ các đồng minh và đối tác. Tuy nhiên, Braithwaite không cung cấp thông tin chi tiết về quy mô dự kiến của Hạm đội 1 hay khả năng điều động chiến hạm từ các hạm đội khác tới.
Một phát ngôn viên hải quân Mỹ sau đó cho biết "chưa có quyết định về thời gian hoặc địa điểm thành lập một hạm đội mới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Hai hạm đội của Mỹ đang phụ trách khu vực này, gồm Hạm đội 7 hoạt động ở vùng biển rộng 48 triệu km 2 từ đường đổi ngày giữa Thái Bình Dương tới khu vực ngoài khơi tiểu lục địa Ấn Độ, và Hạm đội 5 phụ trách phần còn lại của Ấn Độ Dương cùng khu vực Trung Đông.
Vùng hoạt động của các hạm đội thuộc Hải quân Mỹ. Đồ họa: Wikimedia.
Chuyên gia Koh nói kế hoạch của Braithwaite dường như "chưa được cân nhắc kỹ lưỡng" so sánh nó với đề xuất triển khai tên lửa tầm trung tại châu Á được cựu bộ trưởng quốc phòng Mark Esper công bố tháng 8/2019, song nhiều đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc khi đó không mặn mà với phương án này.
Việc Bộ trưởng Braithwaite nêu đích danh Singapore là nơi đóng quân của hạm đội mới cũng khiến nhiều chuyên gia chú ý. Giới chức Singapore từ năm 1990 cho phép Mỹ tiếp cận các cơ sở quân sự trên quốc đảo. Các nhóm tác chiến tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân Mỹ thường xuyên ghé qua căn cứ hải quân Changi của Singapore, nơi đóng vai trò là điểm tiếp liệu và tiếp tế cho lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương.
Singapore từ năm 2013 bắt đầu cho tàu tác chiến ven biển Mỹ triển khai luân phiên tại nước này, sau đó là các trinh sát cơ P-8 Poseidon. Tuy nhiên, những thỏa thuận này không tạo thành liên minh quân sự giữa Singapore và Mỹ. Thủ tướng Lý Hiển Long gần đây nhấn mạnh rằng quan hệ chiến lược với Mỹ không đồng nghĩa Singapore chọn phe trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Singapore cho biết thỏa thuận năm 2012 về luân phiên triển khai 4 tàu tác chiến ven bờ của Mỹ vẫn "còn hiệu lực". "Chưa có thêm yêu cầu hay cuộc thảo luận nào với Bộ Quốc phòng Mỹ về triển khai thêm tàu chiến của nước này tại Singapore", phát ngôn viên này cho biết.
"Singapore nguy cơ phải trả cái giá lớn hơn lợi ích nhận được nếu cho phép Hạm đội 1 đóng quân, do đây được coi là đơn vị hậu thuẫn cho chiến lược tái cân bằng cứng rắn của Mỹ nhằm vào Trung Quốc", Thomas Daniel, chuyên gia Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Malaysia, cho biết.
Các quốc gia láng giềng của Singapore cũng khó lòng đồng ý thỏa thuận cho phép Mỹ đặt căn cứ thường trực, do động thái như vậy có thể làm gia tăng đáng kể căng thẳng trong khu vực.
Tàu tác chiến ven biển USS Montgomery neo đậu tại căn cứ quân sự Changi, Singapore, tháng 6/2019. Ảnh: US Navy .
Chuyên gia Koh nói Singapore tìm cách tạo điều kiện cho Mỹ hiện diện lâu dài và bền vững trong khu vực, song tránh để điều này bị hiểu thành "liên minh chính thức với Mỹ hoặc mối quan hệ quốc phòng tương đương". "Singapore được cho từ chối đề nghị trở thành đồng minh ngoài NATO của Mỹ năm 2003 và tôi thấy họ đang tìm cách duy trì điều đó", Koh nói.
Các chuyên gia khác cho rằng quy mô lớn của một căn cứ thường trực cấp hạm đội khiến Singapore khó trở thành nơi Mỹ đặt trụ sở Hạm đội 1 nếu nước này thành lập. "Có khác biệt giữa việc Mỹ triển khai số lượng hạn chế chiến hạm với việc đặt trụ sở một hạm đội tại Singapore", chuyên gia Suorsa cho biết.
"Việc xây dựng lực lượng hải quân đồn trú tại nước ngoài lớn hơn đòi hỏi nguồn lực và cơ sở hạ tầng đáng kể ở nước sở tại. Singapore sẽ phải mở rộng đáng kể bất cứ cơ sở nào đang có nếu cho một hạm đội của Mỹ đồn trú. Tôi thấy Singapore không có động lực chính trị để làm điều này", Suorsa nói.
Bradford, cựu sĩ quan hải quân thuộc Hạm đội 7, nhận định dù dự kiến hoạt động ở cửa ngõ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, hạm đội mới "không nhất thiết phải đóng quân ở châu Á". "Mỹ có nhiều kinh nghiệm chỉ huy từ xa các chiến dịch tại một khu vực. Hạm đội 1 có thể hữu ích nếu lên kế hoạch phát triển cẩn thận, tỉ mỉ và huy động được nguồn lực", Bradford nói.
Ca nhiễm vượt 57 triệu, WHO kêu gọi G20 hỗ trợ tiền mua vaccine Covid-19 Lãnh đạo WHO và EU kêu gọi các nước G20 lấp khoảng trống 4,5 tỷ USD để hỗ trợ các nước mua vaccine và bộ xét nghiệm nCoV. Thế giới ghi nhận thêm 10.800 ca tử vong do Covid-19 hôm 18/11, nâng số người chết vì đại dịch lên 1.364.463. Tổng số ca nhiễm hiện là 57.185.318, tăng 663.796 ca, trong khi 39.683.300...