Chính giới Hàn Quốc mâu thuẫn về vấn đề Nhật Bản xả nước thải ra biển
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, chính giới Hàn Quốc vẫn tiếp tục mâu thuẫn về việc Nhật Bản chính thức xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima ra biển từ ngày 24/8.
Các bể chứa nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ở Fukushima, Nhật Bản, ngày 22/8/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Đảng Dân chủ (DP) đối lập kêu gọi tuần hành và tổ chức mít tinh lớn tại quảng trường Gwanghwamun trung tâm Seoul trong ngày 26/8 yêu cầu Tokyo dừng xả nước thải nhiễm xạ ra biển. Chủ tịch đảng DP đối lập chính Lee Jae-myung yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc cần yêu cầu Nhật Bản bồi thường ngay lập tức, nhằm bù đắp phần nào thiệt hại cho ngư dân và người dân Hàn Quốc.
Trong khi đó, đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền chỉ trích việc đảng đối lập DP kích động tâm lý bất an trong dư luận về vấn đề nước thải nhiễm xạ của Nhật Bản và không khác với việc thổi bùng lên phong trào tẩy chay với hàng thủy sản của Hàn Quốc.
Tại buổi tọa đàm của Liên hiệp hợp tác xã thủy sản Hàn Quốc (Suhyup), được tổ chức ngày 25/8 nhằm lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp thủy sản và đưa ra các biện pháp liên quan đến vấn đề Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ, Chủ tịch đảng cầm quyền Kim Gi-hyeon chỉ trích hành vi tuyên truyền chính trị đe dọa tới sinh kế của ngư dân và những lao động làm trong ngành thủy sản.
Video đang HOT
Hoạt động xả nước thải của Nhật Bản trên thực tế đang gây ra thiệt hại cho ngư dân Hàn Quốc. Theo KBS, thu nhập của ngư dân Hàn Quốc đã sụt giảm mạnh sau khi Nhật Bản quyết định xả nước thải từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima ra biển. Mặc dù đang vào mùa ra khơi đánh bắt cá chim trắng byeongeo nhưng nhiều ngư dân vẫn neo thuyền. Một ngư dân cho biết giờ không thể ra khơi bởi không còn kênh nào thu mua cá. Các tổ chức ngư dân, tổ chức dân sự trên toàn Hàn Quốc đang tập trung lại để biểu tình lên án kế hoạch xả thải ra biển của Tokyo, kêu gọi Chính phủ Nhật Bản phải dừng ngay kế hoạch này.
Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO) ngày 25/8 cho biết các mẫu nước biển được lấy sau khi xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima cho thấy nồng độ phóng xạ thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép.
Công tác xả khoảng 1,34 triệu tấn nước thải ra biển Thái Bình Dương bắt đầu ngày 24/8. TEPCO đã lấy mẫu nước thải để tiến hành thử nghiệm nhanh chiều 25/8. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn TEPCO Keisuke Matsuo xác nhận kết quả phân tích mẫu nước thải dưới 1.500 becquerel/lít. Ông Matsuo lưu ý con số này tương tự như mô phỏng trước đây của tập đoàn và thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép.
Tiêu chuẩn an toàn quốc gia của Nhật Bản cho phép tối đa 60.000 becquerel/lít. Người phát ngôn của TEPCO nhấn mạnh tập đoàn sẽ tiếp tục phân tích mẫu nước thải hằng ngày trong 1 tháng tới hoặc thậm chí lâu hơn.
Với việc giải thích rõ ràng và dễ hiểu, tập đoàn hy vọng sẽ xoa dịu nhiều mối lo ngại về nước thải nhiễm phóng xạ.
Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết đã thu thập mẫu nước biển tại 11 địa điểm trong ngày 25/8 và dự kiến kết quả phân tích mẫu sẽ được công bố ngày 27/8.
Nhật Bản xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển
Ngày 24/8, Nhật Bản đã bắt đầu xả nước thải nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển.
Các bể chứa nước thải chưa qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, ngày 20/1/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong video phát trực tiếp từ phòng điều hành, Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO) công bố hình ảnh nhân viên bật máy bơm nước biển, qua đó tiến hành việc xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển.
Liên quan đến quyết định này của Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ phản đối, cho rằng đây là một vấn đề lớn đối với an toàn hạt nhân và có tác động xuyên biên giới.
Trước đó, một quan chức Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc đã hối thúc Nhật Bản lưu tâm đến quan điểm của cộng đồng quốc tế, tiến hành xả nước một cách khoa học, an toàn và minh bạch, cũng như chấp nhận sự giám sát của quốc tế.
Trong báo cáo an toàn công bố tháng trước, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khẳng định việc Nhật Bản xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ sẽ có tác động không đáng kể đối với người dân và môi trường. Ngày 23/8, IAEA cho biết sẽ thông tin thường xuyên với Chính phủ Hàn Quốc về hoạt động của Nhật Bản xả nước thải đã xử lý phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển. Theo Tổng Giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi, hai bên đã nhất trí lập khuôn khổ chia sẻ thông tin nhằm giải quyết những lo ngại của Hàn Quốc. Cơ quan này khẳng định kế hoạch xả thải của Nhật Bản "đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của IAEA, vốn được dùng làm hệ quy chiếu toàn cầu để bảo đảm an toàn cho người dân và môi trường".
IAEA đã mở một văn phòng thường trực tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima và sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động xả thải để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và sẽ "cung cấp thông tin cập nhật" cho phía Hàn Quốc. IAEA cũng sẽ công khai các dữ liệu giám sát thời gian thực về hoạt động này.
Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị ảnh hưởng. TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy, phải xử lý hàng trăm bể chứa hơn 1 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng.
Năm 2021, giới chức Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch xả dần nước thải đã qua xử lý ra biển. Nhật Bản cho biết nước thải nhiễm phóng xạ sẽ trải qua hệ thống lọc để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro. Các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.
Toàn cảnh việc xả nước thải từ nhà máy Fukushima ra biển khiến láng giềng Nhật Bản bất an Kế hoạch của Nhật Bản xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển đã làm dấy lên lo lắng ở cả trong và ngoài nước. Các bể chứa nước thải chưa qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, ngày 20/1. Ảnh: AFP/TTXVN Kể từ trận sóng thần...