Chín tuổi chỉ nặng như trẻ 1,5 tuổi, bác sĩ cảnh báo bệnh thiếu hormone tăng trưởng
Bé H.V (Thái Bình) bước vào năm chín tuổi chỉ nhỉnh hơn một em bé 1,5 tuổi với chiều cao 79 cm và nặng 9 kg.
Suốt chín năm qua, em sống khép mình, không thể tự chủ được vệ sinh, không có cơ hội đến trường như các bạn bè cùng trang lứa. Bệnh lý suy tuyến yên bẩm sinh đã cướp đi tuổi thơ của em nhiều năm qua.
TS, BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho cháu bé.
Nỗi ám ảnh vì con không lớn
N.H.V (Thái Bình) khá nhút nhát khi tiếp xúc với người khác. Từ khi có nhận thức, bé luôn tỏ ra tức giận, cáu kỉnh hoặc thu hẹp mình lại khi bị chê bé, còi.
Mẹ của bé V. – chị Q.T.T cho biết, V. chào đời năm 2009 với 2,8kg. Cháu bé phát triển bình thường đến tháng thứ 5, nặng 5 kg. Tuy nhiên, chín tháng sau đó, V. không tăng lên lạng nào. Gia đình khăn gói lên Hà Nội khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, được các bác sĩ chẩn đoán suy dinh dưỡng. “Nếu sáu tháng sau, con không lên lạng nào thì lại mang đến đây khám”, bác sĩ khám cho bé nói.
Chị T. lại cho con về nhà chăm bẵm. Nhưng mỗi bữa, bé chỉ ăn được một thìa cơm. Ăn ít, phát triển chậm, sáu tháng sau cân vẫn đứng im tại chỗ, gia đình lại cho con lên Hà Nội khám lần 2. Lần này, kết quả cũng không khác lần trước.
Ba năm sau, nỗi sốt ruột tăng dần, chị T. lại cho con lên Viện Dinh dưỡng quốc gia khám. Niềm hy vọng mang về là thuốc bổ và sữa với hy vọng sau ba tháng con mình sẽ tăng cân. “Ba tháng sau, con tôi tăng được hai lạng”, chị T. nói.
Quyết tâm tìm ra bệnh lý của con, năm bé hơn sáu tuổi, gia đình lại cho bé H. lên Hà Nội để khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. “Các kết quả xét nghiệm của cháu bé bình thường, tôi chán không muốn cho con đi khám nữa”, chị T. nói.
Thời điểm này, bé ở tuổi bước vào lớp 1. Năn nỉ, xin xỏ mãi, nhà trường đồng ý cho con chị được đến trường. Nhưng ngặt nỗi, bé V. không tự chủ được vệ sinh, chưa biết tự chăm sóc bản thân. V. lúc nào cũng phải có mẹ chăm sóc, bế đi lại, phục vụ như trẻ một tuổi.
Video đang HOT
Bé V. đã tăng được 29 cm.
Chỉ nặng 9kg, cao chỉ 79 cm, V. trở thành tâm điểm trêu chọc của bạn bè. Rồi cứ năm này qua năm khác, V. học đi học lại lớp 1, cho tới khi cậu em trai kém hai tuổi cũng vào lớp 1, hai chị em lại học cùng lớp. Học mãi không lên được lớp, nhà trường khuyên gia đình nên cho con đi học ở trường dành cho trẻ đặc biệt.
Chị T. kể, bé V. phát triển ngôn ngữ bình thường, những chuyện ở lớp về đều kể cho bố mẹ nghe. Thấy em trai học viết chữ thế nào, em cũng học theo như vậy. Chỉ có điều, cân nặng vẫn không xê dịch.
Năm 2019, vào độ tuổi con chuẩn bị dậy thị, chị T. một lần nữa quyết tâm lên Hà Nội khám cho con với kỳ vọng “xem có thuốc gì kích cho con mau lớn”.
Tiếp nhận cháu bé, TS, BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi V. 9,5 tuổi nhưng sự phát triển về thể chất chỉ tương đương trẻ 1,5 tuổi. “Trẻ phát triển chậm ở mức độ rất nặng. Qua thăm khám, chúng tôi phát hiện trẻ bị suy tuyến yên bẩm sinh, đặc biệt thiếu hormone tăng trưởng nặng”, BS Dũng nói.
Không từ bỏ cơ hội
Xác định là một trường hợp phát triển rất chậm, được can thiệp muộn, nhưng các bác sĩ vẫn rất quyết tâm điều trị cho cháu bé. V. được điều trị hormone tăng trưởng thay thế hormone thiếu hụt và may mắn trẻ đáp ứng rất tốt.
BS Dũng cho biết, 12 tháng đầu tiên sau điều trị, cháu bé tăng 18 cm và trong 10 tháng tiếp theo, bé tăng được 11cm. Như vậy, trong 22 tháng điều trị, cháu bé tăng 28 cm, tăng 10 kg so với trước (cân nặng đạt 19,6 kg).
“Đây là trường hợp đáp ứng tốt và rất điển hình của thiếu hụt hormone tăng trưởng do suy tuyến yên nặng. Dù cháu bé được chẩn đoán muộn nhưng việc đáp ứng điều trị rất tốt”, BS Dũng nói.
Bé V. được thăm khám chiều 17-12.
Về lộ trình điều trị cho cháu bé, BS Dũng cho biết thêm, mục đích điều trị hormone để trẻ đuổi kịp tốc độ tăng trưởng đúng tuổi và giới của cháu. Khi đạt được mức độ đó, mục tiêu tiếp theo là duy trì tốc độ lớn của cháu bé.
Những cháu thiếu hormone tăng trưởng nặng và bẩm sinh như V. sẽ được điều chỉnh khi cháu bé đạt chiều cao bình thường. Đến năm 16-18 tuổi, các bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng thiếu hụt hormone để quyết định có chuyển tiếp sang điều trị hormone tăng trưởng ở liều người lớn để duy trì chức năng chuyển hóa của cơ thể. Nếu điều trị kiên trì, V. sẽ đạt được đến 80% chiều cao như người bình thường.
Trong suốt năm qua, chị T. là người tiêm hormone cho con tại nhà vào mỗi tối. Ban đầu bé cũng rất phản ứng. Chị T. động viện con “Nếu con muốn làm công an thì phải tiêm nhiều mới bắt được cướp”, nên dần dần bé V. chịu tiêm.
Ngày hôm nay, bé V. được mẹ đưa đến khám định kỳ tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Chị T. tâm sự, đến nay, bé V. đã tự tin hơn rất nhiều, có thể tự đi vệ sinh. Bé có thể ăn được hai lưng bát cơm một bữa và đặc biệt không còn hay ốm như trước. “Tôi chỉ mong xem bác sĩ chữa để con lớn có thể tự chăm sóc được bản thân. Cháu đã phát triển được thế này là tôi đã thỏa nguyện rồi”, chị T. hạnh phúc nói.
Vấn đề chiều cao là mối quan tâm lớn của nhiều gia đình. Gần đây, nhiều gia đình cho con đi khám khi thấy con không có được chiều cao như bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, số cháu bé thật sự cần phải điều trị bệnh lý chỉ chiếm 10%.
Trung bình mỗi ngày có 20 cháu đến khoa Nội tiết – Chuyển hóa khám vì vấn đề chậm tăng trưởng chiều cao. Có nhiều gia đình cho con đến khám rất muộn. “Có nhiều ca ở Nghệ An, Hà Tĩnh đưa con đến với chúng tôi rất tiếc vì 17 tuổi mà chiều cao và cân nặng chỉ như một trẻ chín tuổi. Những trường hợp này can thiệp quá muộn, trẻ không dậy thì được, không thể có con”, BS Dũng nói.
Bé V. có hy vọng đạt được tới 80% chiều cao so với bạn bè trang lứa.
Năm năm qua, khoa Nội tiết – Chuyển hóa đang quản lý 400 bệnh nhi. Theo BS Dũng, số lượng này chưa phản ánh hết được tỷ lệ bệnh nhi thiếu hormone tăng trưởng vì chắc chắn vẫn còn nhiều cháu đến khám ở các cơ sở khác hoặc chủ yếu đi khám dinh dưỡng.
BS Dũng cũng cho biết, ở cháu mức độ nhẹ và thiếu hormone tăng trưởng không rõ nguyên nhân, sau khi đánh giá mức độ bài tiết hormone tăng trưởng tự nhiên của cơ thể đạt mức độ bình thường sẽ không cần điều trị ở tuổi trưởng thành.
“Trong vòng sáu tháng, đặc biệt trong một năm thấy chiều cao của cháu bé dừng lại, tăng không quá 4 cm là có vấn đề về tăng trưởng chiều cao. Khi đó, chúng ta nên cho trẻ đi khám sớm để can thiệp kịp thời”, BS Dũng khuyến cáo.
Bé trai cao thêm 18 cm sau một năm rưỡi tiêm hormone
Cậu bé 14 tuổi bị suy tuyến yên nên chỉ nặng 33 kg, cao 135 cm, thấp hơn 28 cm so với chuẩn trung bình.
Mẹ bé cho biết mỗi năm con trai chỉ tăng 1-2 cm, có năm không cao thêm. Thấy con quá thấp bé so với bạn cùng lớp, mẹ đưa đến bệnh viện địa phương tại Bình Phước khám, bác sĩ tư vấn cho bé sử dụng thêm các loại sữa bổ sung canxi cùng thực phẩm chức năng giúp tăng chiều cao.
Sau một thời gian, chiều cao của bé không cải thiện. Mẹ đưa con đến Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM khám tìm nguyên nhân, đầu năm 2019.
Các bác sĩ liên chuyên khoa Nội tiết, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Dinh dưỡng - Tiết chế... phối hợp đánh giá các nguyên nhân có thể gây chậm tăng trưởng chiều cao ở bé. Họ phát hiện cậu bé bị thiếu hụt hormone tăng trưởng trầm trọng, do suy tuyến yên toàn bộ.
Tháng 2/2019, các bác sĩ bắt đầu tiến hành tiêm hormone tăng trưởng, đồng thời bổ sung các hormone tuyến yên cho bé. Hơn 18 tháng sau, cuối tháng 11, kết quả tái khám cho thấy chiều cao của bé tăng hơn 18 cm, đạt 153 cm.
Bác sĩ Chi tư vấn cho mẹ con bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Theo bác sĩ Hoàng Khánh Chi, khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, tình trạng trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi gọi là chậm tăng trưởng chiều cao. Thấp lùn có thể gây mặc cảm, tự ti và ảnh hưởng đến một số hoạt động xã hội của trẻ.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ, như thể tạng kém, suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, rối loạn di truyền hoặc nhiễm sắc thể. Trẻ bị suy thận mạn, các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hormone tăng trưởng, suy tuyến yên... cũng có thể là nguồn cơn. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể do chấn thương đầu nặng, u não, nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não. Một số trường hợp không xác định được nguyên nhân.
Trong đó, yếu tố thiếu hormone tăng trưởng là nguyên nhân khiến khoảng 1/4.000-1/10.000 trẻ không tăng trưởng chiều cao. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến chậm tăng trưởng. Để điều trị và cải thiện chiều cao hiệu quả, trẻ cần được phát hiện thiếu hormone tăng trưởng ngay khi tuổi còn nhỏ. Tầm soát, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ở "giai đoạn vàng" sẽ giúp cải thiện quá trình thúc đẩy tăng chiều cao cho trẻ.
Bác sĩ Chi cho hay, trên thực tế, không ít phụ huynh thấy con thấp còi thường tự ý mua các thực phẩm chức năng, sữa bổ sung canxi và các chất dinh dưỡng cho con mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ.
"Tình trạng này có thể dẫn đến mất cân bằng các chất dinh dưỡng, trẻ béo phì mà chiều cao vẫn không được cải thiện", bác sĩ Chi nói.
Bác sĩ Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết, chia sẻ tốc độ tăng trưởng chiều cao sẽ dừng khi tuổi xương được 14-15 tuổi ở bé trai và 15-16 tuổi ở bé gái. Lúc này các sụn xương sẽ đóng lại, việc điều trị hormone tăng trưởng sẽ không còn tác dụng. Do đó, việc tầm soát sớm các yếu tố gây chậm tăng trưởng chiều cao rất quan trọng, giúp chẩn đoán đúng nguyên nhân và điều trị đúng phương pháp nhằm đạt hiệu quả phát triển chiều cao tối ưu cho trẻ.
Ở giai đoạn đầu, trẻ điều trị bằng hormone tăng trưởng. Khi đến độ tuổi thiếu niên, trẻ sẽ được đánh giá lại tình trạng rối loạn hormone tăng trưởng. Nếu rối loạn hormone tăng trưởng vẫn tiếp diễn, cần điều trị lâu dài cho bé.
"Bỏ qua giai đoạn vàng phát triển, việc điều trị sẽ không còn tác dụng, trẻ sẽ thấp hơn nhiều so với chiều cao lẽ ra có thể sẽ đạt được khi trưởng thành", bác sĩ Nam khẳng định.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên liên tục theo dõi tốc độ tăng trưởng chiều cao, cân nặng của con theo biểu đồ tăng trưởng. Nếu chiều cao của con thấp hơn trung bình, nên đưa đến khám chuyên khoa Nội tiết và chuyên khoa Nhi để được tầm soát, điều trị sớm.
Cứu trẻ sơ sinh bị teo thực quản bẩm sinh hiếm gặp Trong thăm khám và sàng lọc sau sinh, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn phát hiện bé sơ sinh mới chào đời bị teo thực quản bẩm sinh. Nhập viện sinh trong tình trạng đa ối, sản phụ T.D.H. (37 tuổi, trú tại Hà Nội) sinh mổ lần hai bé gái nặng 3,4kg tại Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn....