Chín cách giúp trẻ hết lười ăn rau
Cha mẹ hãy để trẻ tập ăn rau từ rau củ chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, như: khoai tây, cà rốt, ngô, đậu Hà Lan, khoai lang…
Đối phó với “bệnh” lười ăn rau có thể là hành trình gian khổ cho cả phụ huynh lẫn con cái. Đôi khi, trẻ không ăn rau vì ghét mùi vị của một số thực phẩm hoặc không muốn thử món ăn mới. Dưới đây là một số phương pháp phụ huynh có thể áp dụng để giúp con cái hết lười ăn rau.
1. Đừng bắt đầu việc ăn uống như một cuộc chiến
Khi trẻ không chịu ăn rau, phụ huynh thường có xu hướng ép buộc hoặc la hét để bắt con ăn nhưng kết quả là chúng khóc và hét lại với bạn. Một bữa ăn đã trở thành cuộc chiến giữa bố mẹ và con cái mà cả hai bên đều căng thẳng, thất vọng.
Trong cuộc chiến này, phần đông phụ huynh sẽ “nhận thua” và để trẻ ăn bất cứ thứ gì chúng thích. Điều này càng thường xuyên lặp lại trẻ sẽ càng ghét ăn rau, không chịu hợp tác trong nhiều trường hợp, không chỉ ở việc ăn uống. Vì vậy, cha mẹ đừng tạo ra cuộc chiến ăn uống với con. Khi con không hợp tác, hãy cố gắng giữ bình tĩnh, hít một hơi thật sâu và nghĩ cách khác.
2. Cha mẹ hãy là tấm gương cho con cái
Trẻ em thường quan sát và bắt chước người lớn, kể cả việc ăn uống. Nếu muốn con ăn rau, cha mẹ hãy là người đầu tiên ăn chúng. Hãy xem lại chế độ ăn uống và cách ăn của mình để tìm ra các lựa chọn lành mạnh làm gương cho trẻ.
3. Cho trẻ thử đồ ăn với từng miếng nhỏ
Cha mẹ có thể để trẻ làm quen với các loại rau quả bằng một trò chơi nhỏ. Hãy đưa cho trẻ một mẩu thức ăn, cho chúng nếm thử và đoán tên. Bạn nên bắt đầu từ những món ăn quen thuộc để tạo hứng khởi cho trẻ, dần dần đưa thêm những món ăn lạ để trẻ làm quen. Trò chơi này yêu cầu phụ huynh kiên nhẫn vì với món ăn lạ, trẻ thường mất khoảng 10 lần chơi để tập quen với chúng.
Ảnh: Verywell Fit
4. Bắt đầu với các loại rau chứa tinh bột
Cha mẹ hãy để trẻ tập ăn rau từ rau củ chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, như: khoai tây, cà rốt, ngô, đậu Hà Lan, khoai lang… Bạn có thể cung cấp một phần nhỏ thực phẩm này trong bữa cơm của trẻ hoặc thử áp dụng trò chơi trên.
Lý do nên bắt đầu với rau củ chứa tinh bột vì vị giác của trẻ dễ dàng tiếp nhận vị ngọt. Việc ăn rau sẽ trở thành trải nghiệm lành mạnh, tích cực khiến tinh thần trẻ thoải mái. Bằng cách đó, việc thử một số loại rau có vị hơi đắng hoặc hơi cay sẽ dễ dàng hơn.
5. Thêm trái cây, rau củ vào món ăn yêu thích của trẻ
Bạn hãy bí mật cho thêm trái cây, rau củ vào món ăn con yêu thích để chúng làm quen dần với việc ăn rau. Phương pháp này có thể đảm bảo cung cấp chất dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ.
Video đang HOT
Bạn có thể nói trước cho trẻ để chúng không ngạc nhiên nếu món ăn yêu thích có vị khác bình thường. Bạn cũng có thể để con tự lựa chọn kết hợp món mới.
Ảnh: Verywell Fit
6. Sử dụng thức ăn kèm với rau
Nước sốt, kem hay sữa chua… có thể biến rau củ trở nên hấp dẫn hơn, thu hút vị giác của trẻ. Phụ huynh có thể cho con ăn dâu tây, chuối với siro chocolate; bông cải xanh với phomai; táo với siro caramen…
Đồ ăn kèm có thể là món con yêu thích, nhưng bạn nên chú ý số lượng thức ăn kèm phải ít hơn rau để con hiểu rằng rau củ mới là món chính. Theo thời gian, trẻ sẽ học cách thưởng thức rau củ mà không cần thức ăn kèm.
7. Tạo niềm vui khi ăn uống
Bạn có thể biến việc ăn rau của con trở thành niềm vui với những cốc, bát dễ thương hoặc trang trí rau củ thành hình trẻ yêu thích. Bạn cũng có thể tổ chức buổi dã ngoại ngoài trời hay cùng con đặt tên riêng cho các món ăn. Việc tạo cho trẻ nhiều niềm vui và động lực khi ăn uống sẽ làm giảm sự căng thẳng.
Ảnh: Verywell Fit
8. Tìm một người bạn
Đôi khi dù phụ huynh cố gắng giải thích, khuyên bảo đến mức nào, trẻ cũng không chịu ăn rau. Trường hợp này, cha mẹ nên thử cho con ăn uống cùng một người bạn thân thiết. Quan trọng nhất, người bạn đó không được kén ăn.
Phụ huynh hãy chuẩn bị những món ăn giống nhau cho con và bạn bè chúng. Khi nhìn thấy bạn ăn ngon lành những món trẻ không thích, chúng có thể học theo. Trẻ sẽ nghĩ rằng nếu bạn bè mình ăn được thì món này có vẻ không tệ như mình tưởng.
9. Cho trẻ cùng nấu ăn
Để trẻ tham gia vào quá trình nấu ăn là cách giúp chúng có động lực thử những món mới. Trẻ thường thích ăn những món mình chuẩn bị. Bạn hãy bắt đầu từ việc đưa trẻ đi chợ, cùng chọn thực phẩm. Sau đó, hãy để trẻ cùng vào bếp phụ giúp cha mẹ nấu cơm từ những việc nhỏ như rửa, phân loại rau… Với phương pháp này, phụ huynh cần lưu ý để trẻ tránh xa vật dụng sắc nhọn hay đồ vật nóng.
Tú Anh
Theo Verywell Fit/VNE
6 bước đơn giản đến không ngờ để bảo vệ thị lực của bé ngay từ nhỏ
Với sự chăm sóc đúng cách và phát hiện vấn đề nếu có từ sớm, bố mẹ hoàn toàn có thể giúp bé nhà mình có thị lực tốt nhất ngay từ bé.
Không cần phải lúc nào cũng trông cậy hoàn toàn vào bác sĩ, bố mẹ cũng có thể bảo vệ mắt và thị lực của con ngay tại nhà với những bước siêu đơn giản sau đây:
1. Giữ mắt luôn sạch:
Cha mẹ hãy dùng bông sạch nhúng vào nước đun sôi để nguội rồi lau mắt cho con.
Luôn luôn rửa tay thật sạch trước và sau khi rửa mắt cho con. Nhúng một cục bông sạch vào nước đã đun sôi để nguội, nhớ là dùng hai cục khác nhau cho hai mắt để tránh nhiễm trùng chéo. Sau đó bắt đầu lau từng mắt bắt đầu từ góc bên trong cho đến góc ngoài mắt, vừa lau vừa nói chuyện với con để xoa dịu con. Đừng lau bên trong mí mắt của bé.
2. Kích thích thị lực:
Hãy để bé cầm những đồ chơi có nhiều màu sắc và dành thời gian ở ngoài trời. Và đặc biệt nên nhớ là không nên đưa những thiết bị cầm tay như iPad, điện thoại thông minh, TV hay máy tính cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
3. Chú ý cẩn thận với những bé sinh non:
Bệnh lý võng mạc khi sinh non khiến các mạch máu bất thường hình thành ở võng mạc ở một số trẻ sinh non. Nó có thể dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị.
4. Theo dõi những mốc phát triển quan trọng:
Cha mẹ hãy chú ý đến mốc phát triển của con, nếu có gì chậm hay bất thường hãy cho trẻ đi khám ngay.
Hãy cẩn thẩn với những những mốc phát triển chậm và bất thường như kiểm soát đầu kém hay không thể ngồi thẳng bởi chúng có thể là dấu hiệu của bệnh mắt tiềm ẩn.
5. Duy trì chế độ ăn lành mạnh:
Cung cấp cho trẻ với những vitamin và khoáng chất cần thiết để đảm bảo phát triển mắt tối ưu. Các bé dưới 6 tháng tuổi chỉ nên bú sữa mẹ và uống sữa công thức. Sau 6 tháng thì bạn có thể cho bé làm quen với đa dạng những loại rau xanh, lòng đỏ trứng và cá, ví dụ như cá hồi.
6. Tránh để bé tiếp xúc với những mối đe dọa từ môi trường:
Bụi bặm, không khí ô nhiễm, khói hóa chất có thể gây ảnh hưởng đến phát triển thị lực của bé.
Liệu thị lực của bé có đang phát triển theo đúng giai đoạn không?
Dưới 2 tháng tuổi
Ở giai đoạn này bố mẹ có thể kích thích tầm nhìn của bé bằng cách cho bé thấy các màu sắc (đen, trắng, đỏ, cam, vàng và xanh) hoặc đồ chơi có hoa văn đậm.
Bé có thể nhìn thấy ngay từ khi sinh ra nhưng không biết mình đang nhìn thấy gì. Khi võng mạc của bé phát triển trong một vài tuần sau, bé có thể nhìn thấy các họa tiết sáng và tối màu, cũng như những hình dạng lớn và màu sắc tươi sáng. Bé tập trung tốt nhất vào những vật cách mắt từ 20 đến 35cm, vì vậy hãy nói chuyện và làm những khuôn mặt hài hước, tươi cười khi ôm bé. Bố mẹ có thể kích thích tầm nhìn của bé bằng cách cho bé thấy các màu sắc (đen, trắng, đỏ, cam, vàng và xanh) hoặc đồ chơi có hoa văn đậm, mỗi lần một thứ.
2-4 tháng tuổi
Sự phát triển thị giác của trẻ thể hiện qua việc trẻ nhận biết được một số chi tiết của bức tranh, chẳng hạn bức tranh được giữ theo chiều ngang hay chiều dọc, trên đó có một hay nhiều vật và có thể để ý đến các chi tiết trên bức tranh đó. Bé quan sát cử động của bàn tay mình và tập trung hai mắt vào trò chơi với các ngón tay. Nếu bé bú bình, bé sẽ nhận ra bình sữa và có những cử chỉ vui mừng khi bạn đưa bình sữa tới gần mặt bé. Bé nhìn kỹ hơn những vật ở xa như đồ đạc ở bên kia phòng hoặc bên ngoài cửa sổ.
5 đến 8 tháng tuổi
Từ 6 đến 8 tháng, nhận thức về chiều sâu của bé được phát triển hơn nhiều.
Khi được 5 tháng tuổi, bé có thể nhận ra bạn từ phía xa và mỉm cười với bạn. Từ 6 đến 8 tháng, nhận thức về chiều sâu của bé (khả năng nhìn thấy một vật thể cách mình bao xa) được phát triển hơn nhiều. Điều này cho phép bé tiếp cận và nhặt đồ vật từ một khoảng cách xa. Khả năng nhìn màu sắc của cũng được cải thiện, bé có thể phân biệt những sắc thái tinh tế của màu sắc.
9 đến 12 tháng tuổi
Trong giai đoạn này sự phát triển thị giác của trẻ cho phép trẻ có thể theo dõi những vật đang chuyển động và quan sát chúng một cách rõ hơn. Trẻ sẽ tìm chính xác nơi đồ vật lăn ra và có thể nhận ra người quen từ khoảng cách 6 mét hoặc xa hơn. Bé bắt đầu cảm thấy thích thú khi quan sát chuyển động của người, động vật và đồ vật cả trong nhà lẫn bên ngoài.
Nguồn: Smartparent
Theo Helino
5 thói quen khi nấu cháo của mẹ khiến con còi cọc, chậm lớn Cháo là món ăn phổ biến của trẻ nhỏ nhưng rất nhiều mẹ mắc sai lầm khi nấu cháo khiến bé chậm lớn, thiếu dinh dưỡng. Giai đoạn ăn dặm vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển các cơ quan của bé. Trong giai đoạn ăn dặm bé thường ăn cháo là chủ yếu. Dù cháo là món...